Quyền lực của ông Trọng đang che giấu điểm yếu của Việt Nam

Asia Times

Tác giả: David Hutt

Dịch giả: Châu Minh Dũng

30-10-2018

TBT Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước ngày 23/10/2018.

Sự kiện ông Nguyễn Phú Trọng được bổ nhiệm làm Chủ tịch nước tạo ra mức tập trung quyền lực trong tay một cá nhân chưa từng có tiền lệ, nhưng sẽ là một sai lầm khi so sánh ông ta với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Sự kiện Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Chủ tịch nước – lần đầu tiên một quan chức cộng sản nắm giữ cả hai chức lãnh đạo nhà nước sau thập niên 1960 – đã báo hiệu sự trỗi dậy của một nhà độc tài mới giữa một hệ thống từ lâu được cai trị bởi sự đồng thuận.

Nhưng lý do cho sự lên ngôi khác thường của ông – và tình trạng của chính trường Việt Nam hiện tại – lại chỉ ra tình trạng bất ổn của ý thức hệ cộng sản ở Việt Nam, chứ không phải sức mạnh, giữa một chiến dịch nhằm tái thiết lập quyền toàn trị tối cao của đảng đối với đời sống chính trị Việt Nam.

Vào ngày 2 tháng 10, Hội nghị lần thứ 8 của Uỷ ban Trung ương đã thống nhất rằng ông Trọng sẽ là ứng cử viên duy nhất cho vị trí Chủ tịch nước sau khi Chủ tịch nước tiền nhiệm là ông Trần Đại Quang qua đời do vấn đề sức khỏe vào tháng 9.

Vào ngày 23 tháng 10, Quốc hội Việt Nam đồng ý để ông Trọng lên ngôi, với tỉ lệ 99,8% phiếu ủng hộ chỉ và chỉ có một đại biểu phản đối. “Nhiều nhiệm vụ nặng nề đang chờ đợi trước mắt”, ông Trọng nói vậy trong buổi tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước, khi ông tuyên bố sẽ “tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam”.

Đồng thời, sự trỗi dậy của ông thể hiện một sự rạn vỡ trong cấu trúc chính trị lâu đời của đảng Cộng sản Việt Nam.

Sau cái chết của người sáng lập chế độ, ông Hồ Chí Minh, vào cuối thập niên 1960, các lãnh đạo đảng đã thống nhất luật bất thành văn là họ chia nhau nắm giữ các vị trí lãnh đạo nhà nước, cụ thể là Chủ tịch nước, Thủ tướng, Tổng Bí thư đảng và Chủ tịch Quốc hội, để bảo đảm sự cân bằng quyền lực trong nội bộ đảng.

Cho nên, chuyển biến hồi tuần trước đã khiến giới quan sát so sánh ông Trọng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, là người hiện đang làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc kiêm Chủ tịch nước. Ở Trung Quốc, hai vị trí này đã được sáp nhập từ thập niên 1990.

Cũng có giả thuyết cho rằng, việc củng cố quyền lực khiến ông Trọng trở thành một nhà lãnh đạo mạnh mẽ theo cách tương tự như Thủ tướng Campuchia Hun Sen và phù hợp với một xu hướng toàn cầu là các nhà lãnh đạo độc tài xuất hiện ngày càng nhiều.

Tất nhiên, ông Trọng vốn đã là chính khách quyền lực nhất ở Việt Nam trước khi nhậm chức Chủ tịch nước, dù ông vẫn duy trì cơ chế quyết định đồng thuận của Đảng Cộng sản – hay nói theo cách của những người cộng sản là “dân chủ tập trung”.

Thật vậy, ông Trọng, ở tuổi 74, không có nhiều khả năng đạt được vị thế độc tài tối cao hoặc đứng trên các quyết định của Đảng bởi cơ chế dựa trên sự đồng thuận. Thay vào đó, chuyện ông làm Chủ tịch nước rất có thể chỉ là chuyển biến tạm thời và sẽ bị hoàn tác trong Đại hội đảng kế tiếp, dự kiến tổ chức vào đầu năm 2021.

