Giáo dục hớt ngọn

FB Nguyễn Tiến Tường

1-12-2018

Giáo dục là khai mở cho con người, chứ không phải buộc con người phải nô dịch cho nó. Giáo dục khai phóng là đặt con người làm trọng tâm, để xúc tác khuếch trương khả năng của từng người. Giáo dục ở ta thì lại nặng nề như thể bắt giáo viên và học sinh “phục dịch” cho thành tích, cho những con số đẹp.

Một học sinh cần được biết quyền của chúng là gì khi đến lớp. Chúng phải được tạo mọi điều kiện để tiếp nạp kiến thức, từ kiến thức đó chúng mới xác lập cảm xúc đúng sai. Chứ không phải dạy yêu ghét tự động.

Muốn vậy, phải có các thầy cô giáo cởi mở. Không nhồi nhét các giáo trình xuống học sinh một cách thụ động. Không cần phải đợi cho phép học sinh mới dơ tay phát biểu.

Chúng được quyền cắt ngang bài giảng đề tranh luận thêm nếu chúng có tìm hiểu tư liệu ngoài sách vở. Nếu học sinh ngỗ ngáo, hãy sẵn sàng cho phép nó không tham gia buổi học. Để nó tự học và kiểm tra thu hoạch như các bạn, nó tự chịu trách nhiệm.

Chấm thi đua là chấm trên sự sáng tạo của giáo trình giáo viên tự soạn và chất lượng giờ học, thậm chí để học sinh chấm điểm. Chứ không phải cái hội đồng kiểu dự giờ hạch hoẹ nhau đến mức phải bắt các cháu diễn.

Cũng không phải gắn thành tích của một lớp vào mỗi giáo viên để chấm thi đua dạng “cai” như vậy. Dối trá diễn tuồng cũng từ đó mà ra, phân bì tố cáo trâu buộc trâu ăn cũng từ đó mà ra.

Muốn có giáo viên như vậy, cần những ông hiệu trưởng cởi mở. Khuyến khích sáng tạo dạy học ngoài giáo trình. Phải biết chất lượng trường đến đâu để cải tạo từ bên trong. Chứ không phải đặt mục tiêu chuẩn này chuẩn nọ để “ép” thầy trò phạt đạt bằng được hoặc dối trá để được công nhận.

Muốn có ông hiệu trưởng như vậy cần có các trưởng phòng, GĐ sở cởi mở. Không sĩ diện hão về thành tích địa phương. Không gán chỉ tiêu thi đua cho từng trường. Chấp nhận thực tế để cải thiện chứ không “vo tròn” thành tích để được khen, giữ ghế.

Muốn có trưởng phòng trưởng ty như vậy, cần một ông bộ trưởng cởi mở. Không guồng ép cả một hệ thống phải trương gân trương cổ chạy cho đúng thành tích mình mong muốn.

Một quốc gia giáo dục không phải nằm ở tỷ lệ cử nhân, tú tài. Mà là một quốc gia kết nối giáo dục với đầu ra xã hội. Phát triển kỹ năng tự thân phù hợp với ngành nghề.

Học đến lớp 9 mà vẫn không hiểu gì thì nên hướng học nghề thay vì cố cho lên ngồi nhầm lớp. Xã hội mất đi một người thợ mà lại gánh thêm một trí thức rỗng ruột.

Một xã hội chuyên biệt, anh không cứ phải giỏi học thuật. Tại sao một chủ nhà hàng, một thương nhân tương lai lại phải phí sức học triết đại học?

Gần 100% tốt nghiệp tú tài thì thi để làm gì? Đại học như nấm mà học ra không có việc thì học làm gì? Lại ra xã hội chạy chọt để có việc, sau đó lại tham nhũng, nhận hối lộ để gỡ gạc kiếm chác. Hành chính phình to, đất nước thừa thầy thiếu thợ. Giáo dục đang gián tiếp hại đất nước là vậy.

Bộ trưởng mà đến một nguyên lý giáo dục sơ đẳng còn khôn hiểu thì hy vọng gì? Một công dân trẻ bị làm nhục bởi 231 cái tát, chính là nạn nhân của giáo dục mất phương hướng. Thế mà bộ trưởng lại buồn vì “tổn thương giáo dục”, không hề nhìn thấy nỗi đau của cháu bé, gia đình và nỗi hoang mang của toàn xã hội.

Giáo dục như một cái tháp lợi ích, càng trên cao thì càng hưởng lợi nhờ thành tích, ở dưới đáy thì bị hành xác, nô dịch. Kiểu giáo dục hớt ngọn, không cội rễ này sẽ còn làm băng hoại xã hội khủng khiếp hơn nữa!

Bình Luận từ Facebook

7 BÌNH LUẬN

  1. Tiên Sinh, Thái Bá Tân.

    Trên cổng một trường nọ
    Ở Nam Phi, người ta
    Khắc câu nói nổi tiếng
    Của Nelson Mandela.

    “Muốn hủy diệt một nước,
    Không cần bom hạt nhân.
    Tên lửa và đại bác,
    Tàu chiến cũng không cần.

    Chỉ cần ngành giáo dục
    Của nước ấy suy đồi.
    Chuẩn thấp, chất lượng thấp
    Gian lận điểm và rồi

    Các bác sĩ nước ấy
    Sẽ giết chết bệnh nhân,
    Và các nhà chính trị
    Hoang phí tiền của dân.

