Tác giả: Timothy McLaughlin
Dịch giả: Châu Minh Dũng
16-3-2019
Khi chính quyền Việt Nam công kích một trò chơi trên cửa hàng ứng dụng của Google, vì trò chơi này cho phép người chơi đánh trận với các nhân vật được đặt theo tên của các nhân vật chính trị [của chế độ CSVN], gã khổng lồ công nghệ này đã phải nhượng bộ.
Google đã chặn quyền truy cập ứng dụng này từ Việt Nam, một trong các thị trường trực tuyến hứa hẹn nhất châu Á và cũng là quốc gia mà các nhà lãnh đạo cộng sản từ lâu đã hạn chế tự do ngôn luận và quyền phê phán chính phủ.
Theo luật an ninh mạng có hiệu lực từ ngày 1/1 vừa qua và có thể buộc người dân đồng thuận trong vòng một năm, những ràng buộc kiểu như vậy còn có thể trở nên khắc nghiệt hơn nữa. Pháp luật Việt Nam có thể đóng vai trò như một “tấm gương” cho các chính phủ hà khắc khác về cách kiểm soát thông tin và đàn áp những ý kiến bất đồng trên mạng, trong khi vẫn tiếp tục phát triển một không gian công nghệ náo nhiệt – còn các nhà hoạt động lo ngại, các công ty sẽ lựa chọn phục vụ cho thị trường béo bở này, bất chấp những mối bận tâm của họ về sự kiểm duyệt.
Mặc dù các hướng dẫn thực thi luật an ninh mạng chưa được đặt ra, luật này không chỉ buộc các công ty như Google và Facebook xóa bỏ các nội dung mà chính quyền VN cho rằng có yếu tố xúc phạm chế độ, mà còn buộc họ phải lưu trữ dữ liệu bên trong các máy chủ đặt ở Việt Nam. Ngoài ra, họ phải thiết lập văn phòng đại diện trong nước, điều mà họ không muốn làm vì sợ các nhân viên phải chịu áp lực chính thức từ chính quyền hoặc thậm chí bị bắt giữ.
Chuyện kiểm soát nội dung Internet và nhu cầu của chính quyền trong việc giám sát ở quy mô lớn hơn đối với các công ty công nghệ nước ngoài, là xu hướng đang trỗi dậy ở châu Á.
Ấn Độ gần đây cũng bắt buộc việc lưu trữ dữ liệu ở địa phương và đang tìm cách mở rộng quy định áp đặt lên các công ty Hoa Kỳ, đặc biệt là WhatsApp, ứng dụng nhắn tin thuộc sở hữu của Facebook. Thái Lan đã thông qua dự luật an ninh mạng của riêng mình vào tháng trước, dù phải nhận những lời chỉ trích từ các doanh nghiệp và các nhà hoạt động dân sự.
Trong khi đó, Việt Nam vẫn là một trong các thị trường tăng trưởng nóng nhất trong khu vực, mặc dù có những hạn chế mới.
Một báo cáo hồi năm ngoái của Google và tổ chức Temasek Holdings của Chính phủ Singapore đã ví nền kinh tế Internet của Việt Nam như “một con rồng đang được phóng thích”. Các ứng dụng phục vụ du lịch trực tuyến, phương tiện truyền thông, dịch vụ vận chuyển [như Grab, Uber] và thương mại được định giá 9 tỉ Mỹ kim ở Việt Nam trong năm 2018 và dự kiến sẽ lên tới 33 tỉ Mỹ kim vào năm 2025, theo báo cáo nói trên.
Các nhà hoạt động lo ngại, những gã công nghệ khổng lồ như Facebook và Google, nơi cung cấp cho họ một diễn đàn mới mẻ và lý thú để chỉ trích chính quyền, sẽ nghiêng theo hướng chấp nhận các yêu sách ngày càng tăng của chính quyền, để họ có thể duy trì sự hiện diện tại thị trường vẫn đang tăng trưởng nóng này.
Không giống như Trung Quốc, nơi chặn quyền truy cập toàn bộ các trang web, đồng thời thiết lập được những công ty khổng lồ Internet của riêng họ, Việt Nam đã lựa chọn từ từ áp đặt quy định kiểm soát các công ty công nghệ.
Tuy nhiên, các nhóm hoạt động vì quyền lợi người dân cho biết, các quy định trên vẫn sẽ thắt chặt hơn một môi trường vốn đã rất khắc nghiệt ở quốc gia Đông Nam Á này. Chính quyền này “có thể duy trì sự độc quyền về quyền lực chính trị và không cho phép bất kỳ sự thách thức nào đối với quyền lãnh đạo toàn trị của mình”, theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền.
Luật [an ninh mạng] mới đã được thông qua dễ dàng, bất chấp những nỗ lực vận động hành lang mạnh mẽ của các công ty Hoa Kỳ, theo Jeff Paine, giám đốc điều hành của Liên minh Internet châu Á (AIC), một hiệp hội công nghiệp bao gồm Google, Facebook và các công ty công nghệ khác của Hoa Kỳ.
Phần lớn chuyện vận động hành lang không chú tâm đến mối lo ngại của các nhà hoạt động, mà chỉ tập trung vào chuyện thuyết phục chính quyền Việt Nam rằng duy trì sự hiện diện của các công ty công nghệ sẽ mang lại lợi ích kinh tế, thứ lợi ích sẽ bị cắt giảm bởi chính quá trình thực thi nghiêm ngặt luật an ninh mang. Những nỗ lực này bao gồm một cuộc trò chuyện với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hồi tháng 4 năm ngoái, theo ông Paine, cũng như các đề xuất về việc điều chỉnh luật này.
Ông Paine nói: “Đó là một cuộc họp đầy cảm hứng. Thật không may, nó không kéo dài được lâu, bởi vì vào tháng 6 [năm ngoái] khi dự luật này ra đời, đã có một số mối lo ngại với ngành công nghiệp [Internet]. Tôi muốn nói rằng có lẽ luật này là thách thức lớn nhất đối với nhiều công ty công nghệ trong năm 2018”.
Việt Nam đang đánh bạc một cách có tính toán rằng thị trường với khoảng 95 triệu người của họ vẫn đủ hấp dẫn để các công ty [công nghệ] sẽ chấp nhận đáp ứng nhu cầu của họ, thay vì bỏ đi. Hiện các công ty này đang chờ các hướng dẫn chi tiết sau cùng về cách thực hành luật an ninh mạng – một quy trình mà Paine mô tả là “rất tối nghĩa”.
Thay vì xây dựng hệ thống pháp lý mạnh mẽ, cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế bằng lĩnh vực công nghệ, chính quyền VN chỉ “bận tâm đến vấn đề tin vịt và bất cứ điều gì có thể ảnh hưởng đến sự ổn định chính trị [ở quốc gia này]”. Ông Vũ Minh Khương, phó giáo sư trường Chính sách công Lý Quang Diệu ở Singapore, là người đã tư vấn luật pháp cho chính phủ, cho biết.
Bộ Thông tin và Truyền thông VN đã không trả lời yêu cầu bình luận về vấn đề này. Trước đó, chính quyền VN nói rằng, luật an ninh mạng là cần thiết để “bảo vệ an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội”.
BKAV, một công ty an ninh mạng của Việt Nam, báo cáo rằng virus máy tính đã gây thiệt hại khoảng 642 tỉ Mỹ kim tại nước này hồi năm ngoái và 1,6 triệu máy tính bị mất dữ liệu.
Các mục tiêu chính của luật [an ninh mạng] mới, theo các quan chức công nghệ và các nhà hoạt động, là Google và Facebook.
Cô Mai Khôi, một ca sĩ và nhà hoạt động chính trị nổi tiếng của Việt Nam, cho rằng, “luật an ninh mạng là một nỗ lực của chính quyền nhằm kiểm soát không gian duy nhất nơi mọi người có thể nói chuyện thoải mái với nhau”.
Một người phát ngôn của Facebook từ chối bình luận khi được hỏi liệu công ty này có tuân thủ luật an ninh mạng hay không.
Ngay cả trước khi luật này được thông qua, đã có một sự gia tăng đáng kể các biện pháp kiểm duyệt từ Google, theo dữ liệu từ Báo cáo Minh bạch của công ty này.
Từ tháng 12/2010 đến tháng 6/2016, Google đã nhận được năm yêu cầu xóa nội dung từ chính quyền Việt Nam. Trong năm 2017, con số này đã lên tới 67. Từ tháng 1 đến tháng 6/2018, dữ liệu ghi nhận mới nhất, đã có 49 yêu cầu xóa nội dung trên Google, cũng là con số cao nhất trong giai đoạn sáu tháng báo cáo một lần đến nay.
Trong số 7.366 nội dung Google bị yêu cầu xóa kể từ năm 2009 đến nay, 7.359 yêu cầu trong số đó được gửi đến đến vào năm 2017 và nửa đầu năm 2018. Tỷ lệ phần trăm yêu cầu xóa nội dung có thời hạn kể từ năm 2017 đến nay chưa bao giờ xuống dưới mức 79%. Gần như tất cả các yêu cầu này liên quan đến nội dung trên YouTube.
Trong một ví dụ được Google trích dẫn, chính quyền VN yêu cầu công ty xóa hơn 3.000 video trên YouTube với nội dung chủ yếu phê phán Đảng Cộng sản và các quan chức. Quyền truy cập các video này đã bị hạn chế “đối với đa số”, theo Google.
Phát ngôn viên của Google cho biết: “Chúng tôi có chính sách rõ ràng đối với các yêu cầu xóa nội dung từ các chính quyền trên khắp thế giới. Chúng tôi dựa vào các chính phủ để thông báo về các nội dung mà họ cho là bất hợp pháp thông qua các quy trình chính thức và sẽ hạn chế quyền truy cập các nội dung đó vào lúc thích hợp sau khi xem xét kỹ lưỡng. Các yêu cầu này được theo dõi và đưa vào Báo cáo Minh bạch của chúng tôi”.
Cô Khôi là người đã gặp Chủ tịch Google lúc bấy giờ là Eric Schmidt, hồi năm 2017, khi ông đến thăm Việt Nam, đã bày tỏ sự thất vọng trước những gì cô cho là sự thất bại của các công ty công nghệ trong việc giữ vững lập trường.
Cô nói: “Các công ty này phải đối mặt với lựa chọn đơn giản giữa việc tuân theo luật an ninh mạng – đồng nghĩa với vi phạm nhân quyền – hoặc từ chối tuân theo và bảo vệ nhân quyền. Thật không may là họ đã lựa chọn việc tuân theo luật an ninh mạng”.
Theo một chuyên gia về lĩnh vực này nói với điều kiện ẩn danh, bình luận với giới truyền thông, sự gia tăng đột ngột các yêu cầu xóa nội dung trong năm 2017 đã đặt ra một cuộc tranh cãi ở Washington, giữa các lãnh đạo Google với đại diện của các Bộ Ngoại giao và Thương mại, cũng như các thành viên của văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ,
Tháng trước, Ted Osius, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, đã tham gia Google với tư cách Phó Chủ tịch phụ trách chính sách công và các vấn đề chính phủ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
©Tiếng Dân – Bản tiếng Việt