Ngày 9.11 – Nghĩ về những bức tường – Phần 2: Mối tình Đông-Tây

FB Nguyễn Thọ

10-11-2018

Tiếp theo phần 1.

Trước ngày thống nhất, năng suất lao động của các xí nghiệp quốc doanh CHDC Đức chỉ đạt từ 15%-30% Tây Đức (1). Trình độ kỹ thuật của toàn Đông Âu lạc hậu hơn phương tây khoảng 20-25 năm. Nhưng vì 70% hàng hóa làm ra chỉ lưu thông trong khối CEW, được thanh toán bằng đồng Rup Liên Xô nên dù là xe ô tô Lada, Trabant, xe máy Minsk hay tủ lạnh Saratov, các sản phẩm đó vẫn bán chạy trong thị trường khép kín này.

Khi cánh cổng mở toang, các sản phẩm đó không đủ sức cạnh tranh với chất lượng từ phương tây. Ở các nước Đông Âu khác, do tiếp xúc với thị trường Tây Âu còn khó và thu nhập của người dân còn thấp nên các sản phẩm này vẫn tiếp tục bán được trong nhiều năm. Nhiều hãng tồn tại nhờ đó và dần dần cải tiến sản phẩm của họ theo kịp thời đại. Nhưng ở Đông Đức, người dân lĩnh tiền D-Mark, sang bên kia phố là mua được đồ xịn mà xưa nay vẫn mơ ước, với giá rẻ bất ngờ. Niềm hạnh phúc của họ lại là sự cáo chung của nền sản xuất hàng hóa Đông Đức. Cái chết của các loại xe Trabant, Wartburg, Barkas và sự tồn tại của các hãng xe Skoda (Tiệp) và Dacia (Rumani) nói lên sự khác nhau giữa Đông Đức và Đông Âu.

Lý do thứ hai dẫn đến cái chết của kinh tế Đông Đức là thống nhất tiền tệ và thống nhất phúc lợi xã hội. Người ta không muốn một nước Đức có hai loại công dân, nên đã quyết định một chế độ bảo hiểm xã hội đồng nhất, một thang lương tương đối thống nhất cho toàn quốc. Kết quả chỉ qua đêm, người thợ CHDC Đức, với trình độ và năng suất lao động tương đương với đồng nghiệp Ba-Lan hay Tiệp Khắc, bỗng hưởng lương gấp 7-8 lần. Ngày đó công nhân Tiệp chỉ hưởng 200 DM/tháng, trong khi công nhân Đông Đức lĩnh 1500 DM, sản phẩm làm ra giá như nhau. Hãng Đông Đức phá sản là tất yếu. Công nhân Đức về nhà ăn thất nghiệp 800 DM/tháng, gấp 4 lần anh thợ Tiệp cày vã mồ hôi.

Các tập đoàn tư bản phương tây nhảy vào đông Âu lùng các cơ sở gia công rẻ tiền, tất sẽ yêu thợ Tiệp, Ba-Lan, Hungarie, Bulgarie, Croatia hơn là anh Đông Đức. Anh đắt quá và tuổi hưu của anh còn đắt hơn nữa. Nhờ vậy, các nước Đông Âu khác được chuyển đổi kinh tế theo liệu pháp mềm và dần trở thành sân sau tích cực của kinh tế Tây Âu.

Trong khi đó làn sóng phá sản ập vào Đông Đức ngay từ cuối năm 1990. Người ta rao bán các nhà máy cơ khí hàng nghìn công nhân với giá bèo, chỉ mong được các nhà tư bản miền tây nhảy vào, vực nó dậy. Vậy mà cho đến nay, 28 năm sau, nhiều nhà máy rộng hàng chục hecta, vẫn chỉ là kho chứa quần áo để các bác Việt Nam „đánh hàng“, thuê với giá 1-2 nghìn Euro/tháng.

Trong thời gian từ lúc bức tường „đổ“ tháng 11.1989 đến ngày thống nhất 3.10.1990, hai nhà nước bàn thảo rất căng về việc này. Ở đây các quyết định chính trị và kinh tế luôn được cân nhắc. Các chính khách Đức hiểu rõ tác hại của liệu pháp cứng đối với Đông Đức. Nhưng việc thống nhất nước Đức ngày đó không được cả thủ tướng Anh Thatcher và Tổng thống Pháp Mitterrand ủng hộ. Họ sợ một nước Đức quá mạnh sẽ lấn át ở Liên Âu. Tình hình chính trị ở Liên Xô thì như một thùng thuốc súng, không đảm bảo cho Gorbachov có thể ủng hộ việc thống nhất nước Đức như thỏa thuận. Thủ tướng Helmut Kohl e rằng, nếu dùng liệu pháp mềm, chấp nhận hai nền kinh tế, hai hệ thống tiền tệ, để chuyển đổi dần miền Đông, lòng dân sẽ không thuận và cơ hội lịch sử có thể tuột khỏi tay. Trước khi bước vào hội nghi 2+4 (Hai nước Đức + Mỹ, Anh, Pháp, Liên Xô), ông đã đi đến quyết định chính trị khó khăn nhất trong đời: „Liệu pháp cứng“ cho Đông Đức.

