Các Cuộc Tranh Quyền Tại Sài Gòn – CIA và Chính Phủ Ngô Đình Diệm

Tác giả: Thomas L. Ahern, Jr.

Dịch giả: Đỗ Kim Thêm

26-10-2018

Lời dịch giả: Ngày 26 tháng 10 năm 2018 là kỷ niệm 62 năm ngày Quốc Khánh 26 tháng 10 năm 1956, Quốc Hội Lập Hiến công bố Hiến Pháp thành lập Chế độ Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hoà. Trong khi phe thắng cuộc đến nay vẫn còn tuyên truyền chế độ miền Nam là tay sai cho đế quốc Mỹ, ông Ngô Đình Diệm được Mỹ trọng dụng và cho phép Mỹ xâm lăng, thì tài liệu mới giải mật của CIA chứng minh ngược lại: Tổng thống Diệm không được Tổng thống Eisenhower tín nhiệm trong vai trò lãnh đạo đất nước.

Lúc đầu, Hoàng đế Bảo Đại, chính phủ Pháp và Mỹ thoả thuận uỷ nhiệm cho ông Diệm nhận chức vụ Thủ tướng để thành lập chế độ Cộng Hoà tại miền Nam Việt Nam. Trong khi dân chúng chưa có ý thức ủng hộ cho ông Diệm về việc xây dựng một quốc gia dân chủ, thì giới ngoại giao Mỹ tại Paris và Sài Gòn không tin là ông Diệm có thực tài lãnh đạo mà là một Đấng Cứu thế không có mang tin mừng cho dân tộc Viêt, ngoài việc chỉ biết xin viện trợ Mỹ. Khi phản đối của chính giới Mỹ tại Washington còn ngấm ngầm và dân chúng miền Nam còn xa lạ, nên ông Diệm không có thực quyền cai trị và chưa thu phục nhân tâm.

Khi về đến Sài gòn vào ngày 24 tháng 6 năm 1954, ông Diệm đương đầu với một tình trạng cực kỳ khó khăn: các giáo phái có vũ trang phân hoá lãnh thổ Miền Nam, Cao Đài chiếm miền Đông, Hoà Hảo chiếm miền Tây, lãnh chúa Bảy Viễn hùng cứ tại Sài gòn và Chợ Lớn trong các hoạt động sòng bạc, mãi dâm và bạch phiến.

Thoạt đầu, Edward Lansdale, Trưởng Cơ quan CIA tại Việt Nam, triệt để ủng hộ cho ông Diệm trong công việc mua chuộc các các giáo phái về quy thuận chính phủ quốc gia và sát nhập lực lượng vũ trang vào quân đội Việt Nam hoặc đồng thuận giải ngũ. Lansdale dùng khoảng 12 triệu đô la tiền viện trợ Mỹ và trực tiếp điều động mọi thương thuyết.

Đến tháng 11 năm 1954, Tướng J. Lawton Collins, Đặc Sứ của Tồng Thống Eisenhower, không còn tín nhiệm ông Diệm. Cuối tháng 4 năm 1955, Collins về Washington để thuyết phục Eisenhower trong việc nhờ Pháp tìm nguời thay thế ông Diệm. Eisenhower ủy nhiệm Ngoại Trưởng Dulles tìm một thỏa hiệp là ông Diệm giao quyền lãnh đạo cho Quân đội và nhận một chức vụ hữu danh vô thực tạm thời, trong khi Collins trọn quyền tìm người thay thế.

Nhưng CIA và Landsale xác quyết là ông Diệm có khả năng nội trị trong thời kỳ dầu sôi lửa bỏng này, nên vào giờ chót Eisenhower thu hồi quyết định ủy nhiệm Ngoại Trưởng Dulles và tiếp tục ủng hộ ông Diệm. Trong khi Bảy Viễn còn chống đối, ông Diệm quyêt định tấn công Bảy Viễn bằng quân sự tại Sài Gòn, Chợ Lớn và cuối cùng truy kích tại Rừng Sát.

Nhờ các thành quả vãn hồi an ninh nội chính mà ông Diệm gây thanh thế với Mỹ và dư luận trong và ngoài nước. Ngày 23 tháng 10 năm 1955, ông Diệm tổ chức Trưng cầu Dân ý để truất phế Bảo Đại và xây dựng chính thể Đệ Nhất Cộng Hoà. Lập Khu Dinh điền, Trù mật cho gần 1 triệu đồng bào miền Bắc di cư là quốc sách có kết quả ban đầu. Đến năm 1960, tình hình kinh tế miền Nam phát triển, thặng dư ngân sách, xã hội dần ổn định. Đó là thí dụ điển hình cho một chính quyền còn non trẻ nhưng đã có khả năng xây dựng đất nước.

Khi Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam thành hình (1960) và quốc sách Ấp Chiến lược (1962) có sai lầm, đó là hai chuyển biến gây bất ổn tại nông thôn miền Nam, trong khi các biện pháp đàn áp các đoàn thể bất đồng chính kiến và triệu chứng gia đình trị bất đầu thể hiện.

Vua Bảo Đại về nước và ở lại Việt Nam cho đến năm 1953. Ảnh: internet

Tác giả Thomas L. Ahnen Jr. là cựu nhân viên của Cơ quan CIA, đã từng phục vụ tại Đông Á, Đông Dương, Châu Phi, Iran và Châu Âu. Hiện nay, ông làm Tư vấn cho CIA. Sách đã xuất bản: Vietnam Declassified: The CIA and Counterinsurgency, University Ptress of Kentucky, 2010.

 Nguyên tác của bản dịch: Power struggles in Saigon-The CIA and the Government of Ngo Dinh Diem, một tài liệu của CIA được giải mật vào ngày 10 tháng 8 năm 2014 theo mã số C06122619 EO 13526 1.4 (c)<25Yrs.

Dịch giả cám ơn Cư sĩ Nguyên Giác Phan Tấn Hải đã cung cấp nhiều tư liệu mới giải mật của CIA về chính biến 1 tháng 11 năm 1963.

***

Khi Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất kết thúc với Hiệp định Geneva vào ngày 20 tháng 7 năm 1954, chính quyền Eisenhower quyết định đảm nhận gánh nặng của Pháp trong việc ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa Cộng Sản ở Đông Nam Á. Trong thực tế, điều này có nghĩa là cố gắng xây dựng một quốc gia ở phía Nam vĩ tuyến 17 có thể tự bảo vệ chống lại Hồ Chí Minh và miền Bắc. Vấn đề về sự lãnh đạo của người Việt đã được quyết định: trong chủ mưu của Mỹ và cạnh tranh của Pháp, Ngô Đình Diệm đã trở thành Thủ Tướng vào đầu tháng 7 và nhiệm vụ của Mỹ là giúp ông Diệm củng cố kiểm soát trong một tình huống mà dường như là có lợi cho Hà Nội chiến thắng sau cùng.

Khi Hiệp định Geneva có hiệu lực, CIA đã thành lập xong cho mình một cơ quan mới. Hai trạm độc lập đại diện cho CIA ở Sài Gòn: Trạm Quân sự Sài Gòn (Saigon Military Station) do Đại tá Edward Lansdale lãnh đạo và Trạm Thường trú (Rugular Station). Lansdale đã tự giới thiệu với ông Diệm, và Paul Harwood, Trưởng Ban Mât vụ của Trạm Thường trú là người đã quen biết ông Ngô Đình Nhu, bào đệ của ông Diệm, trong một vài tháng trước, Toà Đại Sứ, chủ yếu theo hướng của Pháp, đã đối xử dè dặt với hai anh em nhà họ Ngô, và Lansdale và Harwood đã nhanh chóng trở thành các kênh quan trọng về thông tin chính trị và ảnh hưởng giữa hai chính phủ.

Những đối thủ ban đầu của ông Diệm không phải là những người Cộng Sản còn im lìm mà là các giáo phái và nhóm băng đảng dị biệt, họ được xuí giục bởi một vị tư lệnh thân Pháp trong quân đội của ông Diệm. Bởi tính ngang bướng của ông Diệm mà Paris được tách rời nhanh chóng; về phía Mỹ, Tướng J. Lawton Collins, Đặc sứ của Eisenhower, sớm tuyệt vọng về khả năng cai trị của ông Diệm. Trong hoàn cảnh bất lợi này, hai Trạm thuộc CIA đã cố gắng hết sức để hoàn thành nhiệm vụ từ trung ương bằng cách giúp cho ông Diệm chống lại các đối thủ của mình.

Trong những tháng đầu khi ông Diệm nhậm chức, những nỗ lực này có ảnh hưởng quan trọng, có lẽ là quyết định, nhưng đến tháng 3 năm 1955, cuộc nổi dậy vũ trang có vẻ sắp xảy ra, Đại sứ Collins đã ủng hộ Hoa Kỳ tìm người thay thế ông Diệm. Bài viết sau đây được trích ra từ tác phẩm CIA and the Government Ngo Dinh Diem, CIA History Staff sẽ xuất bản, nó mô tả những gì đã xảy ra từ đó cho đến đầu tháng 5 năm 1955.

***

Lansdale đã có dính liếu với một số nhà lãnh đạo giáo phái vào tháng 9 năm 1954. Những cuộc tiếp xúc này thực hiện theo yêu cầu của ông Diệm, bao gồm các nhà lãnh đạo Cao Đài, Trịnh Minh Thế, Tướng Nguyễn Thanh Phương, Chỉ huy Lực lượng Chính quy Cao Đài; và hai vị tướng của Giáo phái Hoà Hảo. Ngoại trừ việc trả tiền trước đây cho ông Thế, ông Diệm yêu cầu Lansdale không hỗ trợ vật chất, ông nói rằng trong trường hợp này, ông chỉ muốn Lansdale “dạy cho tường Hòa Hảo Nguyễn Giác Ngộ biết cách thu phục người dân.” 1 Dù mối quan tâm của ông Diệm về thanh danh cho vị tướng này là gì đi nửa, ông cũng có ý định lựa chọn Lansdale là người làm trung gian để chứng minh cho các giáo phái thấy là mệnh lệnh của ông là có Mỹ hỗ trợ.

Vận động và hòa giải

Ngoại trừ ông Thế, các nhà lãnh đạo giáo phái đã hoàn toàn nhận thức được vị thế yếu kém của ông Diệm và không có cam kết nào đối với chính phủ mới. Nhưng đến cuối năm 1954, họ trở nên lo lắng về việc chấm dứt các khoản trợ cấp của Pháp cho các lực lượng vũ trang. Nếu những đơn vị này không được sát nhập vào Quân đội Việt Nam và cũng không được trợ cấp khi giải ngũ, quyền lực của các nhà lãnh đạo sẽ bị ảnh hưởng. Pháp vẫn còn kiểm soát việc trả lương cho quân đội và ngân khố quốc gia. Khi các khoản thanh toán cho các giáo phái chấm dứt vào tháng 2 năm 1955, ông Diệm không có ngân qũy để tiếp tục chi trả cho họ. Một trung đoàn trong lực lượng của ông Thế đã được sát nhập vào ngày 13 tháng 2, nhưng tương lai của tất cả các lực lượng giáo phái khác và lòng trung thành chính trị của các nhà lãnh đạo này vẫn chưa được giải quyết.2

Trong những tuần trước ngày 13 tháng 2, khi Lansdale làm trung gian giữa ông Diệm và ông Thế, dường như ông không biết về những cuộc đàm phán trực tiếp đồng thời giữa ông Nhu và Đạo Cao Đài, dù ông Nhu có liên tục báo tin cho Harwood. Harwood đã không biết vai trò của Lansdale và không ai thấy có bất kỳ nhu cầu nào để báo cho người khác biết.3 Do đó, Lansdale xem vai trò của mình là điều động được nhiều hơn trong thực tế. Tuy nhiên, cũng như đã làm với Tướng Ngộ của Hòa Hảo, ông làm việc với ông Thế là để đem lại một sự bảo đảm của Mỹ về thiện ý của ông Diệm. Đồng thời, Lansdale tiếp tục hòa giải với các nhà lãnh đạo giáo phái khác, tất cả đều ít có cảm nhận về quyền lực của chính quyền, trừ tướng Thế, một cộng sự viên lâu năm của ông Nhu.

Sự hỗ trợ của Pháp cho các quân đội giáo phái sắp kết thúc, Tướng John C. (Iron Mike) O’Daniel, Trưởng Nhóm Cố vấn Hỗ trợ Quân sự (Military Assistance Advisory Group, MAAG) và Cao Ủy Pháp Paul Ely đã ủy nhiệm cho Lansdale lãnh đạo một Toán Liên Quân Mỹ-Pháp để tìm cách sắp xếp giải ngũ hoặc sát nhập vào quân đội chính quy. Lo sợ dai dẳng về các giáo phái nổi loạn nhiều hơn là với những người Mỹ khác trên chính trường, Lansdale đã thuyết phục O’Daniel và Ely để trấn an các nhà lãnh đạo giáo phái với một loạt các cuộc thuyết trình giữa tháng ba về các kế hoạch Pháp-Mỹ.4 Tuy chưa thuyết phục được là quyền lợi cho các lãnh đạo giáo phái sẽ được bảo vệ, tất cả các lãnh đạo giáo phái, kể cả tướng Thế, đã thành lập Mặt trận Quốc gia Thống Nhất Các Giáo Phái, và đưa ra một Bản Tuyên Ngôn vào ngày 21 tháng 3, họ cho ông Diệm thời hạn năm ngày, như Lansdale nói, để “thanh lọc toàn bộ chính phủ; nếu không, họ sẽ đi theo người dân.” 5

Khi cuộc khủng hoảng khẩn trương hơn vào tối ngày 20 tháng 3, Lansdale bắt đầu có một phiên họp trong bốn giờ với Thủ tướng Chính phủ. Ông Diệm than phiền về các giáo phái và về sự suy đoán của Bộ trưởng Quốc phòng của ông muốn là có thẩm quyền để giải nhiệm các sĩ quan quân đội mà ông ta “không yêu chuộng”.Trong hai ngày tiếp theo, Lansdale cuống cuồng đi lại giữa ông Diệm và Cao Đài, bảo đảm cho ông Diệm là ít nhất tuớng Thế vẫn còn trung thành với chính phủ, mặc dù đã ký trong Bản Tuyên Ngôn.

Đại sứ Collins, người đã được Lansdale báo tin, muốn được giúp đở và nghĩ rằng ông ta có thể trấn an các Tướng Phương và Tướng Thế của Cao Đài. Nhưng tại cuộc họp tiếp theo, vào ngày 22 tháng 3, Collins chỉ trích Bản Tuyên Ngôn và đặt câu hỏi về lòng yêu nước của các tác giả Bản Tuyên Ngôn. Chuyện tệ đến nỗi Lansdale cảm thấy buộc lòng yêu cầu Collins vào cuối phiên họp, giải thích cho các vị khách của ông rằng ba người Mỹ dự họp có ghi chép là các giới chức của Toà Đại Sứ, không phải là các nhà báo. 6

Lansdale gặp ông Diệm vào tối ngày 22 tháng Ba. Ông Diệm vẫn lo lắng về việc quân đội kiểm soát và việc Collins đã nói với ông rằng Bộ trưởng Quốc phòng Minh chịu trách nhiệm cho Quân đội. Lansdale giải thích rằng Collins đã thực sự xác định đường giây điều hành mệnh lệnh, và nó bị ông Diệm cắt bỏ khi ra lệnh chuyển quân mà không thông báo cho ông Minh. Ông Diệm có yêu cầu Mỹ cho một bảng “mô tả công việc” về trách nhiệm của Thủ tướng và Lansdale phác hoạ trách nhiệm của Tổng thống Hoa Kỳ.7

Khi cuộc khủng hoảng trầm trọng hơn, Lansdale nhận thấy ông Diệm phản ứng thụ động kỳ lạ:

Ông Diệm có rất ít kế hoạch xây dựng trong những thời điểm căng thẳng như vậy; hoặc ít nhất ông không nói cho tôi về kế hoạch của ông. Ông ít chú ý đến kế hoạch như vậy, ông có vẻ nôn nóng tiếp tục báo cáo các biến cố trong ngày, điều mà Đại sứ Collins gọi là “gào thét trên vai tôi”.

Lansdale đã cố gắng lấp đầy khoảng trống, ông đề nghị nhiều hoạt động quan hệ chính trị và công chúng mà ông Diệm có thể sử dụng để lấy lại sáng kiến chính trị chống lại các giáo phái. Ông cũng cố gắng hòa giải tranh chấp lâu dài giữa ông Diệm và Tướng Phương qua việc trả lương và sinh hoạt của quân đội Cao Đài. Trong cách giải quyết các bất hoà về số tiền đã trả, sau đó Lansdale nói rằng: “Như thường lệ, tôi đã kiểm tra vấn đề với cả hai bên, nói với họ rằng tôi thích giải quyết những vấn đề đó một cách công khai hơn là làm sau lưng.” 9

Phương sách bạo lực

Vào ngày 29 tháng 3, sau một tuần vận động nhưng không có kết qủa, Tướng Phương và Thế đến gặp Lansdale và tuyên bố rằng một cuộc bạo động của Hòa Hảo-Bình Xuyên sắp xảy ra. Họ lên tiếng cho Lansdale biết về việc đưa quân đội của Tướng Phương sát nhập vào quân đội quốc gia khi bị phản kháng của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc, người chống ông Diệm; Lansdale đã thảo luận vấn đề này với Collins.

Cùng lúc đó, ông Diệm đã nói với Pháp rằng ông sắp sử dụng Quân đội để tiếp quản Bộ Tư Lệnh Cảnh sát Quốc gia. Tướng Ely ép ông phải hoãn lại cuộc tấn công, nhưng Bình Xuyên đã đánh phủ đầu trong đêm đó, khai hỏa tại các đồn của quân đội ở Sài Gòn. Đạn súng cối rơi ngay trong sân Dinh Độc Lập, Lansdale muốn đến gặp ông Diệm để báo cáo trực tiếp về các chuyển biến. Tướng O’Daniel, dường như quan tâm đến sự an toàn cho Lansdale nên không để cho Landsdale đi. 10

Như thường lệ, không có sự phối hợp giữa hai Trạm CIA, Lansdale không biết là Harwood đang ở trong Dinh Độc Lập trong khi đạn súng cối rót, nhìn lực lượng pháo binh của ông Diệm đang san bằng nền đất trong Dinh, nơi có các vụ bắn phá. Trong cuộc khủng hoảng, Harwood đã có mặt tại Dinh hầu như hàng ngày, ông đã thuyết trình cho ông Nhu và nhân danh Collins, ông thúc giục ông Diệm không nên điều quân để chống lại Bình Xuyên. Vào ngày 29 tháng 3, Harwood ở trong Dinh để kiểm tra một báo cáo của Pháp về một cuộc tấn công của quân đội trong lãnh điạ của Bình Xuyên ở Chợ Lớn. Ông Diệm đã đảm bảo rằng đã không làm động thái như vậy và không có ý định làm như vậy.11

Sáng hôm sau, Lansdale kinh hoàng khi thấy Ely đã đe dọa can thiệp vũ trang của Pháp để áp đặt một lệnh ngừng bắn, và Collins đã ủng hộ Ely. Lansdale phản đối: “Thực ra, Quân đội Pháp đã đảm nhiệm một vai trò bảo hộ cho Sài Gòn.” Collins không đồng ý khi nhấn mạnh vai trò của Pháp chỉ là làm người trung gian hòa giải. Ông Diệm thấy vấn đề này như Lansdale đã làm, và ông Diệm phàn nàn Ely đã tự xưng là “Tổng Tư lệnh Quân đội”. Nhưng Ely và Collins thắng thế, ít nhất là vào lúc này. Chuyển biến này làm hài lòng Lansdale, ông Diệm và Tướng Phương đã đồng ý ngày hôm đó, ngày 30 tháng 3, để sát nhập thêm 8.000 quân Cao Đài vào quân đội quốc gia; vì thế mà phủ nhận họ là có bất đồng chính kiến với Mặt trận Thống Nhất Các Giáo Phái. 12

Các thương thuyết của ông Nhu

Trong khi đó, ông Nhu liên tục báo cho Harwood biết về những nỗ lực của riêng mình để xoa dịu khủng hoảng. Trong khi ông Diệm lại sử dụng Lansdale làm sứ giả cho Tướng Trịnh Minh Thế, ông Nhu tiếp tục đàm phán riêng tư với hai tướng Thế và Phương. Một báo cáo của Trạm vào ngày 29 tháng 3 mô tả một cuộc họp, có lẽ là do ông Nhu mà tướng Thế đã đồng ý rút khỏi Mặt Trận Thống Nhất Của Giáo Phái và tướng Phương đã rời khỏi nội các. Hai vị tướng Cao Đài đã thực hiện như đã hứa, và ông Nhu làm cả hai vai trò vừa là nhà đàm phán và được nâng cao là nguồn cung cấp báo cáo. 13 Trong khi Toà Đại sứ báo cáo rằng các thành phần còn lại trong nội các sắp ra đi, Harwood nói với Washington là chuyện sẽ không xảy ra. Ông Nhu đã nói, không ai trong các thành viên của nội các có dũng cảm đối đầu với ông Diệm bằng cách từ chức. Không ai làm như vậy, và tất cả đều ở lại, ít nhất là trong thời gian này. 14

Tránh cảnh suy sụp

Vào ngày 31 tháng 3, có lẽ do sự xúi giục của Pháp, từ Cannes nơi ông lui ẩn, Bảo Đại đã gửi cho ông Diệm một bức điện tín khiển trách, ông than phiền về tình trạng đổ máu, đã có một trăm hoặc nhiều hơn về các thương vong, ông đề nghị một cách bóng gió rằng ông Diệm nên từ chức. (Bảo Đại đã gửi điện hai lần, một lần ông làm rõ để chắc chắn làm cho kẻ thù của ông Diệm được báo tin.)

Ely và Collins duy trì áp lực đối với ông Diệm là không nên hành động chống lại Bình Xuyên, khi Thủ tướng giảm đòi hỏi Landsdale, liệu điều này có nghĩa là Pháp và Mỹ đang có kế hoạch để lật đổ không. Lansdale đã đảm bảo với ông điều ngược lại, nhưng có thể không giúp đỡ gì khi ông Diệm phàn nàn về ảnh hưởng đang bị soi mòn trong việc hành sử quyền lực bị bế tác. Nhưng ít nhất, Lansdale có thể đảm bảo rằng nhận thức của Việt Nam về các biến cố đã được chuyển tới Washington. Một ngày sau khi người Pháp ngăn chặn cảnh suy sụp với Bình Xuyên, Landsdale đã thuyết trình những người được ông Diệm phái đến gặp ông qua ba tiếng rưỡi đồng hồ trong phòng ngủ của ông Diệm.

Bộ trưởng Quốc phòng từ nhiệm

Trong giai đoạn khủng hoảng này, Bộ trưởng Quốc phòng Hồ Thông Minh đã từ chức khi ông Diệm từ chối việc tham khảo trước với nội các trước khi khởi động chống Bình Xuyên. Collins nghĩ đây là một ví dụ về sự bất lực của ông Diệm trong việc điều hành những người có quan điểm độc lập, và ông phản ứng bằng cách đe dọa rút lại hỗ trợ của Hoa Kỳ cho ông Diệm, nếu ông Minh không được giữ lại. Dù cách nào đi nửa, ông Minh rời nội các, và vào ngày 31 tháng 3, Collins kín đáo cho Washington biết tin là ông thua cuộc. Ông nói là ông Diệm đã có một “cơ hội công bằng” để thiết lập một chính phủ làm việc hữu hiệu, nhưng đã có “kết quả quả ít cho bất cứ điều gì có tính cách xây dựng”. 16 Trong khi đó, Lansdale phàn nàn với Bộ Tổng Hành Dinh rằng ông nghĩ trong việc chỉ trích ông Diệm vì tính thụ động, Collins đã gây tác hại trong khi ngăn cản ông Diệm kiềm chế Bình Xuyên, mối đe dọa trực tiếp duy nhất cho quyền uy của chính phủ. 17

Lansdale chống đối Collins

Những điểm bất đồng chính yếu của Lansdale với Collins là tinh thần của quân đội và sự trung thành của các tướng Cao Đài là Phương và Thế, hai người đồng thời còn trung thành với ông Diệm và có liên hệ ngầm với giới lãnh đạo chống ông Diệm thuộc Mặt Trận Thống Nhất Các Giáo Phái. Lansdale và Trạm Thường trú, được hỗ trợ bởi MAAG và các tùy viên quân sự, nghĩ rằng quân đội có thể đánh bại Bình Xuyên, và Lansdale đã tin chắc về lòng thành tín của người đối thoại Cao Đài. Collins nghi ngờ cả hai chuyện. Mặc dù không được Bộ Ngoại Giao khuyến khích tìm kiếm các lựa chọn khác để thay thế cho ông Diệm, ông viết cho John Foster Dulles vào ngày 7 tháng Tư rằng “phán đoán của tôi là ông Diệm là không có năng lực … để ngăn chặn đất nước này rơi vào vòng kiểm soát của Cộng sản”.

(Một đoạn bị xoá trong nguyên tác, ND)

Lo sợ rằng Collin chống đối đề nghị, Lansdale yêu cầu Bộ Tổng Hành Dinh chấp thuận việc này mà không có sự phối hợp của Toà Đại sứ. Washington thông cảm với tình trạng khó xử của ông ta nhưng khăng khăng rằng Collins cân được tham khảo ý kiến. Khi vỡ lẽ ra, Collins thuận lòng chấp nhận ý tưởng này. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, John Foster Dulles đã ủng hộ đề xuất của Frank Wisner, Phó Giám đốc Kế hoạch CIA, để trì hoãn việc chung quyết cho Trạm cho đến khi Washington có thể trực tiếp thảo luận kế hoạch với ông Đại Sứ, người được triệu hồi để tham vấn về tương lai chính trị của ông Diệm. Trong khi đó, Lansdale để tạm thời hoà hoản nếu ông Diệm thúc ép ông về vấn đề này.20

Lo lắng về đường lối mà Collins sẽ liên hệ ở Washington, Lansdale đã điện cho DCI để xin phép đồng hành với ông Đại Sứ đến Washington. Wisner trả lời từ chối, nhưng thúc giục Lansdale nên cố gắng ngăn chặn ông Diệm không nên từ chối trước các khuyến cáo mới nhất của Collins về việc bổ nhiệm cho chính phủ, có gây hại. Lansdale đã dành hai ngày để đi lại giữa Dinh Độc Lập và Toà Đại Sứ trước ngày khởi hành của Collins là 20 tháng 4, nhưng ông không thể ngăn cản những gì ông thấy là có một sự hiểu lầm cơ bản giữa ông Diệm và Collins.

Kết quả là Collins đi Washington để thuyết phục rằng ông Diệm chỉ đưa những người tâng bốc nịnh bợ vào nội các, trong khi Lansdale nghĩ ông Diệm đã kiên quyết cho rằng họ là “những người dũng cảm trung thực chống thực dân.” 21 Lansdale dường như đã tin theo lời của ông Diệm, trong khi Collins, người chưa bao giờ nghi ngờ về sự chân thành của ông Diệm, đánh giá tốt hơn về phương thức này có ý nghĩa gì trong thực tế.

Khó khăn với ông Nhu

Harwood đã trải nghiệm cùng một vấn đề với ông Nhu cũng như Lansdale khi đã đối mặt với ông Diệm. Vào ngày 21 tháng 4 năm 1955, ngay sau khi Collins khởi hành, Harwood đã báo trước cho Bộ Tổng Hành Dinh là tại một cuộc tranh luận sắp xảy ra về vấn đề cảnh sát, ông Nhu sẽ hỏi tại sao ông Diệm bị ngăn cản quyền kiểm soát chính phủ của ông. Harwood đã nhận được lá thư của ông Nhu phản đối nỗ lực mới nhất của Collins khi mở rộng nội các. Cũng nên lưu ý rằng Collins đã thừa nhận tư vấn cho các người Việt khác về chính phủ sẽ được tổ chức lại, ông Nhu nhấn mạnh rằng sự tuân thủ của ông Diệm có nghĩa là “phủ nhận toàn bộ lý tưởng cách mạng … và thực hiện một chế độ giống như Tưởng Giới Thạch, kết thúc trong sự chiến thắng của Việt Minh, một mình họ có khả năng quét sạch tất cả sự thối nát này.” 22.

Các mối quan hệ đối nghịch

Viễn cảnh đổ nát của các kết qủa về một liên minh không Cộng Sản minh chứng cho một khoảng cách biệt thuộc về nhận thức trong việc xác định cho một uy quyền chính danh của miền Nam Việt Nam, nó đã làm tách rời anh em nhà họ Ngô ra khỏi các nhà bảo trợ Mỹ. Ông Diệm đã từng viết rằng “một sự tôn kính thiêng liêng là do người có quyền tối thượng….Ông là người trung gian giữa dân chúng và Thượng Đế khi ông làm lễ tôn thờ dân tộc.” 23. Giữa cuộc đấu tranh với các giáo phái, dường như ông Diệm và ông Nhu đã thấy nhiệm vụ của họ cả về hai khía cạnh thần bí và độc quyền. Mặt khác, người Mỹ có thể bị phân chia về các chiến thuật, nhưng họ đều thấy nhiệm vụ của họ là một trong những cố gắng hòa giải với những lợi ích cũa những người chống Cộng Sản khác nhau, trong khi rời bỏ các tổ chức Việt Minh và bắt đầu xây dựng một chính phủ dựa trên dân chúng.

Sự dị biệt về ý kiến của Mỹ ở mức độ chiến thuật, mà nó kéo dài cho đến trước khi có cuộc đảo chính vào năm 1963, dẫn đến kết qủa trong mối quan hệ với ông Diệm đã gây đối nghịch ở hai mức độ. Mức độ thứ nhất là sự phản đối của các giới chức Mỹ, những người nghĩ rằng ông Diệm không thể thành công và muốn thay thế ông. Mức độ thứ hai phát sinh từ sự căng thẳng giữa ông Diệm và những người Mỹ đã coi ông là ứng viên duy nhất cho giới lãnh đạo miền Nam Việt Nam chống Cộng, nhưng muốn ông Diệm chấp nhận quan điểm của họ về mặt hình thức của thể chế cần phải làm.

Cả hai Trạm thuộc CIA đều thấy những điểm yếu trong cách lãnh đạo của ông Diệm và đặc biệt là Harwood, người đã có kinh nghiệm về một cuộc đối đầu. Nhưng cả ông Harwood và Lansdale đều không thấy bất kỳ giải pháp thay thế nào. Khi Đại sứ Collins đi Washington, cả hai vẫn cam kết giúp đỡ ông Diệm tồn tại.

Bối rối về giao tế

Chuyến đi Washington của Collins vào ngày 20 tháng 4 đã gây ra một chuyện định mệnh nhất trong mối quan hệ của CIA với chính quyền ông Diệm. Nó cũng minh chứng cho các mối quan hệ rối loạn của Collins với CIA và khả năng của Cơ quan tại thời điểm đó trong khi khai thác các phương tiện truyền thông Hoa Kỳ để hỗ trợ cho hành động chính trị. Ở Hồng Kông, trong khi còn trên đường đi, ông Đại Sứ đã chọn một ấn bản của tạp chí Life với một hình bìa về một cuộc tiếp tân vinh quang của ông Diệm ở miền Trung Việt Nam. Bức ảnh và bài tường thuật kèm theo là kết quả của một sáng kiến của Lansdale mà Wisner đã dành cho tạp chí Life/Time, ấn bản tháng Giêng. Ông đã đưa cho các biên tập viên một bài gốc và họ đã tiến hành công bố các đặc điểm về tầm vóc chính trị ngày càng tăng của ông Diệm tại Việt Nam Tự do. 24

Collins đến Washington giận dữ vì việc công bố này, mà ông coi là mất chính nghĩa. Ông nói trong một cuộc họp liên bộ rằng ông Diệm không có quần chúng ủng hộ. Ông nhấn mạnh là bức ảnh là giả mạo, có lẽ bởi Harwood và CIA đã “có thiên kiến trong các phúc trình “, Wisner đáp rằng ông đã hiểu ông Diệm đã tạo được các thành công trong mối quan hệ với công chúng thực sự, và Collins “gọi ông đích thực là một kẻ nói dối.”

Wisner nhanh chóng hỏi lại Trạm về mặt trái của chuyện này. Điểm chinh trong thư trả lời là tiền không thể mua được nhân tâm, chuyện hiển nhiên trong bức ảnh (trên thực tế, Trạm đã trao cho ông Nhu 1.700 Đô la để giúp chuẩn bị cho lễ tiếp tân của ông Diệm). Sau này, Wisner nói với Harwood rằng ông đã đọc một bức điện tín cho một phiên họp tiếp theo của Ủy ban Liên Bộ, với một số hậu quả tai hại dẫn đến sự tín nhiệm của Collins ở Washington. Collins dường như đã quên sự chấp thuận của chính mình cho dự án của Tạp chí Time/Life, được trao cho Wisner ở Washington vào đầu tháng Hai và được xác nhận ở Honolulu trên đường về Sài Gòn.2 Harwood nghĩ rằng sự quên lãng rõ ràng của Collins có thể cho thấy sự thiếu quan tâm chính yếu về lợi ích trong chương trình hành động bí mật. Trong suốt nhiệm kỳ tại Sài Gòn, ông Đại Sứ không bao giờ yêu cầu một cuộc thuyết trình về vấn đề này. 27

Các mối quan tâm của Ông Đại Sứ

Dù có hoặc không một cuộc thuyết trình chính thức, Collins đã quyết định rằng các nhân viên CIA ở Sài Gòn được hưởng quá nhiều tự do trong hành động. Hồ sơ của Bộ Ngoại Giao có một Giác Thư của Randolph Kidder, Phó Giám đồc Phái Bộ, lưu ý rằng Đại sứ đã “chỉ đạo cho (CIA) sẽ không thực hiện … các chương trình mới tại Việt Nam mà không tham khảo ý kiến trước” với Đại Sứ và Kidder và cố vấn chính trị. “Hơn nữa, (CIA) sẽ định kỳ xem xét” hoạt động hiện tại với các giới chức này. Theo Kidder, Allen Dulles đã gửi George Aurell đến Sài Gòn vào tháng 2 năm 1955 để “thảo luận về quyết định trên với Đại sứ Collins. Không có thay đổi nào trong chỉ thị của Đại sứ được đưa ra.” 28

Collins đã không chia sẻ với CIA ở Sài Gòn về các đề nghị của ông ta vào ngày 7 tháng 4 năm 1955 cho Bộ Ngoại Giao rằng ông Diệm được thay thế. Bộ Tổng Hành Dinh của CIA cũng im lặng, có lẽ họ nhận thức được việc này ít nhất là sau cuộc họp giữa tháng 4 đã thảo luận về việc triệu hồi Collins,. Khi Collins chuẩn bị đi, Lansdale muốn biết nên phản ứng như thế nào trước cuộc thăm dò của ông Diệm về những ý định của Mỹ. Collins nói với Lansdale là sẽ đảm bảo với Thủ tướng về việc tiếp tục ủng hộ của Hoa Kỳ. Sự bất đồng đã rõ nét của Đại Sứ với ông Diệm khiến việc bảo đảm này trở thành có phần nào nghi ngờ, và Lansdale không thoải mái. Nhưng trong tuần lễ đầu tiên khi Collins vắng mặt, Lansdale không có lựa chọn nào khác ngoài việc giả vờ lạc quan trong các giao dịch với ông Diệm. 29

Căng thẳng tiếp tục

Trong tuần cuối cùng của tháng 4, căng thẳng với nhóm Binh Xuyên tăng lên. Trong một sự tái hiện gần giống như các biến cố vào cuối tháng 3, ông Diệm nói với Lansdale về ý định của ông ta để thay thế Lai Văn Sang, Tư Lệnh Cảnh sát Quốc gia; thông tin tương tự như cũng xuất phát từ ông Nhu thông qua Harwood. Lần này, Collins không tỏ ra tích cực phản đối và ông Diệm đã hành động vào ngày 26 tháng 4, mà không thông báo cho Pháp. Ông bổ nhiệm một giám đốc an ninh mới và thiết lập một trụ sở cho vị tân cử này ở bên ngoài khu vực do quân đội Pháp kiểm soát. Tin đồn tiếp tục dự đoán về sự bỏ rơi của Pháp và Mỹ mà ông Diệm là nguyên nhân, và Lansdale yêu cầu Bộ Tổng Hành Dinh cho họ có thẩm quyền để đảm bảo cho ông Diệm và các giới chức Việt Nam khác trong việc tiếp tục cam kết của Washington

Điều này gợi lên một câu trả lời từ DCI Allen Dulles thúc giục kiềm chế đối với ông Diệm và chỉ ra rằng bất kỳ sự đảm bảo nào mà Lansdale mong muốn sẽ được gửi qua Randolph Kidder, Ủy viên Công cán. Dulles nói là trong bất kỳ trường hợp nào, không có sự bảo đảm cho đến khi có các cuộc thảo luận theo sau đó được tiến hành kết thúc ở mức cao nhất” và “Lansdale nên chuẩn bị (cho khả năng) này, nó có thể liên quan đến một số thay đổi trong quan hệ với ông Diệm.” 30

Lời lẽ cảnh báo này phản ánh sự hiện diện bất thường của Tướng Collins tại Washington. Sự việc không may xảy ra do bài báo làm chủ đề chính cho Tạp chí Life có thể đã làm mờ đi sự tín nhiệm của Collins, nhưng ông Đại sứ có hai lợi thế trong cuộc tranh luận về những việc cần làm liên quan đến ông Diệm. Một việc là sự xác quyết mạnh bạo của ông về việc ông Diệm thiếu năng lực. Việc khác còn lại là tư thế của ông như là người đại diện cá nhân của Tổng thống. Chức danh này đáp ứng sự công nhận đặc thù của ông đối với cả chính phủ ông Diệm và Pháp, nhưng nó phản ánh một cách chính xác mối quan hệ của ông với Tổng thống Eisenhower.

Trong vòng vài ngày sau khi đến Washington, Collins đã gây ưu thế với Tổng thống và Ngoại trưởng còn do dự để bắt đầu làm việc với Pháp và Hoàng đế Bảo Đai nhằm tìm cách thay thế ông Diệm. Vào ngày 27 tháng 4, vào cuối ngày làm việc, ba điện tín đã đi đến Toà Đại sứ ở Paris với các chỉ thị về cách bắt đầu đề cập chủ đề với người Pháp. 31

Ủng hộ ông Diệm

Khi Bộ Ngoại Giao nói với Paris về cách bắt đầu chuẩn bị cho việc thay thế ông Diệm, Lansdale đã không được báo tin, nhưng ông có nghi ngờ, ông tìm cách ngăn chặn một động thái như vậy. Vào ngày 27 tháng 4, ông đã thăm dò được các thành viên trong toán công tác Việt Nam và xác nhận rằng tất cả, kể cả Kidder, Ủy viên Công cán, nghĩ rằng ông Diệm có thể đánh bại Bình Xuyên.32 Sáng sớm ngày 28 (là lúc vào cuối giờ làm việc của ngày 27 ở Washington), ông đã yêu cầu Kidder ủy quyền cho các thành viên trong nhóm báo cho Bộ Tổng Hành Dinh biết về các quan điểm của họ, nhưng Kidder từ chối và nói rằng Collins đã biết họ nghĩ gì.

Lansdale sau đó quay sang liên hệ với Trạm Thường trú thường, và bằng số 0900 họ có gởi một điện tín chung, nói với Bộ Tổng Hành Dinh đó là “ý kiến được xem xét” của CIA ở Sài Gòn là ông Diệm có cơ hội tốt để thành công hơn bất kỳ sự thay thế nào trong tương lai; không ủng hộ ông Diệm sẽ gây ra sụp đổ cho bất kỳ một chính phủ kế nhiệm nào và chỉ làm cho Việt Minh hưởng lợi. Bức điện nói thêm rằng thông tin vừa nhận được có thông qua cho Kidder để cho toán công tác đánh giá và đề nghị DCI yêu cầu Bộ Ngoại Giao hỏi Sài Gòn về đề nghị. 33

Những gì mà sau này Bộ Ngoại Giao gọi là “một hàng loạt tường trình và khuyến nghị, một phần của nó là đến từ Lansdale, điện tín này đến Bộ Tổng Hành Dinh vào tối ngày 27 tháng 4, giờ địa phương. Cùng với các báo cáo khác, bức điện này đã nêu ra:

“một loạt các cú điện thoại từ … (George) Aurell tới (Archibald) Roosevelt (xử lý thay cho Wisner), cho Allen Dulles, tới (Thứ trưởng) Hoover. Bộ trưởng, Ken Young (Giám đốc các vấn đề của Philippine và Đông Nam Á) Kết quả là một lệnh đình chỉ cho Paris, không “bắt tay vào chương trình hành động đã được đồng ý vào chiều tối ngày hôm qua.” 34

Cuộc tấn công khác

Trong khi Bộ Ngoại Giao đang chuẩn bị thay thế ông Diệm, Bộ Tổng Hành Dinh đã yêu cầu Sài Gòn cho biết thêm các chi tiết về các biến cố ở đó. Vào lúc lời yêu cầu đến nơi, thư trả lời về cuộc khủng hoảng cuối tháng 3 đã tóm lược. Ngay sau buổi trưa ngày 28, những viên đạn súng cối nổ tung lần nữa trong sân Dinh Độc Lập.

Ông Diệm gọi cho Tướng Ely để phản đối việc pháo kích, dường như hoả lực là do phe Bình Xuyên trong một khu vực được Pháp bảo vệ, trong khi thư ký của ông Diệm đang ở trên một đường giây điện thoại khác báo cho Lansdale về việc nổ súng đang diễn ra và về lập luận với Ely. Khi một loạt các tiếng nổ khác tới gần đó, ông Diệm nói với Ely rằng ông đã ra lệnh cho Quân đội phản công và cúp máy. Thư ký của ông Diệm đã nói với Lansdale như vậy và rồi cúp máy. 35

Một số người tỉm hiểu về việc can dự của Mỹ, trong lúc đầu đã tin rằng Lansdale, vì lo lắng ngăn chặn bất kỳ động thái nào ở Washington nhằm bỏ rơi ông Diệm, khuyến khích ông Diệm chống đối Bình Xuyên, và đúng là Quân đội đã khai hoả trước. Lansdale có thể đã không cố gắng thuyết phục ông Diệm tránh một cuộc đụng độ, nhưng theo như Joe Redick, thông dịch viên của ông, sau này kể lại, ông cũng không nói gì để kích động bất cứ ai. 36 Do đó, nguồn gốc của các đợt khai hoả đầu tiên vẫn là không chắc chắn.

Toán công tác của Lansdale và Trạm Thường trú đã dành hai ngày tiếp theo để cập nhật cho Washington theo dõi sự tiến triển của ông Diệm chống lại cuộc bạo loạn. Lansdale quan tâm tới ông Diệm, những tiếp xúc khác tại Dinh và với Trịnh Minh Thế. Trong khi đó, Harwood đã phỏng vấn ông Nhu và nhận được ông Nhu những bản sao các báo cáo của do Giám đốc Cơ quan Tình báo Quân đội được chuẩn bị trình cho ông Diệm. Từ khi có giao tranh vào cuối tháng Ba, Trạm Thường trú đã được tiếp xúc gần như hàng đêm với nhân viên của Bình Xuyên; cơ quan có khả năng cung cấp thông tin chiến thuật khả tín. Harwood đã đưa phần lớn tin tức này cho ông Nhu để quân đội sử dụng. 37

Vào ngày 29 tháng 4, Bộ Ngoại Giao đã yêu cầu CIA Sài Gòn đề ra các ước lượng cho Toán công tác, và câu trả lời của Kidder là xác nhận hai Trạm của CIA trước đó đã gởi việc đánh giá lạc quan về cơ hội của ông Diệm 38. Trong khi đó, được quân đội Cao Đài hỗ trợ, quân đội Việt Nam đã nắm lấy sáng kiến. Hòa Hảo lui vào thế thủ, xem đồng minh Bình Xuyên của họ đã đi vào thế thủ. 39 Lansdale và Toán công tác lên tiếng tin tưởngi ông Diệm và Quân đội dường như được chứng minh.

Chiếu chỉ của Bảo Đại.

Tại thời điểm này, ông Diệm cho Lansdale xem một bức điện thứ hai của Bảo Đại. Không còn hài lòng với mối đe dọa bị che giấu vào cuối tháng 3, Bảo Đại đã ra lệnh cho ông Diệm và Vị Tư lệnh Quân đội tới Paris. Ông Diệm đã trao quyền Quân đội cho Tướng Nguyễn văn Vỹ, một công dân Pháp và là người ủng hộ Tướng Hinh, cựu Tổng Tham Mưu và muốn thành phản loạn. Ông Diệm nói với Lansdale là Quân đội và Cao Đài trung thành, không chấp nhận quyền lực của tướng Vỹ và họ muốn là ông Diệm ủng hộ cho ý định của họ về việc phế đế. 40 Ông Diệm muốn biết là liệu Mỹ có chấp nhận việc này không.

Mô tả của Lansdale về các biến động không đề cập đến bất kỳ sự tham khảo nào với Bộ Tổng Hành Dinh hoặc Ủy Viện Công cán. ông trả lời rằng Washington “sẽ chấp nhận một hành động hợp pháp, nhưng đó là ‘truất ngôi bằng cách bỏ phiếu . . . ông Diệm mô tả chuyện này hầu như là một thủ tục pháp lý quá khó.” 41 Cùng lúc ấy, như được kể lại về sau này trong cuốn sách của ông, Lansdale đã khuyến khích ông Diệm chống lại chiếu chỉ của hoàng đế là phải báo cáo tại Pháp. Ông hình dung ông Diệm trong một nỗi đau khổ khi phân vân do dự về cuộc xung đột giữa uy quyền của hoàng đế và quyền lợi của quốc gia, một xung đột mà Lansdale ngụ ý là ông đã giúp cho ông Diệm để giải quyết vấn đề. “Từ tốn và đau đớn”, họ đi đến kết luận rằng nếu ông Diệm ra đi, “sẽ không có nền tảng đạo đức nào mà chính phủ có thể cai trị được … Tự do sẽ là người sáng lập.”

Thực ra, ông Nhu đã nói với Harwood rằng ông Diệm sẽ bất tuân chiếu chỉ, và ông Diệm đã làm như vậy, mặc dù ông cũng chống lại áp lực của giáo phái một cách công khai để phế đế. Ủy viện Công cán Kidder, người cũng mô tả tình thế tiến thoái lưỡng nan của ông Diệm, chấp nhận một lập trường trung dung hơn, ông nói rằng Thủ tướng sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với bất kỳ sự bất chấp mệnh lệnh nào của hoàng đế 42.

Chiến thắng cho ông Diệm

Quyết định của ông Diệm giử tướng Vỹ, người bị nhanh chóng tước đi mọi quyền lực, ngoại trừ Lực lượng Vệ binh Hoàng gia mà họ vẫn trung thành với Bảo Đại. Những lực lượng khiêm tốn này đủ để kích động sự hỗn loạn, ngay cả khi Quân đội chiến đấu chống lại Bình Xuyên để kiểm soát thành phố. Trong khi Cao Đài thân ông Diệm cố gắng bắt giữ Tướng Vỹ, Vệ binh Hoàng gia của Tướng Vỹ bắt những người trung thành với ông Diệm, sau đó thả họ ra, trong đó có Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội. Theo lời kể của Lansdale, Đại tá Trần Văn Đôn sau đó bằng cách nào đó đã thuyết phục Tướng Vỹ lừa người Pháp trong việc cung cấp xe thiết giáp mà họ đã giữ lại của phía người Việt Nam. Tướng Vỹ chuyển số xe này cho Quân đội, đã nhanh chóng dùng để chống lại Bình Xuyên. 43

Cho dù sự đóng góp của những chiếc xe thiết giáp của Tướng Vỹ là gì đi nửa, Quân đội của ông Diệm đã nhanh chóng kết thúc nhóm Bình Xuyên. Đến trưa ngày 30 tháng 4, các phiến quân đã được đẩy lui ra khỏi Sài Gòn trừ một số cứ điểm biệt lập trong khu Chợ Lớn 44. Bình Xuyên và Hòa Hảo còn gây thêm một số phiền toái cho năm sau, nhưng không có sự hỗ trợ nghiêm túc của Pháp. họ không còn là một mối đe dọa thật sự.

Washington phản ứng

Một viên chức của Cơ quan CIA tại Washington về sau đã nhắc lại rằng vào một buổi chiều cuối tuần, có lẽ là ngày thứ Bảy 30 Tháng 4, hoặc Chủ Nhật 1 tháng 5, Allen Dulles và Frank Wisner đã đưa ra báo cáo mới nhất về trận chiến tại Sài Gòn tại nhà của John Foster Dulles. Ông Diệm kiên quyết chống lại Bình Xuyên, tin cho biết và dân chúng đang ủng hộ ông Diệm.

DCI và Wisner lập luận rằng đây là thời điểm sai lầm để thực hiện cam kết của Tổng thống Eisenhower với Collins khi tìm cách thay thế ông Diệm. Với những vị khách còn hiện diện, Ngoại Trưởng đã đồng ý điện thoại cho Tổng thống. Ông đã tóm tắt báo cáo của Cơ quan CIA và đề xuất trì hoãn việc thu hồi sự hỗ trợ của Hoa Kỳ theo như dự định. Trong lúc Collins vắng mặt – ông đã trên đường trở về Saigon- Eisenhower đã đồng tình.

Khi cuộc họp kết thúc, một phụ tá đã thông báo là Couve de Murville, Đại sứ Pháp, đã đến, và Ngoại Trưởng đã đảm bảo với các vị khách từ biệt của ông rằng “ông ấy sẽ lo chuyện của người Pháp.” Chiều ngày 1 tháng 5, khi Collins vẫn còn trên đường đến Sài Gòn, một bức điện của Bộ Ngoại Giao cho Đại sứ quán tái khẳng định cam kết của Mỹ với Ngô Đình Diệm. 45

Các vấn đề về ảnh hưởng

Thông tin từ các nguồn của Lansdale là một phần nhỏ, mặc dù chắc chắn là quan trọng, trong một phần của báo cáo đã thuyết phục Tổng thống Eisenhower đảo ngược quyết định việc bỏ rơi ông Ngô Đình Diệm. Hầu hết các tin tức này đã được các giới chức của Trạm Thường trú thu thập. Tuy nhiên, Allen Dulles xem tất cả các tin túc này như là xuất phát từ Lansdale, người mà ông đã đích thân lựa chọn bổ nhiệm cho công việc tại Sài Gòn, và người mà ông coi có thẩm quyền tối cao của Cơ quan về vấn đề Việt Nam. Dù có chủ tâm hay không, Lansdale sử dụng thẩm quyền đó để làm báo cáo của Trạm thường trú, và trong khi làm như vậy, ông trở thành có ảnh hưởng lớn và duy nhất đối với các cuộc thảo luận ở Washington tại thời điểm quan trọng nhất của việc giử ông Diệm lại nắm quyền trước năm 1963. 46

Nói chung, thời điểm này phản ảnh một trong những đặc điểm nổi bật của mối quan hệ của Cơ quan CIA với Ngô Đình Diệm, mà cụ thể là CIA đã gây ảnh hưởng có nhiều hiệu quả khi nhân danh ông Diệm hơn là chính bản thân ông Diệm. Ông Diệm dường như chưa bao giờ hành động theo tinh thần có qua có lại, nhưng mà đúng hơn là một người có được tư thế đáp ứng nhu cầu của ông vì chính nghĩa và bởi sự quan tâm của Mỹ khi nhìn thấy ông thành công.

Chắc chắn một điều là ông Diệm không bao giờ biết được các chi tiết về vai trò điều hành của Cơ quan CIA trong việc sắp xếp việc đình chỉ các chỉ thị của Mỹ cho Paris, và sau đó thuyết phục Ngoại Trưởng và Tổng thống hủy bỏ cam kết của họ với Collins để từ bỏ ông Diệm. Nhưng chắc chắn là ông sẽ coi các dàn xếp này không phải là quá mức.

Hỗ trợ quyết định

Không có gì là chắc chắn rằng nếu không có CIA ủng hộ, ông Diệm sẽ bị buộc phải rời chức vụ. Ông Diệm vẫn có những người cam kết ủng hộ ở Quốc Hội. Thượng Nghị sĩ Mike Mansfield đã đe dọa sẽ cắt viện trợ cho Việt Nam nếu ông Diệm bị thay thế, và Nử Nghị sĩ Edna Kelly của New York đại diện cho nhiều người trong Ủy ban Đối ngoại Hạ viện chống lại sự không ủng hộ của Mỹ đối với ông. Và hai giới chức có ảnh hưởng thuộc Bộ Ngoại Giao – Walter Robertson, Phụ tá Bộ trưởng phụ trách Viễn Đông Sự vụ, và Kenneth Young, Giám đốc Văn phòng chuyên trách về các vấn đề Philippine và Đông Nam Á, đã không tán thành các lập luận của Collins; họ không thấy sự thay thế khả thi nào đối với ông Diệm. John Foster Dulles ít cam kết đối với ông Diệm hơn bất kỳ người nào khác trong số nhóm người này, luôn đặt câu hỏi liệu có tìm thấy ai tốt hơn được hay không. Sự thành công của ông Diệm chống lại Bình Xuyên sẽ củng cố thêm những bàn tay của những người ủng hộ của ông ngay cả khi không có sự giúp đỡ của CIA. 47

Nhưng các cuộc đàm phán với Paris, một khi đã được tiến hành, có thể đã có được động lực riêng biệt. Khi bước chân vào cuộc, người Pháp sẽ phải tranh đấu hết sức để đưa ông Diệm xuống, và Đại sứ Collins có lẽ sẽ ủng hộ họ, ngay cả sau khi đánh bại Bình Xuyên. Điều chắc chắn là CIA, nhờ sự ủng hộ của Lansdale ở Sài Gòn và thông qua việc khai thác của Allen Dulles tại DCI các thâm nhập cho đến Ngoại Trưởng, đảm bảo rằng vấn đề sẽ không được tham gia. Có những nghi ngờ về ông Diệm vẫn tồn đọng, nhưng quyết định đã làm kết thúc sự việc.

