25-2-2019
Một căn bịnh không thuốc nào chữa khỏi mà những kẻ độc tài đều mắc phải là bịnh hoang tưởng quyền lực.
Ngoại trừ một số chết già vì điều kiện cách mạng dân chủ tại quốc gia họ cai trị chưa chín muồi, một phần không nhỏ đã chết một cách thê thảm bằng những cực hình mà họ chưa bao giờ tưởng tượng ra khi còn nắm quyền sinh sát.
Một hiện tượng đáng lưu ý khác, những kẻ độc tài này thường chết trong tay của những người trước đó không lâu đã thề trung thành với họ.
Ali Abdullah Saleh của Yemen là một trong những kẻ độc tài cai trị bằng bàn tay sắt suốt 33 năm từ 1978 đến 2011. Gia đình bảy anh em của Saleh nắm giữ hầu hết các chức vụ quan trọng trong chính phủ Yemen. Các cấp thấp hơn được phân bố trong bà con giòng họ. Saleh giao cho con và rể điều hành bộ máy công quyền. Chịu đựng áp lực do ảnh hưởng của phong trào Cách Mạng Hoa Lài Bắc Phi 2011, Ali Abdullah Saleh bàn giao chức vụ tổng thống lại cho phó tổng thống Abdrabbuh Mansur Hadi.
Ali Abdullah Saleh có tài sản kếch sù ước lượng vào khoảng 22 đến 64 tỉ Mỹ kim được gởi tại nhiều ngân hàng châu Âu và y có thể sống một cuộc đời đế vương tại Saudi Arabia. Nhưng không, Saleh liên minh với phong trào Yemen Houthis võ trang với ý định tiếp tục cai trị Yemen.
Ngày 4 tháng 12, 2017, Ali Saleh bị chính những người Houthis mà y tin tưởng giết.
***
Tháng 8, 2011, khi Tripoli lọt vào tay quân cách mạng Libya, Muammar Gaddafi thay vì trốn sang Chad hay Nigeria đã rút về Sirte, quê hương của ông ta để tìm cách tiếp tục chiến đấu.
Gaddafi gan lì và can đảm? Không phải. Y không rời Libya vì tin tưởng rằng người dân Sirte được y ưu đãi trước đây vẫn còn yêu mến và sẽ bảo bọc, che giấu y để chờ cơ hội phục hồi quyền lực. Gaddafi lầm. Không ai che giấu, bảo bọc Gaddafi. Ông ta phải trốn trong ống cống ở Sirte nhưng bị lôi ra bắn và thân thể đẩm máu cho thấy đã bị đâm nhiều nhát dao.
Saddam Hussein của Iraq bị xử treo cổ vào sáng ngày thứ bảy, 30 tháng 12, 2006 vì “tội ác chống lại nhân loại” và “tội giết 148 người Iraq Shiites tại Dujail vào năm 1982 sau khi một cuộc mưu sát nhắm vào Saddam Hussein thất bại.”
Ngoài TT George W Bush gởi tối hậu thư cho phép Saddam Hussein và gia đình rời Iraq trong 48 giờ, trong suốt cuộc chiến kéo dài hơn một tháng, Saddam Hussein có nhiều cơ hội để trốn đi khi liên quân Mỹ và đồng minh tấn công Iraq. Nhưng Saddam Hussein không bỏ trốn vì y tin tưởng vào lòng trung thành của quân đội.
Saddam Hussein cũng lầm. Một quân đội từng được xếp vào hàng thứ tư trên thế giới với những sư đoàn Vệ Binh Cộng Hòa (The Republican Guard) tinh nhuệ đã chọn đầu hàng.
Một cái chết gần gũi với giới cai trị CSVN nhất là cái chết của vợ chồng Nicolae Ceausescu. Phần đông thế giới ngày nay đã biết khá chi tiết về cách chết của họ. Điều đáng nói là chính Ceausescu trong buổi gặp gỡ Gorbachev chỉ mười ngày trước đó vẫn nghĩ chế độ CS tại Rumania sẽ “muôn năm trường trị”.
Ngày 21 tháng 12, 1989, Nicolae Ceaușescu đọc diễn văn trước hàng trăm ngàn người dân Romania. Họ là những người được cơ quan tuyên truyền huấn luyện khi nào cần phải hoan hô và khi nào cần phải vỗ tay. Khi Ceaușescu đọc diễn văn được khoảng tám phút, một nhóm công nhân nhà máy điện bỗng la lớn “Timișoara! Timișoara!” để phản đối sự kiện công an CS đàn áp đẫm máu hàng ngàn người ở thành phố Timișoara.
Những người dân được chọn để tham dự cuộc biểu tình nhằm tái lập uy tín của Ceausescu cũng là những người đầu tiên khai tử chế độ. Bốn ngày sau vợ chồng Ceausescu bị xử bắn.
Người muốn xử bắn Ceausescu nhanh chóng chính là tướng Victor Stănculescu, Bộ trưởng Quốc Phòng đầy tin tưởng của Ceausescu.
Nhà độc tài Nicolás Maduro của Venezuela học thuộc những kết liễu thê thảm của Muammar Gaddafi, Saddam Hussein, Ali Abdullah Saleh, Nicolae Ceausescu và nhiều người khác.
Học thuộc là một chuyện nhưng chữa khỏi căn bịnh hoang tưởng quyền lực đã ăn sâu vào trong xương tủy là chuyện khác.
Tài sản của Maduro có thể không hơn nhưng chắc cũng không kém gì Ali Abdullah Saleh của Yemen và chỗ trốn của Maduro hẳn là nhiều hơn của Muammar Gaddafi.
Nhưng thay vì chọn một giải pháp chính trị dành cho y một con đường thoát, Maduro đã chọn cách của Muammar Gaddafi để rồi có thể dẫn đến cái chết không khác gì Muammar Gaddafi như Thượng Nghị Sĩ Marco Rubio gởi “tweet” hôm nay.
Cái chết của những kẻ độc tài nêu trên để lại cho những ai còn đang cố bám lấy quyền lực một bài học: Những khái niệm tin tưởng, trung thành, đồng chí, anh em chỉ có giá trị khi chiếc ghế quyền lực còn vững chắc, một khi chiếc ghế quyền lực lung lay, kẻ xử bắn không phải ai xa lạ mà chính là những kẻ xưa nay vẫn tỏ vẻ trung thành với mình.
Sự khác biệt giữa hai thể chế dân chủ và độc tài chuyên chế là ở chỗ chế độ dân chủ phải xử tội phạm theo cái gọi là “due process” tức là theo thủ tục pháp lý. Nước Mỹ chẳng hạn, dù một công dân – thậm chí tổng thống- có bị cáo buộc tội phản quốc chăng nữa cũng phải đem ra toà xét xử đàng hoàng, để cho hai bên công tố và biện hộ tranh cãi. Nếu nhận tội không qua xét xử thì phải được giảm án.
Còn chế độ độc tài như Trung cộng thì có họng súng, ở Nga thì có thuốc độc, ở Việt Nam thì có tất cả những thứ ấy cộng thêm côn an….Nhưng đến khi thất sủng thì hẳn dân chúng cũng cứ mấy món ăn chơi đó mà xử. Cái gọi là luật rừng, kẻ nào chơi dao chắc chắn sẽ có ngày đứt tay. Liệu mà làm.