Thục-Quyên
13-3-2019
Khoảng nửa thế kỷ trước, khi Việt Nam từ Bắc tới Nam đang say sưa đánh giết nhau, mỗi bên đưa ra hàng lô lý do chính đáng của mình để phải tận diệt phía bên kia, thì có một ông thầy tu Phật giáo trẻ thống thiết kêu lên “giết con người đi rồi, chúng ta ở với ai?”
Bây giờ, nửa thế kỷ sau, một người trẻ tên Lê Vi lại bật ra câu hỏi không kém thống thiết: Thế hệ của tôi, một thế hệ vứt đi?
Và hình như lời kêu gọi vớt vát của Lê Vi “nếu bạn có cùng tâm trạng xin chia sẻ ạ!!!” tới giờ cũng không mấy được đáp ứng.
Tôi muốn chia sẻ với Lê Vi bài học có thể rút ra từ lời kêu của ông thầy tu trẻ khi xưa (hiện nay thế giới biết danh là Thiền Sư Thích Nhất Hạnh). Thầy là thiền sư mà cũng là một thi sĩ nên Thầy mô tả “có bùn mới có sen” hay theo khuynh hướng bảo vệ môi sinh “chuyển hoá rác thành hoa, thành rau quả”…nhưng tôi chỉ là học trò của Thầy, lại không có tài thơ nhạc gì cả, nên chỉ có thể đơn giản nói toạc ra: Việt Nam chỉ có vậy, vứt thế hệ trẻ đi (tuổi Lê Vi) thì còn thế hệ nào?
Thế hệ trên 60t chăng?
Trong nước, đa số những người thế hệ trên 60t tại miền Bắc thì sợ hãi phải trở lại những ngày tháng bao cấp, người của miền Nam thì sợ hãi trở lại những ngày vừa bị “giải phóng”. Họ đang hài lòng với những miếng ăn, vật dụng, “tốt hơn xưa nhiều” mà mình đang có và có cho con cháu mình, nên họ rất sợ rủi ro mất miếng mồi đang trong miệng. Rủi ro đó rất gần nếu nhà nước không bằng lòng họ.
Còn những rủi ro khác thì không nằm trong tầm nhìn của họ:
– Trung Quốc đang nắm trọn Việt Nam về mọi mặt?
– Chủ quyền biển đảo?
– Ngư dân VN bị hải quân TQ đánh, giết?
– Ô nhiễm làm tăng hiểm họa ung thư?
– Tham nhũng làm đất nước kiệt quệ?
– Người trẻ Việt Nam đang phải bỏ nước ra đi làm tôi mọi nơi quê người?
v.v….
Rất khó để nhìn thấy những rủi ro này trong đời sống bận rộn hàng ngày, nhất là khi không được huấn luyện để biết nhìn, biết suy nghĩ.
Nói chi khi lại còn sợ không muốn nhìn và không muốn suy nghĩ.
Ở hải ngọai, tôi có những người bạn miền Nam thích nhắc đến những hy sinh hiển hách trong trận chiến khi xưa, đến sự tàn ác của cộng sản trong những trại tù “cải tạo”, đến những khổ nhục khi đi tỵ nạn, nhưng các bạn tôi than nhức đầu không đọc những bài viết chi tiết trên các báo quốc tế về tình hình Biển Đông hiện nay, về cán cân lực lượng quốc tế đang ảnh hưởng tới VN… Dĩ vãng khi được lựa trở thành dĩ vãng để kể, hình như đã mang một loại hào quang con người khó thoát. Có lẽ cũng vì vậy nên biết bao tên tuổi lớn của VN không thể dứt khoát từ bỏ đảng Cộng Sản sau khi biết quá chắc chắn là cái đảng CS thực tế không phải là giấc mơ của họ năm xưa và bao lâu nay họ đã chỉ nhắm mắt bịt tai không muốn đối diện sự thật?
Vài người bạn khác của tôi trước kia đi tỵ nạn chính trị, nay thì về thăm VN thường xuyên, khen Đà Nẵng, Nha Trang tối tân và RẺ. Họ nói như tát vào cái bản mặt lo lắng của tôi là làm gì có người TQ xâm chiếm, ngoại trừ vài người du khách!
Nhưng chẳng kém lạ lùng là một số người tôi quen, xuất thân từ miền Bắc (nay ở Đức), vẫn ngậm ngùi nhắc đến bạn bè anh em ruột thịt đã mất thây trong những vũng bùn máu Vị Xuyên, nhưng những người này cũng chỉ đi biểu tình (tại Đức) chống TQ xâm lấn Biển Đông khi Toà Tổng lãnh sự VN cho phép họ và may Cờ Đỏ cho họ phất.
Tôi lại còn có vài người bạn làm bác sĩ, nha sĩ tại VN. Các bạn tôi có thể viết hàng trang giấy về những ngón đòn chính trị “tuyệt vời” của ông Trump, nhưng yên lặng không cho ý kiến khi báo chí đưa tin về những phòng chữa bệnh/ bác sĩ TQ hành nghề chui tại VN. Còn những trí thức của những năm 70 xuống đường tại München, Frankfurt, Paris… chống bom đạn Mỹ, thì nay, máu ngư dân VN có đổ tại Biển Đông, các nhà máy TQ có đang ô nhiễm đất sống của dân, họ cũng Không thấy-Không nghe vì bận ngồi thiền cho tâm an.
Ít nhất không lên tiếng thì thân họ cũng an khi họ về VN trốn mùa đông Mỹ/Úc/Âu châu, tại những ngôi nhà xinh đẹp họ được phép mua.
Còn nhiều, nhiều nữa. Những người thuộc thế hệ Lê Vi, thế hệ 50t, 60t, 70t…. tất cả là những thế hệ người Việt Nam đang núp trốn đằng sau bức tường thành kiên cố: TÔI KHÔNG LÀM CHÍNH TRỊ. KHÔNG LÀM GÌ ĐƯỢC ĐÂU, MẤT THÌ GIỜ VÔ ÍCH.
Hàng hàng lớp lớp người đó, nếu vứt đi hết thì còn bao nhiêu để là người Việt Nam? Không có người Việt Nam thì cũng sẽ chẳng có Việt Nam.
Bài học đơn giản
Nếu thấy tình trạng ngày hôm nay không tốt thì lấy quyết định thay đổi ngay lập tức.
Hãy bắt đầu thay đổi từ người VN số 1. Đó là người quan trọng nhất. Đó là chính mình.
Thí dụ có thể thay đổi như:
– Tiết kiệm thì giờ để làm những việc cần làm, bằng cách đừng quá chú tâm phê bình người khác sai.
– Chú tâm liên lạc với những người có những suy nghĩ và nhất là hành động mình cảm phục.
– Học hỏi họ, trao đổi với họ, ủng hộ họ. Chính mình sẽ lên tinh thần.
– Học thật vững một tiếng ngoại ngữ
– (Những người trẻ) cố gắng học một nghề chuyên môn. Nghề gì cũng tốt. Nhưng phải vững. Nên nhớ muốn có quả thì phải trồng cây.
Chỉ có bấy nhiêu thôi. Tương đối đơn giản. Quan trọng là LÀM. Rất nhiều người VN đang LÀM theo bài học này và đang LIÊN KẾT với nhau. Một nhóm người rồi nhiều nhóm người, một lúc nào đó mọi người đã thay đổi. Tất cả những cuộc cách mạng xã hội muốn bền vững phải bắt rễ rồi mới mọc khỏe được.
Liệu có quá trễ cho Việt Nam không? Có thể. Điều chắc chắn là nếu hôm nay không bắt đầu, thì lại càng trễ nữa. Nếu gặp khó khăn, hay sau khi thực hành có những điều đề nghị bổ túc, xin liên lạc qua web đăng bài này.
Đọc bài viết và những nhận xét những lời khuyên của tác giả tôi có cảm giác tác giả lẩm cẩm và hình như đang vẫn sống cách đây nửa thế kỷ trong ánh hào quang của Thích Nhất Hạnh,
tác giả nhớ tiếc cái thời sinh viên hs cùng khối phật giáo xuống đường xách động quần chúng ở Huế, Sài gòn…cái thời tác giả nhìn về thầy tu trẻ Thích Nhất Hạnh như một thần tượng.
Tôi không thể hiểu nổi những lời khuyên lẩn thẩn khó hiểu sau đây của tác giả:
Thí dụ có thể thay đổi như:
– Tiết kiệm thì giờ để làm những việc cần làm, bằng cách đừng quá chú tâm phê bình người khác sai.
– Chú tâm liên lạc với những người có những suy nghĩ và nhất là hành động mình cảm phục.
– Học hỏi họ, trao đổi với họ, ủng hộ họ. Chính mình sẽ lên tinh thần.
– Học thật vững một tiếng ngoại ngữ
– (Những người trẻ) cố gắng học một nghề chuyên môn. Nghề gì cũng tốt. Nhưng phải vững. Nên nhớ muốn có quả thì phải trồng cây.
Nghe hao hao lời khuyên của Nguyễn Hiến Lê cho một sinh viên nghèo muốn tiến thân.
Rất hoan nghênh bạn Thục Quyên . Chỉ mún làm rõ vài nội hàm
“Tiết kiệm thì giờ để làm những việc cần làm”
Ví dụ như kiểm thuế cho Đảng
“đừng quá chú tâm phê bình người khác sai”
Đúng . Cứ để mọi người ủng hộ cái sai thành 1 phong trào sai . Nhiều người ủng hộ cái sai thì sẽ thành đúng, đó là “chân lý cụ thể”.
