21-4-2019
Bây giờ là năm 2019, năm chẵn của nhiều sự kiện quan trọng liên quan tới lịch sử chủ nghĩa xã hội.
Vào năm 1989, một series cách mạng thay đổi chế độ ở Đông và Trung Âu đã diễn ra mà kết quả của nó là hàng loạt quốc gia chia tay hoàng hôn với chủ nghĩa xã hội.
Đây là năm xảy ra biến cố Thiên An Môn đẫm máu.
Đây cũng là năm Việt Nam rút quân khỏi Campuchia.
Mình nhớ vào năm 2009, hai mươi năm sau sự kiện Việt Nam rút quân khỏi Campuchia, tờ tạp chí Time mà cơ quan mình đặt mua dài hạn đã bị “ai đó” cắt đi rất nhiều trang ruột. Người ta cắt trang trước khi báo đến tay mình và sau đó mình phải nhờ một đồng nghiệp ở nước ngoài kiểm tra nội dung những trang bị cắt thì mới biết hóa ra đó là loạt chuyên đề về sự kiện Việt Nam rút quân khỏi Campuchia.
Bây giờ là năm 2019, ba mươi năm sau cái năm 1989 long trời lở đất, lại xảy ra một chuyện tranh cãi ở Trung Quốc liên quan đến biến cố Thiên An Môn.
Trước thềm kỷ niệm sự kiện này – ngày 4.6 – một phim ngắn được đăng tải trên mạng kể về công việc của “những người đã cho chúng ta mượn cặp mắt để nhìn thế gian”, tức là những phóng viên ảnh. Phim khắc họa vài khoảnh khắc nguy hiểm của các phóng viên ảnh: một anh bị dí súng vào đầu khi tác nghiệp ở châu Phi, một chị cất máy ảnh để lao ra cứu mấy bà mấy mẹ Hồi giáo trùm đầu đang bị các tay súng dí chạy giữa sa mạc (có lẽ đâu đó bên Palestine), một anh chụp hình bầy sói giữa miền tuyết trắng, một anh gan lì đứng lại chụp hình một chiếc xe đang đuổi theo đám đông chạy thục mạng…
Trong rất nhiều anh chị tác nghiệp ở chốn hiểm nguy ấy, nổi lên một anh phóng viên ở Bắc Kinh (anh này được dành thời lượng nhiều nhất) và chính đây là điều gây ra tranh cãi.
Dù phim không có một câu một chữ nào đề cập trực tiếp đến biến cố Thiên An Môn nhưng ngụ ý thì cứ rõ mồn một.
Mở đầu phim có dòng chữ Beijing, 1989 (Bắc Kinh, 1989), năm mà chính phủ Trung Quốc đàn áp các sinh viên biểu tình đòi dân chủ trên quảng trường Thiên An Môn theo sau cái chết của nhà lãnh đạo Hồ Diệu Bang.
Nhân vật trung tâm là một anh phóng viên Tây phương có cái máy ảnh Leica. Giữa lúc anh đang ở trong phòng khách sạn thì bên ngoài sảnh xảy ra lộn xộn, anh bạn cùng phòng chạy vào vơ hành lý rồi bảo “tau phải đi đây”. Sau đó, khi anh nhân vật chính ra mở cửa để xem có chuyện gì thì hai gã công an trờ tới xét hỏi. Bên này nói tiếng Anh bên kia chém tiếng Trung chẳng ai hiểu ai.
Một lúc sau hai gã công an không tìm thấy gì khả nghi bèn lơ anh nhân vật chính. Anh ta bèn núp một chặp rồi vô lấy máy ảnh chạy ra. Ở khoảnh khắc cuối cùng, người xem thấy hình ảnh một người đứng trước đoàn xe tăng phản chiếu lên ống kính của anh nhân vật chính. Thế rồi màn hình đen lại và người ta nghe tiếng màn trập máy ảnh vang lên.
Phim kết thúc với đề từ rằng nó được làm ra để tri ân những người “đã cho chúng ta mượn cặp mắt để nhìn thế gian”. Cuối cùng là cái logo Leica hiện lên, cho thấy có vẻ như đây là một sản phẩm video marketing của Leica.
Bộ phim chưa đầy năm phút này đã bị nhiều cư dân mạng Weibo ở Trung Quốc phản đối. Hình ảnh người đàn ông đứng trước bầy xe tăng được phản chiếu lên ống kính trong phim rõ ràng là tấm ảnh “Tank Man”, một biểu tượng nổi tiếng trong cuộc đứng lên của sinh viên Trung Quốc vào năm 1989.
“Leica bị mất trí à? Leica muốn chuốc rắc rối thì kệ, nhưng tại sao lại kéo Huawei vô?”, một cư dân mạng Weibo viết. Một người khác đặt câu hỏi: “Quý vị có xứng đáng để hợp tác với một công ty yêu nước như Huawei không?” (Kiểu phản ứng rất đặc trưng của những sản phẩm công dân được nhào nặn dưới các thể chế độc đoán!)
Mạng Weibo đã chặn các nội dung có chứa từ “Leica” bằng ký tự Latin hoặc tiếng Trung do “vi phạm quy tắc cộng đồng”.
Trong khi phe “lề phải” chửi Leica, phe bên kia lại rất chi hoan hỉ. Nhiều người ca ngợi Leica đã làm một phim hay ho, giúp mọi người nhớ lại quá khứ, cũng là nhắc nhở mọi người không quên thực tại vẫn còn nhiều bức bối.
Nhưng Leica, với tư cách là một công ty, thì thị trường hơn một tỉ dân Trung Quốc là rất quan trọng, không chỉ là thị trường khổng lồ cho sản phẩm máy ảnh cao cấp của họ mà còn là hợp đồng hợp tác công nghệ ống kính máy ảnh cho điện thoại Huawei (*).
Chuyện tranh cãi dường như đã tiến triển tới tầm mức một khủng hoảng truyền thông của Leica.
Thế nên, sau khi phim gây bão mạng, Leica bèn lên tiếng thanh minh rằng họ không liên quan đến cái phim đó, bằng chứng là không một kênh chính thức nào của họ đăng tải phim đó.
Tuyên bố của Leica khiến “lề trái” Trung Quốc hơi bẽ bàng chút xíu, nhưng không hề gì bởi trọn vẹn bộ phim đã được đăng lên mạng YouTube, nơi mà bàn tay kiểm duyệt của chính phủ Trung Quốc khó mà vươn tới.
Ai rảnh lên xem nhé – phim The Hunt (Thợ săn, Người săn ảnh)!
P.S: Với dân làm online marketing và báo mạng mà nói, thì phim này một lần nữa nhắc nhớ: video is the father of the king!