Nguyễn Ước
23-11-2018
Trên Tiếng Dân ngày 22/11/2018 có đăng bài “Chúng ta đang ở thế kỷ bao nhiêu?” của tác giả Nhân Trần. Nhằm góp phần trả lời câu hỏi nhức nhối đó, tôi xin trích một đoạn diễn từ của một tác giả La Mã cách đây hơn 2000 năm, trong cuốn “Bàn về Nói dối” mà tôi đang tuyển, dịch và chú giải.
Thủ đoạn bất lương và luật pháp
Marcus Tullius Cicero [1]
Hiện nay, luật pháp có những phương pháp khác nhau để chiến đấu chống lại các thủ đọan bất lương. Luật pháp ra sức khuất phục bằng sự cưỡng ép đầy sức mạnh. Các triết gia thì bằng lý luận và lô-gic với những luận cứ nhằm loại khỏi vấn đề bất cứ sự sử dụng nào mang tính đánh lừa, phỉnh gạt và bịp bợm.
Vậy thì, ở đề mục đánh lừa, ta thấy chắc chắn có xuất hiện việc gài bẫy – thậm chí cả những lúc ta không có ý định bắt đầu trò chơi ấy hoặc lèo lái nó vào bẫy; vì hoặc không có ai đó đi theo sau con vật, hoặc họ không thường bị sập bẫy giống y như nhau. Việc quảng cáo bán nhà là một thí dụ; nó nêu lên vấn đề y hệt như thế. Rõ ràng là bạn phải làm cho quảng cáo của mình thành một chiếc bẫy với hy vọng sẽ túm được một nạn nhân sơ xuất nào đó.
Thế nhưng công luận đòi hỏi các định chuẩn cao hơn tự thân chúng, và tôi thấy rằng thời buổi này, những hành động thuộc loại nói trên không bị đánh giá, một cách bình thường, là sai, hoặc không bị trừng phạt bởi luật thành văn hay luật dân sự. Tuy vậy cái nghiêm cấm chúng chính là luật đạo đức mà tự nhiên (thiên nhiên) tự nó đã và đang ra mệnh lệnh. Như tôi từng nói trước đây – và cần liên tục nhắc lại – rằng có sợi dây ràng buộc của cộng đồng nối kết mọi người trong thế giới này với nhau. Dù sợi dây ràng buộc ấy có tính phổ quát trong áp dụng, nhưng nó mạnh mẽ một cách đặc thù, giống như mắt xích hiệp nhất dân chúng chung nòi giống: giữa những đồng bào thật sự, mắt xích ấy lại càng khít khao hơn nữa.
Sự hiện hữu của sợi dây ràng buộc tự nhiên ấy của cuộc đồng, ở giữa mọi người, giải thích tại sao tổ tiên chúng ta cố tình tạo ra sự riêng biệt giữa luật dân sự về đất đai và luật phổ quát. Luật đất đai thật ra phải có khả năng được gồm vào trong luật phổ quát, nhưng cả hai loại luật đó không đồng nghĩa, và cái sau mang tính tổng hợp hơn.
Chúng ta không sở hữu hình ảnh rõ rệt và hiển nhiên nào để tỏ cho mình thấy Luật pháp và Công lý đích thực và chính hiệu trông giống như cái gì! Chúng ta chỉ có những phác thảo đại cương. Chúng ta cho phép mình được chúng hướng dẫn, tới chừng mực nào đó, và để lại một mức độ rất lớn để khao khát. Vì ít ra, chúng cũng có công bắt nguồn từ những kiểu mẫu tốt đẹp nhất – những cái mà tự nhiên và sự thật đã và đang ban cho chúng ta. Hãy suy nghĩ tới tính chất cao nhã của công thức rằng: ta không bị đánh lừa hay bị gian lận vì ngươi và vì tin tưởng ngươi. Và cụm từ bằng vàng khác rằng: giữa những người lương thiện, phải ứng xử lương thiện và không có sự đánh lừa.
Nhưng như thế vẫn còn để lại những câu hỏi lớn lao không đáp án: ai là người lương thiện, và ứng xử lương thiện là gì?
