Hiếu Bá Linh, tổng hợp
14-12-2018
Facebook thông báo đã lấp một lỗ hổng trong hệ thống Facebook, ngay từ bây giờ không còn có thể tự động đưa thêm người vào quản trị một trang Facebook hoặc một nhóm trên Facebook mà không có sự đồng ý của người đó. Những sự tấn công như thế này không còn có thể xảy ra được nữa.
Người Việt nào trong nội bộ Facebook đã biết rõ những lỗ hổng hoặc kẽ hở của Facebook và báo cho lực lượng 47 (chiến binh mạng) lạm dụng nó?
Thông cáo báo chí của Phóng viên không biên giới (ROG) ra ngày 13.12.2018 nói rằng chính phủ Việt Nam rõ ràng đã lạm dụng không gian mạng để đàn áp những tiếng nói phê phán, kể cả ở nước ngoài. Theo thông tin của tổ chức Phóng viên không biên giới (ROG), mạng xã hội Facebook trong nhiều tháng qua đã xóa bài đăng hoặc chặn toàn bộ tài khoản của người dùng do bị cáo buộc vi phạm “tiêu chuẩn cộng đồng”.
Phóng viên không biên giới (ROG) yêu cầu cần phải có một sự kiểm soát mang tính chất dân chủ của tập đoàn Facebook để tăng cường quyền của người dùng một cách có hiệu quả.
Như tin đã đưa, sáng ngày 9/11/2018, Facebook đã khóa tài khoản trang Thời Báo mà không nêu lý do, ngay lập tức Thoibao.de đã gửi Thông cáo báo chí tới trụ sở Facebook và các cơ quan, hiệp hội báo chí Đức để lên án, yêu cầu Facebook giải trình vụ việc.
Thông cáo báo chí nhấn mạnh, “Thoibao.de coi việc khóa tài khoản Facebook của mình là một sự hạn chế tự do báo chí của một phương tiện truyền thông phê bình chính sách của Chính phủ Hà Nội. Phải chăng ở đây Facebook đã nhượng bộ dưới áp lực từ Hà Nội?”
Và trang Thời Báo đã phải nhờ đến sự hỗ trợ của các tổ chức ở Đức để bảo vệ sự tự do báo chí, trích từ Thông cáo báo chí: “Tổng biên tập và chủ nhiệm tờ báo Lê Trung Khoa là thành viên của Hiệp hội ký giả Đức DJV và có thẻ nhà báo Đức. Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) đã được thông báo về vụ việc này”.
Hôm 9.11.2018 trang Thời Báo cũng viết thư gửi đến Quốc hội Liên bang Đức và Quốc hội châu Âu (EU), trong đó bày tỏ mục đích những nỗ lực của mình:
“Trang Thoibao.de chúng tôi nhận thấy hành động của Facebook là một sự can thiệp thô bạo vào tự do báo chí ở Đức và châu Âu, và Facebook phải chịu trách nhiệm và trả lời. Ở đây không chỉ vì quyền lợi của trang Thời Báo mà còn là vì tự do sử dụng Internet của nhiều người Việt Nam sống tại Đức và châu Âu. Điều này cũng có giá trị đối với mỗi công dân của Liên minh châu Âu. Facebook không thể độc đoán chặn tài khoản mà không nêu lý do.
Đằng sau đó có thể là sự can thiệp của phía Việt Nam vào các hành động của hãng Facebook nhằm chặn tài khoản Facebook tiếng Việt của những người có quan điểm khác với Đảng Cộng sản Việt Nam. Và Thoibao.de là một trong những mục tiêu mà Đảng Cộng sản muốn gây hại thậm chí muốn hủy diệt. Nhưng không thể là Facebook lại cùng làm việc với một chính quyền cộng sản để đàn áp tự do báo chí ở những nước khác, trong trường hợp này là nước Đức.”
Rốt cuộc, ngày 22.11.2018 Facebook đã viết thư xin lỗi trang Thời Báo và thông báo: “Facebook đã có biện pháp ngay lập tức để có thể ngăn chặn trong tương lai những hành vi thâm độc như vậy bởi bên thứ ba lạm dụng hệ thống Facebook của chúng tôi. Chúng tôi đã lấp một lỗ hổng trong hệ thống Facebook, ngay từ bây giờ không còn có thể tự động đưa thêm người vào quản trị một trang Facebook hoặc một nhóm trên Facebook mà không có sự đồng ý của người đó. Những sự tấn công như thế này không còn có thể xảy ra được nữa”.
