An ninh mạng – Tư duy lười nhác và bảo thủ

FB Chất lượng cuộc sống

11-10-2018

Còn chưa đầy 3 tháng nữa, Luật An ninh mạng sẽ được thực thi nhờ bàn tay nhấn nút của 423 Đại biểu Quốc hội – đại diện cho “ý nguyện của dân”

Những điều đưa ra trên đề cương chưa có gì quá ghê gớm. Nhưng rồi, thêm thông tư hướng dẫn, thêm đặc thù địa phương lại cộng thêm sự lạm quyền của những người thi hành công vụ, không biết vị thế giám sát của người dân sẽ được đặt ở nơi đâu?

Ta nên hiểu rằng trong thế giới đa chiều, tiến bộ và quá nhiều thử thách ngày nay, một quốc gia có vươn lên được hay không là do mọi người dân cùng chung tay, chung sức và góp chung trí tuệ. Tuyệt nhiên không thể có một người, một tổ chức dùng ý chí của mình để thúc đẩy, vận hành.

Xu hướng của thế giới văn minh, con người luôn phải chấp nhận áp lực xung quanh mình để nỗ lực làm việc và học tập. Muốn làm việc được hiệu quả hơn, luôn phải đổi mới cả cách nghĩ và cách làm. Mạng xã hội là một nhân tố thúc đẩy sự đổi thay tốt đẹp ấy.

Không phải ngẫu nhiên mạng xã hội được cả thế giới yêu thích. Nó là cầu nối gắn kết và phát sinh sáng tạo, là chỗ để trao đổi thông tin và là nơi để nguồn nhân lực đỡ bị phí phạm bởi những chuyến đi vô bổ. Mạng xã hội là một thành tựu văn minh của nhân loại thế kỷ 21, nhưng có những người lại đang muốn hạn chế nó,… Tại sao họ lại muốn như vậy?

Trên mạng xã hội, sự giả dối, sớm hay muộn cũng được cộng đồng phát hiện, lật tẩy và lên án. Nó làm cho nhiều chức sắc có hành động khuất tất ăn không ngon, ngủ không yên. Nó khiến cho một người đang là anh hùng hôm qua, hôm nay biến thành tội đồ ngay tức khắc với những bằng chứng khó có thể chối cãi. Nó là kẻ dũng cảm nhất nêu cao sự thật, dù sự thật ấy có đau lòng đến mức nào.

Chỉ có khuất tất mới sợ sự thật, chỉ có kẻ không đủ bản lĩnh can trường và thiếu minh bạch thì mới sợ áp lực mà thôi. Mạng xã hội cũng có nhiều luồng, cũng rất công bằng, tự nó sẽ chỉ ra đúng sai mà người bị bôi xấu có khi không cần phải thanh minh.

Chúng ta đừng vội lo vì sự công khai danh tính được áp dụng bởi thực ra, không ai có đủ khả năng quản lý được nó. Tôi chấp luôn, cho dù triển khai mạng nội địa và sever máy chủ đặt tại Việt Nam. Tôi thật, ngoài đời, giữa mặt với mặt hẳn hoi còn nặc danh ném đá dấu tay thì huống hồ qua một lớp mặt nạ là mạng xã hội? Liệu có tốt đẹp hơn chăng?

Song, nếu vì vô vàn lý do như đã nêu trên mà mạng xã hội bị hạn chế ở Việt Nam, hàng triệu clip dạy và học ở hàng trăm ngành nghề sẽ không còn nữa. Và hàng triệu, hàng triệu triệu thông tin, kiến thức hữu ích khác cũng sẽ bị hạn chế tiếp cận. Ta sẽ trở về thời “đồ đá” rất nhanh mà không cân có quả bom nguyên tử hay cơn địa chấn nào dưới lòng đất cả!

Một nhà nước quản trị tốt là một nhà nước có nhiều nhân tố nhanh nhạy bắt kịp xu hướng hiện đại, chịu bỏ thời gian học hỏi để theo kịp nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Không bao giờ thấy khó khăn, thách thức mà cấm đoán, ngăn cản người dân.

Còn một nhà nước thấy xu hướng văn minh nhưng bất lợi cho mình, muốn nhốt nó lại để dễ quản trị là một nhà nước lười nhác, bảo thủ và không theo kịp nhân loại tiến bộ. Ôm mãi tư duy nghèo nàn ấy, đất nước bao giờ phát triển thì mọi người tự tìm cách trả lời.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây