Khởi điểm của kết thúc?

Thi Phương

6-3-2019

Trong tuần lễ chuẩn bị sang tháng Ba này của Tổng thống Donald Trump, chẳng phải chuyến đi Việt Nam của ông phó hội thượng đỉnh tay đôi với ông Kim Jong-un của Bắc Triều Tiên là chuyện duy nhất thu hút dư luận không chỉ của Hoa Kỳ mà cả thế giới.

Chuyến đi này đúng là một hành trình ngoại giao “exceptional” của một tổng thống “exceptional”. Nhưng bởi vì ông là tài tử chính trị Mỹ thượng hảo hạng, đúng như ông nói “trước đây chưa từng có” và sau này cũng đừng hòng, cho nên ngay cả người dân Congo cũng hàng ngày tìm cách đọc tin Mỹ để hiểu xem có chuyện gì mới về ông.

Và nay người ta phải đồng ý với ông và hiểu được sách lược chính trị của ông: “Chớ sợ chuyện tai tiếng, chỉ sợ lòng không bền” (nói như bác) không biết cách tạo tai tiếng liên tục để cho dư luận luôn luôn chú ý.

Bởi thế, ông mới dám nói ông tin Chủ tịch Kim không biết gì cả về vụ một thanh niên Mỹ du lịch ở Bình Nhưỡng bị bắt và đầu độc đến gần chết trong tù mới được thả ra để về Mỹ chết. Cha mẹ của Otto Warmbier đã họp báo ngay sau khi ông Trump tay trắng trở về Washington, D.C., họ nghiêm khắc lên án Kim Jong Un và chế độ của ông ta phải chịu trách nhiệm về sự tàn ác và vô nhân đạo “không thể tưởng tượng nổi” sau khi Tổng thống Donald Trump nói rằng nhà độc tài họ Kim đã nói ông “rất tiếc” và không biết về sự đối xử tàn ác mà sinh viên này phải chịu đựng trong thời gian bị giam giữ ở Triều Tiên.

Kim Jong-un nổi tiếng là người tàn ác, giết người không gớm tay. Thế sau khi biết được vụ này, Kim có làm gì với những người chịu trách nhiệm, làm ông ta mang tiếng tàn ác chăng? Ông Trump không hỏi ông Kim, thế Bắc Triều Tiên định làm gì trước phán quyết của một tòa án ở Mỹ, Bình Nhưỡng phải bồi thường cho gia đình nạn nhân 501 triệu đô-la về tội giết người không gươm dao này. Chỉ có điều Kim chẳng có một lời nào với gia đình nạn nhân.

Tuy thất bại vì ra về tay không, nhưng ông Trump họp báo tại sân bay Hà Nội vẫn nêu đích danh người tiền nhiệm của mình Barack Obama trong tám năm tại Tòa Bạch Ốc đã chẳng làm gì cả!

Đáng để ý trong tuần qua là câu chuyện ông tán tụng không ngượng miệng một lần nữa cô con gái cưng của mình. Ông nói, Ivanka Trump là một doanh nhân thành công, đã đóng góp lớn vào sự thịnh vượng kinh tế của nước Mỹ khi đã tạo ra hàng triệu công ăn việc làm cho lao động Mỹ. Giống như ông thổi phồng tài sản của mình để được tạp chí Forbes thăng hạng trong danh sách tỷ phú Mỹ. Đúng là ông không biết ngượng, hoặc xem thường cử tọa của ông là ngốc nghếch không biết gì. Mà cử tọa này là ai? Là một hội nghị các thống đốc tiểu bang người Cộng Hòa.

Cô con gái này cũng bị chỉ trích sau khi lên tiếng phát biểu: Trong mấy năm qua, tôi đã đi khắp nước Mỹ, và tôi thấy người ta muốn làm việc có tiền hơn là cần được bảo đảm có công ăn việc làm. Ý cô muốn nói là dự định của đảng Dân Chủ đưa ra luật bảo đảm việc làm cho người dân là không cần thiết. Quan điểm này cũng giống như quan điểm của đảng Cộng Hòa về bảo hiểm y tế đại chúng: hãy cho người ta quyền tự do, đừng bắt người ta phải mua bảo hiểm khi không cần bảo hiểm!

Nhưng tai tiếng nghiêm trọng, cũng trong tuần qua, liên quan đến người chồng của Ivanka, Jared Kushner. Nhật báo The New York Times tiết lộ, (hay phát giác, hay phanh phui), giới hữu trách tình báo của Mỹ đã không cho Kushner quyền tiếp cận hồ sơ tình báo mật của quốc gia, mặc dù anh này là “cố vấn tổng thống” (một tước hiệu mà Ivanka cũng được cha ban phát). Ông Trump bực mình, cho nên đã chỉ thị cho ông John Kelly, chánh văn phòng của mình, phải cho chàng rể quí đặc quyền này.