    Mua bằng, gian lận điểm,
    Kỹ sư, nhà mới xây
    Nứt lún hoặc sụp đổ,
    Hoặc thẩm thấu suốt ngày.

    Cũng vì lý do ấy,
    Trong tay các quan tòa
    Công lý bị bóp méo,
    Gây hậu quả xót xa.

    Khi giáo dục xuống cấp,
    Trí thức thành lưu manh.
    Tôn giáo sẽ xung đột.
    Đất nước sẽ chiến tranh.

    Vì vậy, để sụp đổ
    Ngành giáo dục nước nhà,
    Tức là tự cho phép
    Sụp đổ một quốc gia.

    Nguồn Mạng.

  2. Có một hiện tượng rất lạ xãy ra trong nhà trường là từ lớp 5 trở lên học trò khó dạy kinh khủng. Nhiều thầy cô không làm chủ được lớp học đã biến thành hung thần và kết quả thì mọi người đã biết qua báo chí. Điều khó chịu nhất là ngoài một số ít HS ngỗ nghịch còn lại 100% học sinh ham nói chuyện riêng, làm ồn trong lớp bất cứ lúc nào và không thèm nghe giảng bài. Lớp học trở nên một nơi đáng chán và học trò là nổi sợ hãi của thầy cô. Nhà trường không còn là thiên đường của tuổi trẻ. Vì sao?
    -Thầy cô cho rằng thời nay HS quá được cha mẹ nuông chìu , sinh hư.
    Thật ra chính nhà trường mới nuông chìu HS. Từ nhỏ đến lớn lớp của các em có những bạn quá yếu kém nhưng nhà trường vì thành tích không dám cho ở lại lớp. HS mang tâm lý mình sẽ không bao giờ bị hạnh kiểm yếu và cho ở lại lớp.
    Chương trình học quá buồn chán, nặng nề nhiều khi dối trá . Thầy cô không có kỷ năng hấp dẩn HS, nô lệ giáo án, nô lệ sách giáo khoa, chỉ biết đe dọa và trừng phạt làm HS đâm lì lợm. Chúng thấy nói chuyện riêng vui hơn, những điều thầy cô rao giảng không đáng nghe.
    Lạm thu làm HS không kính trọng nhà trường. Lạm thu làm mối liên hệ thầy trò đổ vỡ.
    Vì thành tích, các kỳ thi tốt nghiệp đều đạt 99% Học trò không có động lực học hành.
    Em giàu đi học thêm các môn cần cho kỳ thi đại học. Em nghèo học lấy lệ cho có bằng tốt nghiệp.
    Những lỗi trên bộ giáo dục phải chịu trách nhiệm. Một ông bộ trưởng mà để cho cấp dưới bán điểm thi đại học bị phát hiện mà ông không từ chức thì quá nhục nhã cho ngành giáo dục.
    học hành chẳng ra gì và quen thói coi thường nhà trường nên công dân của Trung Quốc và Việt Nam trở thành những con người quen thói vô kỷ luật, ham nói chuyện ồn ào bất kể nơi đâu.
    Người dân Trung Quốc và Việt Nam đi tới nước nào đều bị người bản xứ khó chịu khinh khi.
    Khi học trò không còn kính thầy, yêu trường , không tin vào những điều rao giảng từ sách giáo khoa thì văn hóa nước đó đã đến giờ khai tử.

  3. Một học sinh trên media truyền thông tuyên láo nói về cô của mình: “Con thấy lúc cô nổi giận thì răng cô bên ngoài mà môi ở bên trong!!!”

  4. Mục tiêu GD đã sai thì tất cả những gì phục vụ mục tiêu đó đều sai

    • Đúng vậy. “Mục tiêu GD”… của Đảng cướp là gì?
      Liệu có ai bảo, ĐCSVN – Đảng của lũ cướp quyền làm chủ đất nước của nhân dân VN – không phải là Đảng cướp?

  5. Giáo dục là dạy cho trẻ em biết rung động trước cái đẹp của cuộc sống để chúng tự tin vươn lên như cây cỏ dưới ánh mặt trời. Thật tàn nhẩn, ác độc khi dùng giáo dục để biến thế hệ trẻ thành con bò kéo chiếc xe chủ nghĩa cộng sản đã hiện nguyên hình là một đống rác thải mà thế giới đã bịt mũi tránh xa.

  6. Tôi hỏi một đứa cháu sắp học xong lớp 12 : nhân vật văn học nào gây ấn tượng nhất với cháu? Đứa cháu trả lời ngay :
    – “dạ Chí Phèo và Bá Kiến”
    – ” Cháu có thích Chí Phèo?”
    ” Dạ thích. Chí Phèo là nạn nhân của nhà giàu. nhưng nhà giàu nhà có chó. Muốn giết nhà giàu ta cần uống rượu cho say mới có gan trả thù.”
    -“còn Thị Nở ?”
    -“Dạ bà đó khùng mới thương đứa nghèo, thời nay con gái thích đại gia”
    -“Ngoài chương trình môn văn ở trường cháu thích đọc loại sách nào?
    “Cháu không thích đọc sách. Văn chương có nhiều khi không đúng. Bà út Tịch nói “Đánh Mỹ còn cái lai quần cũng đánh” mà bây giờ người ta cho con qua Mỹ học. Cháu thích chơi games hơn.”
    Thật bi đát khi thế hệ trẻ không còn tin vào nhà trường, vào những gì thầy cô giảng dạy.

Comments are closed.