Quan chức Bắc Hàn bạo lực tình dục đối với phụ nữ

Human Right Watch

Dịch giả: Mai V. Pham

31-10-2018

LTS: Sinh ra tại các nước độc tài đã là một nỗi bất hạnh. Và nỗi bất hạnh ấy nhân đôi đối với những người phụ nữ. Ở các nước độc tài toàn trị như Bắc Hàn, Trung Quốc và Việt Nam, phụ nữ vừa phải vất vả mưu sinh nuôi chồng con, vừa chịu nhiều thiệt thòi và bất công đến từ văn hóa nho giáo “trọng nam khinh nữ”. Cuộc đời của họ càng khốn khổ và đáng thương hơn khi họ là nạn nhân của các vụ xâm hại tình dục.

***

Các quan chức Bắc Hàn không bị trừng phạt vì tội bạo hành tình dục và cưỡng hiếp

31/10/2018 (HRW) – Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết trong một báo cáo rằng các quan chức Bắc Hàn phạm tội bạo lực tình dục thường không bận tâm đến hậu quả. Chính phủ Bắc Hàn không điều tra và khởi tố các khiếu nại, hoặc cung cấp sự bảo vệ và trợ giúp cần thiết cho các nạn nhân và thậm chí khẳng định một cách vô lý là Bắc Hàn không có kỳ thị giới tính hoặc bạo lực tình dục.

Bản báo cáo dài 86 trang, có tựa “Bạn khóc lúc đêm khuya, nhưng không biết vì sao: Bạo lực tình dục đối với phụ nữ ở Bắc Hàn”, ghi lại các vụ xâm hại và bạo hành tình dục, khá phổ biến ở Bắc Hàn đến nỗi được chấp nhận như là một phần của cuộc sống thường ngày. Nhiều người Bắc Hàn nói với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, rằng khi một quan chức quyền lực “chọn” một người phụ nữ, thì cô ta không có lựa chọn nào khác ngoài tuân thủ mọi yêu cầu của ông ta, cho dù là quan hệ tình dục, tiền bạc hoặc những đòi hỏi khác.

Những phụ nữ được phỏng vấn với HRW cho biết, những kẻ xâm hại tình dục bao gồm các quan chức cấp cao, các bảo vệ nhà tù và trại tạm giam, những người thẩm vấn, công an và an ninh mật vụ, công tố viên và quân nhân. Nỗi sợ hãi vì xấu hổ với xã hội và sợ bị trả thù và một vài trường hợp sợ bị bồi thường, nên phụ nữ Bắc Hàn hiếm khi báo cáo bị xâm hại tình dục.

Kenneth Roth, giám đốc điều hành của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói: “Bạo lực tình dục ở Bắc Hàn là một bí mật mở, không được quan tâm và được chấp nhận rộng rãi. Phụ nữ Bắc Hàn có lẽ sẽ tham gia phong trào ‘Me Too’ nếu họ nghĩ sẽ tìm được công lý, nhưng đáng tiếc họ bị chế độ độc tài Kim Jong-un bịt miệng”.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phỏng vấn 54 người Bắc Hàn đã trốn chạy khỏi đất nước sau năm 2011, khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên nắm quyền và 8 cựu quan chức Bắc Hàn chốn chạy khỏi đất nước. Tám cựu tù nhân cho biết, họ đã từng bị bạo lực tình dục, quấy rối bằng lời nói và bị đối xử nhục nhã bởi các điều tra viên, lính gác, công an và an ninh mật. Hai mươi mốt phụ nữ làm nghề buôn bán cho biết, họ cũng trải qua bạo lực tình dục và những đòi hỏi tình dục của công an hoặc các quan chức khác trong lúc làm việc.

Từ cuối thập niên 1990, nhiều phụ nữ đã lập gia đình, nhưng không phải làm việc tại các nơi do chính phủ thành lập, đã trở thành những người buôn bán nhỏ và trụ cột chính cho gia đình họ. Nhưng công việc đã khiến họ phải đối mặt với nguy cơ bạo lực tình dục ở một đất nước mà sự phân biệt giới tính và phục tùng đàn ông là rất phổ biến.

Oh Jung Hee, ở độ tuổi 40 đến từ tỉnh Ryanggang, đã chạy trốn khỏi Bắc Hàn năm 2014 và là nạn nhân thường xuyên của các vụ xâm hại tình dục, nói: “Vào những ngày họ cảm thấy thích, các nhân viên bảo vệ hoặc công an có thể yêu cầu tôi theo họ đến một căn phòng trống bên ngoài chợ, hoặc một nơi khác mà họ sẽ chọn. Họ xem chúng tôinhững món đồ chơi tình dục. Phụ nữ chúng tôi nằm ở trong tay của những người đàn ông”. Cô ấy nói, rất thường tình khi những người đàn ông không nghĩ họ đang làm điều sai và phụ nữ phải chấp nhận bị lạm dụng tình dục, nhưng “đôi khi, bỗng nhiên bạn khóc vào đêm khuya và không biết tại sao nữa”.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói rằng, các yếu tố gây ra bao gồm bất bình đẳng giới và thiếu giáo dục giới tính hoặc nhận thức về bạo lực tình dục. Các yếu tố khác bao gồm lạm dụng quyền lực, tham nhũng trầm trọng bởi những thay đổi về kinh tế xã hội, luật pháp không nghiêm minh, kỳ thị đối với nạn nhân của bạo lực tình dục và thiếu sự hỗ trợ xã hội và các dịch vụ pháp lý.

Yoon Mi Hwa, ở độ tuổi 30 đến từ tỉnh North Hamgyong, cũng chạy thoát khỏi Bắc Hàn vào năm 2014, mô tả những gì đã xảy ra khi bị giam giữ tại trung tâm tạm giam Chongjin jipkyulso trong năm 2009, sau khi cô tìm cách chạy trốn sang Trung Quốc:

Mỗi đêm một số phụ nữ sẽ bị buộc phải phải ra ngoài với một lính gác và bị cưỡng hiếp. Có một tên công an rất kinh khủng nổi tiếng vì sự tàn ác của hắn. Mỗi ngày, bất cứ khi nào các tù nhân mới đến, hắn ta sẽ tìm một lý do để đánh đập tàn tệ một trong những người đang bị giam giữ, để tất cả mọi người biết rằng phải tuân phục hắn.

Click, click, click là âm thanh khủng khiếp nhất mà tôi từng nghe. Đó là âm thanh chiếc chìa khóa phòng giam của chúng tôi. Mỗi đêm một cai tù sẽ mở cửa phòng giam. Tôi đứng yên lặng, tôi giả vờ như không biết chuyện gì đang xảy ra, hy vọng rằng tôi sẽ không phải đi theo tên bảo vệ, hy vọng tiếng mở khóa phòng giam không phải là tên lính gác”.

Park Young Hee, một nông dân ở độ tuổi 40 cũng đến từ tỉnh Ryanggang, trốn chạy khỏi Triều Tiên lần thứ hai vào năm 2011, đã bị buộc phải trở về Triều Tiên từ Trung Quốc vào mùa xuân 2010, sau lần đầu tiên cô trốn chạy. Sau khi được an ninh mật vụ thả ra và bàn giao cho công an địa phương gần thành phố Musan ở tỉnh North Hamgyong, công an thẩm vấn cô ở một trại tạm giam gần đó đã xâm hại tình dục cô mấy lần. Cô nói tên công an hỏi cô nhiều lần về mối quan hệ tình dục của cô với người đàn ông Trung Quốc mà cô đã được bán cho hắn trong khi ở Trung Quốc.

Cô nói với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền: “Cuộc sống của tôi nằm trong tay tên công an, vì vậy tôi đã làm tất cả những gì hắn muốn và trả lời mọi thứ hắn hỏi. Làm sao tôi có thể làm gì khác được? … Mọi thứ chúng tôi làm ở Bắc Hàn đều có thể bị coi là bất hợp pháp, nên mọi thứ có thể phụ thuộc vào nhận thức hay thái độ của người đang điều tra cuộc sống của bạn”.

Chính phủ Triều Tiên nên thừa nhận vấn đề bạo lực tình dục, bảo đảm rằng công an, công tố viên và tòa án xem bạo lực tình dục là tội phạm và nhanh chóng điều tra cũng như truy tố các cáo buộc khi thích hợp. Chính phủ nên thiết lập các chương trình giáo dục sức khỏe sinh sản và tình dục, và cung cấp các dịch vụ cho những nạn nhân bị xâm hại và bạo lực tình dục, bao gồm tư vấn, hỗ trợ y tế và pháp lý, cũng như các chương trình trợ giúp phụ nữ vượt qua sự kỳ thị.

Một Ủy ban Liên Hiệp quốc về vấn đề nhân quyền năm 2014 tại Hàn Quốc cũng kết luận rằng, các hành vi vi phạm nhân quyền có hệ thống, phổ biến và lan tràn do chính phủ Triều Tiên gây ra là tội ác chống nhân loại. Các tội ác bao gồm cưỡng ép phá thai, hãm hiếp, và bạo lực tình dục, cũng như giết người, giam cầm, nô lệ và tra tấn tù nhân trong lúc bị giam giữ. Ủy ban LHQ cho biết, các nhân chứng tiết lộ rằng, “bạo lực đối với phụ nữ không chỉ giới hạn ở nhà và thường thấy phụ nữ bị đánh đập và bị xâm hại tình dục tại nơi công cộng”.

Phụ nữ Triều Tiên không nên chịu rủi ro vì bị hãm hiếp bởi các quan chức chính phủ hoặc viên chức nhà nước khi họ rời khỏi nhà để kiếm tiền nuôi sống gia đình. Kim Jong Un và chính phủ của mình nên thừa nhận vấn đề [xâm hại tình dục đối với phụ nữ] và khẩn cấp tiến hành các biện pháp nhằm bảo vệ phụ nữ và đảm bảo công lý cho những nạn nhân của bạo lực tình dục”.

Mời xem clip do HRW thực hiện:

Bình Luận từ Facebook