Tây Đức sau 3 thập kỷ liên tục tăng trưởng, nhất là „câu chuyện thần kỳ của kinh tế Đức“, đã tích tụ được một nguồn dự trữ khổng lồ vài ngàn tỷ D-Mark. Đây là vũ khí lợi hại của ông Kohl trong cuộc đấu „thống nhất giang sơn“. Ông đã hào hiệp tặng Gorbachov và cả Jelzin sau này những khoản tín dụng và viện trợ khổng lồ để đổi lấy những thỏa thuận vô giá.

Đối với Đông Đức, ông cho rằng sức mạnh kinh tế miền Tây có thể chu cấp xã hội nhiều năm cho hàng triệu đối tượng mà tin chắc là sẽ mất việc. Đó là cả bộ máy dân,chính, đảng, là lực lượng công an, quân đội mà ai cũng biết là khó hòa nhập vào xã hội mới. Để thêm phần chắc ăn, nhà nước thu thêm của người lao động Tây Đức một khoản „Phụ phí đoàn kết“ (Soli) để giúp đỡ đồng bào miền Đông.(2). Quỹ Soli này chỉ đem lại từ 10 đến 15 tỷ Eur/năm, trong khi số tiền miền Tây chuyển sang miền Đông khoảng 60-70 tỷ/năm để giữ vững cân bằng xã hội và phát triển hạ tầng. Theo báo cáo Blum, từ 1991 đến 2014 miền Đông nhận được 1.400 tỷ EURO viện trợ.

Ngày đó, các chuyên gia kinh tế chỉ tính đến sự sụp đổ của một bộ phận công nghiệp nặng và hy vọng vào khả năng cải tạo công nghiệp nhẹ miền Đông. Nhưng việc kết thúc chiến tranh lạnh dẫn đến toàn cầu hóa làm đảo lộn mọi phép tính kinh tế. Các ngành dệt may, lắp ráp điện tử và sản xuất hàng tiêu dùng của Đông Đức bỗng không thể cạnh tranh với các đối thủ có mức lương „tù“ từ châu Á. Ví dụ thành phố Karl-Marx, trung tâm công nghiệp dệt Đông Đức với 315.000 dân và hàng trăm xí nghiệp lớn nhỏ bỗng dưng biến thành thành phố ma với cái tên cũ là Chemnitz. Vì toàn bộ các nhà máy dệt, may mặc sập tiệm, nạn di dân sang miền Tây đã làm cho dân số tụt xuống còn 245.000 vào năm 2006. Dân Việt ở Chemnitz cũng chỉ „đánh“ hàng dệt từ Châu Á sang.

Hơn nữa, việc mức lương Đông Đức vọt lên gần 80% Tây Đức đã khiến vùng này thoát ly khỏi Đông Âu cùng trình độ. Do đó nó mất đi tính hấp dẫn cho tư bản phương Tây. Chỉ những nhà đầu tư Tây Đức nhìn thấy ở vùng tối đó những ưu thế về văn hóa, ngôn ngữ.

Việc đóng cửa hàng loạt và tư nhân hóa ồ ạt các xí nghiệp quốc doanh không có sức cạnh tranh bỗng gây ra một làn sóng phẫn nộ ở Đông Đức. Dù biết rằng thất nghiệp sẽ không chết đói, không vô gia cư, nhưng những người thợ tự hào không chấp nhận mất tương lai. Các cuộc đình công chiếm giữ xưởng, hầm mỏ, tuyệt thực, chặn xe cảnh sát xảy ra thường xuyên ở Đông Đức từ đầu năm 91 đã đẩy mâu thuẫn xã hội lên cao.

Đỉnh điểm của làn sóng này là vụ tổ chức RAF (Lữ đoàn đỏ) ám sát nhà công nghiệp Detlef Rohwedder hôm lễ phục sinh 1.4.1991 tại nhà riêng. Tháng 7.1990, ba tháng trước ngày thống nhất, nhà công nghiệp hàng đầu của Tây Đức được chính phủ Đông Đức mời sang làm giám đốc cục quản lý tài sản nhà nước (Treuhandanstalt), đặc trách việc việc tư nhân hóa tài sản quốc gia. Bọn khủng bố cánh tả đã xử án Rohwedder bằng hai phát đạn vì tội danh „Đại diện cho chủ nghĩa tư bản, cướp trắng tư liệu sản xuất của giai cấp công nhân“.

Tôi đã xúc động khi xem đoạn tin thủ tướng Kohl hôm 10.5.1991 đi thăm Halle, một thành phố công nghiệp đang khốn khó. Hàng ngàn người, mới năm ngoái còn coi ông là cứu tinh, nay bỗng xúm đến phản đối ông vì để cho họ mất việc làm. Thấy họ ném trứng, các vệ sỹ giữ ông lại. Nhưng ông Kohl đẩy vệ sỹ ra, chạy về phía đồng bào để nói chuyện với họ. Một quả trứng vỡ ngay trên mặt.

Lòng trắng trứng chảy trên mặt ông già, như những giọt nước mắt của mối tình Đông-Tây bi đát.

Köln, 10.11.2018

(Còn tiếp)

____

(1) https://www.t-online.de/nachrichten/deutschland/id_84549506/tag-der-deutschen-einheit-warum-ost-und-west-nur-muehsam-zusammenwachsen.html
(2) https://de.wikipedia.org/wiki/Solidaritätszuschlag

Bình Luận từ Facebook