“Chú tâm liên lạc với những người có những suy nghĩ và nhất là hành động mình cảm phục. Học hỏi họ, trao đổi với họ, ủng hộ họ. Chính mình sẽ lên tinh thần”
Hoặc trở thành tâm thần như họ, whichever comes first.
“Học thật vững một tiếng ngoại ngữ”
Tớ đề nghị tiếng Trung . Đang sắp trở thành nội ngữ .
“Liệu có quá trễ cho Việt Nam không?”
Theo Nguyễn Tiến Tường thì không, ngược lại còn quá sớm . Nguyễn Tiến Tường tính chuyện nước Việt thay đổi là chuyện ngàn năm . For once, tớ nghĩ Nguyễn Tiến Tường đúng .
Dù muốn dù không thì những lời lẽ như vậy đã làm suy yếu ý chí bảo vệ
tự do của miền Nam,khiến đồng bào miền Nam không còn muốn tiếp tục
chiến đấu trong khi miền Bắc triệu người như một lao vào trận chiến với
một ý chí duy nhất là chiếm miền Nam bất kể sinh mạng nhân dân.
Hậu qủa ngày nay là cả nước rơi vào nanh vuốt bọn Bắc kinh bành trướng
mà có người còn ngoác mồm ca tụng là cùng chung lý tưởng này nọ v.v…
Lẽ ra,chiến đấu chống cộng phỉ là việc của trần tục còn đạo đức chỉ thích
hợp trong những hoàn cảnh khác,chứ không phải thời chiến đấu “một mất
một còn” trong đó ai thành công thì tồn tại,còn không thì chết !
Đaọ đức kiểu trên là chỉ có được hoà bình GIẢ TẠO vì thiếu CÔNG LÝ !
“Khoảng nửa thế kỷ trước, khi Việt Nam từ Bắc tới Nam đang say sưa đánh giết nhau, mỗi bên đưa ra hàng lô lý do chính đáng của mình để phải tận diệt phía bên kia,”
tác giả mở đầu bài viết bằng một câu chứng tỏ tác giả quá mù mờ về lịch sử cuộc chiến 20 năm làm chết mấy triệu dân VN , làm đất nước nghèo đói lạc hậu sống lầm than dưới ách CS.
Người miền Nam không hề muốn gây hấn với miền Bắc,người miền Nam không hề muốn tận diệt đồng bào mình, chính CS miền Bắc vâng lệnh Nga Tàu phát động cuộc chiến gọi là “Giải Phóng miền Nam” Người lính miền Nam bắt buộc phải cầm súng tự vệ vì không muốn miền Nam lọt vào tay CS.
“Kẻ thù ta đâu có phải là người
giết người đi thì ta ở với ai”
là câu hát trong bài Kẻ Thù Ta (tâm ca số 7) Không phải là câu nói của Nhất Hạnh.
Lời bài hát: Tâm ca 7 – Kẻ thù ta (Phạm Duy) 1965
Kẻ thù ta đâu có phải là người
Giết người đi thì ta ở với ai ?
Kẻ thù ta tên nó là gian ác
Kẻ thù ta tên nó là vô lương
Tên nó là hận thù
Tên nó là một lũ ma (thế thì)
Kẻ thù ta đâu có phải là người
Giết người đi thì ta ở với ai ?
Kẻ thù ta mang áo mầu chủ nghĩa
Kẻ thù ta mang lá bài tự do
Mang cái vỏ thật to
Mang cái rổ danh từ
Mang cái mầm chia rẽ chúng ta (thế thì)
Kẻ thù ta đâu có phải là người
Giết người đi thì ta ở với ai ?
Người người ơi thương xót người nhỏ bé
Người người ơi thương xót người ngây thơ
Thương xót người bị mua
Thương xót người bị lừa
Thương xót người thương xót ta (thế thì)
Kẻ thù ta đâu có ở người ngoài
Nó nằm đây nằm ngay ở mỗi ai
Kẻ thù ta tên nó là vu khống
Kẻ thù ta tên nó là vô minh
Tên nó là lòng tham
Tên nó là tị hiềm
Tên nó là sự ghét ghen (thế thì)
Kẻ thù ta đâu có ở người ngoài
Nó nằm đây nẵm ngay ở mỗi ai
Kẻ thù ta trong mắt thèm lơ láo
Kẻ thù ta trong góc đầu tự kiêu
Trong cõi lòng quạnh hiu
Trong óc hẹp tiêu điều
Trong giấc mộng xâm chiếm nhau (thế thì)
Kẻ thù ta đâu có ở người ngoài
Nó nẵm đây nẵm ngay ở mỗi ai
Người người ơi yêu mến người mãi mãi
Người người ơi yêu mến người không nguôi
Yêu mến người đầy vơi
Yêu mến người đêm ngày
Yêu mến người ta nắm tay (thế thì)
Kẻ thù ta đâu có phải là người
Giết người đi thì ta ở với ai ?
Kẻ thù ta đâu có ở người ngoài
Nó nằm đây nằm ngay ở mỗi ai