Lại nghĩ về Lộc Hưng

FB Lê Nguyễn

12-1-2019

Từ nhiều năm qua, chuyện cưỡng chế đất đai đã diễn ra ở nhiều nơi và sự bất đồng, thậm chí xung đột, giữa người dân và cơ quan chính quyền, diễn ra như cơm bữa. Đó là những xung đột không cân sức giữa một bên là dùi cui, lựu đạn cay, bắt bớ, và cả tù đày, và một bên là những người dân tay không tấc sắt, chạy ăn từng bữa, cái nghèo thường khi đeo đẳng suốt cả một đời người.

Trong lần cưỡng chế tại Lộc Hưng vừa qua, có thêm hai yếu tố đã gây ra một làn sóng xúc động ngày một lan rộng. Thứ nhất là sự cưỡng chế trong thô bạo đã diễn ra vào tháng cuối cùng của năm cũ, trong lúc người công nhân viên đang nao nức nghĩ đến tiền thưởng cuối năm, người lao động tha phương đã có chiếc vé trong tay để chuẩn bị về quê thăm nhà sau một năm dài cực nhọc. Trong khi đó, hàng trăm đồng bào nghèo của họ ở Lộc Hưng đang đứng trước nguy cơ hưởng một cái tết nát cửa tan nhà!

Nhìn những cụ già thất thểu trên đống đổ nát như sau một cơn địa chấn kinh hoàng, nhìn em gái nhỏ ngồi lặng, đưa cặp mắt thất thần, ngơ ngác nhìn quanh, ai là người còn có lương tri mà không rơi nước mắt! Cả một quá khứ phấn đấu trong đau tủi của cụ già ấy mới có được ngôi nhà cấp bốn, nay cũng không còn; cả một trời mơ ước của em gái ấy nay đã sụp đổ trước mắt em, ai mà không đau lòng xót dạ!

Thứ hai là trong số nạn nhân của cuộc cưỡng chế này, có cả những thương phế binh của chế độ VNCH, những người ngay sau ngày 30.4.1975, đã bị tống xuất ra khỏi các Làng phế binh mà chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đã xây cất cho họ từ trước 1975, như niềm an ủi cuối đời dành cho những người đã phải hi sinh một phần thân thể trong cuộc chiến tương tàn.

Những con người ấy hơn 40 năm qua sống vất vưởng bên lề xã hội, cơ thể chẳng nguyên lành, chỉ có thể làm những nghề hạ tiện nhất để kiếm sống như bán vé số, đánh giày, thậm chí đi ăn xin để lê lết những ngày tàn.

Những người Công giáo, cụ thể là nhà thờ Dòng chúa Cứu thế, đã mủi lòng trước cảnh ngộ của họ, dành cho họ một chỗ để “chui ra chui vào” sau mỗi ngày lặn lội đi kiếm sống. Vậy mà bây giờ, chỗ nương tựa cuối cùng của họ cũng không còn nữa! Thực là đau xót khi nhìn thấy những đồng bào của mình sống ở tận đáy xã hội mà vẫn chẳng yên thân!

Trong những ngày qua, người ta đã trao đổi, tranh luận gay gắt với nhau về những yếu tố pháp lý trong vấn đề cưỡng chế đất, một vấn đề cón khá mơ hồ và rối rắm như trong một mê hồn trận. Nhưng có một vấn đề đơn giản, đó là sự ngược đãi người nghèo, cho dù ngược đãi trong khuôn khổ pháp lý, chẳng những trái với “nguyên tắc xã hội chủ nghĩa” như bạn Facebook Dương Quốc Chính đã viết trên trang của anh, mà còn hơn thế nữa, đó là sư chà đạp lên đạo lý ngàn đời của dân tộc vốn luôn dành cho những phận đời bất hạnh sự giúp đỡ vô vị lợi, chà đạp lên truyền thống tốt đẹp của toàn xã hội khi năm hết tết đến.

Chuyện đã xảy ra rồi, những ngôi nhà không dựng lại được nữa, những cuộc đời đang tiếp tục đi xuống, khó thể kéo trở lên, nhưng liệu niềm tin của con người dành cho nhau có thể hủy hoại trong một ngày một bữa? Chắc là không, hãy vững tin là dân tộc chúng ta sẽ sớm nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm.

____

Một số hình ảnh trên mạng về vụ cưỡng chế:

Người dân sinh sống ở khu vườn rau Lộc Hưng tụ tập cầu nguyện sau đợt cưỡng chế đầu tiên hôm 4/1. Nguồn: FB Paul Lộc
Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. HỌC GIẢ NGUYỄN DUY.

    Phúc chu thủy tín dân do thủy (*)

    Thượng sách muôn đời lấy dân làm gốc
    nhân dân đây
    cái gốc quốc gia này.

    Bán mặt cho đất
    bán lưng cho trời
    nhân dân mẹ cha
    nhân dân ông bà
    nhân dân tổ tiên
    nhân dân nguồn cội
    hột gạo củ khoai nuôi nấng cả giống nòi.

    Mảnh đất truyền đời
    chát mồ hôi
    đắng máu
    lớp lớp anh hùng áo vải
    lớp lớp xác người giữ đất
    vẫn nhân dân.

    Sao nên nỗi người cày không có ruộng
    luật hoang vu hoang hóa nhân tình?

    Sao có kẻ sống mọt đời vắt vểu
    ăn quả trên cành tè axit gốc cây?

    Ai ủ cái ung mủ tanh khoang mũi
    ngửi hoa hồng sặc một mùi hôi?

    Ai nuôi cái mù lòa đáy mắt
    nhìn nhân dân ngấp ngoáng bóng thù?

    Ai lăm lăm đẩy dân sang phía địch
    tự biến thành thù địch trước nhân dân?

    Lai tỉnh
    hỡi lương tri
    lai tỉnh!

    (*) Lật thuyền mới biết dân là nước
    (Quan hải, Nguyễn Trãi)

    Nguồn Mạng.

Comments are closed.