14-4-2019
Trong bất kỳ một tranh chấp lãnh thổ nào, nếu vụ việc được đưa ra một trọng tài phân giải, không ngoại lệ, quan tòa sẽ so sánh và thẩm định “danh nghĩa chủ quyền” và “efffectivité” của các bên tranh chấp để đưa ra phán quyết.
Bài viết trên BBC giật tít “Thấy gì qua việc VN lặng lẽ xây dựng ở Trường Sa” với sự đóng góp ý kiến của các học giả, trong đó có GS Carlyle Thayer.
Theo tôi, các hành vi của các nhà nước VN, từ nhiều thập niên nay, là các hành vi thể hiện “thẩm quyền quốc gia” trên lãnh thổ của mình. Trong khi đó, các hành vi “xây dựng đảo nhân tạo” của TQ, chỉ mới xảy ra vài năm sau này, mục đích là tạo ra những vết tích được xếp vào thể loại “efffectivité” nhằm chứng minh được chủ quyền của TQ ở các đảo nhân tạo.
Hai hành vi của VN và TQ khác xa về “bản chất”. So sánh chúng sẽ là một sự “đánh đồng” về “người làm chủ” và “kẻ ăn cướp”.
Vụ tòa Công lý quốc tế (CIJ) xử tranh chấp hai nước Thái-Miên về chủ quyền ngôi đền Préah Viheart cho ta một thí dụ rõ rệt về tương quan giữa “danh nghĩa chủ quyền” và “efffectivité”. Trong vụ này tòa xử “Efffectivité” có trọng lượng pháp lý nặng hơn “danh nghĩa pháp lý – titre juridique”.
Trước Tòa, Thái lan đã chứng minh được họ có “danh nghĩa pháp lý” khu vực ngôi đền. Danh nghĩa pháp lý ở đây là danh nghĩa được thiết lập qua một công ước phân định biên giới từ năm 1904 giữa Thái lan và Pháp (nước bảo hộ Cambodge). Đường biên giới giữa hai nước, theo văn bản Công ước, là đường “phân thủy” của rặng núi Dangrek. Khu vực ngôi đền nằm trên mỏm núi thuộc về Thái lan.
Theo tập quán quốc tế, “danh nghĩa pháp lý” là thứ danh nghĩa có giá trị rất cao, (lý ra phải nói là cao hơn hết).
Rốt cục Thái lan lại thua. Lý do, trong một thời gian rất dài các chính quyền Thái lan đã không lên tiếng về các hành vi “efffectivité” của phía Cambodge. Các hành vi này có thể liệt kê như chiếm đóng và bảo trì ngôi đền (dưới sự giúp đỡ của Pháp). Dư kiện quan trọng hơn cả là nhân một dịp lễ lộc được tổ chức tại ngôi đền, phía Cambodge đã đứng ra tiếp đón như là “chủ nhà”, mà khách là Thái lan. Một chi tiết khác cũng góp phần làm nghiêng cán cân về phía Cambodge, là bản đồ phân định “đính kèm công ước” do phía Pháp vẽ, thực hiện nhiều năm sau công ước. Trên bản đồ đường biên giới lại vẽ ngôi đền thuộc về Cambodge. Nhưng theo tập quán quốc tế, văn bản có giá trị cao hơn bản đồ.
Rốt cục Tòa xử Cambodge thắng kiện, ngôi đền thuộc về nước này.
Các quan Tòa trong vụ phân xử này đã xem nhẹ yếu tố “danh nghĩa pháp lý”, vốn có giá trị nền tảng của công pháp quốc tế. “Thái độ của quốc gia” của Thái lan, vì không thể hiện thẩm quyền quốc gia tại vùng lãnh thổ, cùng với các hành vi “efffetivité” của Cambodge. Tòa đã so sánh và thẩm định “danh nghĩa chủ quyền” của Thái lan và “efffectivité” Cambodge.
Trở lại vụ Trường Sa, các hành vi của TQ mới thể hiện những năm sau này, họ luôn nói là đó là các hành vi “khẳng định chủ quyền”. Các việc như cho tàu hải cảnh đi tuần khắp vùng Biển Đông, cho ngư dân (vốn là quân đội, an ninh giả dạng) đi đánh bắt trong những vùng biển thuộc các quốc gia khác hoặc cho tập trận, lên tiếng đe dọa các nước nhỏ chung quanh…. là các hành vi “bành trướng” chớ không phải là “efffectivité”.
So sánh những việc làm của VN tại TS với các hành vi “đạo tặc” của TQ là lầm chết.