Sau đây là bản dịch thư của Facebook gửi trang Thời Báo ngày 22.11.2018:
Kính gửi ông Khoa Lê,
Trước tiên tôi xin cảm ơn ông đã đặt những câu hỏi về trường hợp của tờ báo mạng Thoibao.de. Những trường hợp như thế này chúng tôi rất coi trọng. Sau một thời gian điều tra, tôi có những thông tin chi tiết hơn và tôi có thể trả lời ông về vụ việc khóa trang Facebook của tờ báo trực tuyến Thoibao.de đã xảy ra như thế nào.
Trang Facebook của ông tạm thời bị khóa do một cuộc tấn công thâm độc vào một trong những quản trị viên của một trang Facebook khác. Một trong những quản trị viên của trang Facebook này chính là báo mạng Thoibao.de, mà không hề biết mình đã bị đưa vào làm quản trị viên của một trang khác trên Facebook.
Nội dung của trang Facebook khác này đã vi phạm những nguyên tắc của chúng tôi và do đó đã bị xóa bỏ một cách xác đáng. Trong bối cảnh đó, chúng tôi cũng đã thực hiện biện pháp khóa trang Facebook của Thoibao.de vì mọi thứ đều cho thấy rằng quản trị viên Thoibao.de có liên quan đến cả hai trang Facebook.
Khi chúng tôi biết rằng người dùng (chủ tài khoản của trang Thoibao.de trên Facebook) đã không hề biết mình bị đưa vào làm quản trị viên một trang khác mà trang này lại vi phạm các nguyên tắc của chúng tôi, chúng tôi đã ngay lập tức khôi phục tài khoản người dùng và trang Facebook của Thoibao.de.
Chúng tôi biết rằng, không chỉ việc khóa trang Facebook của ông, mà đặc biệt là thời điểm bị khóa đã gây ra cho ông một sự thất vọng lớn. Facebook đã có biện pháp ngay lập tức để có thể ngăn chặn trong tương lai những hành vi thâm độc như vậy bởi bên thứ ba lạm dụng hệ thống Facebook của chúng tôi. Chúng tôi đã lấp một lỗ hổng trong hệ thống Facebook, ngay từ bây giờ không còn có thể tự động đưa thêm người vào quản trị một trang Facebook hoặc một nhóm trên Facebook mà không có sự đồng ý của người đó. Những sự tấn công như thế này không còn có thể xảy ra được nữa.
Chúng tôi làm việc quyết liệt để chống lại sự lạm dụng hệ thống Facebook của chúng tôi. Chúng tôi sẽ tiếp tục có những biện pháp đối với các vi phạm những nguyên tắc của chúng tôi, và sửa lỗi, khi chúng tôi biết được.
Bất cứ lúc nào tôi cũng sẳn sàng đón nhận những câu hỏi của ông.
Tôi, thay mặt cho Facebook, đặc biệt muốn xin lỗi về sự cố này.
Trân trọng
(ký tên)
Marie-Teresa Weber
Người phụ trách chính sách công cộng (Public Policy Manager) của Facebook.
Sau khi nhận được thư của Facebook với kết quả tốt như trên, trang Thời Báo không vội đưa tin mà cùng với Tổ chức Phóng viên không biên giới (ROG) tiếp tục tranh đấu cho những trường hợp khác, nhất là trường hợp ở trong nước bị khóa Facebook vì bị DLV báo cáo vi phạm “tiêu chuẩn cộng đồng”.
Hôm nay ngày 13.12.2018 tổ chức Phóng viên không biên giới (ROG) đã ra một Thông cáo báo chí, trong đó có đề cập: “Sau khi Lê Trung Khoa lấy lại quyền truy cập vào tài khoản của mình, ông đã thực hiện một cuộc gọi trên trang Facebook của mình và yêu cầu bạn đọc báo cáo các sự cố tương tự như ông ta kèm với những chứng cớ. Trong vòng vài ngày, có thêm 23 trường hợp trong và ngoài Việt Nam đã gửi thông tin đến ông Khoa. Phóng viên không biên giới (ROG) đã xem xét các trường hợp này và chuyển đến Facebook vào ngày 27 tháng 11 vừa qua. Một số trong đó, Facebook đã xóa các bài đăng, đôi khi mạng đã khóa tài khoản người dùng trong nhiều ngày hoặc nhiều tháng. Facebook luôn viện dẫn về sự vi phạm “tiêu chuẩn cộng đồng”.
Thông cáo báo chí của Phóng viên không biên giới (ROG) đã trích lời ông Christian Mihr, người điều hành tổ chức ROG: “Điều tra của chúng tôi cho thấy chính phủ Việt Nam rõ ràng đã lạm dụng không gian mạng để đàn áp những tiếng nói phê phán, kể cả ở nước ngoài. Những người có trách nhiệm phải ngăn chặn các cuộc tấn công này và tôn trọng tự do báo chí.”
