Tị nạn Mỹ, dân chủ Việt

FB Chanh Nguyen

18-11-2018

Nhà thoát cơn bão lửa nhưng cáp quang thì cháy rụi, tối nay mới có in-tẹc-nét. Vì vậy mà dù được tag vào từ hôm trước nhưng đến nay mới có dịp trả lời đồng chí tình báo Lê Văn Đức. Cái tút của đồng chí có thể tóm tắc đại khái như thế này: Trump ngăn chận dân tị nạn từ Nam Mỹ vì quyền lợi nước Mỹ, bất chấp sự chống đối của dân “cấp tiến”, một điều đáng ca ngợi. Tin vào câu “Mọi người sinh ra đều bình đẳng… Ai cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc…” là ngây thơ và kết luận rằng ” người dân các nước lạc hậu phải hiểu rằng, muốn có cái quyền “bình đẳng” và “mưu cầu hạnh phúc” thì phải là người có tài hoặc có tiền!”

Trước khi phản biện sự nhì nhằng lẫn lộn bản chất, lý tưởng, và hiện trạng trong cách nhìn của trung tướng tình báo, tôi xin có đôi lời trình làng. Theo tin tình báo Mỹ thì đồng chí Lê Văn Đức không ăn tiền nhà nước để tuyên truyền cho Đảng mà chỉ nói thật lòng. Suy nghĩ của đồng chí xem chừng cũng khá phổ biến với những người Việt thành thật muốn có một xã hội văn minh tốt đẹp nhưng vẫn đả kích những người đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền trong nước. Cũng theo tin tình báo Mỹ thì đồng chí trung tướng là người từng trải, biết nhiều ngoại ngữ và có kiến thức rộng nên lập luận của đồng chí thường làm anh chị em “cấp tiến” nóng gáy nhưng không phản bác gì được hơn là unfriend. Theo thuật ngữ tuyên truyền thì đồng chí là một “dư luận viên cao cấp”. Nhưng chụp mũ như thế chỉ chứng tỏ sự nông cạn của chính mình và xúc phạm đến những người thành thật không cùng chính kiến.

Tôi rất hân hạnh được làm bạn và đối đáp với đồng chí trung tướng tình báo. Quan điểm khác biệt phần lớn vì kinh nghiệm và hoàn cảnh sống khác nhau. Nhưng như thế không có nghĩa là đúng sai chỉ tùy theo cách nhìn riêng của cá nhân. Đây là một bài viết nghiêm túc tuy vội vàng để trả lời những người cùng quan điểm với đồng chí trung tướng.

***

Chống người di cư tìm đời sống tốt hơn luôn là phản ứng của đa số dân Mỹ trong mọi thời đại. Thay vì tỉnh táo tìm phương án hợp tình hợp lý cho sự xung khắc phức tạp giữa những lợi ích và phí tổn xã hội, Trump xoáy vào bản tính ích kỷ, lợi dụng thói đổ thừa và thiếu suy nghĩ của một số đông dân Mỹ để dành phiếu, chẳng có gì là vì quyền lợi của nước Mỹ. Trái lại.

Mỹ là một nước của di dân, xây dựng bởi di dân. Dù đa số sẽ quên gốc gác di dân của mình và nhìn làn sóng nhập cư mới với con mắt nghi kị, Mỹ luôn có một giới tinh hoa cấp tiến giữ vững lý tưởng hào hùng “Give me your tired, your poor, Your huddled masses yearning to breathe free” thay vì chỉ cặp kè với những kẻ rủng rỉnh bạc tiền như ấn tượng Trump đang gây ra. Mỹ đã từng đưa tay đón nhận Thuyền nhân Việt, trong đó có nhiều người đang khinh thị những người Honduras chỉ muốn đến Mỹ để có một cuộc sống tốt hơn.

Hơn 30 năm trước, dưới con mắt khách quan của một người Mỹ thì tôi cũng không khác gì một cậu Honduras trong đoàn người đang tìm đến Mỹ. Ngôn ngữ không rành, tiền bạc không có, lại chẳng có thể làm gì để nuôi thân, chỉ thêm một gánh nặng cho nước Mỹ. Đúng thế.

Tôi từng là một phí tổn, hoàn toàn nhờ xã hội nuôi ăn học suốt gần 10 năm đầu ở Mỹ. Vài năm làm “nghiên cứu sinh” thì cũng là hạng dài lưng tốn vải, viết bài đọc sách, chẳng có ích lợi trực tiếp gì cho xã hội. Nhưng từ ngày bắt đầu đi cày đến nay thì tiền thuế đóng cho xã hội ít nhất cũng đã hơn vài chục lần tiền trợ cấp ngày xưa, còn thừa sức nuôi thêm vài bạn Honduras. Tôi chỉ là một cá nhân tiêu biểu trung bình đem lại lợi nhuận cho nước Mỹ đã dang tay đón nhận những Chí Phèo di dân. Như mọi kế hoạch đầu tư, có người làm Mỹ thiệt hại, nhưng cũng có những Chí Phèo, trắng tay khi đến Mỹ, sau này đã đem lại lợi nhuận gấp ngàn, vạn lần. Bỏ qua những đóng góp về văn hóa, kỹ thuật, quân sự, y tế vân vân, chỉ riêng về tiền bạc, cold hard cash, thì chính sách đón nhận di dân nghèo khổ đã làm nước Mỹ giàu mạnh hẳn lên, không khác gì đầu tư vào startup. Khích động chống người nghèo tìm đến Mỹ như Trump “vì quyền lợi nước Mỹ” thì chẳng khác gì tuyên bố đầu tư startup là ngu xuẩn đem tiền đi đánh bạc. Một cái nhìn thiển cận và sai lầm về bản sắc của nước Mỹ.

Nước Mỹ luôn cho những người có tiền, có tài nhập cư. Đấy là chuyện bình thườing, không đòi hỏi tư tuy đặc biệt, chẳng khác gì mua cổ phần đầu tư trên thị thường chứng khoán, không phải là một điểm đặc thù của nước Mỹ. Chính sách di dân tiếp nhận người nghèo khổ đến Mỹ khởi nghiệp để mưu cầu hạnh phúc trong một môị trường dân chủ giữa những người bình đẳng mới thể hiện đúng bản sắc táo bạo, hào hùng đậm chất tư bản Mỹ: Venture capitalism – Đầu tư khởi nghiệp.

Không thể đổ tiền vào mọi startup. Chính sách di dân như thế nào là một vấn đề rất khó. Không phải ai cũng có cơ sở, bản lĩnh, và tầm nhìn để làm venture capitalist đầu tư vào startup thành công như tư bản Mỹ, xã hội Mỹ. Tầm nhìn cao rộng này xuất phát từ một niềm tin lý tưởng rằng: “Mọi người sinh ra đều bình đẳng, cùng đồng quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Đây không phải là một câu khẩu hiệu để mị dân kiếm phiếu hay khích động lòng người để hô hào cách mạng mà chính là tinh thần và nền tảng của xã hội dân chủ. Từ ngày lập quốc, giới tinh hoa cấp tiến Mỹ đã cương quyết đồng sàng bình đẳng với người lam lũ thất học thay vì hệ thống hóa một chế độ cung phụng, ngưỡng mộ theo giai tầng. Lý tưởng quảng đại, kiêu hùng, và nhân bản này đã được thể hiện cụ thể với quyền tự do ngôn luận, thể chế chính quyền dân chủ và nền pháp luật thượng tôn.

Lý tưởng cao đẹp nào cũng bị giới hạn bởi tầm nhìn của thời đại. Nhưng thay vì bám víu vào những giáo điều mơ hồ, luẩn quẩn trong chốn ao tù của tư duy, người Mỹ đã dùng những cơ chế cụ thể – tự do ngôn luận và chính quyền dân chủ – để cùng nhau tranh cãi và hành động, tự mình vươn lên, từ một xã hội hoang rợ thành môt siêu cường quốc.

Tự do ngôn luận và chính quyền dân chủ, vốn vẫn bị nhiều người Việt hiểu lầm và nghi kị, đã khiến lý tưởng “mọi người đều bình đẳng, đồng quyền mưu cầu hạnh phúc” sống động trong thực tế và tâm hồn của đa số dân Mỹ. Người có văn hóa Mỹ tôn trọng nhân phẩm và tự do của người khác không vì tiền tài thế lực của họ mà chỉ đơn giản vì niềm tin vào sự bình đẳng của mọi người. Người khác văn hóa có thể không hiểu được niềm tin này, một niềm tin tự nhiên và thành thật của người Mỹ. Nhờ nó mà người sa cơ, đang nhận trợ cấp của xã hội vẫn giữ lòng tự trọng và không thiếu tự tin để tìm cơ hội vươn lên. Vì nó mà người có địa vị và quyền lực không được phép, không có nhu cầu hay thói quen xúc phạm đến nhân phẩm, đến sự tự do của người nghèo yếu hơn mình. Dù thực tế của một nước hơn 300 triệu dân không đơn giản như thế, xã hội Mỹ tranh cãi và hành động để đến gần hơn với lý tưởng nhân bản “mọi người sinh ra đều bình đẳng… đều có quyền mưu cầu hạnh phúc”. Một xã hội giàu mạnh từ tinh thần đến vật chất nhờ có tự do ngôn luận và thể chế dân chủ.

Những người chưa cảm nhận được niềm tin vào sự bình đẳng giữa người và người dễ dàng chấp nhận sự kiểm duyệt tư tưởng, giới hạn ngôn luận trên cơ sở đạo đức văn hóa chủ quan, vì lòng yêu nước hay tín ngưỡng. Xem chừng họ thường quên một sự thật hiển nhiên là tổ quốc, thượng đế thần linh, văn hóa đạo đức xưa nay vẫn câm lặng, luôn cần người thông ngôn. Nghi ngờ và muốn tự mình tìm hiểu thay vì tôn sùng kẻ trung gian phiên dịch là nhu cầu của người dân chủ. Ngôn luận là phương tiện để tìm hiểu, không thể chấp nhận bị giới hạn.

Một quan điểm khá phổ biến là phải phát triển kinh tế, có dân trí cao trước đã, cá nhân phải “thành đạt” trước khi đấu tranh đòi dân chủ nhân quyền. Đây là một quan điểm khôi hài, ngớ ngẩn theo góc nhìn của văn hoá Mỹ. Và cũng là một quan điểm không đúng với thực tế lịch sử.

Khi đặt điều kiện “dân trí”, “kinh tế”, “thành đạt” vân vân thì ta đã mặc nhiên phủ nhận giá trị tuyệt đối của cá nhân con người, không chấp nhận sự bình đẳng giữa người và người theo văn hóa Mỹ. Chấp nhận như thế hay không là một vấn đề thuộc về tâm hồn, không phải do trí tuệ. Nhưng nếu không chấp nhận, không tin rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng thì không có cơ sở triết lý, suy luận gì để thiết tha gắn bó với tự do ngôn luận và dân chủ. Đây chính là trở ngại lớn nhất, khó vượt qua nhất trong tiến trình dân chủ vì nó là một trở ngại vô hình thuộc về văn hoá.

Đối chiếu với thực tế thì đặt điều kiện “dân trí”, “kinh tế”, “thành đạt” vân vân chính là đem cày đặt trước trâu. Ngôn luận tự do và dân chủ chính là phương tiện duy nhất để nâng cao dân trí và kinh tế xã hội một cách bền vững. Lịch sử hơn hai trăm năm của nước Mỹ đã chứng tỏ điều này. Không phải là điều ngẫu nhiên. Hãy đặt câu hỏi, loại người nào, làm thế nào để thành đạt trong chế độ độc tài?

Một hạng người đã “thành đạt” bằng cách lợi dụng, luồn cúi quyền lực, tham nhũng vơ vét hay bon chen lừa đảo. Đây hẳn không phải là một mô hình phát triển kinh tế cần bàn luận.

Những người có thực tài vẫn có thể vươn lên, sống sung túc, có địa vị trong xã hội mà không cần phải bợ đỡ quyền lực hay làm gì để lương tâm cắn rứt. Nhưng vì thế mà suy luận phải “thành đạt” trước đã, vì thế mà chê cười người dấn thân đấu tranh không “thành đạt” như mình thì đúng là một bìểu hiện nông cạn của cả tư duy lẫn tâm hồn.

