Nhận xét về kinh tế – xã hội Việt Nam hiện nay (Phần 1)

Vũ Ngọc Yên

9-4-2019

Đất nước chưa phát triển

Theo thống kê nhà nước, sau giai đoạn đầu đổi mới (1986-1990) với mức tăng trưởng sản lượng nội điạ (gross domestic product-GDP) bình quân hàng năm đạt 4,4%. Giai đoạn (1991-1995), GDP bình quân tăng 8,2%/năm, giai đoạn 5 năm tiếp theo (1996-2000), GDP bình quân giảm xuống 7,6%/ năm; giai đoạn (2001-2005), GDP bình quân xuống 7,34%; giai đoạn 2006-2010, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân tiếp tục xuống dốc 6,32%/năm. Trong các năm tiếp theo, tăng trưởng GDP trong giai đoạn (2011-2015) chỉ còn 5,9%/năm.

Năm 2014, Việt nam có GDP khoảng 186 tỷ USD, với thu nhập bình quân đầu người 2.052 USD. So với các nước trong khu vực, GDP đầu người của Việt Nam bằng 3/5 của Indonesia, 2/5 của Thái Lan, 1/5 của Malaysia, 1/14 của Hàn Quốc và bằng 1/27 mức GDP bình quân của Singapore. Xét trên giác độ GDP bình quân đầu người, Việt Nam đi sau Hàn Quốc khoảng 30-35 năm, sau Malaysia 25 năm, sau Thái Lan 20 năm, sau Indonesia và Philippines 5-7 năm.

Năm 2017, tăng trưởng GDP là 6,8% với GDP 223 tỷ USD và 2018 tăng lên 7% với GDP 241 tỷ USD.

Năm 2008, năng suất lao động trung bình của người dân Việt ở mức 35 triệu đồng/người đã tăng lên 102 triệu đồng/người vào năm 2018. Thu nhập bình quân đầu người trong năm 2008 từ 17,30 triệu đồng đến năm 2018 tăng lên 58 triệu đồng, tương đương 2.553 USD.

Dù thu nhập bình quân đầu người tăng lên, nhưng tỷ giá USD/VND cũng đã tăng trên 30% trong 10 năm qua (2008-2018) từ mức 17.000 – 18.000 USD/VND cuối năm 2008 đầu năm 2009 lên mức 23.200 USD/VND cuối năm 2018, tức VND đã mất giá trên 30% so với USD. Tỉ lệ lạm phát trung bình giai đoạn 2011-2017 là 6,5%.

Nhìn vào GDP bình quân đầu người, đến cuối năm 2018, thu nhập bình quân của người Việt Nam chỉ mới dừng lại ở con số 2.600 USD, vẫn ở mức thấp so với nhiều quốc gia trong khu vực Á châu.

Theo Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành uỷ TP.HCM, năng suất lao động của người Việt đang thấp hơn Singapore 15 lần, thấp hơn Nhật Bản 11 lần, thấp hơn Hàn Quốc 10 lần, thấp hơn Malaysia 5 lần và thấp hơn Thái Lan 2, 5 lần. Theo ông Nhân, một trong những nguyên nhân chính là công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp Việt đã quá lạc hậu vì không chịu đầu tư khi có tới gần 60% doanh nghiệp sử dụng công nghệ lỗi thời, 28% sử dụng công nghệ trung bình, 10% trên trung bình và chỉ có 2% doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến. Do đó, sản phẩm của các doanh nghiệp có giá trị thấp.

Nhận xét vể bức tranh kinh tế qua các con số thống kê, Giáo sư Tiến sĩ Vũ Văn Hóa, phó Hiệu trưởng Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội nhận định: “Thu nhập tăng lên thì thực ra không đúng thực tế, đấy chỉ là con số báo cáo chứ rất ít người tin rằng chuyện đó là có thật. Nợ công nói rằng sáu mươi mấy phần trăm thì tôi không tin, nó phải hơn số đó rất nhiều. Thống kê còn chênh lệch nhau quá mức, thậm chí nói kinh tế của các tnh, thành phố tăng lên vuợt bực nhưng kinh tế cả nước thì chậm lại. Thực tế mà nói thì cũng chỉ được cái bề mặt, chứ thực sự nền kinh tế vẫn còn đang tụt hậu so với thế giới, tôi cho là không phải vài ba chục năm mà còn nhiều hơn nữa”.

Nguồn: TCTK, WB/ BizLive

Tăng trưởng thiếu bền vững

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam có cải thiện nhưng không đủ cao để có thể giảm nhanh chênh lệch với khu vực. Chất lượng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam còn thấp và chưa đạt được độ bền vững.

