Âm thanh hổ lốn của trại súc vật

Lò Văn Củi

12-11-2018

Anh Năm Ba gác bức xúc:

– Thiệt tình, ở cái xứ này không chửi rủa không được. Chửi riết cũng mệt rồi. ‘Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng’, càng ngày càng có nhiều chuyện quái đản xảy ra.

Ông Hai Xích lô cười hì hì:

– Bình tĩnh, hết sức bình tĩnh đi Năm, uống ngụm cà phê cho hạ hỏa đi rồi nói. Chuyện gì lùm xùm bự xự nữa đây?

Anh Năm lắc đầu:

– Dạ, đúng là hỏa bốc luôn, bốc lên miết. Mà hỏa ở khắp nơi trên đất nước này. Chuyện đất đai ở đâu cũng như cái chảo lửa, chuyện tai nạn giao thông xảy ra hà rầm, chuyện an ninh trật tự, cướp giựt luôn đứng đầu sổ, chuyện môi trường ô nhiễm tràn lan, chuyện tham nhũng, bè phái thì ôi thôi, khỏi nói nỗi… Vậy chứ cái cơ quan lập pháp của nước ta chẳng màng tới, toàn bàn thảo chuyện tào lao, chuyện ruồi bu kiến đậu.

Anh Bảy Cà khịa cười nửa miệng:

– Anh Năm nói tới chuyện ở Quốc hội họp hôm 7/11 vừa qua đó hả? Bữa đó Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật chăn nuôi. Luật này thì họ sốt sắng sọan thảo, và chu choa đại biểu bàn thảo hăng say lắm lắm, sôi nổi lắm lắm.

Bà đại biểu tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thị Kim Bé phát biểu: “Tôi hiểu quy định như thế này thì người chăn nuôi phải xử lý cả tiếng phát ra từ vật nuôi và thiết bị sử dụng trong chăn nuôi. Nhưng trong chăn nuôi có hoạt động như nuôi chim yến, đây là loài chim trời, chúng bay trên không trung và phát ra tiếng kêu vậy người dẫn dụ chim yến không thể nào xử lý hành vi này được…”

Theo luật này, người nuôi chim yến phải… đếm chim để kê khai nữa đó. Tại điều 64 quy định về quản lý nuôi chim yến, cá nhân nuôi chim yến phải kê khai với UBND cấp huyện nơi có cơ sở nuôi chim yến các thông tin sau: Tên chủ cơ sở nuôi chim yến; địa điểm, số điện thoại liên hệ của cơ sở; diện tích nhà yến; số lượng chim yến ước tính lúc kê khai.

Đã có câu ‘Tìm em như thể tìm chim’, nay mai chắc sẽ có câu: ‘Tìm em như thể vạch chim đếm chim’ sao ta?

Bà con cô bác cười ha ha. Chú Tám Thinh bật lên tiếng:

– Còn điều luật này mới độc địa hơn nữa nè. Điều 60 của dự thảo Luật quy định, tổ chức, cá nhân chăn nuôi phải xử lý tiếng ồn phát ra từ hoạt động chăn nuôi đáp ứng quy định của tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Ông Mai Sỹ Diến đại biểu tỉnh Thanh Hóa phải khẩn khoản xin bỏ, chứ không thì làm sao mà ông ta thức dậy được vào buổi sớm mai: “Tôi không hiểu tiếng trâu rống, ngựa hí, chó sủa phải xử lý thế nào để đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia như quy định. Quy định trên không có tính khả thi, nếu có quy định này thì tiếng chim hót líu lo, tiếng gà gáy báo thức mỗi buổi sáng ban mai từ nghìn đời nay cũng phải xử lý. Xin đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định định trên”.

Ông Hai chép miệng:

– Quốc hội bây giờ như “chốn quần hùng” để mà tán dóc, để nói chuyện trên trời dưới đất là giỏi. Chỉ toàn bàn chuyện gì đâu, vậy chớ luật biểu tình, luật lập hội thì cứ khất nợ, không biết bao giờ chịu trả cho dân. Chúng liên tục họp hành, tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền thuế của dân mà chẳng ra giống ôn gì.

Ông Thầy Giáo nói tiếp:

– Đây đâu phải là Quốc hội, mà chính là trại súc vật. Những con gia súc được thể chế đào tạo rồi đặt vào đây để mà mị dân. Chúng tới đây tụ họp để ‘tán hưu tán vượn’, tạo ra một mớ âm thanh hổ lốn, gồm tiếng hí, tiếng gáy, tiếng rống, tiếng gầm… mà thôi.

Bà con cô bác nghe mà ớn lạnh, nhưng ngẫm nghĩ lại thì quả không sai.

Bình Luận từ Facebook