Thạch Đạt Lang
3-10-2018
Quyền Lực Thứ Tư (The Fourth Estate hay The Fourth Power) là quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do bày tỏ chính kiến. Một hình thức đại diện cho Quyền Lực Thứ Tư là Truyền Thông Tự Do (Liberal Media).
Được gọi là Quyền Lực Thứ Tư vì trong một nước tự do, dân chủ, chế độ cai trị được thành lập với tam quyền phân lập: Hành Pháp (Executive) Lập Pháp (Legislative) và Tư Pháp (Judicial), bên cạnh đó là quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do bày tỏ chính kiến được người dân sử dụng như một sức mạnh gián tiếp để quan sát, theo dõi, kiềm chế, ngăn chặn sự lạm quyền của 3 nhánh Hành Pháp, Lập Pháp và Tư Pháp.
Quyền lực Thứ Tư đã được Jean-Jacques Rousseau (1712-1778), một trong những người tiên phong, mở đường cho cuộc cách mạng Pháp 1789 khai sinh ra nền cộng hòa, mô tả như là một cột chống thứ tư bên cạnh 3 cột Hành Pháp, Lập Pháp, Tư Pháp, chống giữ cho nền cộng hòa.
Trong một chế độ dân chủ, tự do, Quyền Lực Thứ Tư được hiến pháp quy định, bảo vệ, là quyền bất khả xâm phạm. Quyền lực này không có sức mạnh trực tiếp nhưng có ưu thế tuyệt đối, có thể ảnh hưởng, tác động đến chính sách, đường lối của chính quyền hay địa vị, quyền lực cá nhân của bất cứ ai, giai cấp nào trong xã hội, bất kể người đó là ai, giữ nhiệm vụ hay đang đảm nhiệm chức vụ nào trong chính quyền kể cả tổng thống, thủ tướng.
Ngược lại, ở các nước cộng sản, độc tài như Việt Nam, Trung Cộng, Bắc Hàn…, để ngăn chặn, tiêu diệt sự chống đối, phản kháng của người dân dưới mọi hình thức, chính quyền không chấp nhận sự hiện hữu của quyền lực thứ tư. Cho nên, dù hiến pháp của CHXHCNVN công nhận quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội… nhưng khi thi hành, chế độ lại diễn giải hoàn toàn theo ý họ, người dân không có quyền phản kháng, lên tiếng.
Khi cả 3 nhánh hành pháp, tư pháp, lập pháp đều nằm trong tay đảng CS, người dân lại không có truyền thông, báo chí tự do thì chế độ muốn thao túng, điều hành đất nước như thế nào là quyền của họ. Tin tức, hình ảnh, biến cố, sự kiện văn hóa, kinh tế, quốc phòng… người dân chỉ được biết khi chế độ muốn cho họ biết. Biết đến đâu, biết như thế nào lại còn tùy vào vị trí của họ trong xã hội.
Từ khi có internet đến lúc các mạng xã hội như Facebook, Twitter, Skype, Viber, Whatsapp… bùng nổ, chế độ CSVN dù muốn kiểm soát hoàn toàn thông tin nhưng bất lực. Một cuộc đàn áp biểu tình chống Formosa khốc liệt ở Sài Gòn, một cuộc thanh toán nhau giữa các lãnh đạo ở trụ sở UBND tỉnh Yên Bái, chỉ trong thời gian rất ngắn, cả nước đều biết.
Cho dù chế độ CS với tất cả các phương tiện và mang lưới công an, cảnh sát, dân phòng, xã hội đen dầy đặc, tìm cách ngăn chặn, cấm đoán, khủng bố, người dân vẫn liên lạc, thông tin, kết hợp được với nhau để chuyển tải những tin tức, cũng như diễn tiến của những hoạt động đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền…
Với mục đích thâu tóm luôn nhánh quyền lực cuối cùng, luật an ninh mạng tại VN nhanh chóng được quốc hội thông qua ngày 12.06.2018. Bắt đầu từ 01.01.2019, khi luật an ninh mạng có hiệu lực, người dân VN sẽ phải sống trong một môi trường thông tin giới hạn được chế độ gạn lọc kỹ càng. Tất cả tin tức bất lợi cho sự cai trị của đảng CSVN, từ sự tố cáo cán bộ tham nhũng, hối lộ, rút ruột công trình, đến nói xấu, phê bình, chỉ trích lãnh đạo… sẽ bị kiểm duyệt hoàn toàn, người nào loan truyền, phổ biến sẽ bị luật pháp trừng trị nghiêm ngặt ngoại trừ trường hợp thông tin đã được cho phép tiết lộ.
Có thể thấy, sức mạnh của Quyền Lực Thứ Tư là quan trọng nhất mà người dân cần phải có trước khi khởi động một cuộc tranh đấu cho những mục tiêu khác của họ. Không có sức mạnh này người dân không thể thực hiện bất cứ cuộc đấu tranh nào để đòi hỏi dân chủ, tự do cho đất nước.
Nhìn lại lịch sử nước Mỹ, chỉ hơn 15 năm sau ngày nước Mỹ thành lập, ngày 15.12.1791, Tu chính án thứ nhất (The first Amendment) được đưa vào Hiến pháp Mỹ, công nhận quyền tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, tự do bày tỏ chính kiến, tự do lập hội, biểu tình…
Theo thời gian, sau nhiều lần thay đổi, bổ sung để hoàn thiện qua rất nhiều phán quyết từ các vụ kiện, điển hình là vụ kiện của New York Times Co vs Sullivan năm 1964, quyền tự do ngôn luận trở thành quyền tự do báo chí, truyền thông (liberal media) khi người chuyển tải tin tức không có ác ý làm thiệt hại đến nhân phẩm, danh dự người khác. Vụ kiện này cũng đặt lại chuẩn mực phân biệt nhân vật cộng đồng (public figure, public official) với cá nhân (private person).
Năm 1974, Quyền Lực Thứ Tư một lần nữa đã chứng tỏ sức mạnh tuyệt đối khi vụ bê bối chính trị Watergate, khiến tổng thống Richard Nixon của đảng Cộng hòa phải từ chức vì cho người đặt máy thu âm nghe lén đảng Dân Chủ trong ở tòa nhà Watergate, Washington D. C.
Bob Woodward là phóng viên điều tra của báo Washington Post, cùng với Carl Bernstein, được sự giúp đỡ của Deep Throat (bí danh của Mark Felt, Phó giám đốc FBI) cung cấp tin tức, viết bài phóng sự điều tra. Khi sự thật được phơi bày trước mắt công chúng, uy tín của tổng thống Nixon xuống quá thấp, ông ta không còn sự chọn lựa nào khác, phải từ chức trước khi bị mang ra luật tội và truất phế. Chính Quyền Lực Thứ Tư đã lật đổ được tổng thống Nixon.
Tuy nhiên, đến thời đại của Donald Trump, Quyền Lực Thứ Tư đã bị chính tổng thống đương nhiệm tấn công liên tục. Từ ngày đắc cử tổng thống, bước chân vào Tòa Bạch Ốc, Donald Trump luôn mồm đã kích, chửi bới truyền thông tự do, gọi báo chí là kẻ thù của nhân dân (rất giống giọng điệu của CS) hay là tin vịt (fake news), bởi vì truyền thông tự do toàn đưa tin bất lợi cho Trump.
Phản ứng của ông Trump không lạ, vì ông bị báo chí truyền thông tự do vạch ra những sai trái, hàm hồ, lố bịch, gian trá…, nhưng chỉ có điều lạ là, rất nhiều người VN trong và ngoài nước cũng sùng bái, thần thánh hóa, theo gót chân ông Trump phê phán, chỉ trích truyền thông tự do, gọi họ là truyền thông thổ tả, truyền thông thiên tả… và họ ủng hộ sự tấn công của ông Trump vào báo chí.
Khoảng 30 năm trước, để kiểm chứng một tin tức, một sự kiện, đòi hỏi thời gian vài giờ đồng hồ đến vài ngày, nhưng hiện nay nhờ có internet, đôi khi chỉ mất vài phút người ta có thể kiểm chứng những hình ảnh, tin tức, biến cố đang xẩy ra, thế nhưng nhiều người Việt dường như chỉ thích nghe, đọc và nhìn thấy những gì họ muốn thấy, muốn xảy ra theo ý họ.
Phải chăng lịch sử đang tái diễn hay có sự trùng hợp khi Bob Woodward, phóng viên chính điều tra vụ bê bối Watergate, khiến Nixon phải từ chức, cũng là tác giả cuốn Fear: Trump in the White House (Nỗi sợ hãi: Trump trong tòa Bạch Ốc), một cuốn sách gây nhốn nháo Tòa Bạch Ốc trước khi phát hành, hiện đang được bán chạy nhất ở Mỹ, bởi cuốn sách phơi bày tất cả những sự hỗn loạn trong tòa Bạch Ốc dưới triều đại Donald Trump?
Liệu có quyền lực nào ngăn cấm được sự phát hành hay đòi tịch thu cuốn sách của Bob Woodward? Câu trả lời rõ ràng là không, bởi ông được Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ bảo vệ quyền được nói và công bố những sự thật cho dân chúng Mỹ được biết.
Sau khi bị tòa Bạch Ốc tấn công, gọi thông tin trong cuốn sách đó là tin vịt, Bob Woodward đã tuyên bố, rằng ông sẽ công bố những cuốn băng ghi âm lại các cuộc phỏng vấn những nhân vật được đề cập trong cuốn sách của mình, để chứng minh những điều ông viết hoàn toàn là sự thật.
Sức mạnh của quyền lực thứ tư luôn khiến các chế độ hay lãnh đạo độc tài căm ghét và luôn luôn muốn triệt tiêu nó. Thế nhưng chính nhờ có nó, nhờ có tự do báo chí, người dân không bị bưng bít thông tin, biết được những gì đang diễn ra trên đất nước mình.
Cũng nhờ có tự do báo chí, giúp cho những người cầm quyền có trách nhiệm hơn, làm việc tốt hơn để phục vụ người dân. Những người cùng với ông Trump chống lại truyền thông tự do ở Mỹ, đáng được sống trong chế độ độc tài như ở Việt Nam hay Cuba, Bắc Hàn.
Theo như tôi biết thì câu tuyên bố của TT.Trump là báo chí mà loan tin vịt (tin giả
=fake news) là kẻ thù của người dân,chứ không phải báo chí trống không ?
Công nhận quyền báo chí hay ngôn luận có vai trò xếp sau Lập pháp,Hành pháp,
Tư pháp nhưng quyền gi cũng có giới hạn của nó nhưng tác giả bài này tin tưởng
100%.Thử hỏi có nhà báo viết báo vì tiền,vì danh lợi cá nhân hay làm cò mồi cho
một phe đảng nào đó v.v. cũng phải nhắm mắt mà tung hô hết hay sao ?
Phải chăng đảng Dân Chủ thời này đã bị biến chất vì có một số đảng viên CS.lợi
dụng để núp bóng nhằm lái qua hướng thiên tà-thân cộng ? Bởi vì từ trước đến
nay,không có vị TT.đắc cử nào lại bị đảng đối lập làm đủ trò đả kích,thậm chí là
phỉ báng để hạ bệ như bây giờ ! Qua thời Mỹ thịnh và đến thời Mỹ suy ?
Bài viết lủng củng, nhầm lẫn lung tung các khái niệm và vai trò của các “quyền lực” qua từng vụ việc. Vụ Watergate là do nước Mỹ thực hành theo nguyên tắc luật pháp mà ra. Nếu Nixon luật không chứng minh được Nixon có tội thì một trăm quyển sách, một ngàn vu cáo, vv…. cũng chẳng là cái gì.
Trump đã bị luật chứng minh là có tội chưa? Tác giả quên một nguyên tắc tối quan trọng ở xứ Mỹ là nguyên tắc vô tội.
qx
Nhầm lẫn ngay từ câu đầu. Quyền lực thứ tư là báo chí. Không phải “quyền” tự do báo chí, mà là chính các cơ quan báo chí.