Sự kết hợp giống nhau trong hành động trong cùng mục tiêu và tính khách quan trí thức mà các giới chức của CIA đã mang lại trong mối quan hệ với ông Diệm và ông Nhu cũng đã tạo ra công việc tiên phong về các khái niệm điều hành và kỹ thuật phối hợp liên ngành mà sau đó đã xác định nỗ lực của Mỹ trong cuộc chiến chống du kích tại Việt Nam. Khi tất cả điều này được đưa ra để xét đoán về vai trò của Cơ quan CIA trong việc củng cố vị thế của ông Diệm trong chính quyền miền Nam Việt Nam, đó vẫn là một thành quả có hiệu quả nhất của Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai.

***

Chú thích

  1. Clandestine Service Historical Program (CSHP) 113, October 1970, The Saigon Military Mission: June 1954-December 1956, Vol. II, p. II (Secret).
  2. Ibid., Vol. I, p. 73. Lansdale reported the troops of this regiment as “pledged .. . to SMM who in tum had insisted that they be loyal to Vietnam” (CSHP 113, Vol. 11, p. 26).
  3. Harwood interview, 21 June .1990; memorandum from the Special Assistant (Anderson) to the Ambassador (Collins), “Confidential Funds Project,” 25 March 1955, AN 68A 5159, Box 124, Records Group 84, National Archives and Records Administration, Suitland, MD (hereafter cited as NARA).
  4. CSHP 113, Vol. I, pp. 66-68, 73-79.
  5. Col. Edward G. Lansdale, CHSP 62, The Defeat of the Binh Xuyen Sect by the Diem Government, 10 March-3 April 1955, 15 April 1955, p.6 (Secret).
  6. Ibid., p. 8.
  7. Ibid.
  8. Ibid., p. 6.
  9. Ibid., pp. 6, 9.
  10. Ibid., pp. 12-15.
  11. Harwood interview, 21 June 1990.
  12. CSHP 62, pp. 14-15, 17.
  13. Intelligence Report CS PD454, 29 March 1955,
  14. Harwood interview, 17 October 1989.
  15. CSHP 62, pp. 18, 22-27.
  16. J. Lawton Collins, telegrams to Department of State, 29 and 31 March 1955, FRUS, 1955-57, I, Vietnam, pp. 158, 169.
  17. SAIG 6517,20 April 1955, cited in CSHP 113, Vol. I, p. 101.
  18. J. Lawton Collins, telegram to Department of State, 7 April 1955, Foreign Relations of the United States (FRUS), 1955-57, Vietnam, I, p. 219.
  19. One subsequent cable from Lansdale gives the amount as I oiastersi SAI_G_692U 6., May 1955. Later. the Station advancedL =_piasters, which was ultimately returned (SAIG 8226, 29 August 1955, Q Redick interview, 28 September 1989).
  20. CSHP 113, Vol. I, pp. 95-97. The whole thing came to naught when Diem concluded that the authors of the idea ·could not produce. He returned the money in late August, but used Lansdale as intermediary in unproductive negotiations until shortly before Ba Cut was captured in April I.
  21. CSHP 113. Vol. I, pp. 97 -98; SAIG 6517, 20 April 1955, quoted in CHSP 113, VoL I, p. 100. ·–]
  22. SAIG 6523, 21Apri1 1955.
  23. Nguyen, Thai, “The Government of Men in the Republic of Vietnam” (thesis, Michigan State University, East Lansing, MI. 1962), quoted in Frances Fitzgerald, Fire in the Lake, p. 109.
  24. Deputy Dire~tor for Plans, memorandum for L JSupport AssistaF’_t to the DDP, ~VProposealime Magazine Cover Story on Diem,” 2 February 19ssj J
  25. Harwood interview, 17 October 1989: John Caswell, interview, 13 December 1963 j.
  26. 22 April 12.5S.:J Harwood interview, 17 October 1989; unsigned memorandum, “Significant Travel by Premier Diem Ou tside Sai gon Area,” 24 April 1955 ‘.
  27. Harwood interview, 16 May !990.
  28. Randolph Kidder, memorandum for the record, untitled, II March 1955, AN 68A 5159, Box 124, RG 84, NARA.
  29. Lansdale, In the Midst of Wars, pp. 276-277.
  30. Special Assistant (Anderson), Memorandum for the Ambassador (Collins), untitled, 25 March 1955, AN 68A 5!59, Box 124, RG 84, NARA; CHS~_VQ!J, pp. 101 -102. The quotation is from 126 April 1955, p. 104.
  31. FRUS, 1955-57, I, Vietnam, pp. 294-299.
  32. CSHP 113, Vol. I, p. 38; Randolph Kidder, interview by Thomas Ahem, Washington, DC, 22 January 1990 (hereafter cited as Kidder interview, 22 January 1990).
  33. CSHP 113, Vol. I, p. 40; SAIG 6635, 28 April 1955, of which a retyped copy is filed in
  34. Deputy Special Assistant for Intelligence, Department of State, untitled memorandum, 28 April 1955, FRUS, 1955-57, Vietnam, Vol. I, pp. 305-306. The “stay” order is reprinted on p. 301.
  35. CSHP 113, Vol. I, pp. 105-106.
  36. Joseph Redick, interview by Thomas Ahem, Staunton, VA, 22 January 1991 (hereafter cited as Redick interview, 22 January 1991).
  37. CSHP IIJ._\’QL II. p. 41L Magill interview, 24 October 1989.
  38. CSHP 113, Vol. I, pp. 106-107.
  39. CSHP I I 3, Vol. Jl, p. 4.
  40. CSHP 113, Vol. I, p. 108. As was often the case, Nhu was simultaneously giving Harwood what Diem was telling Lansdale. The same information, attributed to a source described in terms that fit Nhu, is contained in SAIG 6659, 29 April 1955 I.
  41. CHSP 113, Vol. II, pp. 44-45.
  42. SAIG 667_8, 2 April 1955, Lansdale, In the Midst of Wars, p. 299; FRUS, I 955-57, Vietnam, Vol. I, p. 318.
  43. CHSP 113, Vol. II, pp. 44-43; Memorandum, SIS [Fisher Howe] to The Secretary [John Foster Dulles], “French Aid to Anti-Government Elements in South Vietnam,” 6 May 1955, citing ARMA [Army Attache] Repon 982, 2 May I 955, Decimal File 751 Goo/5-255, RG 59, NARA.
  44. CHSP 113, Vol. II, p. 43.
  45. John Foster Dulles, telegram to Embassy Saigon, I May 1955, US Department of State, FRUS, 2955-57, Vietnam, Vol. I, p. 344; Caswell interview, 27 February 1990. Caswell described his presence at the meeting as that of “someone who can pronounce the names.”
  46. Caswell interview, 27 February 1990.
  47. Kenneth Young, Memorandum to the Assistant Secretary of State for Far Eastern Affairs, 30 April 1955, FRUS, 1955-57, Vietnam, Vol. I, pp. 337-339.
Bình Luận từ Facebook