Trong phỏng vấn của tờ NYT tháng qua, ông Trump không biết tờ báo này đã biết được chuyện, cho nên nói rằng ông chẳng hề can dự vào chuyện này. Tuy nhiên, sau khi NYT đưa ra phát giác này, Ủy ban Giám sát Hạ Viện đã quyết định điều tra về sự lạm quyền này để tìm hiểu tại sao lúc ban đầu Kushner bị bác khước quyền tiếp cận, về sau người ta lại phải cho Kushner quyền này… Cuộc điều tra này chắc chắn phải rắc rối cho ông Trump, vừa vì lạm quyền, vừa vì nói dối, cho nên ông luật sư Tòa Bạch Ốc đang cố chống lại lệnh giao nộp hồ sơ đó.

Nhưng nổi bật hơn tất cả trong tuần chính là buổi khai chứng vào trọn ngày thứ tư 27-2 của Michael Cohen, luật sư riêng của ông Trump trong cả 12 năm, và cũng từng là người “fixer”, tức chuyên lo giải quyết những chuyện rắc rối pháp lý cho ông Trump. “Có đồng chí, thì tôi yên tâm”, ông Trump từng nói với Cohen như Mao Trạch Đông nói với Hoa Quốc Phong. Cho nên ông Trump tha hồ làm bậy, ngủ bậy, muốn làm gì thì cứ làm, một phần bởi vì quen nghĩ mình là vua, một phần bởi vì tin rằng ông Cohen sẽ “chạy” cho tất cả. Một thí dụ là Cohen lo trả tiền trám miệng cho ông Trump mà chứng cớ chính là những cái check ông Trump ký mà ông Cohen đưa ra. Đương nhiên, phải có một lúc nào đó tổ trác.

Nhờ cuộc khai chứng này, người ta thấy ông Trump là người giỏi tàng hình để cho người ta không thấy mình. Chuyện che giấu rõ ràng nhất là không chịu công bố hồ sơ thuế như bao tổng thống khác theo tập tục đều làm. Theo ông Cohen, ông Trump muốn che giấu chẳng những chuyện làm ăn mà còn chuyện khai thuế mơ hồ, lẫn lộn, nhằm trốn thuế. Theo tờ NYT, ông Trump rất phức tạp: Ngoài miệng thì khoe mình giàu vô kể, nhưng trong hồ sơ thuế thì giảm thiểu tối đa doanh lợi và tích sản (assets) của mình.

Một chuyện che giấu thứ hai là gót chân bị “bong gân” của ông khiến cho ông mất cơ hội được phục vụ trong quân đội Mỹ thời Chiến tranh Việt Nam. Ông Cohen nói, đó là chuyện ông Trump xạo để trốn lính, cho nên làm gì có hồ sơ xét nghiệm.

Một chuyện thứ ba là ông Cohen từng thay mặt ông Trump ngày 5-5-2015 viết thư khuyến cáo Đại học Fordham không được công bố hồ sơ học bạ của ông Trump. Ông Trump vẫn thường khoe mình học trường “xịn”, học giỏi vô cùng, nhưng chưa hề đưa ra được bằng cấp và nói rõ ông được bằng trong ngành gì (Rõ rệt ông mang mặc cảm với ông Obama – ít nhất trong chuyện học hành). Nếu ở Việt Nam, có lẽ ông cũng được bằng tiến sĩ về khoa Cộng Hòa học.

Sau đây là bản dịch bức thư của ông Michael Cohen, viết với tư cách “Phó chủ tịch Điều  hành và Luật sư Đặc biệt” (special counsel) của Donald Trump”, gởi cho Mục sư Joseph M. McShane, Chủ tịch Đại học Fordham University. Về vấn đề: Hồ sơ học bạ của Donald Trump.

Thưa Mục sư:

Xin được giới thiệu tôi là Phó chủ tịch Điều hành và Luật sư Đặc biệt cho Donald Trump.

Tôi để ý rằng có nhiều phương tiện truyền thông đã yêu cầu công bố hồ sơ học bạ của thân chủ tôi. Chúng tôi đã khước từ những yêu cầu này.

Tôi cũng chắc ông hiểu rằng, theo luật lệ hiện hành, bao gồm Đạo luật về Quyền Giáo dục Gia đình và Riêng tư, việc công bố hay tiết lộ dưới bất cứ hình thức nào những hồ sơ như vậy (hay bất cứ chi tiết, tin tức nào chứa đựng trong hồ sơ đó) cho một bên thứ ba mà không có sự cho phép trước bằng văn bản của thân chủ của tôi đã được luật pháp minh thị ngăn cấm, mọi vi phạm như thế sẽ có hậu quả là định chế giáo dục phải chịu trách nhiệm về dân sự và hình sự và phải chịu chi trả cho những bồi thường, trong đó có những khoản phạt đáng kể, án phạt, và ngay cả việc có thể mất trợ cấp của chính phủ cùng những khoản tài trợ khác. Tội hình sự có thể dẫn đến án tù.