Giới lãnh đạo tinh hoa của đảng từ lâu đã cân nhắc vấn đề sáp nhập hai chức lãnh đạo nhà nước, nhưng người ta cho rằng đa số quan chức cộng sản chưa bao giờ ủng hộ kịch bản này. Theo một số nhà phân tích, thực tế, chính ông Trọng đã từng bác bỏ ý tưởng này bởi vì nó có thể dẫn đến sự tập trung quyền lực ở mức không thể kiểm soát.

Đã có nhiều lời đồn đoán rằng, phải chăng ông Trọng đã lên kế hoạch cho vụ lên ngôi này kể từ khi có thông tin hồi năm ngoái rằng cựu Chủ tịch nước Trần Đại Quang bị bệnh rất nặng. Những người không đồng ý với thuyết âm mưu này thì nhận định rằng ông Trọng chỉ đơn thuần được đề cử vì không có lựa chọn nào tốt hơn.

Đảng có quy định là người được đề cử vào một trong bốn vị trí lãnh đạo cao nhất phải là Ủy viên Bộ Chính trị, cơ quan hoạch định chính sách cấp cao nhất của Đảng, trong hơn một nhiệm kỳ.

Như vậy, chỉ có năm thành viên của đảng phù hợp với yêu cầu này, trong đó có ông Trọng cùng hai người khác là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Ngoài ra còn có ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP HCM và bà Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Quốc hội. Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, hai người này không có thứ bậc cao trong Bộ Chính trị và cũng không được đánh giá cao bởi các đồng chí của họ.

Việc đề cử một trong hai người này sẽ dẫn đến một cuộc cải tổ nhân sự lớn, một cuộc chuyển đổi khó khăn cho một hệ thống nhiều tầng bậc, với vô số lợi ích, từ cấp tỉnh và cấp bộ ngành đến các mạng lưới hỗ trợ, phải được trù tính cẩn thận.

Hơn nữa, Bộ Chính trị vẫn đang thiếu nhân lực sau khi ông Quang qua đời, cùng với việc một người bị cách chức hồi năm ngoái và một người khác thì vắng mặt trong gần hai năm qua do sức khỏe kém[*].

Việc lựa chọn người nắm giữ chức lãnh đạo nhà nước này đã dẫn đến cuộc cạnh tranh gay gắt trong cấp nội bộ Đảng trước cả khi vị trí Chủ tịch nước bị bỏ trống và dường như đã không thể được giải quyết trong một sớm một chiều.

Điều đó nói rằng, đảng đã phá vỡ luật bất thành văn qua việc lựa chọn ông Trọng và theo lý thuyết, cũng có thể phá luật bằng cách chọn một người không phải là ủy viên Bộ Chính trị trong hai nhiệm kỳ.

Cũng có lời đồn cho rằng ông Trần Quốc Vượng, chủ tịch Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan chống tham nhũng chủ lực, là người vừa nhận chức Thường trực Ban Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam hồi tháng 3, hoặc Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch đều là ứng cử viên sáng giá. Lý do họ không được chọn vẫn còn bỏ ngỏ.

Một cách giải thích khả dĩ là, trong lúc những cuộc bàn thảo thường trực về các ứng cử viên cho Đại hội Đảng kế tiếp vào năm 2021 mới chỉ bắt đầu, một Chủ tịch nước không phải ông Trọng có thể bị xem như một người kế vị thăng tiến quá nhanh.

Thật vậy, một Chủ tịch nước chỉ làm một nhiệm kỳ thường giữ yên vị trí, hoặc được bổ nhiệm vào một trong ba chức lãnh đạo nhà nước khác, tại Đại hội đảng.

Một hướng giải thích khác là Ủy ban Trung ương – một cơ quan đầy sức ảnh hưởng với 180 ủy viên gồm các quan chức với ý tưởng chính sách khác nhau, cũng như thuộc các mạng lưới bảo trợ cạnh tranh lẫn nhau và phe nhóm có tính chất địa phương – đã trở nên quá chia rẽ để quyết định được một ứng cử viên nào khác ngoài ông Trọng.

Một số nhà bình luận, bao gồm cả nhà báo kỳ cựu Phạm Chí Dũng, cho rằng với quyền hạn mới, ông Trọng có thể thay đổi quy định đảng để duy trì được “thế độc quyền quyền lực” vô hạn.

Thật vậy, chẳng có gì đảm bảo rằng ông Trọng sẽ không thay đổi quy định đảng và loại bỏ các giới hạn về độ tuổi và nhiệm kỳ, mà theo lẽ thường sẽ buộc ông phải rời nhiệm sở vào năm 2021.

Không lạ gì khi một số người nghĩ rằng ông Trọng đã trở thành một Tập Cận Bình của Việt Nam. Nhưng mức tập trung quyền lực trong đảng Cộng sản Trung Quốc từ lâu đã cao hơn rất nhiều so với đảng Cộng sản Việt Nam.

Hơn nữa, ông Trọng và ông Tập có những tính cách rất khác nhau và cho đến nay vẫn duy trì phong cách lãnh đạo khác nhau rõ rệt.

Ông Trọng thăng tiến qua nhiều cấp bậc với tư cách một nhà lý luận xây dựng đảng. Trong thập niên 1990, ông trở thành tổng biên tập của Tạp chí Cộng sản, tờ báo lý thuyết của Đảng, trước khi trở thành ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam rồi đến Hội đồng Lý luận Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam.

Ông từng làm Bí thư Thành ủy TP Hà Nội và chủ tịch Quốc hội, trước khi trở thành Tổng Bí thư đảng vào năm 2011, mặc dù nhiệm kỳ năm năm đầu tiên của ông trong cương vị này lại khá mờ nhạt.

Trong khi đó, ông Tập là một lãnh đạo độc lập và mạnh mẽ hơn rất nhiều, còn ông Trọng thì được xem là hướng nội và thụ động hơn – khuôn mẫu quen thuộc của người trí thức đảng đơn điệu. Hơn nữa, ông Trọng được xem là người không có nhiều ý tưởng chính sách mạnh mẽ, ngoại trừ niềm tin vào chuyện thiết lập lại tính ưu việt của đảng về chính trị. Đôi khi những nhà quan sát mô tả ông ta là “người của một chủ đề”.

Thật vậy, phần lớn những hoạt động diễn ra trong chính trường Việt Nam từ năm 2016 đến nay chỉ là thao tác vá víu những lỗ hổng mà giới quan chức tinh hoa của đảng hiện nay, bao gồm ông Trọng, tin là sai lầm từ thời cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Nhiều người từng đoán rằng ông Dũng sẽ trở thành Tổng Bí thư tại Đại hội đảng năm 2016, trái lại, một liên minh chống ông Dũng đã hình thành và bỏ phiếu để giữ ông Trọng ở chức vụ này.

Từ thập niên 2000 trở đi, nội bộ đảng ngày càng phình ra và nó thể hiện sự gia tăng số lượng những quan chức chỉ hành động vì lợi ích cá nhân, không phải vì mối bận tâm đến tư tưởng hay quốc gia.

Lo ngại trước tình cảnh những quan chức tham nhũng xuất hiện ngày càng nhiều – một số nhà phân tích gọi họ là những kẻ “vào đảng để tiến thân” – những đảng viên lâu năm đã bầu ông Dũng làm thủ tướng vào năm 2006, với hy vọng vào lời hứa chống tham nhũng của ông.

Đến năm 2016, các mạng lưới bảo trợ và phe nhóm chính trị vì tiền đã ăn sâu vào chế độ đến mức hệ thống này có nguy cơ sụp đổ dưới gánh nặng tham nhũng.

Nhà phân tích chính trị và cựu quan chức ngoại giao Hoa Kỳ, ông David Brown mô tả đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 2016 giống như “tổ chức mafia của châu Á”, đã “làm trì trệ và đem lợi ích kinh tế của Việt Nam ra chia chác vì lợi ích bè phái”.

Từ đầu thập kỷ, nhà báo và tác giả Bill Hayton đã nhận định rằng, tư duy làm chính trị vì tiền đã tạo ra một thứ “chủ nghĩa xã hội phe phái”, theo đó mọi người tham gia đảng chỉ để vinh thân phì gia.

Hơn nữa, trong hai nhiệm kỳ làm Thủ tướng, ông Dũng đã thay đổi đáng kể đường hướng vận hành của chính trường Việt Nam bằng cách chuyển giao quyền lực dần dần từ đảng Cộng sản sang Chính phủ do ông đứng đầu.

Đến năm 2016, một số người lập luận rằng bộ máy của đảng, bao gồm Bộ Chính trị, đã không thể tác động đến bộ trưởng các bộ và các ban ngành khác.

Đáp lại, ông Trọng và các đồng minh trong Bộ Chính trị đã thiết lập một bộ máy chống tham nhũng hiệu quả nhất đến giờ ở Việt Nam, đến nay đã kỷ luật, bắt giữ hoặc kết án tù hàng ngàn trường hợp quan chức đảng và các lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước.

Họ cũng triển khai một chiến dịch để trừng phạt các quan chức đảng vướng vào một trong 27 “biểu hiện” suy thoái đạo đức, bao gồm sự thoái hóa về tư tưởng xã hội chủ nghĩa, nạn đút lót, trụy lạc và lười biếng.

Một phần của chiến dịch này nhằm thiết lập một hạt nhân mới gồm các đảng viên thuần khiết hơn và đạo đức hơn những người khác, từ đó sẽ chọn một người có khả năng tiếp quản quyền lực trong những năm tới.

Quyền Chủ tịch nước giờ sẽ mang lại cho ông Trọng quyền lực lớn hơn nữa để củng cố chiến dịch chống tham nhũng. Cần lưu ý là quá trình điều tra tham nhũng trong mảng quân đội đã diễn tiến chậm chạp so với các vùng khác. Khi đã thành Chủ tịch nước, ông Trọng cũng trở thành tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang và như vậy mọi chuyện sẽ khác.

Bên cạnh đó, ông Trọng cũng sẽ tiếp quản một số ban ngành của Ủy ban Trung ương, trong đó việc ra các quyết định quan trọng được định hướng bởi Chủ tịch nước. Các cơ quan này bao gồm Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp, có thể đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch chống tham nhũng.

Nhà phân tích kỳ cựu về chính trị Việt Nam, ông Carl Thayer cho rằng, việc sáp nhập hai chức lãnh đạo dưới tay ông Trọng có thể hữu ích cho việc lãnh đạo bộ máy. Hệ thống “tứ trụ” đã “ở một mức độ nhất định trở thành một trở ngại cho quá trình ra quyết định kịp thời và thực thi chính sách một cách nhanh chóng. Bằng cách nhập hai chức lãnh đạo nhà nước trở thành một, chính quyền Việt Nam có thể giải quyết một cách dứt khoát hơn đối với các vấn đề nhạy cảm”, ông Thayer viết trong một bài được công bố tuần trước.

Với tư cách người đứng đầu nhà nước, ông Trọng cũng có thể hoạt động tích cực hơn trong lĩnh vực đối ngoại, một vấn đề mà trước đó ông không có nhiều đất diễn bởi vai trò Tổng Bí thư đảng. Một số nguồn tin từ Hà Nội cho biết, ông đang vận động hành lang cho một chuyến thăm Hoa Kỳ, để thảo luận về một thỏa thuận song phương với Tổng thống Donald Trump.

Vấn đề Biển Đông, trong đó Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với một số vùng lãnh hải bị Bắc Kinh chiếm đoạt, cũng có thể là một lý do cho chuyến thăm cấp nhà nước nói trên.

Khi Trọng nắm giữ quyền lực kép, đảng sẽ có thể tái khẳng định quyền toàn trị của mình đối với tất cả phương diện của chính trường Việt Nam, lấy lại những quyền hạn mà cựu Thủ tướng Dũng từng trao cho phía Chính phủ.

“Khi Tổng Bí thư đồng thời giữ chức Chủ tịch nước đương nhiên tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện sự lãnh đạo của Ðảng đối với Nhà nước và xử lý tốt hơn mối quan hệ giữa các cấu trúc quyền lực của Nhà nước”, ông Lê Minh Thông, cựu Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp lý của Quốc hội, đã nhận định như vậy trong một cuộc phỏng vấn gần đây với báo Nhân Dân.

Thay vì sao chép “phong cách Tập Cận Bình”, chuyện ông Trọng được bầu làm Chủ tịch nước chủ yếu vì mục đích giúp đảng áp đặt lại cội rễ tư tưởng dựa trên học thuyết Lenin và quyền toàn trị của nó lên đời sống và chính trường Việt Nam.

____

[*] Hai người này dĩ nhiên là Đinh La Thăng và Đinh Thế Huynh (lời người dịch)

© Copyright Tiếng Dân – Bản tiếng Việt

Bình Luận từ Facebook