Văn hóa xin lỗi thời cộng sản

Thạch Đạt Lang

10-4-2019

Trong đời sống hàng ngày, có những việc rất nhỏ nhặt, dễ dàng làm được với một số người này nhưng lại vô cùng khó khăn với một số người khác, những việc nhỏ nhặt đó biểu lộ cách hành xử của một con người có được giáo dục về văn hóa hay không? Một trong những cách hành xử tiêu biểu nói lên trình độ văn hóa của người được hấp thụ một nền giáo dục nhân bản, văn minh, lịch sự là Văn Hóa Xin Lỗi.

Từ câu chuyện cách đây khoảng năm rưỡi – ông Đoàn Ngọc Hải tự Hải Vertu hay Hải cẩu… xe, phó chủ tịch UBND quận 1, thành phố HCM phán một câu làm cộng đồng mạng nổi sóng: “Ở quận 1 mà không biết luật thì về U Minh mà sống”.

Trên báo tiếng Dân và các tờ báo mạng khác đã có nhiều bài viết bàn về câu nói đáng ghi vào ”Lịch sự và văn hóa cộng sản Việt Nam” lưu truyền cho hậu thế – người viết chợt nhớ đến một chuyện xẩy ra trong tháng 11 năm 2018 vừa khi ghé Little Sàigòn.

Khoảng 3 giờ chiều trên bãi đậu xe trước chợ ABC, một đứa trẻ Việt Nam khoảng 13-14 tuổi, có lẽ do quá vội hoặc không để ý, đẩy chiếc xe mua hàng chất đầy thực phẩm đụng mạnh vào hông người viết một cái đau điếng. Tôi quay lại, chưa kịp nổi nóng, cậu bé đã đứng lại nói ngay: “Ồ! Cháu xin lỗi chú! Xin lỗi chú! Cháu không thấy”.

Một phụ nữ có bầu đang đi khoan thai phía sau vội vã bước lên, gật đầu chào tôi: Chào ông! Xin lỗi ông bỏ qua! Cháu nó vô ý! Ông có đau ở đâu không? Thấy không có lý do gì để nóng giận, tôi lắc đầu, cười nhẹ: Không sao! Không có gi đâu cô. Quay sang cậu bé, tôi nói: Lần sau để ý nghe cháu! Đụng vào xe làm hư hại là phải bồi thường đó. Về đến nhà, thấy hơi đau ở hông, xem lại chỗ bị đau mới thấy bị bầm, mấy ngày sau mới hết.

Trở lại câu chuyện của Đoàn Ngọc Hải. Có thể nói phát ngôn của ông Hải là một sỉ nhục, miệt thị văn hóa, trình độ hiểu biết thượng tôn pháp luật người khác, gây thương tổn tinh thần toàn thể người Việt ở vùng U Minh (gồm U Minh Thượng và U Minh Hạ), khi cho rằng người dân ở U Minh, tỉnh Cà Mau là những người sống rừng rú, không biết luật lệ hoặc không tôn trọng luật pháp.

Câu nói của Đoàn Ngọc Hải bộc phát trong một lúc nóng giận nhưng nếu trong suy nghĩ, nhận thức, Hải Vertu không có thành kiến, coi thường người dân U Minh, Cà Mau thì làm gì có chuyện lỡ lời thốt ra như vậy.

Phát ngôn xong, bị người dân cả nước phê bình, chỉ trích, ném đá vuốt mặt không kịp, Hải Vertu vội vã viết một thông báo, phân trần rằng lời nói của mình không có ý hạ nhục ai, tuy nhiên bản thông báo thiếu hẳn một lời xin lỗi vì… đã ngu dốt, lỡ miệng. Lời xin lỗi sau đó lại do thường trực UBND quận 1 gửi công văn đến tỉnh ủy Cà Mau.

So sánh cách hành xử giữa đứa trẻ nói trên với Đoàn Ngọc Hải cũng như nhìn lại lịch sử ĐCSVN từ ngày thành lập đến nay, dễ dàng nhận thấy sự khác biệt giữa hai nền giáo dục, nền giáo dục dưới chế độ cộng sản VN và nền giáo dục ở các nước tự do, dân chủ phương Tây.

Thử hỏi trong quá khứ 74 năm – từ lúc cướp được quyền lực cai trị đất nước, gây ra bao nhiêu tang tóc, đau thương, khốn khổ, nhọc nhằn đầy máu và nước mắt cho dân tộc, từ cải cách ruộng đất thập niên 50 thế kỷ 20, thảm sát Tết Mậu Thân năm 1968, rồi những vụ cướp đất của dân Thủ Thiêm, Tây Ninh, Đồng Tâm (Mỹ Đức), Tiên Lãng (Hải Phòng)…, đã bao nhiêu lần đảng và chế độ CSVN chính thức lên tiếng xin lỗi người dân VN? Hoàn toàn không!

