Quyền lực công dân Lê Thanh Hải

FB Bạch Hoàn

3-1-2019

Tôi nghĩ mãi vẫn không thể tin được rằng, công dân Việt Nam, bây giờ lại được trao nhiều quyền lực chính trị đến thế. Đó không phải thứ quyền lực danh nghĩa, giả tạo mà là quyền lực thực sự. Chưa bao giờ tôi thấy một công dân ở đất nước này có thể khiến những tờ báo chiến đấu lì lợm nhất cũng chấp nhận gỡ bài, dù chưa thấy họ chỉ ra bài báo ấy đã sai gì.

Đó là bài báo đặt câu hỏi về việc bao giờ Lê Thanh Hải, Lê Hoàng Quân cũng bị đưa “vào lò”, chịu chung số phận với những kẻ cùng hội cùng thuyền như Tất Thành Cang và Nguyễn Hữu Tín.

Tờ báo đăng bài báo ấy phải gỡ bài theo chỉ đạo của một cán bộ lãnh đạo làm việc ở Ban Tuyên giáo. Thông tin đến thời điểm này là như vậy.

Tôi biết Lê Thanh Hải, từng là Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP. HCM. Tôi cũng biết Lê Hoàng Quân từng là Uỷ viên Trung ương Đảng, chủ tịch UBND TP.HCM. Tuy nhiên, hiện tại, tôi có thể chắc chắn một điều rằng, những cá nhân này không giữ bất kỳ chức vụ gì trong chính quyền. Họ chỉ là những công dân bình thường như tôi.

Vậy mà, tại sao Ban Tuyên giáo lại phải ra tay che chở cho họ, trong khi bài báo ấy đặt vấn đề mà với tư cách là một công dân quan tâm đến tình hình đất nước, tôi cho rằng rất cần thiết và rất xác đáng?

Một cá nhân làm Bí thư, một cá nhân làm Chủ tịch, để địa phương xảy ra những những bất công và oan trái (điển hình như ở Thủ Thiêm, Khu công nghệ cao Q.9) đến mức trời không dung, đất không tha, lòng người phải nổi giận, thì việc đòi hỏi phải điều tra các dấu hiệu sai phạm, nếu có phải truy tố trách nhiệm hình sự, cũng là lẽ thường, là trách nhiệm mà chính quyền buộc phải làm cho bằng được. Bài báo đặt ra yêu cầu ấy, thực ra đã thực hiện đúng nhiệm vụ của báo chí, đó là lắng nghe và truyền tải tâm tư, nguyện vọng của người dân.

Vậy, lãnh đạo nào đó của Ban Tuyên giáo chỉ đạo gỡ bài vì lý do gì? Để bao che, dung dưỡng cho bè lũ đã cưỡi lên đầu lên cổ nhân dân, đã tàn phá đến tan hoang cả nguồn lực cho sự phát triển và cả niềm tin của một bộ phận không nhỏ người dân vào chính thể này?

Lẽ ra, công dân Lê Thanh Hải, Lê Hoàng Quân, nếu thấy bài báo viết sai thì phải gửi đơn khiếu nại, đề nghị cải chính, hoặc có thể kiện ra toà. Cả Hải và Quân đều chưa hề có đơn thư gửi báo, tại sao Ban Tuyên giáo lại chỉ đạo gỡ bài?

Bảo vệ Lê Thanh Hải và Nguyễn Hoàng Quân là chủ trương của Ban Tuyên giáo, tức nhiệm vụ Đảng giao, hay chỉ là vì quan hệ của anh A, chị B nào đó ở Ban Tuyên giáo? Nhân dân có quyền được đặt những câu hỏi như thế này. Nhân dân có quyền được đòi câu trả lời cho những câu hỏi ấy.

Nếu là Ban Tuyên giáo chỉ đạo thì tại sao không dùng văn bản hành chính công vụ cho đàng hoàng, tử tế, đường đường chính chính. Còn nếu chỉ đạo ấy chỉ là ý chí áp đặt của cá nhân vị nào đó ở Ban Tuyên giáo thì đó liệu có phải dấu hiệu của lạm dụng quyền lực, dấu hiệu của tham nhũng quyền lực, biến tuyên giáo trở thành công cụ phục vụ cho mục đích cá nhân?

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng liệu có biết tất cả những điều này?

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây