Triệu Tử Dương – Những câu chuyện khi bị giam lỏng

3-3-2019

LTS: Chúng tôi có nhận được tài liệu “Triệu Tử Dương – Những câu chuyện khi bị giam lỏng” do TS Nguyễn Quang A gửi tới. TS Nguyễn Quang A viết:

“Tôi đọc xong Hồi Ký của Triệu Tử Dương (2009) thấy quá hay. Không rõ có ai dịch ra tiếng Việt chưa? Tôi hỏi các bậc am tưởng về chính trị và chữ TQ đều bảo chưa đọc. Tôi nghĩ không lẽ cuốn hay như vậy mà không dịch ra tiếng Việt (không xuất bản được thì chí ít cho giới lãnh đạo đọc) nên nhờ người tìm hiểu xe, Viện Trung Quốc có dịch không?

Tôi vui khi nghe nói có dịch từ lâu rồi, nhưng không được in [không rõ các vị trong danh mục email này có ai đọc được bản dịch chưa?]. Bưng bít thông tin là một tội lớn đối với dân tộc!

May tôi kiếm được bản mềm, hoá ra không phải hồi ký của Triệu Tử Dương mà tôi đã đọc bản tiếng Anh, mà là cuốn “Những câu chuyện của Triệu Tử Dương khi bị giam lỏng” do bạn già của ông là Tôn Phượng Minh ghi chép (cho đến vài tuần trước khi Tử Dương mất). Nó bổ sung cho Hồi ký của TTD (dường như hoàn tất trước năm 2000), như thế những ghi chép trước cũng nhất quán với Hồi Ký, nhưng còn thêm được khoảng 4 năm nữa.

Nhất quyết phải dịch Hồi Ký Triệu Tử Dương, nhưng đợi đến khi có bản tiếng Việt, tôi trân trọng đề nghị quý vị đọc cuốn của Tôn Phượng Minh và gửi cho càng nhiều người đọc càng tốt (nhất là các vị lãnh đạo hiện nay và các vị có tiềm năng trở thành lãnh đạo).

Rất cảm ơn.

Nguyễn Quang A

***

Trích: Sau khi Tử Dương bị giam lỏng, tôi đã trực tiếp gặp ông ba lần. Hai lần tại nhà riêng của ông, một lần là tại phòng bệnh ông nằm.

Hai lần gặp Tử Dương tại nhà riêng, một lần tôi đi một mình, một lần tôi cùng đi với Tôn Phượng Minh2. Chúng tôi thảo luận rất nhiều vấn đề.

Nhớ khi đó, tôi từng đề nghị Tử Dương viết hồi ký, viết ra những sự việc quan trọng đã trải qua, nhất là sự kiện “4 tháng 6” để lưu lại lịch sử chân thực cho đời sau. Ông là người trong cuộc của rất nhiều sự kiện lịch sử đương đại Trung Quốc. Nếu ông không nói ra, có thể thế hệ sau sẽ không hiểu rõ những sự kiện lịch sử quan trọng này. Tử Dương nói, sẽ suy nghĩ về đề nghị của tôi. Sau đó, ông nhờ riêng Tôn Phượng Minh nói với tôi, để tôi yên tâm, chí ít thì ông cũng lưu được những tài liệu có liên quan đến sự kiện “ngày 4 tháng 6” (4), sẽ nói lại cho thế hệ sau đúng sự thực về những sự việc mà ông đã trải qua, đã biết có liên quan đến sự kiện “ngày 4 tháng 6”.

Vẫn nhớ khi đó, Tử Dương đã canh cánh trong lòng việc Ngô Giang viết sai về mình. Trong cuốn “Con đường mười năm – Những năm tháng cùng ở với Hồ Diệu Bang”, Ngô có nói năm 1984 Tử Dương đã gửi một bức thư cho Đặng Tiểu Bình và Trần Vân. Nội dung bức thư là tố cáo tội của Hồ Diệu Bang. Tử Dương nói với tôi, đúng là lúc đó có gửi thư cho Đặng Tiểu Bình và Trần Vân, nhưng nội dung thư lại bàn đến việc khác, chứ không phải là tố cáo tội Hồ Diệu Bang. Rất may là còn giữ lại được bản thảo gốc của bức thư, xin gửi anh một bản phôtô. Tử Dương còn nói, mình đang ở vào tình trạng bị giam lỏng, không thể đứng lên để nói rõ sự tình, phân tích thật giả, chỉ hy vọng Ngô Giang nên có một bài thuyết minh cải chính; thế nhưng Ngô Giang mặc kệ, khiến Tử Dương vô cùng đau buồn. Nghe những thuyết minh của Tử Dương, đọc nguyên văn bức thư của ông, tôi cảm thấy những điều ông nói là rất thực.

