Đà Lạt của ai? Kỳ 3: Hào từ “Kháng Long Hữu Hối” và Lối ra cuối cùng

Mai Quốc Ấn

14-4-2019

Xem lại Kỳ 1: Đêm cuối của “đỉnh cao đế quốc”? Kỳ 2: Đà Lạt của ai? Kỳ 2: Tư cách gì chia phần lịch sử?

Đà Lạt nhìn từ trên cao. Ảnh: internet

Quy hoạch Đà Lạt mới đây có “giải pháp” biến nhà hát Hòa Bình thành trung tâm thương mại và Dinh tỉnh trưởng thành khách sạn. Không ngăn chặn, sẽ sai lầm trí mạng về mặt về khoa học phong thủy.

Vẫn có những giải pháp mang tính lối ra cho đô thị Đà Lạt. Tuy nhiên, chính quyền tỉnh Lâm Đồng vẫn phải quay về với cái gốc nhân dân mới có thể triển khai được.

Phong thủy vô ích…

Thứ phong thủy tôi nhắc đến không phải là loại phong thủy mang màu sắc cúng bái. Nó hoàn toàn khoa học. Phong thủy hiểu đơn giản chính là thuận tự nhiên chi đạo và nhân tâm. Hiểu đơn giản nữa, “tâm còn chưa thiện, phong thủy vô ích”.

Khi xây dựng đường đi bộ Nguyễn Huệ ở Tp.HCM, một đài phun nước đã bị chính quyền đập bỏ. Một đài phun nước bị đập bỏ thì có đáng gì so với nhiều thứ đáng giá hơn bị đập bỏ bởi lòng tham, sự ngu dốt, độ tàn ác của con người. Ấy vậy mà giới phong thủy Việt Nam đã nhận định thứ trấn được những mầm ác họa hướng Đông Nam đã bị hủy, nghĩa là sẽ có những điều bất an xảy ra. Không chờ đến vụ cẩu lư hương Đức thánh Trần Hưng Đạo, chính việc phá phong thủy đã khiến nhiều người không chỉ danh mất mà thân cũng chẳng còn.

Các câu chuyện màu sắc tâm linh ấy chỉ để nói vui trong quán cafe hay bàn nhậu. Bởi nếu có ai thân bại, danh liệt chẳng quả là một chuỗi dài nhân quả mà thôi.

Nhưng khoa học phong thủy lại có một cách tiếp cận khác mà chính nhưng người vô thần nhất cũng phải ngạc nhiên. Nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh, cùng Trung tâm Nghiên cứu Lý học Đông Phương đã tổng kết: “Phong thủy Đông Phương ứng dụng trong kiến trúc và xây dựng không phải là yếu tố kĩ thuật xử lý vật liệu, độ bền kết cấu trong xây dựng mang tính trực quan.” Phong thủy chính là nương theo tự nhiên, gìn giữ tự nhiên mà tồn tại.

Đà Lạt có nhiều ngôi nhà trên “trứng”- trên đồi, chạy quanh sườn đồi. “Trứng” ở đây là hình tượng kết tinh của cặp “gà thần” là ngọn Bidoup (gà trống) và ngọn Lang Biang (gà mái). Dinh tỉnh trưởng, nhà hát Hòa Bình được người Pháp đặt ngay trên những “quả trứng” đẹp nhất. Ngay cả mộ vợ chồng Nguyễn Hữu Hào (cha mẹ Nam Phương hoàng hậu) cũng được vị vua cuối cùng Bảo Đại chọn chôn trên “trứng vàng” giàu tính khoa học phong thủy.

Nhưng nhiều “trứng vàng” khác đã bị làm cho biến dạng… Đại gia Tư H thời còn sống chiếm được Đồi Cù rồi đến khi mất đi gia đình xào xáo đến nay chưa dứt.

Vẫn xin nhắc lại bài báo trên Tuổi Trẻ ngày 6/4/2018: Dân phản đối, tỉnh vẫn làm. Phận dân bé mọn quyền gì mà cản, nhưng các quan chức hãy nhớ cho một chứ HỐI để còn chỗ quay đầu…

Trong quẻ Càn Vi thiên của Kinh dịch, Hào từ Kháng Long hữu hối được Khổng Tử nhận định như sau: “Quý mà không có ngôi vị, cao mà không có dân, người hiền ở dưới lại không giúp, cứ vậy mà hành động tất phải hối hận.”

Không rõ một quan đầu tỉnh ngày xưa “làm quá”, giờ có hối hận không? Về hưu ru rú trong nhà như… ở tù vì từng bị dân trùm bao bố đánh.

Vật cực tất phản, nguyên lý xưa nay!

Lối ra

Đã bao lâu rồi người Đà Lạt được nghe hòa nhạc, được xem kịch, được chứng kiến những tuồng tích sân khấu trong nhà hát Hòa Bình. Cũng có đấy! Và rất rất ít…

Phải trả lại một hồn cốt Đà Lạt, chứ không phải chỉ ngừng việc muốn đập phá nhà hát Hòa Bình hay di dời Dinh tỉnh trưởng.

Cư dân đô thị của Đà Lạt có thể chăm chú đọc sách bên hiên nhà, trong những quán cafe yên tĩnh nhưng cư dân đô thị không chỉ cần có thế. Các loại hình thụ hưởng văn hóa sẽ khiến con người bớt tàn ác, thực dụng hơn. Và dĩ nhiên, bớt quay cuồng vì mua bán (và cướp đoạt) đất đai- thứ có thể tạo lợi nhuận tốt nhưng không phải là thứ tạo ra thặng dư.

Gìn giữ một di sản không chỉ là pháp luật hiện hành mà là một khế ước xã hội ngày càng cao hơn. Khi Chính phủ chấp nhận ký kết CPTPP hay mong muốn ký kết EVFTA thì tính khế ước ấy đều có liên quan đấy. Tư bản sẽ không chơi với những kẻ “không có quá khứ”, không có giá trị lõi. Tiêu diệt quá khứ thì nhận đại bác của tương lai.

Năm 1945, người dân theo Việt Minh phá kho thóc Nhật, cướp chính quyền vì đói. Cái đói của bao tử đã ghê gớm vậy thì cái đói của khát vọng tri thức, của chống lại các hình thức tước đoạt những giá trị tinh thần trong một thế giới ngày một phẳng hơn sẽ còn ghê gớm hơn…

Tôi chỉ mong những gì là nguyên bản, là giá trị thực thì hãy để yên cho hôm nay, cho hậu thế cháu con chúng ta. Đừng chỉ nhìn sự biến dạng của Đà Lạt với Hào từ Kháng Long hữu hối. Bởi Hào từ sau đó (nghĩa là sau “cao mà không có dân”) còn mang một cái tên khủng khiếp hơn: Quần Long vô thủ.

Vẫn còn nhiều cái đầu sâu sắc, nhiều trái tim yêu thương vẫn đau đáu về Đà Lạt. Điều đó há chẳng quý hơn là một cách làm bất chấp hậu quả hay sao? Điều đó há chẳng phải là lối ra không chỉ cho Đà Lạt mà cho quốc gia này hay sao?

“Lối ra” đôi khi chỉ cần “quay đầu”…

Quay đầu để nghe dân! Dù muộn…

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây