Ngày 9.11 – Nghĩ về những bức tường – Phần 3: Bức tường trong đầu

FB Thọ Nguyễn

15-11-2018

Tiếp theo phần 1phần 2

Ngày nay, có người cho là nếu nước Đức đi con đường thống nhất “mềm“ sẽ bớt đi nhiều bi kịch. Lịch sử không có chữ “nếu“, cũng như giả định Đông Đức không đi theo con đường XHCN, hay nước Đức không rơi vào chủ nghĩa Quốc xã. Ở đâu cũng vậy, lịch sử như một định mệnh chụp lên đầu một dân tộc, cũng như bệnh tật, tai họa hoặc may mắn đến với đời người. Vấn đề là con người nhận thức, tự chuyển hóa, vượt qua ra sao. Bản lĩnh, phẩm chất là ở đó.

Sau gần 30 năm, dân tộc Đức đã chứng tỏ bản lĩnh của mình. Đông Đức ngày hôm nay đã không trở thành sân sau để gia công hàng hóa cho Phương Tây, mà là bộ phận cấu thành của một nền kinh tế hàng đầu thế giới. Thành phố dệt Chemnitz đã chứng kiến sự đổi thay này. Ngành dêt truyền thống đã teo đi, chỉ còn các nhà máy sản xuất thiết bị dệt may cao cấp. Thay vào đó chính phủ đưa nhiều cơ quan liên bang (Bundesanstalt) cùng 3 viện nghiên cứu khoa học Fraunhofer về đây. Kéo theo đó là hàng loạt Startup về IT và AI ra đời. Trường đại học kỹ thuật Chemnitz được nâng cấp để nhận 11.000 sinh viên, trong một thành phố 245.000 dân (Thị xã Quảng Ngãi có 265.000 dân).

Chemnitz bỏ qua giai đoạn phục hồi công nghiệp, tiến thẳng vào hậu công nghiệp. Đó là một trong nhiều ví dụ của Đông Đức.

Cùng với việc dời thủ đô từ Bonn sang Berlin để kéo trọng tâm về miền Đông, nhiều cơ quan liên bang và các viện nghiên cứu được chuyển về đây. Đầu tư mới 100% vào hạ tầng đã tạo cho miền Đông hệ thống đường cao tốc tốt hơn, mạng điện năng lượng xanh dày đặc hơn và trang bị ở các trường đại học, bệnh viện hiện đại hơn. Từ năm 1998, nhà nước đã thành lập cơ quang ngang bộ „Đặc ủy xây dựng miền Đông“ mà chủ nhiệm luôn là một “Ossi” – người Đông Đức (1). Từ 2005 nước Đức được lãnh đạo bởi một phụ nữ từ miền Đông…..

Bất chấp tất cả những cố gắng trên, khoảng cách Đông-Tây vẫn tồn tại. Thu nhập ở miền Đông vẫn dậm chân ở mức 85-90% miền Tây. Nguyên nhân nằm ở cấu trúc dân cư (demography).

Thế hệ trẻ Đông Đức hầu như không dính dáng đến quá khứ „CHDC Đức“ (còn gọi là DDR). Họ hoàn toàn hòa nhập và có mức sống ngang, thậm chí cao hơn bạn bè miền Tây. Nhưng quanh họ là rất nhiều người già thuộc thế hệ DDR. Những người này sống bằng lương hưu hoặc trợ cấp xã hội, chỉ đủ sống. Tỷ lệ người già ở miền Đông khá cao vì trong nhiều năm liền, giới trẻ bỏ sang phía tây làm ăn.

Người sống bằng trợ cấp tất phải ăn tiêu tằn tiện. Vì vậy, dù đã hiện đại hóa, dù lương của giáo sư, hay bác sỹ miền đông cao bằng miền tây, nhưng cấu trúc dân số này đã tạo ra sức mua thấp ở đó (Biểu đồ 1). Sức mua quyết định phát triển kinh tế. Đó là một quy luật khắc nghiệt, không chính sách nào thay đổi được.

Số người từng sống trong chế độ cũ này cũng tác động đến thái độ chính trị của dân miền Đông. Trong khi tỷ lệ những người tình nguyện hoạt động xã hội miền tây cao hơn miền đông thì tỷ lệ ủng hộ các khuynh hướng cực tả và cực hữu ở miền đông lại cao hơn hẳn phía tây (1). Trong các cuộc bầu cử địa phương 2017, ở Tây Đức chỉ có 0,3 đến 1% cử tri bầu cho đảng phát xít mới NPD, tỷ lệ này ở miền đông là từ 2 đến 4,9%(Biểu đồ 2).

Bên cạnh nạn kỳ thị chủng tộc, thì nạn „Chết làng“ (Dorfsterben) cũng là một vấn đề trầm trọng ở Đông Đức. Do thanh niên kéo ra thành thị sinh sống nên rất nhiều làng chỉ còn người già. Trường học, nhà trẻ đóng cửa. Sức mua giảm khiến vài làng chung nhau một siêu thị. Các cô bảo mẫu, giáo viên, bán hàng lại vào thành thị kiếm sống. Vòng xoáy này chưa dừng lại. Trong khi ở miền tây, người giàu đổ về sống ở nông thôn để hưởng môi trường trong lành thì ở miền đông, không khí sạch không ai mua….

Tất cả những khác biệt trên đã tạo ra „bức tường trong đầu“ đọng lại trong lòng nước Đức, mặc dù bức tường bê-tông và thép gai đã bị xóa bỏ từ 29 năm trước.

Câu nói „Tự do là hai chữ ngọt ngào, nhưng không ăn được“, mà tôi viết ở bài đầu, được cả nước Đức nhận thức như một món nợ đối với người dân miền đông. Từ đó, tất cả chung tay để xây dựng một nền „tự do ăn được“ cho mọi người. Bản lĩnh dân tộc là ở đó. Mặc dù chưa mỹ mãn, nhưng giờ đây tuyệt đại đa số phải công nhận: Bức tường trong đầu đang dần thấp lại, thống nhất nước Đức là một thành công vĩ đại.

Đọc „Tự do không ăn được“, một bạn đọc Việt còm ngay : „Bọn văn nô, quen sống ăn sẵn“. Tôi không chưng hửng, vì đó là cách suy nghĩ của rất nhiều người Việt. Chỉ vì một định kiến, người ta bất kể cuộc đời của người khác. Người Việt thua cuộc luôn bị hành hạ là vì vậy, dù ở phe nào.

Dân tộc này đang bị chia cắt bởi những bức tường tư tưởng, bởi những hàng rào văn hóa, chi chít, dọc ngang. Dù trong nước hay hải ngoại, người ta sẵn sàng chụp mũ, tấn công nhau bởi bất cứ lý do gì. Từ trò cờ đỏ cờ vàng, đến việc bênh hay chửi một MC…..Như cảm thấy chưa đủ, giờ đây lại thêm một bức tường cao ngất mà tôi gọi là „Tường Trăm Chum“. Điều quái gở là một tổng thống nước ngoài, ở tít tận bên kia chân trời lại tập hợp được dưới cờ cả người Việt „quốc gia“ lẫn „cộng sản“. Bên kia tường cũng vậy.

Thù hận không phải là truyền thống của người Việt. Vua Trần Nhân Tông sau khi đại phá Nguyên-Mông lần thứ ba (1287) đã cấp lương thảo cho quân thù về nước và đại xá cho tất cả những người từng hợp tác với Nguyên. Lòng bao dung của ông đã tạo nên sự cường thịnh của Đại Việt, chống lại được âm mưu phục thù của đế quốc Nguyên khổng lồ. Người Việt vẫn biết đùm bọc nhau, nếu được dẫn dắt bằng tư tưởng nhân đạo.

Bức tường lớn nhất đang chia rẽ dân tộc ta phải chăng là câu hỏi trong tờ khai lý lịch:

– Bản thân (hay cha mẹ) làm gì trước ngày 30.4.1975 ?

Đâu cần phải học người Đức để mới hiểu được rằng: Câu hỏi đó không được phép đặt ra cho bất kỳ người Việt nào!

Köln, 15.11.2018

Bình Luận từ Facebook