7-10-2018
1. Chương trình ca nhạc live show của ca sĩ Tuấn Hưng do Sở Văn Hoá Thể Thao (VHTT) Hà Nội cấp phép biểu diễn. Do vậy cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tạm dừng hoặc đình chỉ chương trình phải do Sở VHTT Hà Nội, hoặc cấp trên của Sở là Bộ VHTTDL hay Chủ tịch UBND TP. Hà Nội ra quyết định.
Việc Chủ tịch UBND quận ra văn bản tạm dừng sự kiện do Sở VHTT cấp phép là một hành vi vượt quá thẩm quyền luật định. Luật không cho phép cấp quận (huyện) tạm dừng một sự kiện ca múa nhạc do cấp tỉnh cấp phép vì đây là thẩm quyền của cấp tỉnh. Trong trường hợp quận Ba Đình muốn tạm dừng đêm nhạc thì Chủ tịch UBND quận Ba Đình cần phải gửi công văn đến Sở VHTT Hà Nội đề xuất xin tạm dừng chương trình. Quyết định dừng hay không sẽ do Sở VHTT Hà Nội quyết định. Chủ tịch UBND quận Ba Bình ra quyết định tạm dừng chương trình này là một hành vi lạm quyền và trái luật, vì một văn bản quyết định của cấp quận (huyện) không thể vô hiệu hoá một quyết định của cấp Thành phố trực thuộc Trung ương (cấp tỉnh).
2. Lý do tạm dừng chương trình được UBND quận Ba Đình nêu ra là vì: “lý do Đặc biệt”.
Theo quy định pháp luật về biểu diễn ca múa nhạc, “lý do Đặc biệt” được nêu ra để tạm dừng chương trình hoặc không cấp phép biểu diễn là không được pháp luật thừa nhận. Pháp luật đã nêu rõ để tạm dừng, thu hồi hoặc không cấp phép một chương trình biểu diễn nghệ thuật chỉ khi chương trình vi phạm vào các điều cấm của luật, chẳng hạn như:
– vi phạm quyền tác giả
– biểu diễn các bài hát có nội dung tuyên truyền chống nhà nước, xuyên tạc lịch sử
– vi phạm thuần phong mỹ tục
– không đảm bảo về an toàn, an ninh trật tự
…
Các điều cấm này được quy định cụ thể tại Nghị định số 79/2012/NĐ-CP của Chính phủ Quy định về biểu diễn nghệ thuật, ca múa nhạc. Việc UBND quận Ba Đình tạm dừng chương trình vì “lý do đặc biệt”- một lý do không có trong luật định- là một hành vi tuỳ tiện tự đặt ra các quy định khác, đây là một hành vi bị nghiêm cấm theo pháp luật.
3. Một nguyên tắc cơ bản trong việc ban hành ra văn bản hành chính khi thực hiện chức năng và nhiệm vụ quản lý nhà nước thì cơ quan ban hành văn bản phải nêu cơ sở pháp lý rõ ràng. Cụ thể trong trường hợp này, văn bản tạm dừng sự kiện ca nhạc của UBND quận phải dẫn chiếu đến điều khoản nào của luật, nghị định hay thông tư nào, để lấy đó làm cơ sở pháp lý khi ra quyết định điều chỉnh một hành vi của cá nhân hay tổ chức.
Xem qua văn bản của UBND quận Ba Đình, ta không thấy người ra quyết định đưa ra bất kỳ một căn cứ pháp lý nào. Ban hành văn bản mà không nêu được bất kỳ cơ sở pháp lý nào đã cho ta thấy được sự vô pháp của người thừa hành quản lý nhà nước.
Sự việc này không chỉ gây ra thiệt hại lớn về mặt vật chất đối với những người tổ chức đêm nhạc, mà còn cấu thành hành vi vi phạm đến quyền con người (quyền biểu diễn hoạt động nghệ thuật).
Khuyến nghị:
– Đối với Ca sĩ Tuấn Hưng và Ban tổ chức sự kiện: khởi kiện vụ án hành chính đối với Chủ tịch UBND quận Ba Đình để yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại vì phải hủy chương trình, và yêu cầu UBND quận Ba Đình khắc phục hậu quả bằng cách thu hồi văn bản tạm dừng để có thể tổ chức lại sự kiện trong thời gian tới.
– Đối với chính quyền Hà Nội: cần đình chỉ công tác đối với những người liên quan đến việc ra quyết định tạm dừng sự kiện này, đồng thời tổ chức cho họ học các khoá học bổ túc kiến thức về luật hành chính và luật nhân quyền trước khi tiếp tục giao phó cho họ nhiệm vụ quản lý nhà nước.
tạo scandale để lái dư luận sang một đề tài khác vì người dânđang xầm xì về những chuyện mà người ta không muốn bị xầm xì