Hôm gặp Tử Dương ở phòng bệnh tôi đi cùng với vợ tôi. Nhờ vợ tôi kiên trì, chúng tôi đứng một hồi lâu trước cửa phòng, mới được cho vào thăm. Sau khi gặp mặt, tôi đại diện nhiều đồng chí cũ hỏi thăm Tử Dương, mong đồng chí chú ý điều dưỡng hơn. Trong khi nói chuyện, chúng tôi đề cập đến hai cuốn sách, một cuốn có tên “Lý tưởng, niềm tin, sự theo đuổi” của Tôn Phượng Minh, một cuốn là “Cuộc đấu tranh chính trị trong những năm tháng cải cách của Trung Quốc” của Dương Kế Thằng. Cả hai cuốn sách đều nói đến Tử Dương và đường lối cải cách Trung Quốc do ông đề xuất cùng những đối xử bất công mà ông phải chịu.

Tử Dương rất quan tâm đến cảnh ngộ của hai tác giả, chỉ lo hai tác giả vì nói thay mình mà bị liên lụy. Tôi nói với Tử Dương, lãnh đạo đơn vị của hai tác giả này đều đã tìm họ nói chuyện, thẩm tra truy hỏi vì sao lại ra hai cuốn sách đó; thế nhưng trước mắt họ vẫn sinh hoạt bình thường. Tử Dương nói: “Thế thì tôi yên tâm”.

Đây là lần gặp mặt cuối cùng của tôi với Triệu Tử Dương. Hơn mười ngày sau ông từ trần. Có lẽ tôi là một lão đồng chí mà ông gặp mặt cuối cùng.

***

Sách dài 504 trang, hơn 239.000 từ. Kính mời quý độc giả bấm vào link đọc tiếp: Triệu Tử Dương – Những câu chuyện khi bị giam lỏng

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Qua tài liệu này càng cho thấy sự tương đồng về nhiều mặt giữa Trung Quốc và Việt Nam.Giới lảnh đạo của hai đảng CS , suốt mấy chục năm nắm quyền độc tài toàn trị,không thiếu những gương mặt xuất chúng mong muốn đất nước chuyễn biến theo trào lưu dân chủ và kinh tế thị trường tự do. Nhà lảnh đạo Triệu Tử Dương là một điển hình hiếm có trong thế giới của những đầu óc còn mang nặng độc tài phong kiến ,kể cả người tiên phong cải cách Đặng Tiểu Bình . Cánh cửa cải cách dân chủ nhân quyền đã đóng lại từ khi xuất hiện cặp đôi Giang Trạch Dân,Lý Bằng ở Trung Quốc và bộ ba Nguyễn văn Linh,Đổ Mười ,Lê đức Anh trên sân khấu chính trị của hai nước . Đến nay đã tròn 30 năm, sự tha hóa cùng cực về tư tưởng,đạo đức và tăng cường trấn áp ,kiểm soát người dân…của 2 đảng CS cầm quyền đã đi quá xa . Với mục tiêu duy trì đường lối cai trị phản dân hại nước ,đi ngược đà tiến hóa của văn minh nhân loại,bọn họ không từ bất cứ thủ đoạn nào nhằm kiểm soát tâm hồn ,theo dỏi nhất cử nhất động của từng người dân bằng công nghệ số tiên tiến nhất . May thay ,lảnh đạo đảng CS Việt Nam phần lớn dốt nát ,không có chí lớn như lảnh đạo Trung Quốc, cộng với sự phổ biến của mạng internet làm người dân mở mắt và biết được nhiều điều trong ngoài nước . Có lẽ đây là cơ hội để Việt Nam sớm thoát khỏi ách cai trị độc tài phi nhân ?

  2. Trích tiếp (Lời tựa của Lý Nhuệ): “Đặng Tiểu Bình chỉ tán thành cải cách kinh tế, không cho phép cải cách chính trị, chủ trương thực hiện kinh tế thị trường dưới tiền đề nhấn mạnh đến sự khống chế toàn diện xã hội của Đảng. Kết quả dẫn đến nền kinh tế thị trường hủ bại mọc lên như nấm, có thể nói đó là chủ nghĩa tư bản quyền quí buông thả, mà trong đó đầy rẫy những hiện tượng giao dịch quyền và tiền, những hiện tượng bất công trong xã hội, đồng thời cũng vì đó mà làm gay gắt hơn các mâu thuẫn xã hội, như mâu thuẫn giữa cán bộ và quần chúng, giữa giàu và nghèo, giữa thành thị và nông thôn v.v…Đến nay, những mâu thuẫn xã hội này vẫn đang phát triển, có khả năng thai nghén thành những khủng hoảng xã hội.”

    Y như nói về xã hội Việt Nam hiện nay!

  3. TS Nguyễn Quang A: “Bưng bít thông tin là một tội lớn đối với dân tộc!”

    Một điều hiển nhiên đã được nói ra một cách giản dị và rõ ràng nhất. Họ đã biến bưng bít thành chính sách quốc gia trong bao nhiêu năm? Ấy là tội gia trọng.

    Cám ơn TS Nguyễn Quang A phổ biến một tài liệu hiếm có.

Comments are closed.