Ông Mihr nói thêm: “Facebook mang đến cho nhiều nhà báo cơ hội đưa tin tường thuật một cách tự do, nhưng công ty Facebook rõ ràng không thể ngăn chặn sự lạm dụng việc kiểm soát mà nó giống như một hình thức kiểm duyệt. Cuối cùng, cần phải có một sự kiểm soát mang tính chất dân chủ của tập đoàn Facebook để tăng quyền của người dùng một cách có hiệu quả”.
Cách đây 3 hôm, đúng Ngày Quốc tế Nhân quyền 10.12.2018 trang Thời Báo đã nhận được hồi âm của Quốc hội Liên bang Đức, bà Katrin Budden – Dân biểu Quốc hội Liên bang Đức – viết rằng:
“Kính gửi ông Trung Khoa Lê,
Cảm ơn ông đã gửi email về việc khóa trang của ông bởi Facebook.
Chúng tôi cũng coi hành động này là một sự hạn chế tự do báo chí, điều này không thể chấp nhận được.
Nhưng như tôi đã biết được trong lúc này, trang của ông đã được mở trở lại trên Facebook (không còn bị khóa).
Rõ ràng, địch thủ của ông và công việc của ông đã khai thác một lỗ hổng trong hệ thống Facebook để kích động việc khóa trang của ông.
Từ sự cố này, việc Facebook đã rút kinh nghiệm và có biện pháp lấp một lỗ hổng trong hệ thống Facebook để ngăn chặn những trường hợp như vậy, tôi nghĩ rằng là đúng đắn và phù hợp.
Nếu ông một lần nữa bị hạn chế tự do báo chí ở Đức, xin vui lòng cho tôi biết.
Trân trọng”
Trở lại Thông cáo báo chí ngày 13.12.2018 của Phóng viên không biên giới, sau đây là trích dịch những đoạn chính yếu:
Facebook rõ ràng bị lạm dụng một cách có hệ thống để kiểm duyệt các blogger người Việt lưu vong. Theo thông tin của tổ chức Phóng viên không biên giới (ROG), mạng xã hội Facebook trong nhiều tháng qua đã xóa bài đăng hoặc chặn toàn bộ tài khoản của người dùng do bị cáo buộc vi phạm “tiêu chuẩn cộng đồng”.
Trường hợp được biết gần đây nhất là nhà báo đang sinh sống ở Đức, ông Lê Trung Khoa, Video phê phán chế độ (phỏng vấn luật sư Nguyễn Văn Đài tại Đức) đã bị ngăn chặn qua việc khóa tài khoản của ông Khoa trên Facebook. Facebook thú nhận rằng, ông Khoa là nạn nhân của một “cuộc tấn công thâm độc” và tuyên bố sửa đổi hệ thống Facebook cho tốt hơn.
Cuộc điều tra của tổ chức Phóng viên không biên giới (ROG) cho thấy, Lê Trung Khoa không phải là trường hợp cá biệt. Tổ chức ROG đã gửi thêm 23 trường hợp lên Facebook, trong đó có blogger Bùi Thanh Hiếu.
Sau một thời gian ngắn, Facebook thông báo cho ông Khoa bằng email rằng, tài khoản của ông bị khóa vì vi phạm “tiêu chuẩn cộng đồng“. Một sự phản đối trực tiếp qua cơ chế “kháng cáo” của Facebook vẫn không có kết quả trong nhiều ngày. Chỉ sau khi có áp lực của tổ chức Phóng viên không biên giới (ROG), Facebook cuối cùng đã thông báo rằng nhà báo Lê Trung Khoa là nạn nhân của một “cuộc tấn công thâm độc” và mở khóa lại tài khoản.
Một kẻ tấn công – mà Facebook không nêu danh tính – đã đưa ông Khoa vào làm quản trị viên của một trang Facebook khác, mà ông Khoa không hề hay biết. Trang này sau đó đã vi phạm thô bạo “tiêu chuẩn cộng đồng“. Facebook không nêu rõ những chi tiết, và cũng không nói có thể là những kẻ tấn công nào. Tuy nhiên, theo điều tra của tổ chức Phóng viên không biên giới, phương pháp và tính chuyên nghiệp của những kẻ tấn công cho thấy, động cơ chính trị đằng sau vụ việc này.
Facebook cũng phổ biến ở nhiều quốc gia mà ở đó quyền tự do báo chí bị hạn chế, bởi vì rất khó kiểm duyệt cụ thể với các phương tiện kỹ thuật thuần túy. Các chính phủ chỉ có một cách duy nhất là cấm hẳn hoàn toàn Facebook – nhưng họ thường e ngại làm điều đó. Tuy nhiên, có thể báo cáo người dùng vi phạm “tiêu chuẩn cộng đồng” và qua đó với sự trợ giúp của Facebook để chặn bài đăng hoặc khóa tài khoản người dùng.