Những người này không đủ trí tuệ để nhận ra rằng tài năng, cá tính hơn người của họ là một sự ngẫu nhiên của tạo hóa. Một cái gien, một hoàn cảnh khách biệt là họ cũng không khác gì người dân đen lam lũ, ít học. Họ không đủ tâm hồn để không kiêu ngạo khi nhìn người nghèo khổ, dốt nát, thiếu văn hóa, đạo đức và nghĩ đến thực tế rằng “there but for the grace of God, go I”. Họ tự mãn vun đắp gia đình, tự hào dòng họ, một kiểu quý tộc Việt Nam theo cảm tính mà quên mất thực tế khoa học: Hổ phụ có thể sinh hổ tử nhưng sẽ đẻ ra cẩu tôn, cẩu tằng theo thời gian. Một biến chuyển tự nhiên và tất yếu. Họ hãnh diện ngồi cao trong cuộc sống với sự ngưỡng mộ của người xung quanh, một tầng lớp tinh hoa quý phái mà sớm muộn cũng sẽ biến hoá thành vô lại trong chế độ độc tài. Lịch sử chưa có ngoại lệ.

Vì thiếu cả tâm lẫn tầm như thế nên hạng người tinh hoa này, vốn thường có khả năng diễn đạt tốt, vẫn đưa ra những lời khuyên giáo điều, đạo đức nhàn nhạt mà thực chất không có công dụng gì khác hơn là tâng bốc chính họ bằng cách trực tiếp hay gián tiếp bỉ bai người khác. Họ có thể khen dân chủ nhưng thực chất chỉ hiểu về dân chủ một cách kinh điển hời hợt, không thực sự tha thiết với khái niệm dân chủ.

Một nghịch lý thú vị là họ thấy rõ những thành tựu trước mắt của dân chủ, chấp nhận sự ưu việt của xã hội dân chủ nhưng không thấu hiểu và chấp nhận nền tảng của dân chủ nên lại đặt điều kiện dân trí, kinh tế vu vơ để có dân chủ. Có thể nói họ đã a dua theo thời. Tôi vẫn có cảm tình và nể trọng những người thành thật tìm kiếm một giải pháp phi dân chủ nào đấy hơn là hạng dân chủ nửa mùa, ca ngợi dân chủ nhưng chẳng những không dấn thân đấu tranh (vốn đòi hỏi dũng khí, không phải ai cũng có) họ lại chê cười người đấu tranh với những lập luận xà quành.

Có dũng khí và hô hào dân chủ cũng không nhất thiết là người tha thiết với dân chủ. Khi lý tưởng không phải là sự bình đẳng, khi đối tượng không phải là quần chúng, thì “đấu tranh dân chủ” dễ biến thái thành một phương tiện đế ngưu mã tìm nhau, không ích lợi gì cho tiến trình dân chủ của xã hội.

Vài lời thành thật của một tên cao bồi không quên mắm ruốc vừa thoát cháy ở Mỹ.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Không ít những kẻ trước đây chạy vào tháng 4 năm 75 hoặc là thuyền nhân, vượt biển chạy trốn cộng sản thập niên 70-80 qua Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương, Phi…được Mỹ đón nhận, quên mẹ thân phận mình cũng đói khát, khổ sở, nhếch nhác ở đảo một thời gian mới được vào Mỹ. Thử hỏi trong số này khi rời bỏ đất nước ra đi trên những con thuyền mong manh, có ai có visa vào Thái, Mã Lai, Nam Dương, Phi… hay không? Nếu không có visa vào những nước kể trên thì họ hợp pháp ở chỗ nào, thân phận họ có giống đoàn người di dân Honduras không? Những ai từng là tị nạn thì hãy vào Wikipedia tìm hiểu, soi lại thân phận của mình trước khi khinh bỉ, chửi bới người khác bỏ nước ra đi.
    https://en.wikipedia.org/wiki/Refugee

  2. Tác giả Chanh Nguyen làm Tôi ngưỡng mộ với bài viết thấu tình đạt lý, của một người Mỹ gốc Việt- trình bày sự khác biệt của hai chữ Tự Do-Dân Chủ ở Hoa Kỳ với những bản sao khác trên thế giới. Quá tuyệt !!

Comments are closed.