Điểm cuối của thể chế

Mai Quốc Ấn

22-4-2019

Bác sĩ Hoàng Công Lương và cựu Viện phó, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng Nguyễn Hữu Linh là hai trường hợp tôi đánh giá là những “điển hình ngược” của nền tư pháp Việt Nam. Ở cả hai vụ, điểm cuối của thể chế đang đối phó cảm xúc đám đông thay vì phục vụ nhân dân.

Bác sĩ Lương. Xin nhấn mạnh rằng tôi vẫn coi Hoàng Công Lương là một bác sĩ. Cơ sở của điều đó chính là rất rất nhiều các ý kiến chuyên môn lẫn những chứng lý luật sư đưa ra tại phiên tòa xét xử vụ hệ thống chạy thận gây chết người ở bệnh viện tỉnh Hòa Bình cho thấy anh ấy vô tội. Chính xác hơn, không thể bắt một bác sĩ như Lương (hay bất cứ bác sĩ, người hoạt động nghề y nào) phải chịu trách nhiệm cho việc mình không làm.

Nhưng Lương vẫn bị bắt, vẫn bị tuyên y án. Thứ kết án mà tôi gọi là “kết án tương lai“!

Trường hợp của Nguyễn Hữu Linh thì khác hẳn, ở chiều ngược lại. Với 3 camera ghi nhận chứng cứ, có thêm bảo vệ tòa nhà làm nhân chứng và rất nhiều ý kiến phân tích pháp lý nhưng lần lữa mãi thì cuối cùng mới khởi tố hắn ta. (Trong sự chờ đợi đến uất ức của bản thân, tôi vẫn ghi nhận được ít nhất 5 vụ ấu dâm khác từ lúc phát hiện đến lúc khởi tố tên quỷ râu xanh ấy.)

Linh đã bị bắt vì hắn là một trend quá lớn trên mạng xã hội? Hay chính Linh, với kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực điều tra đã suýt xoay được cán cân công lý?

Dù thế nào thì trường hợp của bác sĩ Hoàng Công Lương và tên quỷ râu xanh Nguyễn Hữu Linh đều là những bất cập của thể chế, chứ không chỉ riêng nền tư pháp.

Một thể chế tốt hay một nền tư pháp tốt phải làm được tốt chức năng phòng tội phạm. Nghĩa là các thiết chế, quy định pháp luật đưa ra phải chặt chẽ, đủ tính răn đe. Chứ không phải hệ thống văn bản pháp quy đầy kẽ hở để rồi khi chống các loại tội phạm giống cảnh tự thả gà ra đuổi.

Nói thẳng, đó là những biểu hiện của một nền tư pháp thiếu tính độc lập. Và nó cũng là cơ hội cho những “chuyên gia” thuộc loại ngu dốt nhất hay độc ác nhất lên mặt dạy khôn nhân dân. Họ cố tạo ra những góc nhìn sai về bản chất để cho đám đông tranh cãi và dễ quên đi những bất cập khác cũng đầy nguy hại, thậm chí nguy hại hơn cho xã hội so với vụ “nựng” bé gái trong thang máy. Ví dụ như ký một văn bản xả thải ảnh hưởng đến môi trường, đến hàng nghìn hay thậm chí là hàng triệu người chẳng hạn…

Điểm cuối của thể chế là phục vụ nhân dân chứ không phải dẫn dắt nhân dân đi từ cảm xúc tức giận, chờ đợi, uất ức và cuối cùng là tưởng chừng thỏa mãn khi kẻ phạm tội bị khởi tố. Nghĩa là thay vì để nhân dân tự hào rằng khởi tố một kẻ phạm tội có sự đóng góp đấu tranh của mình; mà phải là cảm giác yên tâm rằng những kẻ phạm tội đã được ngăn ngừa tối đa hành vi và nếu có gây án cũng bị bắt ngay.

Bởi một nền tư pháp dân túy hay nhìn rộng là một thể chế dân túy, không phải thứ đảm bảo cho công bằng xã hội. Mà chỉ là sàn diễn ồn ào của đám đông bị dẫn dắt, trong khi “kẻ đạo diễn” âm thầm thực hiện những phi vụ kinh thiên động địa hơn.

Lần nữa, xin nhắc lại, đám đông có quyền tự hào vì góp phần giải oan cho ai đó hoặc góp phần đưa kẻ phạm tội vào tù. Nhưng đó là thứ tự hào trong bi kịch được tạo ra bởi thể chế tồi và bị dồn nén cảm xúc quá lâu vì “bị bắt cóc” cảm giác công bằng.

Một hội chứng Stockholm* điển hình, nhưng trên diện rộng.

*Hội chứng Stockholm hay quan hệ bắt cóc là thuật ngữ mô tả một loạt những trạng thái tâm lý, trong đó con tin lâu ngày chuyển từ cảm giác sợ hãi, căm ghét sang quý mến, đồng cảm, có thể tới mức bảo vệ và phát triển phẩm chất xấu của kẻ bắt cóc.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây