Nguyên Đại
15-4-2019
“Tám mươi bảy năm trước, cha ông ta đã khai sinh một quốc gia mới trên lục địa này, dựa trên nền tảng của tự do và bình đẳng cho tất cả mọi người.
Chúng ta bước vào cuộc nội chiến thách thức sự tồn tại lâu dài của quốc gia này. Chúng ta gặp nhau trên chiến trường và nơi đây trở thành chốn yên nghỉ cuối cùng của nhiều người, để cho quốc gia này được tồn tại. Tất cả chúng ta đều đã làm đúng những gì mà chúng ta phải làm.
Nhưng, trong nghĩa rộng hơn, chúng ta không thể biến đất nước này trở thành một linh địa. Chính những con người anh dũng, dầu đã ngã xuống hay còn sống hôm nay, đã chiến đấu nơi đây đã làm cho vùng đất này trở thành một linh địa. Thế giới này sẽ mau chóng lãng quên những điều chúng ta nói ở đây hôm nay, nhưng sẽ không bao giờ quên được những hy sinh của họ nơi đây. Họ đã chiến đấu, với danh dự cao cả, cho cuộc sống của chúng ta và để chúng ta tiếp tục những công việc còn dang dở của tất cả chúng ta.
Chúng ta ở đây hôm nay vinh danh những nhiệm vụ vĩ đại của những người đã danh dự ngã xuống và sẽ tiếp tục phát triển những cống hiến của họ đến mức cao nhất, để những hy sinh của họ không trở nên oan uổng. Và đất nước này, dưới sự che chở của Thượng Đế, tự do được tái sinh – một chính phủ của tất cả người dân, do người dân tạo ra, và vì người dân – sẽ không lụi tàn trên mặt đất.”
Đó là bài diễn văn của kẻ chiến thắng 30/4/1975? Đúng một nửa.
Nửa đúng là diễn văn của lãnh tụ bên thắng cuộc.
Và, nửa còn lại là: đó là bài diễn văn của Tổng Thống Abraham Lincoln (bản tạm dịch của người viết) đọc vào ngày 19/11/1863 trên lộ trình kết thúc cuộc nội chiến Bắc-Nam của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
Cuộc chiến giữa Liên quân các tiểu bang miền Bắc nước Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Tổng Thống Lincoln, và tổng chỉ huy của tướng Ulysses S. Grant, là người sau này trở thành vị tổng thống thứ 18 của Hoa Kỳ, và quân đội của các tiểu bang miền nam nước Mỹ dưới sự chỉ huy của tướng Robert E. Lee. Các tiểu bang miền Nam chủ trương duy trì giai cấp nô lệ, trong khi các tiểu bang miền Bắc chủ trương sự bình đẳng cho tất cả mọi người.
Bài diễn văn đã đi vào lịch sử nhân loại bởi vì: (1) rất ngắn, chưa tới 300 chữ; (2) không có một từ ngữ nào về chiến thắng; (3) vinh danh những người đã hy sinh từ hai phía của cuộc chiến, họ – tất cả họ – đã anh dũng, và danh dự ngã xuống cho sự tồn tại của Hoa Kỳ, bao gồm vị Tổng Thống Abraham Lincoln, là người đã bị một tay súng ủng hộ liên quân miền Nam ám sát bằng súng vào vào ngày 14/4/1865, chỉ 5 ngày sau khi quân đội miền Nam đầu hàng liên quân miền Bắc.
Hơn một tháng sau, ngày 1/6/1865, khi tiếng súng chiến tranh thật sự im bặt, Thượng Nghị Sĩ Charles Sumner đã viết rằng, Tổng Thống Lincoln đã có một “nhầm lẫn” khi nói rằng: “thế giới này sẽ mau chóng lãng quên những điều chúng ta nói ở đây hôm nay”, bởi, khác hơn là, “thế giới đã ghi nhận lập tức những điều ngài đã nói, những trận đánh, tự bản chất của nó, đã không còn quan trọng bằng những lời lẽ này của ngài”. Ông Sumner đã phán đoán chính xác, nhân loại không bao giờ quên những lời lẽ đó của Tổng Thống Abraham Lincoln.
Những lời lẽ ngắn gọn đó có sức mạnh khép lại tất cả những bất đồng, hướng đến việc chấm dứt cuộc chiến tranh đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ, với hơn 750 ngàn binh sĩ tử trận từ hai phía chiến tuyến, chưa kể những thường dân. Những lời lẽ đó định vị cho một tương lai chung cho mọi người trên đất Mỹ, cho tất cả mọi người từ hai phía của cuộc chiến. Và, nhiệm vụ của tất cả những người còn sống là xây dựng một chính phủ của tất cả người dân, vì tất cả, và cho tất cả người dân.
Hơn một thế kỷ đã trôi qua (1863-1975), những người “chiến thắng” – những người Việt cộng sản – quả thực không học hỏi được điều vĩ đại đó từ lịch sử nhân loại. Hơn 150 năm sau, họ – vẫn cứ huênh hoang trên xương máu anh em, vẫn cứ khoét sâu những rạn nứt tương tàn, và loay hoay với những giáo điều không tưởng, dối trá.
Chừng nào mà những “ngợi ca”, những “hồ hởi”, những “tự sướng”, còn tung bay như những ngọn cờ thấm máu đồng bào trên các nẻo đường của quốc gia này, chừng đó dân tộc này còn thất bại. Thất bại bởi không học hỏi bài học hy sinh, bài học tương tàn, bài học về sự khác biệt, bài học con người.