Hiếu Bá Linh, tổng hợp
3-4-2019
Tối hôm qua, ngày 02/04/2019, đài BR (Bayerischer Rundfunk) của bang Bayern, miền Nam Đức, đưa tin, Cơ quan Liên bang Đức về Nhập cư và Tị nạn (viết tắt BAMF) sẽ cứu xét lại đơn xin tị nạn của ông Nguyễn Quang Hồng Nhân.
Bản tin của đài BR mô tả, ông Nguyễn Quang Hồng Nhân là một tác giả nổi danh Việt Nam, blogger và là nhà phê bình chế độ Việt Nam. Trong những năm qua, ông sống ở Nürnberg và vừa bị trục xuất mới đây.
Sau khi bị trục xuất về Việt Nam, ông Nguyễn Quang Hồng Nhân bị công an thẩm vấn nhiều tiếng đồng hồ, luật sư Manfred Hörner của ông nói với đài BR.
Cô Nguyễn Quang Hồng Ân, 19 tuổi, con gái của nhà chỉ trích chế độ, hiện vẫn còn ở Nürnberg. Cô sinh viên ngành âm nhạc không bị trục xuất cùng với cha mẹ vì hộ chiếu của cô đã hết hạn. Theo lời luật sư của gia đình này, cô ta lo sợ cũng sẽ bị bắt và đưa về Việt Nam.
Cô Hồng Ân cho trang Thời Báo biết, cô đã liên lạc điện thoại được với cha cô ở Việt Nam, cha cô kể rằng đích thân cảnh sát Liên bang Đức đã giao vợ chồng ông cho công an Hà Nội.
Sau khi thẩm vấn, ông Nguyễn Quang Hồng Nhân đã được trả tự do – tạm thời. Cũng theo luật sư thì đơn xin tị nạn của nhà phê bình chế độ, là người từng ngồi tù nhiều năm, đã bị từ chối với lý do ông Nguyễn Quang Hồng Nhân sẽ không bị hiểm nguy khi trở về Việt Nam và vì chính phủ Việt Nam tỏ ra không quan tâm đến ông lắm.
Luật sư Manfred Hörner không hiểu tại sao nhà bất đồng chính kiến này đã bị trục xuất, nhất là trục xuất vào lúc Canada đưa tín hiệu có thể sẽ cho ông Hồng Nhân và gia đình di dân sang nước này.
“Rất tiếc là thủ tục đi Canada hiện đang bị chậm lại một chút. Nhưng tôi nghĩ rằng đáng lẽ ra sẽ rất hữu ích, nếu lúc đó phía Đức hỏi một lần nữa thủ tục đi Canada đã được giải quyết đến đâu rồi, thay vì lặng lẽ âm thầm trục xuất”, luật sư Manfred Hörner của Nguyễn Quang Hồng Nhân phát biểu.
Cơ quan Liên Bang Đức về Nhập cư và Tị nạn (BAMF) sẽ xem xét lại vụ việc
Sở ngoại kiều Nürnberg xác nhận việc trục xuất ông Hồng Nhân và vợ. Sở ngoại kiều Nürnberg nói rằng, trong lần cuối cùng họ không có thông tin cụ thể nào về việc nhà chức trách Canada có thể nhận gia đình Việt Nam này cho di dân sang Canada, trong khi đơn xin tỵ nạn của của gia đình này đã bị từ chối – Cơ quan Liên Bang Đức về Nhập cư và Tị nạn chịu trách nhiệm về việc bác đơn này.
Trả lời câu hỏi của đài BR, Cơ quan Liên Bang Đức về Nhập cư và Tị nạn nói rằng, nhân cơ hội báo chí truyền thông đưa tin, họ sẽ xem xét kỹ hơn về vụ việc này một lần nữa.
Theo những thông tin mà trang Thời Báo biết được, thì trong những ngày qua một số đảng phái và tổ chức dân sự Đức giúp đỡ người xin tị nạn như Flüchtlingsrat Nürnberg, AK Asyl… đã được “báo động” về vụ này. Đặc biệt là bài báo của nữ ký giả Marina Mai trên trang TAZ ngày 01/04/2019 đã đánh động công luận, ngay sau đó báo chí truyền thông bang Bayern đã chú ý và đưa tin về vụ việc này, điển hình là bản tin trên của đài BR. Hiện nay hai đảng đối lập trong Nghị viện bang Bayern, đó là Đảng Xanh và đảng FDP (đảng Dân chủ Tự do) đã vào cuộc để làm sáng tỏ vụ này.
Dư luận viên hả hê về vụ nhà hoạt động Nguyễn Quang Hồng Nhân bị Đức trục xuất về nước
Ngay sau khi nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Quang Hồng Nhân và vợ bị Đức trục xuất về Việt Nam, đội ngũ dư luận viên và lực lượng 47 đã biểu lộ sự vui mừng và hả hê qua các bài viết trên mạng, trong đó đặc biệt nhất là bài viết trên Facebook của ông Hồ Ngọc Thắng, là người bị buộc thôi việc tại Cơ quan Liên Bang Đức về Nhập cư và Tị nạn (viết tắt BAMF) vì bị tình nghi liên quan tới mật vụ Việt Nam trong vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh.