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phần lớn phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng, vốn đầu tư và chủ yếu dựa vào khu vực FDI.

Theo số liệu của Cục Tài chính doanh nghiệp – Bộ Tài chính, trong năm 2016, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI đóng góp 18,59% trong GDP của Việt Nam và giải quyết việc làm cho khoảng trên 4 triệu lao động.

Bơm vốn nhiều vào nền kinh tế giúp GDP tăng trưởng, nhưng cũng khiến cho quy mô tín dụng luôn cao hơn quy mô GDP. Tỷ lệ tín dụng trên GDP ở mức 125% đạt được vào năm 2010 với quy mô GDP là 116 tỷ USD, năm 2011 là 124% với quy mô GDP là 135,5 tỷ USD.

Đặc biệt, năm 2017 và 2018 quy mô tín dụng đã lên đến 130% – 134% GDP, tương ứng với quy mô GDP ở mức 223, 9 tỷ USD và 240 tỷ USD.

Ngoài ra, tổng vốn đầu tư (công và tư nhân) trên GDP cũng khá cao, mức trên 40% cho những năm 2008 – 2010. Từ năm 2011 đến 2018, tỷ lệ này đã giảm về mức 33%.

Trong năm 2017 các nước ngoài đổ 14 tỷ USD vào khu vực FDI (foreign direct investment-FDI) nâng tổng số tiền đầu tư FDI từ trước đến nay lên 129,4 tỷ USD.

Chất lượng tăng trưởng thấp phản ánh qua Hệ số đầu tư tăng trưởng (incremental capital output ratio- ICOR). ICOR càng cao đồng nghĩa với hiệu quả đầu tư trong nền kinh tế càng thấp. Tỷ lệ đầu tư trên GDP của Việt Nam luôn ở mức cao so với các nước trong khu vực.

Hệ số đầu tư tăng trưởng (ICOR) của Việt Nam năm 2011-2013 (6,99), cao hơn của Indonesia (4,64), Lào (2,59), Malaysia (5,40), Philippines (4,10), Trung Quốc (6,40), nghĩa là đầu tư của Việt Nam kém hiệu quả nhất so với các nước này.

Ngoài ra chất lượng tăng trưởng kinh tế thấp thể hiện ở sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, tính hiệu quả của kinh tế thấp, đồng thời, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu.

Về xếp hạng môi trường kinh doanh 2015 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hiện ở vị trí thứ 78/189 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với các nước trong Hiệp hội ASEAN, Việt Nam đứng sau Singapore (vị trí số 1), Malaysia (18) và Thái Lan (26); Việt Nam xếp trên Philippines (95), Bruney (101), Indonesia (114), Campuchia (135), Lào (148) và Myanmar (177).

Việt Nam có lực lực lượng lao động dồi dào nhưng tập trung chủ yếu ở khu vực sản xuất nông nghiệp, chiếm 46,3%, tương đương với tỷ lệ của Thái Lan vào năm 1995; Philippines và Indonesia đầu thập kỷ 90, gấp 2,4 lần Malaysia và 4 lần Hàn Quốc năm 1995. Tỷ trọng lao động khu vực nông nghiệp năm 2012 của Malaysia là 12,6%; Philippines 32,2%; Indonesia 35,1%; và Thái Lan 36,9%.

Lao động Việt Nam chủ yếu làm các công việc gia đình hoặc tự làm (có thu nhập thấp, bấp bênh, không ổn định), chiếm tới 62,7% tổng việc làm. Chất lượng nguồn nhân lực thấp, cơ cấu đào tạo thiếu hợp lý, hiệu quả sử dụng lao động qua đào tạo chưa cao. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo năm 2014 của Việt Nam là 18,2%.

Cơ sở hạ tầng là một trong những trở ngại lớn nhất của phát triển kinh tế tại Việt Nam. Cơ sở hạ tầng Việt Nam bị đánh giá là yếu kém, thiếu thốn.

Thương mại còn lệ thuộc

Nhập siêu và lệ thuộc vào Trung Quốc chưa có dấu hiệu giảm. Nhập siêu từ Trung Quốc (năm 2015) là 32,3 tỉ USD, tăng 12,5% (so với 2014). Nếu tính cả con số nhập lậu là 20 tỷ USD, thì tổng giá trị nhập siêu từ Trung Quốc lên đến 52 tỷ USD (năm 2015).

Kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Các nhà thầu Trung Quốc nắm tới hơn 90% các gói thầu EPC (Engineering, Procurement and Construction- EPC) chiếm 77/106 các dự án lớn thuộc các ngành trọng điểm. Việt Nam phải nhập hơn 60% nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc.

