Ngành giao thông vận tải nên thay cáo lỗi thành… cáo phó!

Bá Tân

3-1-2019

Ngày 2/1/2019, tôi đi tàu (ký hiệu SE8) từ Vinh ra Hà Nội, giờ khởi hành ghi trên vé là 9 giờ 28 phút. Đến 10 giờ 15 phút, sau khi trả khách xuống ga Vinh, chuyến tàu lăn bánh đưa hành khách đến các ga tiếp theo. Theo giờ quy định ghi trên vé, tàu khởi hành chậm hơn 40 phút. Chuyến tàu này xuất phát tại ga Sài Gòn, vì thế không chỉ ga Vinh mà tất cả các ga từ Nam ra Bắc đều bị “âm” hơn 40 phút so với quy định.

Trước đó hơn một tuần, cũng chuyến tàu ấy (SE8) đoạn từ Vinh ra Hà Nội, tôi trở thành khổ chủ chờ đợi vất vưởng tại ga Vinh hơn 40 phút vì tàu về chậm.

Không chỉ đường sắt, mà kể cả đường hàng không cũng luôn xảy ra tình trạng chậm giờ bay. Chiều ngày 30/12/2018, có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất, tôi được chứng kiến chậm giờ bay từ Tân Sơn Nhất đến một số sân bay trong nước. Riêng chuyến bay từ Tân Sơn Nhất ra Nội Bài, chậm 20 phút. Không chỉ hãng hàng không giá rẻ, mà kể cả hãng giá cao top đầu cũng chậm giờ.

Chậm giờ, kể cả đường sắt và đường hàng không, trở thành “chuyện thường ngày”, thậm chí trở thành xu hướng… tăng trưởng. Số đông hành khách bị biến thành khổ chủ, vô cùng bực bội, bất bình. Ngành giao thông vận tải thì ngược lại, liên tục gây ra chậm giờ nhưng vẫn trơ lì dửng dưng, chỉ có cách duy nhất là leo lẻo đọc trên loa lời cáo lỗi.

Thời gian làm ra tiền bạc. Hàng ngàn (thậm chí hàng vạn) người đi tàu, đi máy bay bị chậm giờ, nhiều chuyến chậm gần cả tiếng đồng hồ, gây ra hao tổn bao nhiêu là tiền bạc. Ngành giao thông vận tải chẳng lẽ không biết việc đó, chỉ đầu óc bã đậu mới không nhận ra chuyện dễ hiểu như vậy. Lẽ ra sau những lần bị chậm giờ, nhất là chậm giờ kéo dài, ngành giao thông vận tải phải bồi thường thiệt hại cho hành khách.

Ở các nước phát triển và thực sự dân chủ, chỉ cần vài lần tàu hỏa hoặc tàu bay bị chậm giờ trong điều kiện bình thường, không phải do thiên tai gây ra, hãng hàng không, đường sắt… phải bỏ ra nhiều tiền để bồi thường khách hàng và người đứng đầu ngành này sẽ phải từ chức. Tại các quốc gia văn minh như vậy, từ chức trở thành nếp sống văn hóa của giới quan chức. Ở ta, luôn tự nhận có 4000 năm lịch sử, quan chức từ chức (kể cả gây ra sai phạm nghiêm trọng) vẫn là chuyện viễn tưởng, treo trên tận sao hỏa, sao kim.

Liên tục chậm giờ, kể cả đường sắt và đường hành không, biến hàng vạn hành khách thành khổ chủ, nhưng người đứng đầu ngành giao thông vận tải, ông Nguyễn Văn Thể, vẫn không ngớt vung tay chém gió, đánh lừa dư luận trên các diễn đàn, kể cả những lúc ngồi bên cạnh thủ tướng. Chính phủ, nhất là thủ tướng, luôn hô hào thực thi chính phủ kiến tạo, hãy chờ rồi sẽ biết kết quả. Ngành giao thông vận tải đang âm thầm đi ngược với chính phủ, họ đang chứng tỏ sự chuyển động theo kiểu… kiến bò. Chính phủ rát họng hô hào kiến tạo, ngành giao thông vận tải thực hiện… kiến bò.

Không và không thể đối phó tình trạng chậm giờ (liên tục xảy ra, kể cả đường sắt và đường hàng không) bằng “ma thuật “cáo lỗi. Tình trạng này không được khắc phục, ngành giao thông vận tải, trước hết là người đứng đầu, phải thay cáo lỗi bằng… cáo phó.

Trước khi cáo phó cho toàn ngành, cần phải dành sự cáo phó thích đáng cho người đứng đầu là ông Nguyễn Văn Thể. Khi chưa bị cáo phó, nếu biết tự trọng, ông Nguyễn Văn Thể hãy bớt chém gió, bớt hứa hão, đánh lừa dư luận trên các diễn đàn.

Bình Luận từ Facebook