Phong trào Bãi Khóa vì Nền Khí Hậu Trái Đất

Nguyễn Đạt An

16-3-2019

Ngày hôm qua, 15/3/2019, trong phong trào bãi khóa lớn nhất lịch sử loài người, ngọn lửa của tuổi trẻ và tương lai đã bùng cháy lên trên khắp thế giới để cất cao tiếng nói, đòi hỏi cho một nền khí hậu và một hành tinh không bị biến đổi vì khí thải công nghiệp và ô nhiễm môi trường.

Hàng trăm nghìn bạn trẻ đã xuống đường từ New York (Mỹ) đến Warsaw (Ba Lan), từ Wellington (New Zealand) đến Turin (Italia), từ Hyderabad (Ấn Độ) đến Helsinki (Phần Lan), từ Kampala (Uganda) đến Seoul (Hàn Quốc).

Tiếng nói và yêu cầu của các em học sinh về chính tương lai của các em đang phá đổ mọi bức tường, tiêu diệt mọi ngăn cách, đánh vào sự xấu hổ và lương tri của người lớn, đòi hỏi sự thay đổi trong cách nhìn và phán đoán của cha mẹ, ông bà, thầy cô giáo về nếp sống hiện tại và tương lai nhân loại.

Thậm chí ở Anh Quốc, trường học nào không có học sinh tự nguyện tham gia vào cuộc tuần hành thì sẽ được công chúng xem là không đạt tiêu chuẩn giáo dục. Cuộc xuống đường của các em nhỏ là tiêu chuẩn và thước đo sự trưởng thành và khả năng độc lập trong tư duy con người về chính số phận của mình.

Cuộc bãi khóa do cô bé 16 tuổi người Thụy Điển Greta Thunberg khởi xướng từ tháng 8/2018, và giờ đây đã lan tỏa khắp hành tinh. Nó sẽ bẻ gãy mô thức hệ thống kinh tế tư bản cũ, và xây dựng cách nhìn mới về phát triển bền vững, giúp đỡ lẫn nhau và một nền văn minh vì công lý khí hậu cho nhân loại.

Ở Việt Nam, cho đến ngày hôm nay, không một tin tức gì về cuộc tuần hành vĩ đại này được đăng lên báo chí trong nước. Các học sinh Việt Nam hầu như không biết và nhận ra rằng, tương lai của đất nước này, trong đó có Đồng Bằng Sông Cửu Long, Đồng bằng Sông Hồng và vùng duyên hải ven biển Miền Trung, an ninh lương thực cho 100 triệu người dân, phụ thuộc hoàn toàn vào tiếng nói và cuộc đấu tranh này của thế hệ tương lai trên toàn cầu.

Thật đáng hổ thẹn và buồn. Chính quyền Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục xây dựng các dự án nhiệt điện đã được lên kế hoạch từ 2 năm trước. Và cuộc sống ở Việt Nam vẫn sẽ chẳng thay đổi gì, nhưng chờ đợi sự đổi thay từ người khác.

Dân Việt Nam nên sớm nhận ra định mệnh của họ – dù thời điểm hiện tại đã quá trễ.

Một số hình ảnh:

Các em học sinh giơ cao biểu ngữ cổ động khi đang tuần hành gần Đài tưởng niệm Queen Victoria, ở phía trước Điện Buckingham, London, Anh Quốc. Nguồn ảnh: Tolga Akmen/AFP/Getty Images.
“Chúng tôi bỏ học để dạy các người về bài học Trái Đất.” Những em học sinh tuần hành trên đường phố Canterbury, Kent, Anh Quốc. Ở Anh, nhiều sự kiện phản đối diễn ra trên khoảng 100 thành thị khác nhau. Nguồn ảnh: Gareth Fuller/PA.
“Chấm dứt Biến đổi Khí hậu ngay bây giờ!” Hàng nghìn học sinh từ các trường trung học, cao đẳng và đại học đi bộ khắp trên mọi nẻo đường để tham gia Chiến dịch bãi khóa phản đối để bảo vệ nền khí hậu hành tinh lớn nhất lần thứ hai trong năm nay. Nguồn ảnh: Jack Taylor/Getty Images.
“Kết quả bài kiểm tra dành cho Chính phủ
A. Người lớn không muốn hành động cho một
B. Thế giới tốt đẹp hơn
C. Trẻ em ngăn bọn họ đừng
D. Phá hủy
E. Trái Đất
F. Thất bại”
Học sinh tập hợp với biểu ngữ trên tay ở London (Anh Quốc). Họ kêu gọi chính phủ tuyên bố một tình trạng khẩn cấp về khí hậu. Nguồn ảnh: Jack Taylor/Getty Images.
Nhà vận động môi trường Thụy Điển nhỏ tuổi Greta Thunberg tham gia vào cuộc tuần hành ở trung tâm thủ đô Stockholm, Thụy Điển. Nguồn ảnh: Tt News Agency/Reuters.
Học sinh từ trường Braeburn Garden Estate hát vang trong một cuộc xuống đường ở trong rừng Karura, thủ phủ Nairobi (Kenya). Nguồn ảnh: Yasuyoshi Chiba/AFP/Getty Images.
Học sinh Ba Lan ở Warsaw (Ba Lan) phản đối việc chính quyền nước này quá phụ thuộc vào nguồn năng lượng cung ứng từ nhiệt điện than đá. Nguồn ảnh: Jakub Kamiński/EPA.
Giới trẻ Hy Lạp xuống đường tại thủ đô Athens. Nguồn ảnh: Louisa Gouliamaki/AFP/Getty Images.
Học sinh Italia tụ họp trước Nhà thờ Chính tòa ở Milan (Italia). Nguồn ảnh: Matteo Bazzi/EPA.
Một học sinh ở Barcelona (Tây Ban Nha) lớn tiếng kêu gọi phản đối. Nguồn ảnh: Lluís Gené/AFP/Getty Images.
Học sinh ở Nam Phi giơ cao các biểu ngữ tại Cape Town. Nguồn ảnh: Mike Hutchings/Reuters.
Giới trẻ tham gia ở Düsseldorf (Đức) tập họp xung quanh một biểu tượng mô tả hình ảnh em nhỏ Greta Thunberg, người khởi xướng phong trào Bãi Khóa lớn nhất thế giới. Nguồn ảnh: Wolfgang Rattay/Reuters.
“Tôi sẽ đi học nếu Trái Đất nguội đi.” Học sinh ở Scotland tập hợp trên một ngọn đồi trước khi tuần hành đến tòa nhà Quốc Hội ở Edinburgh. Nguồn ảnh: Jane Barlow/PA.
Những em nhỏ phản đối ở Berlin (Đức) xòe bàn tay ra, với dòng chữ: “Tương lai của chúng tôi nằm trong tay các người”. Nguồn ảnh: Tobias Schwarz/AFP/Getty Images.
“Chúng tôi tập hợp lại để dạy dỗ người lớn”. Các em học sinh biểu tình ngồi tại thủ phủ New Delhi (Ấn Độ). Nguồn ảnh: Altaf Qadri/AP.
“Làm thay đổi nền chính trị, chứ không phải nền khí hậu.” Các em nhỏ vận động cho môi trường ở New Zealand, hát vang bên ngoài tòa nhà Quốc Hội ở Wellington. Nguồn ảnh: Hagen Hopkins/Getty Images.
Phía trước đấu trường Coliseum ở Rome, các em học sinh giơ cao biểu ngữ: “Trái Đất đang nóng lên”, “chúng tôi không thể uống, chúng tôi không thể thở”, “hãy cất lên tiếng nói, chứ không phải mực nước biển” và “chúng tôi sẽ học từ quá khứ, nếu các người cho chúng tôi một tương lai”. Nguồn ảnh: Andreas Solaro/AFP/Getty Images.
“Đừng như Trump”. Các em học sinh ở Hong Kong mang thông điệp của mình ra đường. Nguồn ảnh: Anthony Wallace/AFP/Getty Images.
Một quả bóng khổng lồ mang hình ảnh Trái Đất được tung lên bởi đám đông trong suốt cuộc tuần hành vì Biến đổi Khí hậu ở thành phố Sydney (Australia). Nguồn ảnh: Don Arnold/Getty Images.
“Hãy tôn trọng Hành tinh”. Các em gái giơ cao biểu ngữ và hét vang thông điệp ở Athens (Hy Lạp). Nguồn ảnh: Louisa Gouliamaki/AFP/Getty Images.
“Không có hành tinh B”. Hàng nghìn em học sinh ở thành phố Dublin (Ireland) xuống đường tuần hành từ công viên St Stephen’s Green đến tòa nhà Quốc hội Leinster House của nước này. Nguồn ảnh: Niall Carson/PA.
Một đám đông các em học sinh tập hợp tại thành phố Lisbon (Bồ Đào Nha). Nguồn ảnh: Rafael Marchante/ Reuters.
Hình chụp tại Lausanne (Thụy Sĩ). “Thế giới sẽ không bị phá hủy bởi kẻ xấu, nhưng bởi những người nhìn thấy điều xấu xa nhưng chẳng làm gì hết – Albert Einstein”. Nguồn ảnh: Jean-Christophe Bott/EPA.
Hình chụp tại Cape Town (Nam Phi). “Hành tinh của chúng ta đang chết, đừng dối trá”. Nguồn ảnh: Nic Bothma/EPA.
Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. HS Việt Nam rất hiền rất thụ động , thầy bảo sao nghe vậy Cho nên nước nào có nhà máy nhiệt điện, sợ tro xỉ và khói bụi phá hoại môi trường cứ đem sang VN, Chúng tôi sẽ mua giá cao, cón tro xỉ mang ra biển đổ, khói bụi mỗi người chia nhau hít một chút , ung thư có bệnh viện ung bứu lo.
    welcome nhiệt điện to VN.

Comments are closed.