Bởi thế, xin ông hiểu rằng (i) khách hàng của tôi không cho phép việc công bố hay tiết lộ bất cứ hồ sơ học bạ nào cho bất cứ bên thứ ba nào; và (ii) nếu trong trường hợp bất cứ chi tiết nào được công bố hay tiết lộ mà không có sự chấp thuận trước bằng văn bản của ông, chúng tôi sẽ qui trách cho định chế của ông đến mức tối đa theo luật pháp, bao gồm chuyện bồi thường và hình sự. Như ông biết, thông báo này áp dụng cho bất cứ và tất cả nhân viên, đại lý, bên thứ ba và bất cứ cá thể hay thực thể nào hành động cho hay nhân danh Hội đồng nhà trường.

Tôi cảm ơn sự cộng tác của ông. Xin hành động thích đáng và liên lạc với tôi hay tin cho tôi biết là hồ sơ học bạ này đã được đóng lại vĩnh viễn.

Tái bút: Ông Trump thực sự thích thú hai năm theo học tại Fordham và đặc biệt kính trọng Đai học này.

Bức thư này nói khá đầy đủ về “cái học” của ông Trump mà ông hay khoe khoang “vượt trội” hơn ông Obama. Có sự đồn đoán là ông bị “rớt” (flunk) khỏi trường Fordham và phải chuyển qua Wharton School của Đại học Pennsylvania, đi vào ngành địa ốc.

Ông Cohen nói rằng, ông Trump cũng cho gởi những bức thư yêu cầu “bảo mật” tương tự đến trường trung học trước đây của ông và trường Wharton. Theo ông Christopher Rim viết trên tờ Forbes đầu tháng Ba này, ông Trump nói rằng ông ra trường “ưu hạng” và bạn bè đều kính phục, nhưng ông Rim thấy rằng “còn lâu”, chẳng có chứng cớ (hình ảnh) gì cả. Nhưng một câu trong bài viết này đáng cho ông Trump suy nghĩ: “Cũng lạ thay một người đã 71 tuổi mà vẫn còn ‘sung’ (bon chen) như thế, ham hơn thua điểm cao điểm thấp thời còn trung học nhưng lại không đưa ra được một điểm nào”.

Bởi thế, nói tóm lại, ông Trump chuyện gì cũng che giấu cả, từ chuyện chơi gái, tiền bạc, kinh doanh đến học hành, chính trị… trong khi minh bạch (transparency) là nguyên tắc đạo đức và pháp lý đầu tiên cho người được dân tín nhiệm là nguyên thủ quốc gia. Đúng là trong lịch sử nước Mỹ trước đây cũng không có, và sau này cũng khó có được người “can đảm” như thế khi người dân Hoa Kỳ đã có thể rút kinh nghiệm xương máu với người thứ 45, một tổng thống đầy tai tiếng như thế mà không hề lo sợ vì nghĩ rằng mình có quần thần che giấu được tất cả.

Trong một hội nghị thường niên của tổ chức cực hữu CPAC (Conservative Political Action Committee – Ủy ban Hành động Chính trị Bảo thủ) vào thứ Bảy ngày 2-3, tức chỉ đôi ngày sau khi ông trở về từ hội nghị thượng đỉnh Kim-Trâm thất bại vẻ vang, trong khi ở Quốc Hội, luật sư một thời của ông là Michael Cohen đã khai chứng trước những nhà dân cử với những câu chuyện tai tiếng nặng nề về cựu thân chủ của mình, thì ông đã có một bài phát biểu dài hơn hai tiếng, đươc xem là phát biểu dài nhất từ trước đến nay của ông.

Cũng có thể là vì cử tọa da trắng cuồng nhiệt tung hô ông từng chặp và quan điểm quá khích liên tục của ông đã được cổ động từng phút từng giây. Ông lại công kích nặng lời ông cựu Bộ trưởng Tư pháp của mình là Jeff Sessions vì đứng ngoài cuộc điều tra nhằm vào ông, ông bác bỏ thẩm quyền của công tố viên đặc biệt Robert Mueller vì “ông này chẳng ai bầu”, và chửi bới cựu giám đốc FBI James Comey là tay sai của Hillary Clinton.

Ông nói rằng người dân phải bầu ông lại để tránh chuyện “lạm dụng trong tương lai” về quyền ban hành tình trạng khẩn trương của bất cứ tổng thống Dân Chủ nào. Câu hỏi đặt ra là ông có ngồi mãi trong Tòa Bạch Ốc đâu mà ông nói thế! Ông cũng nói “Đúng ra, tôi thuộc đảng bảo thủ, hơn là đảng Cộng Hòa”. Ông tự tin sẽ qua khỏi những đe dọa chính trị hiện nay (săn bắt phù thủy, không chứng cớ…) cũng như sẽ được tái đề cử và tái đắc cử “vẻ vang hơn nữa, áp đảo hơn nữa” trong bầu cử tổng thống năm 2020 bởi những lẽ rất đơn giản, gồm hai phần chính: thứ nhất, cử tri của ông, khối Cộng Hoà bảo thủ da trắng, những người đã bỏ phiếu cho ông năm 2016, theo ông, vẫn “đoàn kết chặt chẽ’ sau lưng ông. Thứ hai, đảng Cộng Hòa nay đã là đảng của ông.

Có lẽ, thứ nhất, ông nói hơi sớm. Thứ hai, ông nằm mơ. Cơ sở của sự lạc quan đó xem chừng cực kỳ lung lay.

Thứ nhất, ông không thể xem nhẹ hay làm ngơ trước hiểm họa sẽ bị “đàn hặc” tại Quốc Hội. Người đứng đầu Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ ngày 3/3 đã nói rằng ủy ban này sẽ yêu cầu tài liệu từ hơn 80 cá nhân và tổ chức nhằm điều tra khả năng cản trở công lý và lạm quyền của Tổng thống Donald Trump. Biện lý Đặc biệt Mueller cũng sẽ công bố nội trong tháng Ba này kết quả điều tra “thông đồng” và “cản trở công lý” của T ổng thống Trump.

Vấn đề là ông và con cái của ông đang dính líu vào quá nhiều cuộc điều tra, và người ta tính rằng các vụ tai tiếng đang tuôn ra bất kể. Đến một lúc nào đó bộ máy chính quyền sẽ trở nên tê liệt hay bất lực. Người bình thường đều tin rằng chẳng thể nào ông đã không thông đồng, và càng tin hơn ông đã tìm mọi cách cản trở công lý qua thái độ và những phát biểu cùng hành động của ông. Đến giữa năm này, tức chẳng còn phải chờ đợi lâu hơn nữa, chúng ta sẽ biết rõ hơn việc này.

Nhưng hơn nữa, đảng Cộng Hòa thế nào đây. Theo báo Washington Post ngày 3-3, đảng này dưới sự lãnh đạo của ông Mitch McConnell tại Thượng Viện xem chừng không khá, đang có chiều hướng miễn cưỡng tuân phục và chấp nhận thất bại trong bầu cử tổng thống 2020. Nhưng chúng ta cũng có thể mong đợi sẽ có những tiếng nói phản kháng việc đảng nhắm mắt tái cử ông. Một số người đang tính ra thách đố ông Trump trong bầu cử sơ bộ của đảng. Let’s wait and see!

Thứ hai, ông Trump, trầy vi tróc vảy, trên người toàn là những vết thương khó lành, sẽ thắng vẻ vang hơn nữa? Đúng là nằm mơ. Làm sao tưởng được rằng trong hàng chục triệu người hiện theo ông chẳng có những người có lương tri và nhận thức cho nên trong bầu cử sang năm họ sẽ chuyển hướng sau khi đã nghe đầy lỗ tai những chuyện tai tiếng chẳng sạch sẽ gì về ông tổng thống của mình. Và theo thăm dò, ông chỉ có được khoản tối đa 35% cử tri dành phiếu cho ông, con số này làm sao đủ cho ông qua cầu.

Trong bầu cử năm 2016, nhiều người chán bà Hillary Clinton cho nên nhắm mắt bỏ phiếu cho ông. Nay họ có thể đã mở mắt! Bà Clinton đã rút lui, cũng mở đường cho nhiều ứng cử viên Dân Chủ sáng giá hơn. Trong lúc đó, cử tri Dân Chủ và độc lập nay hiểu hơn họ phải xuống đường, tức đi đông bầu đúng cử xứng để chống lại sự hủ bại của đất nước.

Ngay cả lá chủ bài của ông Trump là kinh tế, nào ai dám nói kinh tế sẽ vẫn đi lên trong năm nay và năm tới! Và cũng làm sao ông có thể tiến hành được chuyện xây tường để làm quà cho cử tri của ông khi xem chừng trong tuần (4-8 tháng ba) này, Quốc Hội lưỡng viện có thể đạt được một nghị quyết bác bỏ lệnh “Khẩn trương Quốc gia” của ông.

Cho nên, thất bại của ông Trump trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ-BTT chắc chắn chỉ là điềm báo hiệu “beginning of the end” mà thôi!

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Nẫu ơi, nẫu không phận biệt được đầu là vai trò của báo chí và luật pháp rầu.

    qx

Comments are closed.