Nhắc lại chuyện trên để thấy rằng nền giáo dục của các nước tự do, dân chủ Âu-Mỹ đề cao giá trị, nhân phẩm, tư cách, đạo đức cá nhân, mọi người trong xã hội bình đẳng về mọi phương diện, trước pháp luật, từ người nông dân, công nhân đến thủ tướng, tổng thống lãnh đạo quốc gia. Do đó, đứa trẻ ý thức được rằng việc đẩy chiếc xe chất hàng khi đi chợ đụng phải người khác, cho dù không có thương tích gì đáng nói, cũng là đã gây ra một lỗi lầm, vì vậy cần phải xin lỗi.

Sony đã xin lỗi vì cửa hàng online PSN bị hack, ảnh hưởng đến việc truy cập của khách hàng. Photo Courtesy

Dưới sự cai trị của chế độ CSVN, văn hóa xin lỗi dường như không được truyền bá trong giáo dục học đường cũng như ngoài xã hội, người dân Việt trong nước ít khi dùng hai chữ “xin lỗi” đối với nhau. Mỗi khi xảy ra những va chạm trong sinh hoạt, cho dù nhỏ nhặt, vì vô tình hay bất cẩn trong khi di chuyển, mua bán, làm việc… người Việt thường tìm cách giành lấy phần phải về mình trước, thay vì nói một lời xin lỗi.

Đối với rất nhiều người Việt Nam, việc nói hai chữ xin lỗi rất ư khó khăn, nhất là khi họ đang có một chức vụ, quyền hành nào đó trong chế độ CS – Đoàn Ngọc Hải là một thí dụ – Những người không thấy được tấm gương Đại sứ Nhật Bản cúi đầu xin lỗi một gia đình Việt Nam có con em bị sát hại trên nước Nhật.

Những ai đã từng sống ở các nước Âu, Mỹ, thường xuyên giao tiếp với họ, sẽ nhận ra một điều là người Tây phương rất coi trọng văn hóa xin lỗi. Văn hóa xin lỗi biểu lộ một thái độ hòa nhã, lịch sự, làm giảm đi sự căng thẳng (nếu có) trong khi chung đụng, chứng tỏ được ý thức, trách nhiệm cá nhân trong một tập thể, cộng đồng và xã hội. Rất nhiều trường hợp hai chữ Xin Lỗi ngăn chận được những xung đột, hóa giải được những bất bình, căng thẳng không cần thiết phải có trong đời sống.

Lời xin lỗi hơn thế nữa, cần phải được xuất phát từ ý thức và trách nhiệm, không nên là một lời nói đãi bôi, ngoài miệng hoặc vì sức ép của công luận như trường hợp xảy ra ở huyện Tam Bình, Thủ Đức. Đó là chuyện công an phường Tam Bình đã bắt hai cô gái đi uống cà phê quên mang giấy tờ tùy thân, đưa vào Trung tâm Hỗ Trợ Xã Hội giam giữ 10 ngày.

Sau khi bị dư luận phản đối gay gắt trên mạng, rồi báo chí lề phải cũng lên tiếng việc làm sai trái này, lãnh đạo phường Tam Bình đã chính thức xin lỗi hai nạn nhân và gia đình. Nếu dư luận, báo chí, các mạng xã hội không lên tiếng, thì số phận 2 cô gái chưa biết sẽ đi về đâu và cán bộ, công an phường Tam Bình chắc gì đã chịu xin lỗi.

Nhưng do thói tự kiêu cộng sản, nhiều lần, ngay cả khi bị sức ép của dư luận, dù là dư luận quốc tế, người CSVN vẫn lì lợm im lặng, phớt lờ, coi như không biết những việc làm sai trái của mình đúng theo nguyên tắc 4 Không: Không nghe, không thấy, không biết, không nói, như vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh trên nước Đức. Đến hôm nay, CSVN vẫn lì lợm không lên tiếng nhận lỗi và xin lỗi chính phủ Đức về vụ bắt cóc gây ra hậu quả nghiêm trọng về kinh tế cho đất nước này.

Xin lỗi là văn hóa xa xỉ theo quan niệm của người cộng sản. Đừng bao giờ chờ đợi lời xin lỗi của người cộng sản, bởi nếu có lời xin lỗi, nó cũng chẳng phát xuất từ đáy lòng.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Lời xin lỗi là lời nhận lỗi lầm của mình đã xâm hại đến người khác- thể hiện cái văn minh cư xử giữa người với người trong mọi xã hội. Điều này đáng khuyến khích.
    Nhưng giữa đẻng cầm quyền với dân thì nó chỉ bịp lỗ tai người dân trong chốc lát rồi…đâu lại vào đấy! Câu “Đừng nghe những gì cs nói mà hãy nhìn kỹ những gì cs sản làm” (kể cả khi nó nói xin lỗi) của ông Thiệu ĐÚNG trong mọi trường hợp, mọi lúc, mọi nơi…
    Đảng chó leo lẻo làm đầy tớ của nhân dân.Lịch sử VN đã cho thấy rõ, ai làm đầy tớ cho đảng chó…
    Này trí thức Việt hãy kiến thiết cho bằng được một chính phủ biết làm sai thì từ chức, biết tham nhũng thì dũng cảm vào tù ngồi!! Xin lỗi không có giá trị thiết thực. NÓI không bằng LÀM.

Comments are closed.