Kông Kông
25-12-2018
Cuối năm muốn tìm chút tĩnh lặng để nghĩ về ý nghĩa nhân sinh. Nhưng chữ “muốn” tự nó đã nói lên là khó, nếu không nói là rất khó. Khó không phải vì ngoại cảnh. Vì không gian đang bàng bạc. Của mây, của lá úa trơ cành, của cái lạnh se sắt rất dễ thu mình trong nỗi nhớ, trầm ngâm bên tách trà nóng, tách cà phê thơm ngát nhìn bên ngoài khung cửa sổ… Ngoại cảnh đó không phải tĩnh lặng thì là gì?
Nhưng có khá nhiều “cái gì đó” cứ dậy sóng trong lòng.
1. Ngay trước mắt là bản Yêu sách Tám điểm năm 2019 của một số tổ chức và cá nhân đã ký tên.
Kính gửi: Ban lãnh đạo Nhà nước Việt Nam (Ông/Bà Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam)
Có rất nhiều văn bản từng gửi lãnh đạo CSVN như Thỉnh nguyện thư, Thư ngỏ, Kiến nghị… đều ghi danh từng người kèm chức vị, theo nguyên tắc văn bản. Như Tổng Bí thư…, Chủ tịch nước…, Thủ tướng… còn văn bản mới nầy là bản Yêu Sách, nghĩa là “Yêu Cầu” chứ không còn là ý kiến hay thỉnh nguyện gì nữa. Và, nói thẳng là gửi “Ban lãnh đạo Nhà nước Việt Nam”, đã thể hiện chút đổi khác. Đã vượt qua sự lịch sự không cần thiết đối với bọn người tiếm quyền. Và, có lẽ, cũng vượt qua được nỗi sợ hãi cá nhân phần nào, vốn do quan niệm phong kiến lưu cữu và được chế độ hiện tại khéo léo nuôi dưỡng… bằng bạo lực.
Yêu Sách đã xác định các “Ông/Bà…” chỉ là công bộc mà chính đảng trưởng của các “Ông/Bà…” từng xác nhận “Ông/Bà” chỉ là “đầy tớ của nhân dân” thì phải hành sử đúng là đầy tớ của nhân dân!
Thế nhưng, dù mức độ có cao hơn Yêu Sách nếu có, như Tuyên Cáo Quốc Dân chẳng hạn, cũng không mấy ai tin là bọn tiếm quyền sẽ lo sợ, trả lời hoặc xuống nước, nóí chi đến việc thực hiện Yêu Sách!
Vậy thì sau Yêu Sách sẽ là gì?
Nhớ lại cuộc biểu tình chống sưu cao thuế nặng ở Trung Kỳ thời chống Pháp đầu thế kỷ 20, năm 1908. Lúc đó dân trí còn rất thấp và tin tức thì vô cùng bị giới hạn nhưng tại sao quý Nhân sĩ, Trí thức lãnh đạo thời đó thành công vang dội?
Còn bây giờ? Bọn tiếm quyền đã công khai, chẳng những tham nhũng, đầu độc môi trường sống và thực phẩm mà còn chủ trương bán cả giang sơn tổ quốc cho giặc, mà tin tức chi tiết tội ác của họ gây ra hàng giờ, hàng ngày đều tràn ngập nhưng tiếng nói của Nhân sĩ, Trí thức lại không (hoặc chưa) trở thành phong trào?
Câu trả lời thật ra không khó nhưng ai là người đại diện nói ra sự thật, hoặc từng cá nhân đủ can đảm nói về chính mình?
2. Kế tiếp là những câu chuyện về Tù Nhân Lương Tâm. Kể sao cho đầy đủ hết được tên từng người, từng hoàn cảnh? Ghi lại đôi điều về vị nầy thì phải bỏ qua nhiều vị khác. Vô tình, dẫu vô tình, cũng là tội. Chỉ biết là những người bị bọn tiếm quyền giam tù vì tranh đấu cho quyền được sống trong tự do của toàn dân thì dân tộc phải vinh danh họ. Vinh danh tinh thần, chia sẻ vật chất thực tế, là lẽ thường. Nhưng vinh danh lớn nhất là tiếp nối để hoàn tất con đường họ đang đi, biến thành phong trào giải phóng đất nước khỏi họa cộng sản.
Đương nhiên bọn tiếm quyền sẽ không bao giờ chịu nhả quyền lực trừ khi bị áp lực bằng hành động cụ thể của hàng triệu người. Như con rắn cắn và giữ được con mồi vì có cái răng móc ngược ở miệng nó (giống như ngạnh của lưỡi câu) và chất độc từ cái răng đó ngấm dần sẽ làm con mồi tê liệt.
Bọn tiếm quyền đã “cắn và ngậm” được đất nước và dân tộc. Đã và đang tiếp tục dốc sức truyền độc để dân tộc bị tê liệt. Nhưng hiện tại, Internet là tên của loại thuốc giải chất độc đó rất kỳ diệu. Tích cực dùng nó để vô hiệu. Rồi vùng vẫy vươn mình đứng dậy. Sự vẫy vùng có thể phải chịu chút đau đớn, như nhiều Tù Nhân Lương Tâm đã hy sinh hay đang chịu tù ngục. Nhưng tất yếu. Như nhân loại đã thành công .
Năm mới xin quý Nhân sĩ, Trí thức học được bài học của tiền nhân, sớm được như lãnh đạo phong trào biểu tình chống sưu cao thuế nặng tại Trung Kỳ thời chống thực dân Pháp.
Còn người yêu nước, xin tiếp tục tự giải độc bằng thuốc Internet có sẵn và mạnh mẽ biến thành phong trào tự giải thoát khỏi thảm họa bị diệt vong.
Không ai có thể hỗ trợ, cứu giúp với người chỉ biết ngồi yên mà kêu cứu!
Xin hãy hát lại bài hát Dậy Mà Đi của sinh viên, học sinh “tranh đấu” thời trước 1975 tại miền Nam “dậy mà đi hỡi đồng bào ơi...”. Cũng như dùng chính bản Yêu sách Tám điểm Nguyễn Ái Quấc (Hồ Chí Minh) ký năm 1919, như bản Yêu sách 2019 vừa phổ biến, để dùng gậy ông đánh thẳng vào đầu của ông!