Cán cân thương mại cải thiện từ nhập siêu năm 2015 (3, 8 tỷ USD) đến năm 2018 xuất siêu (3 tỷ USD).

Năm    2015                2016                2017                2018

Nhập   165, 8 tỷ USD  175 tỷ USD     211, 1 tỷ USD  236 tỷ USD

Xuất    162 tỷ USD      176, 6 tỷ USD  214 tỷ USD     239 tỷ USD

Trong năm 2018, tỷ trọng xuất nhập khẩu hàng hóa của hơn 10 ngàn doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI trong tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam là 65,2%, trong đó tỷ trọng xuất khẩu của khu vực FDI là 70,5% và nhập khẩu của khu vực FDI gần 60%. Chỉ tính riêng công ty SamSung, Việt Nam đã đạt mức xuất khẩu trên 50 tỷ USD, chiếm hơn 25% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Điều này phản ánh thực tế là các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa đủ sức thâm nhập thị trường thế giới mà chủ yếu vẫn là nơi tiêu thụ hàng nước ngoài. Vai trò của khu vực tư nhân cũng còn yếu trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Việt Nam nhập khẩu lớn nhất từ Mỹ, Liên minh Âu châu (EU), Trung Quốc, Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong đó nhập siêu lớn nhất từ Hàn và Nhật, phản ánh mô hình sản xuất của Việt nam đang là mô hình nhập khẩu đầu vào, công nghệ và linh kiện từ Hàn Quốc và Trung Quốc để xuất khẩu qua các nước phát triển.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2018, tổng trị giá hàng hóa xuất nhập khẩu của cả nước đạt 480,17 tỷ USD, theo đó nhóm 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam chiếm hơn 72% tổng trị giá xuất nhập khẩu trong năm 2018. Trong đó, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với Trung Quốc là lớn nhất, đạt 106,7 tỷ USD và chiếm (22,2%) tổng trị giá xuất nhập khẩu, tiếp theo Hàn Quốc đạt 65,7 tỷ USD (13,7%), Hoa Kỳ 60,3 tỷ USD (12,6%), Nhật Bản đạt hơn 37,8 tỷ USD (7, 9%), Thái Lan đạt 17,3 tỷ USD (3,6%), Đài Loan đạt 16,3 tỷ (3,4%) Malaysia đạt 11,5 tỷ USD (2,4%), Đức đạt 10,7 tỷ USD (2,2%), Ấn Độ đạt 10,7 tỷ USD (2,2%) và Hồng Kông đạt gần 9,5 tỷ USD (2%).

Xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam với tất cả 9 thành viên ASEAN đạt 56,3 tỷ USD, chiếm 11,7% và xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (EU28) đạt 55,8 tỷ USD, chiếm 11,6%.

Tính đến năm 2016, Việt Nam đã đàm phán ký kết 16 hiệp định Hiệp định thương mại tự do FTA (Free Trade Agreement FTA). Trong đó có Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership – CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Âu châu EU (EU-Vietnam Free Trade Agreement – EVFTA).Việc tích cực tham gia một số Hiệp định FTA tạo một số cơ hội cho Việt Nam, đặc biệt là đầu tư và xuất khẩu, nhưng cũng tạo ra nhiều áp lực cạnh tranh.

EVFTA là Hiệp định thương mại quan trọng là giữa Việt Nam với EU. Đây là cơ hội lớn cho xuất khẩu Việt Nam khi hàng hoá luôn xuất siêu vào thị trường này.

Khác với CPTPP, Việt Nam chưa có bất cứ FTA nào với các đối tác tại khu vực Âu châu. Do đó, nếu EVFTA được Nghị viện Âu châu (EP) phê chuẩn sẽ là một tin tốt cho xuất khẩu trong nước.

CTPP hiệu lực từ tháng 1.2019 còn Hiệp định EVFTA dự kiến phê chuẩn vào năm 2018 đã bị Liên minh EU hoãn lại vì chế độ Hà nội vi phạm luật quốc tế qua việc mật vụ Việt Nam bắt cóc trắng trợn một viên chức Việt Nam xin tị nạn tại Đức vào mùa hè năm 2017, cũng như tình trạng Nhân quyền ngày càng trầm trọng ở Việt nam. Vụ bắt cóc dẫn đến khủng hoảng bang giao Việt-Đức. Chính quyền Berlin đã tạm ngưng đối tác chiến lược với Hà Nội.

(Còn tiếp)

Bình Luận từ Facebook