8-4-2019
Thưa Ông Chủ tịch nước!
Đã gần 3 năm qua, người dân cả nước luôn dõi vụ án Đặng Văn Hiến: Vụ xả súng ở Đắc Nông, làm 3 người chết và 13 người bị thương. Đặc biệt, sau phiên tòa phúc thẩm tuyên y án tử hình đối với anh Hiến vào tháng 7 năm ngoái, thì ông Chủ tịch nước Trần Đại Quang lúc bấy giờ, đã có công văn yêu cầu CQĐT, điều tra lại hoàn toàn trình tự diễn biến, nguyên nhân then chốt gây ra mâu thuẫn, dẫn đến việc nổ súng,… rồi từ đó, mới tiến hành xét xử lại vụ án này.
Vụ án bắt nguồn từ việc Công ty Long Sơn đã ngang nhiên thách thức pháp luật, cho người đến cướp trắng trợn đất đai hợp pháp của người dân nghèo ở tiểu khu 1535 (nơi xảy ra vụ án) nói chung, và gia đình anh Hiến nói riêng. Trong khuôn khổ một lá thư, cũng như không dám làm tốn quá nhiều thời gian của Ngài, xin không tóm tắt lại nội dung vụ án (theo cáo trạng), mà người bị hại lại trở thành bị cáo!
Ngày 12/7/2018, toà phúc thẩm tuyên y án tử hình đối với người nông dân nghèo Đặng Văn Hiến, thì ông Chủ toạ Toà án Cấp cao tại TP.HCM, đã liên tục nhắc lại đến 3 lần: “Bị cáo tử tù Hiến chỉ còn có 7 ngày để gởi đơn cho Ngài Chủ tịch nước xin ân xá án tử!“. Với một chi tiết này, khiến cho hàng triệu triệu người dân lương thiện có suy nghĩ: Phải chăng họ, những người xét xử anh Hiến đã và đang nhân danh pháp luật, nhân danh sự công bằng, văn minh nhưng lại cố dồn anh Hiến đến con đường phải chết?!
Khi mà bản chất vụ án, nguyên nhân sâu xa của vụ án là chuyện người dân tự vệ, chống trả lại bọn cướp đất để bảo vệ mình và gia đình mình. Người dân bị cướp đất là người bị hại, lẽ ra phải được pháp luật bảo vệ, đằng này lại trở thành bị cáo, để rồi họ phải chịu nhận bản án cao nhất.
Khi mà, người bị hại (anh Hiến) đã không còn chọn lựa nào khác để bảo vệ vợ, con mình trước kẻ ác tấn công; bảo vệ đất đai của mình bị kẻ cướp, cướp trắng trợn, ngoài việc buộc phải nổ súng – những tiếng súng vô thức trong nỗi bất lực đến tuyệt vọng!
Thưa ông Chủ tịch nước,
Vì lẽ đó, khi tòa phúc thẩm tuyên y án đối với anh Hiến, ngay lập tức đã dấy lên làn sóng phẫn nộ, phản đối của người dân đối với bản án vô nhân đạo, thiếu tình người, không thấu tình đạt lý này. Một bản án có thể nói đã làm hoen ố thêm, một vết nhơ khó gột rửa của nền tư pháp nước ta, mà người dân lâu nay luôn ví von: “Công lý ở Việt Nam chỉ là thằng hề”!
Ba ngày sau phiên xử phúc thẩm, tử tù Đặng Văn Hiến cũng đã gởi đơn xin ân xá đến ông Chủ tịch nước, lúc bấy giờ là ông Trần Đại Quang. Tôi cũng là một trong hàng triệu người Việt khác, đồng ký tên phản đối bản án tử hình bất công này.
Vào đầu tháng 3 năm nay, tiện đường khi đi Bình Phước, tôi đã đến tận hiện trường vụ án kinh hoàng năm xưa. Trước hết, thăm gặp gia đình anh Hiến, cũng như những người dân ở đó là láng giềng của anh, đều ở tiểu khu 1535, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắc Nông.
Suốt mấy giờ chuyện trò, tôi chỉ biết lặng im khi nghe tiếng khóc nấc nghẹn của chị Mai Thị Khuyên và cháu Đặng Thị Nhung, vợ và con gái của anh Hiến. Còn cháu trai Đặng Bảo N, con trai anh Hiến đã xa Cha, giờ phải xa Mẹ và Chị gái, trở về Tây Bắc nương náu với Ông, Bà nội. Cháu trai này chính là đứa bé được anh Hiến ôm vào lòng dặn dò, khi anh được những nhà báo (như Mai Quốc Ấn) băng rừng để gặp anh, vận động anh ra đầu thú, hầu mong nhận được sự “khoan hồng” của pháp luật.
Nhờ đến nơi đây mà tôi được nghe thêm những điều người dân bản địa kể lại về vụ án của anh Hiến. Những chi tiết người dân kể dường như không thấy đưa vào trong cáo trạng, hay đưa vào kết luận của CQĐT. Chẳng hạn như, theo lời anh Hoàng Văn Thắng, một cựu chiến binh ở chiến trường Vị Xuyên, nói rằng: Từ tờ mờ sáng của cái ngày định mệnh ấy, những người làm cho Công ty Long Sơn, đã tràn vào tấn công những hộ dân có đất ở tiểu khu 1535.
Anh Thắng chính là nạn nhân đầu tiên bị người của công ty Long Sơn tấn công để cướp đất. Câu nói này của anh Thắng khiến tôi nhớ mãi: “Bọn chúng đã khống chế tôi và gia đình tôi, nhốt trong nhà không cho tôi thoát ra ngoài để cầu cứu”.
Anh Thắng kể, anh đã tường trình điều này cho CQĐT cấp Bộ rồi, nhưng không hiểu vì sao, những chi tiết vô cùng quan trọng đến thế, lại không có trong cáo trạng, không có trong kết luận của CQĐT. Rồi, một người dân khác (không tiện nêu tên) lại kể rằng: Người dân nghe được tiếng nổ của phát súng cuối cùng (được cho là anh Hiến bắn ra) chỉ khoảng 6h sáng.
Nếu sự thật như vậy, nghĩa là câu chuyện đã không còn mang ý nghĩa “cưỡng chế thu hồi đất” nữa. Bởi vì, theo Luật cưỡng chế, thực hiện việc cưỡng chế phải bắt đầu từ 7h sáng của những ngày làm việc trong tuần, theo luật định.
Thưa Ông Nguyễn Phú Trọng!
Ánh mắt đẫm lệ của con trai, của những người thân của anh Hiến và cả tiếng khóc của người dân địa phương, cũng như những người chấp pháp khi bắt anh Hiến, đã ám ảnh cá nhân tôi gần ba năm qua và sẽ còn ám ảnh thêm suốt nhiều năm sau nữa.
Những tiếng khóc nghẹn ấy, sẽ ám ảnh bất kỳ ai, bất kỳ người nào còn có lương tri, yêu lẽ phải, kể cả Ngài CTN, tôi nghĩ vậy! Chắc rằng Ngài cũng sẽ đồng quan điểm, cùng suy nghĩ và cùng xúc cảm giống như tôi và những người thiện lương khác, phải không, thưa Ngài?!
Cho nên lâu nay, những người dân luôn mong muốn, luôn nuôi một niềm tin, với hy vọng anh Hiến sẽ được giảm án trong phiên toà xét xử phúc thẩm, thì tất cả mọi người đều thất vọng đến bẽ bàng! Thế rồi, một niềm hy vọng lại được thắp lên trong lòng người dân nói chung, niềm hy vọng ấy, đến từ công văn của cố CTN Trần Đại Quang.
Vậy mà suốt hơn một năm qua, gia đình anh Hiến và hàng triệu người Việt đã phải mỏi mòn chờ đợi niềm hy vọng mong manh cuối cùng này! Bởi, không biết phải đến ngày tháng năm nào, vụ án mới được “điều tra lại” cho xong, đưa vụ án ra xét xử lại. Khi mà Thanh tra Chính phủ cũng đã có kết luận chính quyền tỉnh Đắc Nông đã sai khi cấp đất cho công ty Long Sơn. Điều đó đồng nghĩa rằng, trong vụ án kinh hoàng khiến 3 người chết, 11 người bị thương, thì căn nguyên nguồn cội gây ra thảm án là từ phía chính quyền sở tại.
