Lan man trò đời

Nhân Trần

25-10-2018

Đời có lắm trò hay thật”. Đây là lời của anh chàng Giỏ trong phim Ma làng. Cái nghèo, cái đói khiến con người ta phải làm liều ăn cắp vặt (chị Ló), khiến con người ta luôn chìm trong men say để quên nghèo đói (anh Giỏ, anh Lợn lòi), hay buộc con người ta phải giả ma để dọa người (thằng Ất).

Tôi lại lướt qua bộ phim Trò Đời – chuyển thể từ các tác phẩm của nhà văn Vũ Trọng Phụng của đạo diễn Nhuệ Giang: Cái nghèo đói khiến con người ta phải tha phương cầu thực. Phải khiến con người ta lừa đảo, trộm cắp, che mắt thiên hạ bằng những chức danh hão huyền trong một xã hội giả dối (Xuân tóc đỏ). Đường nào cũng thế thôi, thời thế thế nào sinh ra con người thế ấy.

Ngẫm lại thời thế ngày nay, nó nửa hư nửa thực, tôi không thể tin rằng nơi giáo dục trường học, xây dựng một thế hệ tương lai lại có những học trò cầm ghế ném bạn đến u đầu điếc tai, tận hai tháng sau nhà trường và gia đình mới biết. Xét ra không chỉ tại cái xã hội nó thế, mà gia đình nó cũng thế, những đứa trẻ lớp 7 ấy đều có những hoàn cảnh đặc biệt thiếu sự dạy dỗ của gia đình do bố mẹ chúng đều đi làm ăn xa kiếm tiền mà không quan tâm đến chúng (Trà Vinh, 2015).

Rồi người mẹ trẻ 21 tuổi với trình độ đại học (ĐH Văn hóa) đẻ con trong nhà vệ sinh rồi ném qua cửa sổ từ tầng 31. Người ta sẽ cho rằng đó là tâm lý hoảng loạn của một người phụ nữ non trẻ khi mới sinh nhưng trên hết là sự thiếu dạy dỗ ngay từ thời vị thành niên. Một nền giáo dục hết sức coi nhẹ giáo dục giới tính, các cách ứng phó khi gặp sự cố. Vậy nên nạo phá thai càng ngày càng tăng ở lứa tuổi càng ngày càng trẻ.

Lại có những nhà báo chỉ chuyên đi săm soi ngực, vú, mông đàn bà. Họ làm vậy cũng để câu khách, để tăng lượt xem và càng nhiều người xem, họ càng được nhiều tiền, để nuôi nấng bản thân và gia đình. Ấy vậy mà những bài báo ấy lại được rất nhiều lượt xem, ngay cả tôi thỉnh thoảng cũng xem để giải trí cái sự đời.

Cuộc đời có xoay vần thì mới có nhiều trò vui để xem chứ. Nói nó là một màn kịch mà thượng đế là đạo diễn cũng trí lý lắm. Ai biết được ông trời muốn gì, ông trời làm gì, và ông ta sẽ giật dây thế nào để con người diễn cho xong cái “trăm năm” này. Tôi sẽ phải sống nốt để biết đời ông bà tôi, bố mẹ tôi, đời tôi, con cái tôi, và đời cháu tôi. Chắc thế là đủ, biết nữa làm gì. Ướm chừng cũng bảy tám chục tuổi rồi đấy. Vậy là còn vài chục năm nữa để sống xem cái vở kịch điên rồ này.

Đúng vậy, trong cái xã hội Nho giáo, tôi thích cái anh chàng Đốc Cung (trong phim Lều Chõng, chuyển thể từ tác phẩm Lều Chõng của Ngô Tất Tố), anh chàng sĩ tử bớt cợt với quỷ thần: “thần có thiêng không mà tôi mất công vái lạy”. Trong xã hội Pháp thuộc tôi thích anh chàng Xuân Tóc đỏ mưu mô xảo trá lại có cái số đào hoa may mắn thế bí là thế thuận”. Hay thời kỳ xã hội Chủ nghĩa tôi thích anh Giỏ suốt ngày say khướt như Chí Phèo nhưng vẫn còn cái tình người, biết yêu, biết chịu trách nhiệm và hòa đồng. Những câu nói thực sự làm tôi thích thú như “Đời lắm trò hay thật” hay “Ở đời chỉ có uống và cày là sướng thôi”.

Trò đời là thế đấy. Mấy chốc lại xoay vần. Kẻ tha phương nơi xứ người nhờ một chút ranh mà mưu mẹo trở thành cao quý danh giá (Xuân tóc đỏ). Kẻ bị bóc lột đàn áp trở thành người đi đầu trong đổi mới xã hội (Ma Làng).

Cái thời hỗn tạp này thật khó để thích ai. Bởi nó chưa qua một thời đại giao mùa. Một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa khác nào xỏ mũi con ngựa bất kham bắt nó chạy theo đường mình, nhưng chẳng thể nào kìm cương được nó. Giống như kẻ đang tập học lái xe còn nhầm lẫn chân thắng với chân ga vậy. Đúng, thời đại này giống như nông dân chân đất học lái xe hơi (phim hài Đại Gia Chân đất). Mà cái thằng nông dân chân đất ấy còn là ai ngoài giới lãnh đạo xứ này nữa.

Họ chỉ thích lý lịch bần cố nông thôi, mà bần cố nông thì vừa ngu vừa dốt, vừa dễ sai bảo, còn gì lợi hơn? Đi lên từ bần cố nông, dựa vào bần cố nông rồi ngồi lên đầu bần cố nông, sai bảo chúng vì chúng chỉ biết nghe lời. Trong khi đó bọn buôn quan bán tước ấy vẫn đầy nhan nhản, bọn hám lợi cầu vinh vẫn ung dung chễm trệ trên lầu son gác tía. Quan chức tham ô người dân ai cũng biết, mà không ai phui ra. Kẻ phui ra thì bị hăm dọa, phỉ báng, sống bất an.

Báo chí có nhiệm vụ chính là tuyên truyền nên mới có cái học viện to đùng là “học viện báo chí tuyên truyền”, ngu dân cũng ở cái chỗ ấy mà ra. Ấy thế mà nó lại được trọng dụng lắm, sinh viên thi vào như thác nước. Sinh viên ra trường sống lay lắt nay xin chỗ nọ, mai xin chỗ kia mà vẫn không được.  Có phải là trò đời vui lắm biết không?

Ai cũng muốn đâm đầu vào nhà nước với mức lương không đủ sống nhưng đều đặn, không làm vẫn có lương, thậm chí chạy chọt, mua bán để vào đó hòng về già có lương hưu. Ở quê tôi, khi tôi gặp ai đó họ đều hỏi: đã xin được vào đâu chưa? Mất bao nhiêu tiền? Ấy là việc mua bao nhiêu tiền để được ngồi cái ghế, đứng cái lớp ấy. Tâm lý mua quan bán tước ăn sâu vào nếp nghĩ người dân rồi, khó có thể trách họ được, dân là phải gian, quan là phải tham mà. Triết lý muôn thuở này sẽ tồn tại đến bao giờ nữa đây? Có lẽ còn xa lắm.

Cái trò đời luôn xoay vần. Tôi tin vậy. Nó sẽ hất đổ những kẻ đang chễm trệ ngồi trên cao, và ngày mai những kẻ ấy phải quỳ rụp dưới chân trong phút chốc. Những thân phận nhỏ bé ngoài kia sẽ có ngày tìm được tiếng nói chung, vùng lên tìm thấy thân phận, cuộc đời của mình.

Cụ Ngô Thì Nhậm nói “thời thế thế thời thời phải thế”. Cây muốn ngay nhưng gió chẳng ngừng, thân tre ngay thẳng nhưng vẫn phải ngả theo gió thôi. Cái triết lý cây tre thật phù hợp với tính cách người Việt Nam lắm, mềm mại, đứng thẳng, hữu dụng, đoàn kết, lại uốn theo chiều gió… Sau này tôi nhất định sẽ trồng một bụi tre để nhìn ngắm chúng hiểu hơn về sự đời này vậy.

Đất nào con ấy, cây ấy và người ấy mà. Những con vật bản địa thường thích nghi dễ hơn với những giống ngoại lai. Người Việt thích nghi như vậy hàng ngàn đời nay quen rồi.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây