Campuchia dân chủ cuội

Bình Minh

3-12-2018

Việt Nam chiếm Campuchia, Khmer đỏ chuyển sang đánh du kích, cuộc chiến kéo dài vô tận, Việt Nam dựng chính quyền tai sai Campuchia cho Hun Sen cầm quyền. Thời cuộc quốc tế thay đổi, trong khi Việt Nam đang đối đầu với Trung Cộng, Đông Âu và Liên Xô kéo nhau sụp đổ. Việt Nam vốn sống nhờ viện trợ Liên Xô, trong khi Việt Nam đang bị bao vây cô lập, tứ bề thọ địch, Việt Nam cùng đường thế cô.

Khủng hoảng tạo thay đổi. Để thoát thế bí, CSVN đi theo con đường của Đặng tiểu Bình, buộc phải mở cửa giao thương với phương tây để tìm đường sống, hòa với Mỹ để thoát cấm vận, rút quân khỏi Campuchia theo yêu cầu quốc tế.

Nếu Việt Nam rút quân, chính quyền Hun Sen sụp đổ ngay do quân đội của Hun Sen toàn là bọn tướng ma, binh kiểng. Để kết thúc cuộc chiến vẹn toàn, trước khi rút quân, quân đội Việt Nam tổng truy quét phiến quân lần cuối, lót ổ cho Hun Sen cầm quyền, Việt Nam và quốc tế dàn xếp cho Campuchia hòa hợp hòa giải dân tộc, thành lập một chính phủ liên hiệp gồm 3 thành phần tham chiến, chính quyền Hun Sen buộc phải chấp nhận mô hình dân chủ (giống Nhật, Thailand) có tự do bầu cử, có đa đảng. Quân đội các phe phái phải giải giáp sau bầu cử, còn Hun Sen không bị giải giáp vì nắm chính quyền.

Sau tổng tuyển cử do LHQ quản lý và giám sát, đảng Funcinpec (phe bảo hoàng) thắng thế, Ranariddh lên làm thủ tướng thì Hun Sen chen vào đòi làm đồng thủ tướng (mục đích để giữ quân đội mình không bị giải giáp, giữ quyền lực), ngay ngày đầu tiên của dân chủ, Hun Sen đã vi hiến rồi, chính phủ như rắn hai đầu chỉ lo cắn nhau, 4 năm sau Hun Sen đảo chính, Ranariddh phải bỏ nước đi lưu vong. Nền dân chủ Campuchia chỉ tồn tại trên giấy.

Hun Sen nắm trọn quyền lực quốc gia nên không có đối thủ, cài con cháu mình nắm quân đội, an ninh để củng cố quyền lực, tạo thế vững chắc. Lúc nào ghế vững, thế chắc Hun Sen chơi trò dân chủ rất sòng phẳng. Khi nào vị thế ông ta bị đe dọa, lung lay thì lật kèo, giở trò lưu manh độc tài triệt hạ đối thủ, cấm đảng đối lập.

– Hun Sen cầm quyền lâu năm nên mọc rễ quyền lực, tạo dựng thân thế, chân rết khắp trong chính quyền. Ai nắm quyền lực quốc gia, người đó làm chủ quốc gia.

– Đảng cầm quyền trong dân chủ là con dao 2 lưỡi: Nếu dân chủ mạnh thì ngoan như cừu, nếu dân chủ yếu thì trở thành bầy sói, khuynh loát chiếm quyền, lật dân chủ thành độc tài.

– Đa đảng: Một đảng thì thật to và các đảng còn lại thì nhỏ xíu, đảng lớn thành độc tài đa số trong nghị trường.

Các yếu tố trên đều rất bất lợi cho dân chủ.

Sở dĩ Hun Sen vẫn giữ tình trạng dân chủ nửa mùa này mặc dù đã ló đuôi độc tài mà không sợ đối lập, phản biện là vì ông ta đã quen tình trạng này trên 25 năm qua, đã thích ứng với nó … cho đến khi nào mất kiểm soát. Trái lại, cộng sản rất sợ tiếng nói đối lập vì chưa quen trạng thái đó, chưa quen nên tâm lý bất an.

Do đó ta thấy Campuchia lập lờ dân chủ như ngọn đèn dầu bập bùng trước gió, lúc tỏ lúc mờ. Người ta nói Campuchia là một quốc gia dân chủ là không đúng, Campuchia chỉ khoác chiếc áo dân chủ, ruột rặt độc tài.

Bài cùng tác giả: Vì sao cuộc cách mạng dân chủ Nga thất bại?

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây