Cờ bạc và quyền lực: Câu chuyện thiện, ác, tà

FB Nguyễn Hồng Lam

15-11-2018

1. Tháng 8 – 2008, tại khách sạn Caravelle TP Hồ Chí Minh, một buổi hội thảo quốc tế về khả năng hợp pháp hóa thị trường cá cược và các hình thức đánh bạc khác đã diễn ra, có sự tham dự của quan chức các Bộ VHTT, Tài Chính, Bộ Công an và CA TPHCM. Những con số khảo sát thống kê mà Hãng cá cược Broken (Anh) đưa ra đã khiến tất cả cử tọa có mặt phải sửng sốt. Nó là những số tiền quá không lồ nằm ngoài hình dung của tất cả mọi người, kể cả những người máu me và liều lĩnh nhất.

Theo nghiên cứu của Broken, đến cùng thời điểm, mỗi năm người dân Việt Nam chi 4.8 tỷ USD cho riêng các khoản cá cược và cờ bạc, phần lớn là cá độ bóng đá, từ V.League cho đến các trận đấu quốc tế. Tất cả các hoạt động cá cược, bài bạc này đều bị xem là bất hợp pháp. Bất chấp mọi sự cấm đoán và trừng phạt của luật pháp, số tiền chi cho đỏ đen vẫn không hề giảm, chỉ tăng tịnh tiến đều theo thời gian.

Bằng kinh nghiệm tổ chức kinh doanh cá cược lâu năm, Broken cho biết, chỉ xấp xỉ 40% số tiền con bạc bỏ ra cá cược quay trở lại túi dân chơi thắng cược. Trong điểu kiện luật pháp cấm đoán, khâu trung gian nhiều, chi phí tăng, số tiền chi cho mọi khâu dịch vụ, đến tận người phát hành “phơi” (ghi nhận đặt cược)…cùng lắm cũng chỉ chiếm 20% tổng số tiền. Nếu tổ chức tốt, nhà cái sẽ ẵm gọn 40% tổng số tiền đặt cược dưới mọi hình thức.

Để tối ưu hóa lợi nhuận, các hãng cá cược từ quốc tế đến đám ma đầu hang cùng ngõ hẻm đều dùng một chiêu thức giống nhau: đẻ ra càng nhiều hình thức cá cược càng tốt, nhà cái hưởng lợi nhuận nhiều vòng hơn nhờ tỷ lệ chiết khấu. Một trận đấu, từ trước khi bóng lăn đến phút mãn cuộc, tổng cộng Broken có 42 loại kèo khác nhau. Đến tận áp giây cuối cùng của quả pennalty cuối cùng trong loạt sút luân lưu của trận cuối cùng tranh vô địch giải đấu, dân cá cược vẫn có thể tiếp tục bắt kèo với hy vọng đã thắng cược, họ lại tiếp tục thắng thêm kèo nữa. Cứ cho là tỷ lệ thắng thua là 50 – 50, nhà cái vẫn hưởng thêm được 5-10% hoa hồng cho kèo “hốt cú chót” này, móc ra từ hầu bao của những người thắng cuộc. Tuy nhiên, nhiều khả năng, những kèo “nhả ăn xương”, “bẻ kèo”, “ngược kèo”, “đảo lai (like – chọn)” cuối trận, dân thắng cược trước đó sẽ nướng hết số tiền mà họ đã thắng và dân thua kèo trước thì sẽ thua thêm kèo nữa, rồi kèo nữa…

Một ít trong số tiền khổng lồ rụng lại ở các khâu trung gian cò con, gọi là tiền tráng nhựa hoặc tiền lót đường. Một số khác, không nhỏ về con số, nhưng rất nhỏ nếu so tỷ lệ được gọi là bôi trơn để những gì gọi là bất hợp pháp trở nên vô thanh và vô hình, để đường dây hình gân lá của trò cá cược cứ thế mà lan khắp mọi hang cùng ngõ hẻm.

Nhà nước không thu được một xu, trong khi lại phải tốn không ít thời gian, công sức, tiền bạc…để dẹp cờ bạc và cá cược, bị xem như tệ nạn và phạm pháp. Lợi nhuận quá lớn nên chặt vòi này, giác hút khác lại mọc ra. Đồng hành với nói là vô số tệ nạn khác, thậm chí là tội ác, từ cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, bắt cóc tống tiền…v.v.

Không cấm được, tại sao nhà nước không cho phép hợp pháp hóa cá cược và một số hình thức đánh bạc có quản lý, vừa phòng tránh được nhiều tệ nạn, ổn định hơn về an ninh trật tự, lại thu được một khoản thuế không nhỏ lên đến cả tỷ USD/năm. Broken cho rằng, nếu luật pháp Việt Nam cho phép, nhiều hãng cá cược sẽ sẵn sàng hợp tác với nhà nước để đầu tư cùng khai thác, theo tỷ lệ 50-50 trên tổng số lợi nhận mà họ cam kết là từ 30 -40% tổng mực đặc cược, trong khi nha nước không phải bỏ vốn. Chưa kể, nhà nước còn thu thêm được một khoản không nhỏ thuế thu nhập từ người thắng cược.

Tuy nhiên, đề án “hợp pháp hóa cờ bạc” này vẫn không được chấp nhận, ngoại trừ một số nhỏ các môn thể thao với hiệu suất khai thác không đáng kể. Phản đối dẫn đến đề án hợp pháp hóa cá cược và một số hình thức cờ bạc chủ yếu đến từ ngành công an. Tất nhiên, người dân bình thường sẽ không bao giờ biết đủ lý do tại sao.

Và đó chính là cơ hội, cũng là nguyên nhân dẫn những người lẫy lừng một thời như Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa nhảy ra thao túng và vướng vòng lao lý.

2. Nổi tiếng trong cả ngành Công An lẫn trên giang hồ, Phan Văn Vĩnh được xem như một khắc tinh lừng lẫy của giới tội phạm. Vào sinh ra tử nhiều, công lao không ít, nhưng tướng Vĩnh danh nổi như cồn lại chủ yếu nằm ở cách đánh án không giống ai. Trong nhiều trường hợp, thậm chí người ta còn cho rằng ngay từ trẻ, Phan Văn Vĩnh đã dám dùng chiêu thức giang hồ để trị giang hồ, khi cần thì sử dụng cả những phương pháp đánh án rất lạm quền, không thể gọi là hợp pháp, nếu không nói là sẵn sàng gác các quy định sang một bên.

Cách đây đúng 20 năm, dư luận đầy cảm tính đã kê ra 4 cái tên điều tra viên đánh án thuộc hàng nhất nước. Trên Bộ có trung tá Nguyễn Văn Ngọc (Ngọc “điếu” – người bắt Năm Cam lần thứ nhất năm 1995). Thành Nam Định có Trung tá Phan Văn Vĩnh, chết danh Vĩnh “chột” vì dính mảnh lựu đạn trong một vụ là bảo kê tiệm vàng năm 1991. Ở Quảng Nam có Trung tá Huỳnh Đức Cường, Phó phòng PC16 tỉnh, nổi tiếng vì phá nhanh hàng chục vụ trọng án trên quốc lộ 1 và hàng chục vụ khác ở vùng vàng Phước Sơn. Đất Sài Gòn có Trung tá Nguyễn Mạnh Trung, cũng phó phòng CSĐT, nổi tiếng vì khả năng đánh án trong phố và vươn ra khắp nước…

Trước Phan Văn Vĩnh, cả ba Trung tá đồng thời, dù danh nổi như phao, đều có hậu vận không mấy tốt trong sự nghiệp Công An. Suốt 25 cuối đời, Trung tá Nguyễn Văn Ngọc phải sống chung với hàng loạt căn bệnh nan y do nhiễm phóng xạ uranium từ tang vật mà ông vô ý cất giữ cẩn thận trong…tủ hồ sơ tại phòng làm việc. Trung ta Huỳnh Đức Cường dính một vụ lãng xẹt: khai cung thừa nhận xong 2 vụ giết người, một nghi phạm ở Thăng Bình, Quảng Nam đã lăn đùng ra chết tại chỗ, trong khi biên bản khai cung vẫn chưa ký đủ. Cấp dưới lấy cung, khi vụ việc xảy ra ông Cường không có mặt (đang ngồi làm việc với chính tác giả tại trụ sở PC 16). Cho dù sau đó, giám định pháp y độc lập kết luận nghi can chết vì nhồi máu cơ tim cấp do quá sợ bị trừng phạt, vụ việc cũng vẫn ồn ào một thời gian dài. Huỳnh Đức Cường, cấp trên trực tiếp chỉ đạo đánh án, bị kỷ luật, chuyển sang giữ chức phó phòng CS PCCC Công an Quảng Nam ngồi chơi xơi nước, đến tuổi thì về hưu trong im lặng. Người cuối cùng, Trung tá Nguyễn Mạnh Trung thì chôn vùi sự nghiệp bằng một bản án đầy nghi vấn vì bị cáo buộc dính líu đến băng nhóm tội phạm Năm Cam.

Một mình Phan Văn Vĩnh, tay …giang hồ nhất là gặt hái đủ mọi thành công, trở thành Anh hùng LLVTND, Trung tướng Tổng cục trưởng TCCS. Xem như hưởng đủ.

Nhưng tham vọng, nhất là tham vọng quyền lực thì biết bao nhiêu gọi là đủ. Ở tầm quyền lực và trách nhiệm bao trùm, chắc chắn ông Vĩnh không khó gì gì mà không nhận ra thị trường cờ bạc, cá cược khổng lồ. Mà ông lại là người quen thao túng quyền lực hơn là phục tùng nó, cho dù “nó” có là quy định luật pháp đi chăng nữa.

3. Bắt bạc cũng như bắt mại dâm, cứ phải quả tang, ngay tại trận. Mà ngay cả như vậy thì việc xử lý con bạc cũng rất vô chừng, gần như chỉ phụ thuộc vào “sự vận dụng” của những người làm án chứ khó có thể trưng đúng bằng chứng hay dựa đủ căn cứ luật pháp.

Trên báo chí, người ta đã quá quen với thông tin kiểu bắt bạc “khủng” ngay tại sòng, có hàng chục, cả trăm con bạc tham gia, tiền đậu chến mỗi ván từ hàng trăm ngàn đến hàng triệu đồng. Thế nhưng tang vật thu tại chỗ thường chỉ lên đến vài ba trăm triệu. Nghĩa là, mỗi con bạc khủng chỉ mang theo đủ tiền để đặt chừng 1 hay hai nước bạc! Bị điệu ra tòa cùng lắm cũng chỉ 1/5 số kẻ bị bắt. Không một ai trong số chúng dám la lên là tôi mang theo cả trăm triệu đồng, sao cáo trạng lại ghi tôi chỉ thua vài ba triệu hay dăm triệu. Vì sao, bạn tự hiểu.

Đánh bạc trên trên mạng máy tính càng khó bắt, khó xử lý hơn, tiền chi cho cờ bạc càng kinh khủng hơn.Nếu ai đó còn hoài nghi thì cứ đọc hồ sơ vụ án mà tòa đang xử. Chỉ trong 8 tháng hoạt động, mạng cờ bạc của Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam đã thu hút được 43 triệu tài khoản con bạc, thu lãi bất chính 9.800 tỷ, trả lương và nộp thuế hơn 3.700 tỷ, chia nhau 4.700 tỷ…

Hợp pháp hóa không được, bắt cũng không dễ xử lý, hẳn là một người tự phụ quyền lực như ông Vĩnh không thể ngồi khoanh tay xem bọn oắt con thu tiền ngàn tỷ mà mình chẳng được gì cũng chẳng thể làm gì. Vậy là, thay vì lập chuyên án triệt phá cờ bạc, thu tiền về cho nhà nước, ông ra tay tế độ, biến chúng thành kẻ phục vụ mình. Công ty cờ bạc của Dương, Nam được Nguyễn Thanh Hóa, theo chỉ đạo của ông Vĩnh, biến thành “Công ty bình phong” của C50, tha hồ cho chúng máy móc túi quần chúng máu đỏ đen, mang tiền về đây cung phụng. Riêng tiền rượu cho các sếp tiếp khách đã lên đến cả chục tỷ thì đó không còn là chuyện đơn giản thấy lợi mờ mắt, sa ngã và chết vì “đạn bọc đường” như dư luận ngây thơ bàn tán và lên án nữa. Với Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa, đó là canh bạc quyền lực siêu khủng mà họ cố ý đánh đổi bằng cả sự nghiệp, hoàn toàn không thể coi là một cú sẩy chân dính bùn. Gọi thế e rẻ rúng tư cách và năng lực của những kẻ phạm tội quá.

Chỉ với một vụ này thôi cũng đủ chỉ ra rằng: cấm tiệt cờ bạc, nhất là trên mạng, là điều không thể. Bắt bạc chỉ là biện pháp bắt cóc bỏ dĩa. Đã đến lúc, vấn đề nghiên cứu lộ trình hợp pháp hóa thị trường cờ bạc, cá cược, đặt dưới sự quản lý chặt chẽ của luật pháp cần được đặt ra. Không những nhà nước sẽ có thêm được một nguồn thuế không nhỏ, điều này còn giúp giảm thiểu cho xã hội không ít tệ nạn, tội lỗi và tội ác.

Bình Luận từ Facebook