Chánh tư tế Quintus Mucius Scaevola[2] qui tầm quan trọng đặc biệt cho hết thảy những trường hợp phân xử có dính líu tới sự biểu lộ trong đức tin ngay lành. Ông qui giá trị pháp lý khả thi và khôn ngoan nhất cho công thức đó khi áp dụng nó vào các vụ việc liên quan tới tàu chiến, hiệp hội, quỹ tín thác, các hội đồng/ủy ban, mua và bán, thuê và mướn; trong thực tế, áp dụng cho hết thảy những giao dịch làm nên mối quan hệ hằng ngày giữa người với người. Theo quan điểm của Scaevola, sự đánh giá bổn phận của người với người trong phạm vi này cùng hết thảy những phản tố thường xuyên can dự vào, đòi hỏi một quan tòa có năng lực ngoại hạng.
Thế thì thủ đọan bất lương phải ra đi! Và mọi loại bịp bợm đang giả dạng như là trí tuệ cũng phải ra đi trong khi [con người] thấy hai cái đó khác nhau hoàn toàn, và cái này tách biệt hẳn với cái kia. Chức năng của trí tuệ là phân biệt cái tốt và cái xấu, trong khi sự bịp bợm chen lẫn vào những cái đó và thật ra nó đang thiên vị cái xấu và sai.
Bất động sản không phải là lĩnh vực duy nhất mà tự thân luật dân sự của chúng ta – đặt căn bản trên những mệnh lệnh của tự nhiên – trừng phạt sự bịp bợm và sự đánh lừa. Thí dụ, trong trường hợp mua bán nô lệ, mọi sự đánh lừa từ bên người bán đều bị nghiêm cấm thêm lần nữa. Vì những giám quản (aedile/edile)[3] đã và đang áp dụng luật lệ rằng khi thấy một nô lệ bị bán mà thiếu sức khoẻ hoặc đang là kẻ trốn chạy, hoặc là tên trộm cắp, thì y phải báo cáo tương ứng (trừ phi tên nô lệ ấy là kẻ y được thừa hưởng).
Thế thì đây là kết luận mà chúng ta đạt tới. Tự nhiên là nguồn gốc của luật pháp, thật trái với tự nhiên kẻ lừa đảo hoặc lợi dụng sự mê lầm hay ngu muội của người khác. Như thế sự bịp bợm giả dạng như là trí tuệ là tai hoạ lớn lao nhất trong cuộc đời, là nguyên nhân của vô số ảo giác mang tính xung khắc giữa lợi thế và đúng. Vì tuyệt đại đa số dân chúng sẽ cố hết sức để kìm hãm mình không làm điều sai trái một khi họ được bảo đảm rằng nó sẽ bị khám phá và bị trừng phạt.
____
Ghi chú:
[1] Marcus Tullius CICERO (106-43 TCN) Nhà hùng biện, chính khách, nhà văn La Mã. Chào đời ở Arpinum tại Latium; thuộc một gia đình giàu có. Tại Rô-ma, ông học luật, thuật hùng biện, triết học Hy Lạp và văn học Hi Lạp. Ông phục vụ quân đội trong cuộc chiến tranh 90-88 TCN, dưới trướng của Pompeius Strabo, thân phụ của Pompey Vĩ đại (106- 48 TCN).
Diễn từ quan trọng đầu tiên của Cicero, trong 26 năm hoạt động, là bài biện hộ thành công cho thân chủ chống lại một người được nhà độc tài Sulla (k.138-78 TCN) ưu ái. Năm 76, sau khi viếng Athens và đi một vòng Tiểu Á, ông được bầu làm quan coi quốc khố, và rồi được bổ dụng tới Sicily. Năm 70, theo yêu cầu của dân Sicily, ông phụ trách cuộc hạch tội, thành công, quan tổng trấn tham nhũng Gaius Verres (k 120-43 TCN). Năm 66, ông làm pháp quan[4]; bằng bài diễn văn nức tiếng Pro Lege Manilia, ông ủng hộ, việc bổ nhiệm Pompey tiến hành cuộc chiến tranh với Mithradates VI (120-63 TCN). Năm 63, ông làm quan chấp chính tối cao và đánh bại âm mưu của nguyên lão Catilina (k 108-62 TCN) bằng việc hành hình 5 kẻ đồng loã.
Giờ đây, ông trở thành quốc phụ, và trong một thời gian ngắn ngủi, là nhân vật vĩ đại đương thời. Nhưng rồi chẳng bao lâu, từ người có thể cứu vãn xứ sở, Cicero bị xuống dốc; ông bị cáo giác vi phạm hiến pháp vì trong vụ Catilina, ông hành quyết người có quyền công dân La Mã mà không đưa ra tòa đại chúng xử. Năm 58, ông bị kết tội bởi Pubius Clodius (93- 52 TCN), kẻ thù của ông và giờ đây là người giữ chức vụ bảo vệ quyền lợi của công chúng (tribune), trong khi đi tị nạn ở Thessalonica. Ông bị án lưu đày; tất cả nhà cửa, đất đai của ông ở Rô-ma và thôn quê đều bị tước đoạt.
