Bản tin Biển Đông ngày 15/10/2018

BTV Tiếng Dân

Philippines và Việt Nam thảo luận về phân định ranh giới biển ở Biển Đông

Theo thông tin từ Thông tấn xã Philippines, Tổng thống Philippines Rodrigo R. Duterte và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã thảo luận về phân định ranh giới biển ở Biển Đông khi hai vị lãnh đạo gặp nhau hôm thứ Năm vừa rồi bên lề Cuộc họp các lãnh đạo ASEAN ở Bali, Indonesia.

Theo lời Tổng thống Duterte, ông đã nói với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng những cuộc thảo luận về phân định biển sẽ cần nhiều thời gian hơn bởi vì Philippines vẫn còn chưa thiết lập xong giới hạn thềm lục địa, biên giới biển ngoài cùng của quốc gia này.

Theo The Washington Post, Việt Nam đã khởi động những cuộc đàm phán không liên tục này từ nhiều năm về trước.

“Việt Nam là anh em ASEAN của chúng ta, họ đã hỗ trợ chúng ta bằng nhiều cách và chúng ta đã hỗ trợ họ”, Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano nói với các phóng viên.

“Nhưng họ cũng là một bên có yêu sách [ở Biển Đông – ND] như chúng ta. Họ cũng có các thực thể địa lý nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta,” Cayetano nói.

Theo GS Carl Thayer của Đại học New South Wales, trước đây đã có một số thoả thuận phân định ranh giới biển ở Biển Đông cả trước và sau khi UNCLOS được thông qua. Kể từ khi UNCLOS có hiệu lực, đã có những thoả thuận giữa Việt Nam và ba nước. Năm 1997, Việt Nam đạt được hai thoả thuận với Thái Lan, một thỏa thuận phân định vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và một thoả thuận phân định thềm lục địa. Tiếp theo là thỏa thuận giữa Trung Quốc và Việt Nam phân định các khu vực biển tương ứng của hai nước ở Vịnh Bắc Bộ. Sau đó là thỏa thuận giữa Indonesia và Việt Nam về phân định ranh giới thềm lục địa. Hiện hai nước đang đàm phán về vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn. Năm 2009, Philippines đã quyết định sẽ điều chỉnh yêu sách các vùng biển phù hợp với UNCLOS. Bất cứ thoả thuận nào với Việt Nam sẽ giúp làm rõ các khu vực biển tương ứng và quản lý đánh cá bất hợp pháp dễ dàng hơn.

Thayer lưu ý UNCLOS kêu gọi các nước áp dụng “các biện pháp tạm thời có tính thực tiễn” nếu họ không thể giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Philippines và Việt Nam có thể đồng ý phân định các khu vực biển của họ ”như một” biện pháp tạm thời “mà không ảnh hưởng đến các yêu cầu chủ quyền của mỗi nước.

Bình luận về phản ứng của Trung Quốc, Thayer dự đoán rằng Trung Quốc sẽ phản đối vì nước này yêu sách tất cả các thực thể địa lý ở Biển Đồng cùng với vùng nước liền kề mà nằm trong bản đồ đường chín vạch của mình.  Nhưng yêu sách của Trung Quốc không căn cứ vào UNCLOS. Trung Quốc vẫn chưa ban hành đường cơ sở xung quanh bất kỳ hòn đảo nhân tạo nào của nước này ở quần đảo Trường Sa. Có vài thực thể, trong đó đáng chú ý nhất là các bãi Vành Khăn và Xu bi, là những thực thể chìm ở triều thấp và không được hưởng bất kỳ vùng biển nào (cũng như không phải là đối tượng để tuyên bố chủ quyền). Việt Nam luôn nói rằng họ sẽ đàm phán phân định ranh giới với quốc gia khác nếu không có bên thứ ba nào tham dự.

Theo Thayer, động thái phân định ranh giới biển giữa Philippines và Việt Nam có ý nghĩa đáng kể đối với các cuộc đàm phán hiện tại Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc. Văn bản đàm phán Dự thảo Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông Duy nhất (sau đây viết tắt theo tên tiếng Anh là SDNT) không xác định rõ phạm vi địa lý mà bộ quy tắc sẽ áp dụng. Tuy nhiên trong phần “Các quy định chung”, Việt Nam đã đề nghị rằng, “Bộ quy tắc ứng xử hiện tại sẽ áp dụng cho tất cả các thực thể địa lý đang trong tranh chấp và các yêu sách biển chồng lấn theo quy định của UNCLOS 1982.” Indonesia thì đưa vào đề xuất: “Các bên cam kết tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven biển theo quy định của UNCLOS 1982.”

Malaysia đề xuất, “tùy thuộc vào các yếu tố / nội dung của COC, phạm vi địa lý / phạm vi áp dụng có thể cần phải được xác định”, trong khi Singapore đưa ra nhận xét “Các bên có thể xem xét tiện ích của việc thêm vào một phần giải thích các thuật ngữ được sử dụng ở đây.” Bốn đề xuất này sẽ được hợp lý hóa khi các cuộc đàm phán được tiếp tục giữa Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN.

Thayer kết luận, nếu Philippines và Việt Nam phân định biển thành công thì đây sẽ là một lợi thế cho họ nếu và khi SDNT được thông qua.

Biển Đông được trông đợi đứng đầu nghị trình cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN.

Tờ Bưu điện Hoa Nam đưa tin, cuộc họp thường niên lần thứ 12 cấp Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN sẽ diễn ra ở Singapore từ thứ Năm tới thứ Bảy tuần tới, với sự tham gia của Bộ trưởng Quốc phòng 10 nước ASEAN cùng với những người đồng cấp đến từ Hoa Kỳ, Trung Quốc, Úc, Ấn Độ, Nhật Bản. Căng thẳng ở Biển Đông được trông đợi là vấn đề hàng đầu trong nghị trình cuộc họp, trong bối cảnh xung đột chiến lược giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc gia tăng. Hoa Kỳ phê phán ngày càng mạnh mẽ việc Trung Quốc quân sự hoá ở Biển Đông. Mới đây Phó Tổng thống Mike Pence đã đả kích kịch liệt hành động hung hăng của Trung Quốc sau khi xảy ra vụ suýt va chạm giữa tàu khu trục Trung Quốc và tàu chiến Mỹ ngày 30 tháng 9.

Lẽ ra theo kế hoạch từ trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis sẽ thăm Trung Quốc cho 2 ngày đàm phán trước khi bắt đầu hội nghị thượng đỉnh ASEAN, nhưng dự định này đã bị huỷ bỏ bởi căng thẳng gia tăng giữa hai bên. Thay vào đó, ông sẽ dành ngày thứ Ba và thứ Tư đến thăm các quan chức ở Việt Nam.

“Chúng ta có thể sẽ được chứng kiến Hoa Kỳ tái khẳng định ủng hộ khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, và một lần nữa công khai phê phán hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông,” Aaron Rabena đến từ Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Philippines bình luận. “Khi căng thẳng Trung – Mỹ leo thang, ASEAN sẽ phải đối mặt với áp lực từ hai bên.”

Theo một số nhà phân tích, các hoạt động của Bắc Kinh ở Biển Đông không chỉ làm tăng mối quan ngại của các quốc gia thành viên ASEAN mà còn khuyến khích sự tham gia và hợp tác lớn hơn ở Biển Đông giữa các đồng minh của Mỹ, bao gồm Úc, Nhật Bản, New Zealand, Anh và Pháp.

Hội nghị thượng đỉnh này cũng diễn ra sau khi ASEAN và Trung Quốc đã đồng ý về một văn bản là cơ sở đàm phán dự thảo Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông, sau hơn một thập kỷ đàm phán. Tuy nhiên các nhà phân tích cho rằng phải còn lâu nữa mới có thể đạt được một Bộ quy tắc cuối cùng.

“Điều quan trọng là phải nghĩ về bộ quy tắc ứng xử như một hành trình, chứ không phải là một điểm đến”, Bill Hayton, chuyên gia Biển Đông tại Chatham House đưa ra quan điểm.

Đọc thêm: Cố vấn An ninh Mỹ răn đe Bắc Kinh,không tha thứ việc gây hấn trên Biển Đông (Infornet). – Mỹ cứng rắn hơn để đưa Trung Quốc vào khuôn khổ (ĐV). – Cố vấn an ninh Mỹ: “Biển Đông không phải là một tỉnh của Trung Quốc” (RFI). – EU đấu với “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc (NLĐ). – Bộ trưởng Tô Lâm thăm và làm việc tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc (CAND). – Hôm nay, Nhân Dân Tệ chính thức lưu hành ở (7 tỉnh) Việt Nam (VOA). – Tàu Cảnh sát biển cứu 7 ngư dân gặp nạn (TN).

Bình Luận từ Facebook