Hiếu Bá Linh, tổng hợp
26-3-2019
Về chuyến công du Việt Nam của Bộ trưởng Kinh tế Đức Altmaier, nhật báo TAZ, số ra ngày 25/03/2019, có đăng bài báo với tựa đề “Kinh doanh tốt với nhà nước bắt cóc”. Tiêu đề phụ ngay ở dưới cái tựa: “Bộ trưởng Kinh tế Liên bang Peter Altmaier thăm Việt Nam cùng với một phái đoàn doanh nghiệp Đức. Vấn đề nhân quyền không nằm trong chương trình nghị sự”.
Bài báo của TAZ đã chỉ trích Bộ trưởng Altmaier rằng ông chỉ quan tâm đến lợi ích của nền kinh tế Đức trong thị trường tăng trưởng Việt Nam, cũng như quyền lợi của các doanh nghiệp Đức. Đó là khoảng 13,8 tỷ Euro – kim ngạch thương mại Đức-Việt năm ngoái 2018. Bài báo viết tiếp:
“Chuyến thăm của Bộ trưởng Altmaier đánh dấu sự bình thường hóa quan hệ Đức-Việt. Tháng 11 năm ngoái, chính phủ Đức đã âm thầm hồi sinh cái gọi là ‘quan hệ đối tác chiến lược’ giữa hai quốc gia. Điều này xảy ra dưới sự thúc giục của các doanh nghiệp Đức vốn thèm khát những đơn đặt hàng tại quốc gia này”.
Cùng ngày 25/0372019, Bộ Kinh tế Liên bang Đức có phản ứng lập tức đối với bài báo trên. Nữ phát ngôn viên của Bộ Kinh tế Liên bang Đức thông báo cho tác giả bài báo TAZ biết rằng, vấn đề nhân quyền chắc chắn sẽ nằm trong chương trình của chuyến thăm. Nguyên văn như sau:
“Trước khi đến các quốc gia mà tình trạng nhân quyền ở đó có vấn đề, Bộ trưởng Altmaier luôn luôn gặp gỡ các tổ chức nhân quyền như Ân xá Quốc tế, Phóng viên không Biên giới hoặc Theo dõi Nhân quyền – cũng như vậy trước chuyến đi Việt Nam. Hơn nữa, trong chuyến đi của mình, ông cũng đề cập đến quyền con người trong các cuộc hội đàm song phương với đại diện của chính phủ nước này và ông cũng thường gặp gỡ các tổ chức phi chính phủ trong nước này và đại diện của xã hội dân sự ở đó, nếu tình hình cho phép”.
Việt Nam sẽ đáp ứng điều kiện của Đức trả Trịnh Xuân Thanh về lại Đức?
Sau khi vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh xảy ra, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Sigmar Gabriel lên án, đây “là điều không dung thứ và không thể dung thứ” và đã trục xuất 2 nhân viên Đại sứ quán Việt Nam. Ngày 22.09.2017, sau khi nhận thư hồi đáp của Ngoại trưởng Phạm Bình Minh, ông Sigmar Gabriel tái xác nhận:
“Không thể chấp nhận hành động coi thường pháp luật Đức và quốc tế khi Việt Nam cho mật vụ bắt cóc ông Thanh. Trong mọi trường hợp, chúng tôi không chấp nhận điều này. Họ, cho đến nay, chưa có một lời xin lỗi, và cũng không cam kết, trong tương lai, sẽ không có hành động tương tự. Họ cũng không cam kết là sẽ xử lý những người có trách nhiệm về vụ bắt cóc này. Vì họ chưa đáp ứng các yêu cầu của chúng tôi, chưa công nhận đã vi phạm pháp luật Đức, nên hôm qua, chúng tôi đã mời Đại sứ Việt Nam tại Đức tới Bộ Ngoại giao để thông báo về việc đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược”.
Một bài báo khác trên báo TAZ, số ra ngày 21/02/2019 nhấn mạnh rằng, một trong những điều kiện của Đức đưa ra để nối lại quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước là phải để Trịnh Xuân Thanh trở lại Đức, tức là phục hồi nguyên trạng. Cho đến nay điều kiện này vẫn chưa được đáp ứng, mặc dù quan hệ Đức-Việt dần dần từng bước bình thường hóa. “Thật là kỳ lạ” Nghị sĩ Quốc hội Martin Patzelt (thuộc đảng CDU) nhận thấy rằng, Chính phủ Liên bang Đức trong quan hệ giữa hai nước đã không tỏ thái độ về việc “Hà Nội không có bất kỳ một phản ứng rõ ràng nào đối với yêu cầu của Đức trao trả Trịnh Xuân Thanh về lại Berlin“.
Theo lời Nghị sĩ Quốc hội Đức Martin Patzelt, đại diện của Chính phủ Liên bang Đức tuy đã cố gắng trong một thời gian dài để được vào thăm Trịnh Xuân Thanh trong nhà tù, nhưng rất tiếc cho đến nay vẫn vô vọng.
Luật sư của Trịnh XuânThanh, bà Petra Schlagenhauf cũng kêu gọi “tăng áp lực của Bộ Ngoại giao đối với Việt Nam nhiều hơn nữa mà tôi có thể trông thấy rõ rệt. Thân chủ của tôi phải được thả về Đức”. Khác hẳn với thái độ bây giờ, mùa hè năm ngoái, luật sư Schlagenhauf vẫn còn tin tưởng vào chính phủ Đức: “Tôi ủng hộ tất cả mọi thứ mà Bộ Ngoại giao đang làm và sẽ làm cho thân chủ của tôi“.
Tại sao cho đến nay Việt Nam vẫn chưa đáp ứng điều kiện của phía Đức trả Trịnh Xuân Thanh về lại Berlin? Theo bài báo TAZ ngày 25/03/2019 thì có 2 lý do, trong đó có lý do là vì “Đức đã quá vội trở lại tình trạng quan hệ bình thường”:
“Về phía Chính phủ Đức, việc bình thường hóa quan hệ xảy ra với kỳ vọng Việt Nam sẽ ân xá Trịnh Xuân Thanh, là người đã bị kết án tù chung thân, và đưa ông ta trở về gia đình ở Berlin. Vào cuối năm 2018, trong chính trường Việt Nam các lực lượng ủng hộ kinh tế đã làm mạnh mẽ. Nhưng họ không thể thắng thế trong cuộc đấu tranh quyền lực nội bộ, có lẽ cũng vì Đức đã quá vội trở lại tình trạng quan hệ bình thường”.
Ngày 25/03/2019, báo Handelsblatt, một nhật báo chuyên về thương mại, có đăng một bài báo, cho biết, Chính phủ hai nước Đức và Việt Nam vẫn tiếp tục đàm phán về việc trao trả Trịnh Xuân Thanh về lại Berlin. Nguyên văn như sau:
“Nhưng mặc dù tất cả những khía cạnh tích cực, Việt Nam là một đối tác mà chắc chắn cũng có vấn đề. Bộ trưởng Altmaier không để cho vấn đề này không được đề cập đến trong các cuộc nói chuyện với các đối tác Việt Nam. Đã có “những khó khăn trở ngại” trong quá khứ gần đây. Nhưng bây giờ người ta phải nhìn về tương lai, Bộ trưởng nói.
Diễn đạt một cách thận trọng thì ông Altmaier nói như thế là hơi làm giảm nhẹ vấn đề đi. Sau khi Trịnh Xuân Thanh bị mật vụ Việt Nam bắt cóc ở giữa Berlin hai năm trước, quan hệ giữa Đức và Việt Nam bị đóng băng.
Chính phủ Liên bang Đức đã không còn giữ thái độ cứng rắn chỉ sau khi Trịnh Xuân Thanh không bị kết án tử hình, mà chỉ bị kết án tù chung thân. Đằng sau hậu trường chắc hẳn vẫn tiếp tục đàm phán về việc trao trả Trịnh Xuân Thanh về lại Đức”.
Trong bài báo TAZ, số ra ngày 21/02/2019, có một nhận xét đáng chú ý: Mặc dù hiện nay chỉ có một thực tế rằng Trịnh Xuân Thanh vẫn còn ở trong Trại giam T14 tại Hà Nội. Nhưng thông thường, các tù nhân được chuyển đến các trại giam khác sau khi bị tuyên án. Trừ trường hợp người ta đang đàm phán để trả lại tự do, đi sang một nước khác.
Nguồn:
– Bài báo TAZ ngày 21/02/2019: http://taz.de/Entfuehrter-vietnamesischer-Ex-Politiker/!5575138/
– Bài báo TAZ ngày 25/03/2019: http://taz.de/!5582699/
– Báo Handelsbaltt: https://www.handelsblatt.com/politik/international/bundeswirtschaftsminister-altmaier-setzt-sich-in-vietnam-fuer-ein-freihandelsabkommen-mit-der-eu-ein/24140536.html
Tôi nhớ đến câu chuyện của một trang web vietvanmoi, giả sử ông TU VU muốn in sách cho một số tác giả trong nước thì liệu cộng sản có cho ông nhúng mũi vào chuyện này không, giả dử ông gửi sách biếu về thì cs có trao,… những điều như vậy giới hạn lại giấc mơ ôm đồm quá nhiều việc .Ông còn muốn phát hành tạp chí ebook…, ông đã khóc trên cái đất nước của ông chưa đã.