Trong bài viết của mình, Hồ Ngọc Thắng biện luận rằng việc Nguyễn Quang Hồng Nhân bị kết án và ngồi tù 20 năm với cáo buộc “hoạt động tuyên truyền chống phá cách mạng” là chuyện quá khứ đã qua, “không thể coi là sự đàn áp chính trị của ngày hôm nay”, và ông Thắng ca ngợi nhà nước Việt Nam đã đối xử nhân đạo với ông Nguyễn Quang Hồng Nhân, trích nguyên văn “Việc ông Nguyễn Quang Hồng Nhân và vợ đi kèm con gái ra nước ngoài để tham dự cuộc thi âm nhạc cho thấy sự đối xử nhân đạo của Nhà nước Việt Nam”, từ đó ông cho rằng “quyết định bác đơn của Cơ quan BAMF trong trường hợp này cũng hoàn toàn chuẩn xác”.
Để cũng cố và thuyết phục người đọc tin rằng “quyết định bác đơn của Cơ quan BAMF là hoàn toàn chuẩn xác”, Hồ Ngọc Thắng tìm đủ mọi cách bác bỏ, loại trừ khả năng có thể xảy ra “quyết định bác đơn của văn phòng chi nhánh BAMF ở bang Bayern là một quyết định sai lầm”, mà nữ nhà báo người Đức Marina Mai đưa ra trong bài báo TAZ, số ra ngày 01/04/2019 sau khi bỏ công sưu tra và tìm hiểu.
Trích đoạn bài báo trên tờ TAZ số ra ngày 01/04/2019 nói về khả năng có thể xảy ra “quyết định bác đơn của văn phòng chi nhánh BAMF ở bang Bayern là một quyết định sai lầm”.
Trước đó trang Thời Báo đã đăng bản dịch một bài viết tương tự của nữ nhà báo Marina Mai, trong đó có đoạn tiếng Đức trên và được dịch như sau:
“Điểm đáng chú ý, thông thường thì các văn phòng chi nhánh của Sở Liên bang về Di cư và Người tị nạn ở tiểu bang Bayern không phụ trách về các đơn xin tị nạn của người Việt Nam. Các đơn này thường chỉ được xét ở các bang Berlin, Brandenburg, Nordrhein-Westfalen và Sachsen. Ở đó, các nhân viên được đào tạo nghiệp vụ có đủ trình độ chuyên môn để quyết định các trường hợp người Việt Nam xin tị nạn và thẩm định những mối nguy hiểm có thể xảy ra nếu người đó phải về Việt Nam. Người ta không biết tại sao đơn xin tị nạn của Nguyễn Quang Hồng Nhân lại được xét xử ngoại lệ ở bang Bayern do các nhân viên không đủ khả năng xem xét.”
Ông Hồ Ngọc Thắng không thể phủ nhận một sự bất bình thường, khi đơn xin tị nạn của Nguyễn Quang Hồng Nhân lại được xử lý ở bang Bayern, nơi không phụ trách về các đơn xin tị nạn của người Việt Nam (nơi nhân viên không đủ khả năng xem xét đơn xin tị nạn của người Việt Nam), tuy nhiên Hồ Ngọc Thắng cho rằng nguyên do là vì vợ chồng ông Hồng Nhân xin chuyển trại đến bang Bayern, nơi con gái Nguyễn Quang Hồng Nhân đang theo học trường Âm Nhạc ở thành phố Nürnberg, trích nguyên văn:
“Bình thường, khi nhập trại, người nộp đơn được phân chia đến những địa danh nơi mà chi nhánh của Cơ quan BAMF chuyên trách những quốc gia được giao phó. Nhưng người nộp đơn xin tị nạn có thể nộp đơn xin chuyển trại đến một nơi có người trong gia đình đang sống. Con gái ông Nguyễn Quang Hồng Nhân học ở TP Nürnberg nên ông và vợ xin được đến trại tị nạn tại bang Bavaria rõ ràng là một quyết định nhân đạo thể theo nguyện vọng”.
Ông Hồ Ngọc Thắng đã cố tình nói sai sự thật, vì qua tin tức báo chí truyền thông ai cũng biết rằng hồi năm 2015 cô gái Nguyễn Quang Hồng Ân đi dự thi Piano ở Áo và Đức, do cô bé Hồng Ân lúc đó mới 15 tuổi, nên phải có cha mẹ tháp tùng. Nhân cơ hội này, cả gia đình 3 người gồm có ông Nguyễn Quang Hồng Nhân cùng vợ và con gái đã xin tị nạn chính trị tại nước Đức. Nhiều tháng sau khi nộp đơn xin tị nạn, năm 1976 cô bé Hồng Ân mới xin vào học ở trường Âm Nhạc ở thành phố Nürnberg, nơi cả gia đình đang cư ngụ trong trại tỵ nạn.
Trong kết luận ở cuối bài, Hồ Ngọc Thắng đã lên án nặng nề ông Nguyễn Quang Hồng Nhân, người từng bị nhà nước Việt Nam bắt giam 20 năm trời, là “lạm dụng luật về tị nạn” của nước Đức, và “đánh lừa cơ quan quyền lực Đức để xuyên tạc và vu khống Nhà nước Việt Nam”.
Nguồn:
– Bản tin của đài BR (Bayerischer Rundfunk) ngày 02/04/2019: https://www.br.de/nachrichten/bayern/vietnamesischer-regimekritiker-aus-deutschland-abgeschoben,RMVCIb5
– Bài báo trên tờ TAZ số ra ngày 01/04/2019: http://www.taz.de/!5584316/
– Bài viết của Hồ Ngọc Thắng trên FB: https://www.facebook.com/kimdung.nguyen.94695/posts/1243132832506606