Thế rồi tới năm 57, dân chúng gần như nhất trí bỏ phiếu gọi Cicero lại. Nhưng ông giờ đây không có quyền hành trong chính trường. Cảm thấy căng thẳng trước sự việc dân chúng thường đột ngột thay đổi ý kiến, ông không thể quyết định chọn Pompey hay Julius Ceasar (100-44 TCN) và nền dân chủ mới mẻ. Tuy cuối cùng Cicero nghiêng về Caesar, nhưng ông đánh mất sự quí trọng của cả hai phe và bị xem là người lưng chừng chờ thời, cơ hội chủ nghĩa.
Năm 52, ông soạn diễn từ biện hộ cho Milo, người giết Clodius trong một cuộc nổi loạn. Năm sau, ông sang Tiểu Á làm tổng trấn Cilicia. Trong các năm 49-48, ông theo quân đội của Pompey ở Hy Lạp, nhưng sau cuộc bại trận ở Pharsalia, ông qui phục trong sự khoan hồng của Ceasar. Từ năm 46 tới năm 44, ông viết hầu hết các tác phẩm chính của mình về thuật hùng biện và triết học, trong cuộc sống qui ẩn và nghiền ngẫm những thất vọng của mình.
Năm 43, sau cái chết của Ceasar, việc Cicero phổ biến diễn từ nức tiếng Philippies của mình chống Marcus Antonius (83-30 TCN) khiến ông phải trả giá bằng mạng sống. Chẳng bao lâu, Antonius, Octavian và Lepidus (k. 89/88-12 SCN) liên minh thành tam đầu chế, bài trừ các đối thủ, và thế là tên Cicero nằm ở đầu danh sách định mệnh. Ông giờ đây già yếu, bỏ trốn về gia trang của mình ở Formiae. Quân lính của Antonius rượt theo, bắt kịp khi ông đang ngồi trên kiệu. Với sự trầm tĩnh đầy dũng cảm, ông đưa đầu mình ra ngoài kiệu, ra lệnh cho chúng chặt. Năm đó, ông 63 tuổi.
Trong các nhà hùng biện và luật sư biện hộ xưa nay, Cicero đứng ở hàng đầu. Trong các diễn từ trứ danh của ông có các bài chống Veras và Catilina. Ông thất bại khi làm chính trị gia, nhưng rất hấp hẫn khi là nhà nghị luận và người viết thư. Các tiểu luận của ông về “tuổi già”, “bằng hữu” và “bổn phận” (De Officis) vẫn được đọc nhiều; những bài tranh luận ông viết ở Tusculum, những tiểu luận của ông về “bản tính của các thần”, và “cứu cánh đích thực của cuộc đời” (De Finibus) minh họa các triết gia da dạng thời cổ đại. Cho đến nay, nhiều tác phẩm của ông vẫn được dịch ra nhiều thứ tiếng, tái bản nhiều lần, và luân lưu trong giới hàn lâm.
[2] Quintus Mucius Scaevola Pontifex Chết khoảng năm 82 TCN. Chính trị gia của Cộng hòa La Mã, bậc thẩm quyền quan trọng và sớm sủa của Luật La Mã. Được xem là người thành lập việc nghiên cứu luật pháp như một môn học có hệ thống, ông được bầu làm chánh tư tế (Pontifes Maximus), chức vụ cao nhất trong hàng ngũ tư tế của quốc giáo La Mã.
[3] Giám quản (aedile/edile) Loại công chức dân cử thời La Mã cổ đại. Họ có trách nhiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau như cổ động các trò chơi công cộng và các gánh xiệc; giữ trật tự công cộng, chợ búa; trông coi việc cung cấp thực phẩm và nước; có thể kể thêm các chức việc đền thờ.
[4] Pháp quan (praetor) Thẩm phán hay quan tòa trong La Mã cổ đại; chỉ đứng dưới quan chấp chính tối cao (consul).
“Lạc hậu hơn 2 chục thế kỷ” cũng vì những người như NU.giúp đỡ
bọn sinh viên nằm vùng ở Huế mà cứ tưởng rằng mình đầu tranh
cho nền dân chủ của VNCH.trước 1975 ?