Đảng Xanh yêu cầu Bộ trưởng Kinh tế Đức đề cập đến vấn đề nhân quyền trong chuyến công du Việt Nam

Hiếu Bá Linh, tổng hợp

23-3-2019

“Trong chuyến công du của ông, hãy chắc chắn rằng ông có thể gặp những người bảo vệ nhân quyền Việt Nam và hãy biến mình thành luật sư của họ”, Đảng Xanh trong Quốc hội Liên bang Đức yêu cầu.

Trong bối cảnh Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam chưa được ký kết, phê chuẩn và Việt Nam mong muốn Chính phủ Đức khôi phục toàn diện quan hệ đối tác chiến lược, một câu hỏi được đặt ra: Liệu nhà cầm quyền Việt Nam có ngăn cản cuộc gặp của Bộ trưởng Đức Altmaier (nếu ông muốn gặp) với các nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam? Liệu Bộ trưởng Kinh tế Đức Altmaier sẽ đề cập đến tình trạng nhân quyền tại Việt Nam với các nhà lãnh đạo Việt Nam?

Hôm nay thứ Bảy ngày 23.03.2019 hãng Thông tấn Pháp AFP đưa tin, khối Đảng Xanh trong Quốc hội Liên bang Đức kêu gọi Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Liên bang Đức Peter Altmaier (thuộc đảng CDU) hãy đề cập đến tình trạng nhân quyền trong chuyến công du Việt Nam sắp tới. “Trong chuyến công du của ông, hãy chắc chắn rằng ông có thể gặp những người bảo vệ nhân quyền Việt Nam và hãy biến mình thành luật sư của họ“, một bức thư gửi tới Bộ trưởng Altmaier được viết như thế, hãng tin AFP có trong tay bức thư này.

Bản tin của hãng Thông tấn Pháp AFP, ngày 23/03/2019 có ảnh Bộ trưởng Kinh tế Đức Altmaier. Ảnh chụp màn hình bản tin AFP

Trong thư, bà Margarete Bause, phát ngôn viên về nhân quyền của khối Đảng Xanh trong Quốc hội Liên bang Đức, và bà Kerstin Andreae, phát ngôn viên về kinh tế, chỉ ra rằng, các tổ chức phi chính phủ “luôn mô tả tình trạng nhân quyền ở Việt Nam là vô cùng đáng lo ngại“. Các quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội và tự do hội họp bị “giới hạn một cách có hệ thống và tùy tiện“. Tổng cộng có khoảng 130 người bảo vệ nhân quyền đang bị giam giữ trong tù.

Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Liên bang Đức Peter Altmaier sẽ rời Đức lên đường đi Việt Nam vào ngày mai Chủ Nhật 24.03.2019. Tháp tùng chuyến đi này là một phái đoàn doanh nghiệp cấp cao, cùng một số Nghị sĩ Quốc hội Liên bang Đức. Trong chuyến công du kéo dài 2 ngày, từ ngày 25 đến 26 tháng 3, Bộ trưởng Altmaier sẽ đến Hà Nội và thủ phủ kinh tế TP. Hồ Chí Minh.

Đây là lần đầu tiên kể từ khi vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh xảy ra, có một chuyến công du Việt Nam cấp bộ trưởng và cũng là một dấu hiệu cho thấy, quan hệ đối tác chiến lược bị gián đoạn hơn 1 năm rưỡi nay đã được nối lại dần dần từng bước.

Trong bối cảnh Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam chưa được ký kết, phê chuẩn và Việt Nam mong muốn Chính phủ Đức khôi phục toàn diện quan hệ đối tác chiến lược, một câu hỏi được đặt ra: Liệu nhà cầm quyền Việt Nam có ngăn cản cuộc gặp các nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam của Bộ trưởng Đức Altmaier, (nếu ông muốn gặp)?

Trọng tâm của chuyến đi này là các cuộc đàm phán về hợp tác kinh tế giữa hai nước, kỷ niệm 25 năm thành lập Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức ở Việt Nam và khánh thành Ngôi nhà Đức tại TP. Hồ Chí Minh.

Bộ trưởng Altmaier sẽ có các cuộc hội đàm song phương với đại diện chính phủ Việt Nam, trong đó có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Trần Tuấn Anh, và Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. “Việt Nam là một đối tác kinh tế quan trọng tại châu Á đối với Đức và tôi sẽ thảo luận với đại diện chính phủ Việt Nam về việc chúng ta có thể tăng cường việc hợp tác kinh tế như thế nào“, Bộ trưởng Altmaier cho biết.

Được biết, trong chuyến công du đến Cairo vào đầu tháng 2 năm nay để đàm phán thương mại với Ai Cập, Bộ trưởng Altmaier đã phát biểu rằng, Nhân quyền và ổn định xã hội là 2 mục tiêu song song và có giá trị ngang nhau. “Chúng tôi không chọn cái này hay cái kia, nhưng chúng tôi theo đuổi cả 2 mục tiêu song song“, Bộ trưởng Altmaier nói. Không chỉ bằng lời nói, quả thật Bộ trưởng Altmaier đã gặp các nhà hoạt động nhân quyền Ai Cập trong chuyến đi của ông.

Bộ trưởng Altmaier sẽ đi thăm một công ty Đức, tham dự một diễn đàn kinh tế với các công ty Đức và Việt Nam và tham dự lễ khánh thành một tòa tháp kinh doanh hiện đại và tiết kiệm năng lượng  tại TP. Hồ Chí Minh, được gọi là “Ngôi nhà Đức”,  nơi Tổng lãnh sự quán, Đoàn doanh nghiệp Đức và các công ty Đức đặt trụ sở.  Ngôi nhà Đức (Deutsches Haus) mặc dù đã được xây dựng hoàn tất và đưa vào hoạt động gần một năm rưỡi nay (từ tháng 9 năm 2017), nhưng chưa được chính thức khánh thành vì khi đó Đức đang đóng băng quan hệ với Việt Nam do vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh gây ra.

Ngoài ra, một Biên bản Ghi nhớ sẽ được ký kết về việc gia hạn đến năm 2021 chương trình đào tạo nhà quản lý (Manager), mà Việt Nam đã tham gia từ năm 2008. Cho đến nay, hơn 500 nhà quản lý từ các công ty Việt Nam đã được đào tạo nâng cao tại Đức và thiết lập mối quan hệ kinh doanh bền vững với các công ty Đức.

Bộ trưởng Altmaier cũng sẽ tham dự dạ tiệc kỷ niệm 25 năm thành lập Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK Việt Nam). “Các công ty Đức đã hoạt động thành công tại Việt Nam từ nhiều năm qua và chúng tôi cùng với phái đoàn kinh tế Đức hỗ trợ họ tổ chức kỷ niệm 25 năm“, Bộ trưởng Altmaier nói.

Năm 2018 kim ngạch thương mại Đức-Việt lên tới 13,8 tỷ Euro, trong đó 9,7 tỷ Euro là nhập khẩu từ Việt Nam và 4,1 tỷ Euro là xuất khẩu sang Việt Nam.

Nguồn: https://www.tah.de/welt/afp-news-single/gruene-altmaier-muss-bei-vietnam-reise-menschenrechte-ansprechen.html

Tin về chuyến đi Ai Cập của Bộ trưởng Altmaier: https://www.handelsblatt.com/politik/international/aegypten-besuch-altmaier-sieht-menschenrechte-und-stabilitaet-als-gleichwertige-ziele/23948478.html

Bình Luận từ Facebook