Với tất cả những lý do, tình tiết nêu trên, gia đình anh Hiến và người dân chúng tôi chỉ còn biết trông chờ vào ông thôi, thưa ông Nguyễn Phú Trọng. Ông hãy lên tiếng đốc thúc, để CQĐT không còn trễ nãi nữa. Điều này hoàn toàn hợp lý, vì sau khi ông Trần Đại Quang đột ngột qua đời, thì người được trúng cử, nắm giữ chức vụ Chủ tịch nước là ông. Cho nên, ông không làm việc này thay cho cố CTN Trần Đại Quang, thì ai làm?
Đồng thời, Ông cũng chính là người đang nắm trong tay quyết định giữ mạng sống cho anh Hiến, giữ lại mạng sống cho cha của hai bé N và Nh, giữ lại mạng sống cho chồng của chị Khuyên. Nếu như vụ án đưa ra xét xử lại vẫn có một kết quả bất nhân, không thuận lòng dân.
Thưa Ông Chủ tịch nước!
Đã có quá nhiều bài viết của những nhà báo, luật sư uy tín phân tích rõ bản chất thật của vụ án này. Người ta còn so sánh bản chất vụ án của anh Hiến với vụ án đồng Nọc Ngạn năm xưa thời Pháp thuộc là hoàn toàn giống nhau. Tuy nhiên, bản án của chế độ thực dân đô hộ sao mà thấu tình đạt lý. Rồi, người ta cũng cảnh báo rằng, nếu tử hình anh Hiến thì đó là khởi đầu cho bi kịch hàng ngàn, hàng vạn “Tiếng súng Đặng Văn Hiến” sẽ bắt đầu trong tương lai không xa. Khi mà đâu đó trên khắp đất nước này, những “ông trời con Thiên Sửu” luôn tồn tại, như thách thức pháp luật.
Những điều tôi vừa nói, dư luận xã hội đã chỉ ra rất rõ, tôi chỉ nhắc lại, chứ không dám lạm bàn. Trong bức thư này, tôi xin được chia sẻ thêm với Ông hai câu hỏi, trên tư cách nếu chúng ta (gồm cả Ông) là người chồng, người cha, là người bị hại như trong trường hợp, hoàn cảnh của anh Hiến, thì:
– Nếu, khi nhìn vợ con mình có thể bị giết chết khi kẻ thù tấn công – ở đây là người của công ty Long Sơn. Và nếu không chết vì bị đánh đập, đâm chém của kẻ thù, thì cũng bị chết đói bởi miếng ăn bị kẻ cướp cướp mất, thì Ông CTN có hành động như anh Hiến hay không? Tôi tin, không riêng cá nhân tôi, mà bất kỳ người nào cũng đều hành động tương tự. Vậy còn Ông sẽ thế nào?!
– Nếu, chúng ta (trong đó có Ông) ở trong trường hợp anh Hiến, biết ra đầu thú sẽ bị xử tử hình, thì liệu rằng chúng ta có ra đầu thú hay không?! Trong khi đó, bản chất thật của vụ án chỉ là sự phòng vệ chính đáng nhưng quá giới hạn phòng vệ (trong vô thức, và sợ hãi)!
Thưa Ông Chủ tịch nước!
Như đã nói, Ông chính là niềm hy vọng duy nhất có thể đốc thúc đưa vụ án ra xét xử lại, hay có thể giữ lại mạng sống cho anh Hiến. Cho nên, Ông hãy trả lời thật lòng với chính Ông hai câu hỏi nêu trên, để đưa ra một quyết định hợp tình, hợp lý cho số phận của người bị hại Đặng Văn Hiến.
Tôi và tôi nghĩ hàng triệu người Việt khác, đều tin rằng: bất kỳ người chồng, người cha nào còn có lương tri, sẽ không bao giờ bỏ mặc vợ con mình chịu chết trước kẻ thù tàn ác! Đồng thời, chúng tôi cũng luôn tin tưởng vào lòng nhân đạo và sự công tâm của pháp luật, thưa Ông CTN!
Kính chúc Ông thật nhiều sức khoẻ, và minh mẫn!
Trân trọng kính thư!
Chào ông!