Cáo buộc vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng
Trong số các nạn nhân cũng có người sống ở Đức, đó là blogger và nhà văn người Việt Nam Bùi Thành Hiếu. Blog của anh là một trong những trang được đọc rộng rãi nhất tại Việt Nam và hầu hết được phổ biến trên Facebook. Trang Facebook của ông ta đã có hơn 160.000 người theo dõi. Kể từ tháng 1 năm nay, trang Facebook Bùi Thanh Hiếu đã liên tục bị khóa vì cáo buộc vi phạm bản quyền. Phương pháp này rõ ràng là những kẻ tấn công đã sao chép những tấm ảnh do chính ông ta chụp, tải chúng lên trang của họ và sau đó cáo buộc ông ta không sở hữu bản quyền của những bức ảnh này – mặc dù sự thật đó là ảnh của ông ta. Vào ngày 2 tháng 10, Facebook cuối cùng đã khóa vĩnh viễn một trang Facebook của Bùi Thanh Hiếu, vì anh ta là “kẻ phạm tội lặp lại“.
Luật sư nhân quyền nổi tiếng và blogger Nguyễn Văn Đài cũng nói với tổ chức Phóng viên không biên giới (ROG) rằng tài khoản Facebook của ông đã bị khóa hai lần vào mùa hè này, mỗi lần bị khóa một tháng. Ls Nguyễn Văn Đài đồng sáng lập Hội Anh em vì Dân chủ, một nhóm đưa tin trên mạng về vi phạm nhân quyền tại Việt Nam. Ông bị bắt vào tháng 12/2015. Đầu tháng 4 năm 2018, một tòa án ở Hà Nội đã kết án ông 15 năm tù và 5 năm quản thúc tại gia. Hai tháng sau, ông được thả ra từ nhà tù đi thẳng sang Đức.
Hàng chục blogger bị giam trong tù
Với ít nhất 26 người làm báo chí truyền thông bị cầm tù, Việt Nam là một trong những quốc gia trên thế giới đã bắt giam nhiều nhà nhà báo nhất, chỉ vì công việc làm báo của họ. Việt Nam đứng hạng thứ 175 trên 180 quốc gia trong bảng xếp hạng tự do báo chí.
Đặc biệt, các nhà báo tự do đang nằm trong tầm ngắm của chính quyền. Kể từ đại hội đảng năm 2016, phe cứng rắn của đảng Cộng sản đã thắng thế phe cải cách, nhiều blogger đã bị cầm tù. Các cáo buộc “tuyên truyền chống lại nhà nước” hoặc “các hoạt động lật đổ chính phủ” đã dẫn đến án tù dài hạn trong các phiên tòa kín. Theo thông tin của ROG, chính phủ Việt Nam cũng đang nhắm đến các nhà báo lưu vong và theo dõi những tiếng nói phê phán, chẳng hạn trên Facebook.
Hồi tháng Giêng đầu năm nay, nhà chức trách Việt Nam tuyên bố triển khai lực lượng “chiến binh mạng” 10.000 người, mang tên là Lực lượng 47, để chống lại thông tin “sai lệch” và “tuyên truyền chống nhà nước” trên Internet.
Vào tháng 11, ông Mark Zuckerberg – Giám đốc điều hành Facebook – đã báo cáo trong một bài đăng trên blog về cách xử lý nội dung. Theo Facebook, chỉ trong sáu tháng đã xóa 1,5 tỷ tài khoản giả trên hệ thống của mình. Ông Zuckerberg cũng nhấn mạnh rằng, ông đã tạo ra một cơ chế kháng cáo, trong đó người dùng có thể tự bảo vệ mình trước các quyết định sai lầm. Tuy nhiên, các trường hợp hiện tại cho thấy quá trình này thường mất nhiều thời gian và đôi khi các khiếu nại không được giải quyết đúng đắn – ngay cả khi chúng rõ ràng là hợp lý. Tổ chức Phóng viên không biên giới (ROG) chỉ trích rằng cơ chế mâu thuẫn này (cơ chế kháng cáo) chỉ hoạt động trong nội bộ Facebook mà không đi kèm với các cơ quan độc lập hoặc các chuyên gia xã hội dân sự.
Để kết thúc bài này, tác giả vẫn còn một thắc mắc trong đầu mà chưa có lời giải đáp: Người Việt nào trong nội bộ Facebook đã biết rõ những lỗ hổng hoặc kẽ hở của Facebook và báo cho lực lượng 47 (chiến binh mạng) lạm dụng nó? Hiện nay Facebook chỉ bít một lỗ hổng nói trên mà thôi. Còn kẽ hở “báo cáo vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng” thì Facebook vẫn chưa giải quyết.
Ảnh chụp màn hình Thông cáo báo chí ngày 13.12.2018 của tổ chức Phóng viên không biên giới