Việt Nam hưởng lợi thế nào từ chiến lược của Hoa Kỳ ở Biển Đông

Diplomat

Tác giả: Gary Sands

Dịch giả: Châu Minh Dũng

19-10-2018

Chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở của chính quyền Trump đang ngày càng biểu hiện rõ nét hơn.

Trong tình hình Washington đối đầu với Bắc Kinh trên nhiều phương diện – kinh tế, chính trị và quân sự – chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở (free and open Indo-Pacific, gọi tắt là FOIP) của chính quyền Trump ngày càng biểu hiện rõ nét hơn. Hoa Kỳ đã cố gắng xây dựng FOIP, một cấu trúc quyền lực trong khu vực được dẫn dắt bởi cả Úc, Ấn Độ và Nhật Bản, từ lúc ông Trump xác định khái niệm trong bài phát biểu hồi tháng 11 năm ngoái, tại Hội nghị Thượng đỉnh về Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC) tổ chức tại Đà Nẵng.

Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, các quan chức Hoa Kỳ, trong đó có Phó Tổng thống Mike Pence, đã bắt đầu bình luận công khai về các chi tiết của chiến lược. Một quan chức Hoa Kỳ khác, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ về vấn đề An ninh Châu Á và Thái Bình Dương, ông Randall G. Schriver, vừa đến thăm Việt Nam để trình bày ý nghĩa của chiến lược FOIP đối với Hà Nội. Ông Schriver thực hiện chuyến thăm thứ ba tới Việt Nam trong khuôn khổ của Đối thoại Chính sách Quốc phòng hằng năm giữa Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ và Việt Nam, trong bối cảnh quan hệ quân sự giữa hai cựu thù ngày càng gần gũi.

Trong bài phát biểu tại Trung tâm Hoa Kỳ TP HCM ngày 5/10 vừa qua, ông Schriver đã khởi đầu bằng việc đề cập đến khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương như một “khu vực ưu tiên”, đồng thời lưu ý những hành động gây hấn ngày càng hung hăng của Trung Quốc trong khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông. Ông Schriver đã xác định Chiến lược Quốc phòng Hoa Kỳ mới dựa trên ba trụ cột: 1) Công nhận sự cạnh tranh quyền lực giữa các siêu cường, chủ yếu là giữa Trung Quốc, Nga và Hoa Kỳ; 2) sự phát triển và hỗ trợ các đồng minh và đối tác quốc phòng; và 3) cải cách cơ cấu Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Việt Nam hưởng lợi như thế nào từ chiến lược mới của Hoa Kỳ

Một trong những lợi ích mà Việt Nam có thể được hưởng từ chiến lược FOIP là các cuộc tuần tra vì tự do hàng hải (FONOPs), được thực hiện bởi các nước lớn trong khu vực. Những cuộc tuần tra FONOP nhằm chứng minh cho Bắc Kinh và các nước giáp biển Đông thấy rằng, các tàu hải quân có thể di chuyển tự do và cởi mở – bất chấp yêu sách của Bắc Kinh đối với khoảng 90% diện tích mặt biển và quyết tâm kiểm soát quyền lưu thông hàng hải trong khu vực này.

Ông Schriver đã đề cập đến sự cố vừa xảy ra trong một cuộc tuần tra FONOP gần đây của Hoa Kỳ, là vụ đấu đầu giữa chiến hạm USS Decatur, một tàu khu trục lớp Arleigh Burke, và chiến hạm Lan Châu, một tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Luyang-II, xảy ra ở gần đá Ga Ven, thuộc vùng tranh chấp lãnh hải quần đảo Trường Sa (phía Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền). Trong sự kiện này, tàu khu trục Trung Quốc đã chặn đầu tàu khu trục Mỹ ở khoảng cách khoảng 45 thước Anh (40 mét), khiến tàu khu trục của Mỹ phải đổi hướng để tránh va chạm. Từ đầu năm đến nay, Hoa Kỳ đã tiến hành bốn lần tuần tra FONOP ở Biển Đông, sau bốn lần FONOP trong năm 2017, ba lần của năm 2016 và một lần trong năm 2015.

Theo ông Schriver, các cuộc tuần tra FONOP của Hoa Kỳ là một hình thức đáp trả việc Bắc Kinh bồi đắp đảo nhân tạo tại các rạn san hô và đá ngầm trong vùng tranh chấp, nhằm tạo ra “sự đã rồi” trong nỗ lực thiết lập chủ quyền lãnh hải của Trung Quốc. Một số đá và rạn san hô mà Trung Quốc tuyên bố quyền sở hữu (chẳng hạn như đá Ga Ven) sẽ bị ngập khi nước triều dâng. Ông Schriver gợi ý rằng, hành động tiếp theo mà chính quyền Trump có thể thực hiện nhằm chống lại các lực lượng Trung Quốc tham gia vào quá trình xây dựng đảo nhân tạo này – có thể là thông qua các biện pháp trừng phạt kinh tế.

Trong không phận của vùng tranh chấp lãnh hải, ông Schriver nói rằng, chiến lược FOIP cũng sẽ chống lại bất kỳ tuyên bố nào của Trung Quốc trong hiện tại hoặc tương lai về chuyện thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ), một trong những biện pháp mà Trung Quốc có thể sử dụng đến để khẳng định chủ quyền trong khu vực. Ông Schriver nói rằng, dưới một bầu trời Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở “Hoa Kỳ sẽ cất cánh, nhổ neo và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”, trong sự tương thích với chính sách “xoay trục sang châu Á” được triển khai trước đây bởi cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter dưới thời chính quyền Obama và bày tỏ sự ủng hộ ngấm ngầm dành cho tuyên bố lãnh hải của các quốc gia giáp biển trong khu vực như Việt Nam.

Sự giúp đỡ từ bè bạn

Trong khi Chiến lược quốc phòng mới của Hoa Kỳ kêu gọi sự phát triển và hỗ trợ các đối tác quốc phòng như Việt Nam, Hà Nội sẽ không tỏ ra quá thân thiện bởi chính sách đối ngoại “ba không”: Không có căn cứ nước ngoài trên lãnh thổ của mình, không có liên minh quân sự và không lôi kéo bên thứ ba vào các tranh chấp.

Dù chính quyền Hà Nội không công khai lôi kéo bên thứ ba vào tranh chấp Biển Đông, Việt Nam vẫn sẽ hưởng lợi từ sự gia tăng các cuộc tuần tra FONOP, cũng như các biện pháp khác nhằm kiềm chế yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh, trong chiến lược Ấn-Thái Bình Dương tự do và rông mở của chính quyền Hoa Kỳ. Các tàu hải quân thực hiện FONOP sẽ tiếp tục ghé cảng Cam Ranh, tiếp tục phát triển và nuôi dưỡng quan hệ đối tác quốc phòng giữa Hà Nội, Hoa Kỳ và các đối tác hải quân lớn khác trong khu vực, đồng thời các cuộc tuần tra FONOP sễ ngầm ủng hộ tuyên bố lãnh hải của Việt Nam và các quốc gia ven biển khác.

Cuối cùng, với khả năng hợp tác nhiều hơn nữa giữa các cường quốc hải quân lớn trong khu vực nhằm thúc đẩy và vận hành chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, trong thời đại Trung Quốc, Nga và Hoa Kỳ tiếp tục cạnh tranh kinh tế, quân sự và chính trị, Hà Nội có thể dễ dàng tận dụng mối quan hệ với cả ba siêu cường này một cách khéo léo để đạt được lợi thế tối đa.

Tác giả: Gary Sands là chuyên gia phân tích cao cấp tại Wikistrat, một tổ chức cố vấn có nguồn gốc từ cộng đồng, và là Giám đốc của Highway West Capital Advisors, một quỹ đầu tư mạo hiểm, về dự án tư vấn rủi ro về chính trị và tài chính. Là một cựu viên chức ngoại giao với U.S. Overseas Private Investment Corporation, ông đã đóng góp một số bài bình luận cho các báo Forbes, US News và World Report, Newsweek, Washington Times, Diplomat, Asia Times, National Interest, EurasiaNet và South China Morning Post. Ông hiện đang có trụ sở tại Đài Bắc.

© Copyright Tiếng Dân – Bản tiếng Việt

Bình Luận từ Facebook