Lê Phú Khải
15-10-2018
Ca dao là những viên ngọc lung linh, trong suốt, lấp lánh trên bầu trời văn hóa của dân tộc. Tưởng chừng không ai có thể làm cho nó đẹp hơn, hay hơn được nữa. Thử nghĩ, ai có thể gọt dũa thêm, trau chuốt hơn những câu ca dao như thế này:
Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi
Vậy mà thật bất ngờ cho tất cả những người Việt trong nước và trên toàn thế giới phải sững sờ, phải lặng người đau đớn khi đọc bài thơ “Cướp” của Nguyễn Duy:
Con ơi nhớ lấy câu này
Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan ( ca dao)
Cướp xưa băng nhóm làng nhàng
Cướp nay có đảng có đoàn hẳn hoi
Có con dấu đóng đỏ tươi
Có còng có súng dùi cui nhà tù
…
Ai qua thành phố Bác Hồ
Mà coi cướp đất bên bờ Thủ Thiêm
Bây giờ mẹ phải dặn thêm
Quan tham là cướp cả đêm lẫn ngày
Hai câu thơ cuối của bài “Cướp” đã “nâng cấp” ca dao có từ ngàn đời của dân tộc thành ca dao của thời đại Đảng trị độc tài ăn cướp có “Con dấu đóng đỏ tươi”.
Sau này con cháu chúng ta học văn học dân gian trong nhà trường, các nhà soạn sách giáo khoa, các thầy giáo dậy văn ắt hẳn phải dậy rằng, có những câu ca dao hữu danh, cứ đánh vào Google là thấy Nguyễn Duy!
Đề tài “ Cướp đất” lâu nay đã xuất hiện trong thơ ca Việt hiện đại. Nhà thơ Bùi Minh Quốc trong bài thơ “ Vì nhân dân quên mình” viết năm 2014 có đoạn:
“ Mẹ đào hầm từ thuở tóc còn xanh
Nay mẹ tự lột truồng lăn mình ra giữ đất!”
Có tác giả còn viết:
“Những ngày tôi sống đây
Sử gia sẽ viết gì?
Đàn ông uống thuốc rầy giữ đất
Đàn bà cởi truồng chống Đảng!” (LPK)
Nhưng phải đến Nguyễn Duy “phù phép” bằng những câu lục bát thì “cướp đất” mới thành ca dao của thời đại. Hóa thân thành ca dao là hóa thân vào cõi bất tử!
Đã từ lâu, thơ Nguyễn Duy làm chức năng Con chim báo bão của đất nước và dân tộc mình. Là người lính, Nguyễn Duy đã linh cảm thấy:
Xét cho cùng sau một cuộc chiến tranh
Phe nào thắng thì nhân dân đều bại!
Khi cái gọi là “Đổi mới” ra đời (1986), từ Mátxcơva tháng 5 năm 1988 , trong bài thơ nổi tiếng “Nhìn từ xa…Tổ quốc” anh đã viết:
đổi mới thật không hay giả vờ đổi mới
máu nhiễm trùng ta có đổi được không?
(Đường xa, NXB Trẻ 1989)
Trong bài “Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ” đăng trên tạp chí Cửa Việt 1992, dự báo về cái gọi là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nguyễn Duy đã viết:
thời buổi thị trường mọi việc đều có thể
có thể nước này mua trọn gói nước kia
có thể lập những liên minh ma quỷ
những công ty bán nước từng phần…
Gần đây, chuyện sẽ xây nhà hát giao hưởng 1500 tỷ trên mảnh đất Thủ Thiêm còn dòng dòng máu và nước mắt của dân oan mất đất ở Thủ Thiêm sau 20 năm đi khiếu kiện, dư luận trên mạng xã hội đã ném đá dữ dội những kẻ được xem là “văn nghệ sỹ trí thức” như Trần Du Lịch, ca sĩ Mỹ Linh đã tung hô, nói leo, ăn theo cái quyết định bất lương này của “hội đồng chuột” TP.HCM…Nhiều người đã băn khoăn là làm sao những người tạm gọi là “ưu tú” đó, lại có thể đồng tình với cái ác, cái xấu, cái đểu đó ?!
Riêng tôi thì không. Vì tôi đã đọc kỹ thơ Nguyễn Duy. Anh đã nhận diện những con người này từ lâu rồi, và vẽ chân dung họ rất sinh động:
Điếm cấp thấp bán trôn nuôi miệng
Điếm cấp cao bán miệng nuôi trôn
(Thơ Nguyễn Duy, NXB Hội nhà văn 2010)
Giai tầng “điếm cấp cao” này đã nẩy nở trong xã hội kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa những năm gần đây.
Nguyễn Duy xứng đáng là một nhà thơ lớn của thời đại chúng ta. Tôi nghĩ vậy.