Tiến Triển Của Toàn Cầu Hóa

Project Syndicate

Tác giả: Erik Berglöf

Dịch giả: Đỗ Kim Thêm

21-9-2018

Vào khoảng cuối thế kỷ vừa qua, các nhà phê bình về tự do hóa thương mại và thị trường tư bản có lý do chính đáng để lo ngại rằng các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi sẽ tụt hậu hơn sau thế giới phát triển. Nhưng trường hợp ngược lại đã xảy ra và hiện nay thế giới phải lo lắng về quỹ đạo của các nền kinh tế đã tiên tiến và sự căng thẳng của các thỏa ước đa phương.

Rất ít có các sách vở về học thuật nào có nhiều ảnh hưởng chính trị hơn là Globalization and its Discontents của Joseph E. Stiglitz. Được xuất bản lần đầu vào năm 2002, sách này đã trở thành một chấn động quốc tế ngay tức thời và đẩy tác giả, vốn dĩ đã là một nhà kinh tế đoạt giải Nobel, thành một ngôi sao nhạc rock. Điều đó đặc biệt đúng trong thế giới đang nổi lên và đang phát triển, ở các nơi mà hiện nay ông đề cập các đấu trường bị bán sạch.

Theo sách Discontents, toàn cầu hóa đã trở thành một khái niệm chung dành cho tất cả các tác hại tại các nền kinh tế đang nổi lên và đang phát triển mà các định chế tài chính quốc tế và thương mại toàn cầu gây ra.

Năm ngoái, Stiglitz xuất bản phần tiếp theo, trong đó ông đánh giá lại các lập luận trước đây của mình. Trong sách In Globalization and Its Discontents Revisited, ông cho chúng ta hai cuốn sách với giá của một cuốn: in lại toàn bộ bản văn gốc, tiếp theo là những suy tưởng về những hiểu biết ban đầu so lại theo chiều hướng tất cả những gì đã xảy ra kể từ sau đó.

Thật là khó để mà hiểu được thế giới đã thay đổi trong 16 năm qua như thế nào. Nhưng nó đủ để cho chúng ta nói rằng những kẻ bất mãn – và các mối đe dọa đang chờ đợi đối với trật tự quốc tế – giờ đây đã chuyển từ các nước đang phát triển sang các nước đã phát triển. Cùng với những người đóng góp khác cho cuộc tranh luận về toàn cầu hóa, Stiglitz giúp cho chúng ta hiểu tại sao mọi thứ lại khác biệt so với dự kiến và toàn cầu hóa có thể diễn ra theo cách như thế nào trong thập niên tới, đặc biệt từ quan điểm của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.

Nguyên tác của Discontents được viết lại theo sau hậu quả của một loạt các cuộc khủng hoảng thị trường mới nổi ở châu Á và những cuộc suy thoái sâu xa trong buổi giao thời tại Liên bang Xô viết cũ. Vào thời điểm đó, các cuộc tranh luận về chính sách đã được tô màu bởi phong trào chống toàn cầu hóa vào cuối những năm 1990, nó đã lên đến đỉnh điểm trong các cuộc biểu tình có bạo động xung quanh Hội nghị Bộ trưởng của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tại Seattle vào năm 1999.

Kể từ đó, thế giới đã bị thay đổi triệt để bởi các cuộc tấn công do khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001, và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu cách đây mười năm với sự sụp đổ của doanh nghiệp Lehman Brothers. Trong khi các thị trường mới nổi tại châu Á đã phát triển ngoạn mục, các nước phát triển đã trải qua tình trạng trì trệ, bất bình đẳng gia tăng và biến động chính trị và xã hội lan rộng.

Do những chuyển biến này mà chính liên minh chống toàn cầu hóa đã tự thay đổi. Vào cuối của những năm thuộc thập niên 1990, trào lưu này tập hợp được những người lo lắng về các tình trạng bất bình đẳng ngày càng tăng và tác động của các hiệp định thương mại đối với việc làm và những người đang soi sáng về sự suy thoái môi trường. Các nhóm chống toàn cầu hóa trong thời đại của Donald Trump cũng tập trung vào các vấn đề như việc làm, thương mại và bất công. Nhưng hiện nay, Hoa Kỳ đang ở trong vị trí thua lỗ nhiều hơn so với các nơi khác còn lại của thế giới, đặc biệt là Trung Quốc, và môi trường đã bị giáng xuống thành một vấn đề thứ cấp.

Bất bình đẳng và các giới bất mãn mới

Trở lại năm 2002, Stiglitz quan tâm chủ yếu đến ảnh hưởng của toàn cầu hóa trong việc phân phối lợi tức và tài sản ở các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi. Chúng ta nhận ra rằng ông là một đại biểu đầu tiên nêu lên hai sự thay đổi chủ yếu trong lĩnh vực kinh tế học trong hai thập niên qua. Đầu tiên, các nhà kinh tế đã chú ý nhiều hơn đến tác động phân phối của các chính sách kinh tế. Hiện nay, chúng ta thừa nhận rộng rãi rằng sự bất bình đẳng có thể ảnh hưởng sâu đậm đến các chính sách và cơ chế bù đắp cho “kẻ thua cuộc” của các kết quả kinh tế hiếm khi là vận hành trong thực tế.

Cả sự bất bình đẳng về kết quả và cơ hội là vấn đề. Nhưng bất bình đẳng về cơ hội chịu nhiều thiệt hại kinh tế trực tiếp và lan rộng hơn, bởi vì nó có nghĩa là vốn nhân lực quý giá đang bị lãng phí. Điều này dẫn đến sự thay đổi thứ hai trong kinh tế học: các nhà kinh tế đã quan tâm tập trung nhiều hơn vào tiến trình, họ thừa nhận rằng mọi người có thể sống với các kết quả bất công bao lâu mà cơ chế xác định các kết quả đó được coi là công bằng.

Hiện nay, Stiglitz thừa nhận rằng các nền kinh tế đang phát triển hoạt động tốt hơn nhiều so với ông dự kiến trong năm 2002, với một số trường hợp ngoại lệ, chủ yếu là ở châu Phi. HIV/AIDS được kiểm soát, tuổi thọ dự liệu tăng lên và sự suy giảm tầng ôzôn đã bị đảo ngược. Các công dân của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển đã gặt hái những lợi ích đáng kể từ việc mở cửa thị trường cho thương mại và đầu tư. Stiglitz tự phê là không nhấn mạnh đến những yếu tố tích cực của toàn cầu hóa. Nhưng vào năm 2018, mối quan tâm chính của ông đã chuyển từ sự chênh lệch giữa các nền kinh tế đang phát triển và trỗi dậy sang tình trạng bất bình đẳng đang gia tăng ngay ở trong các nước-một xu hướng đang làm suy yếu sự hỗ trợ của công chúng cho các định chế quốc gia và đa phương trên toàn thế giới.

Hai tuyệt tác có thể giúp cho chúng ta hiểu rõ hơn về sự bất bình đẳng giữa các nước và trong các nước là The Globalization of Inequality của François Bourguignon, Cựu Kinh tế gia trưởng của Ngân hàng Thế giới và Global Inequality của Branko Milanovic thuộc Đại học Thành phố New York. Mỗi tác giả đi sâu vào chi tiết của các dữ liệu kinh tế khả dụng để trình bày hai chiều hướng bất bình đẳng toàn cầu, nó có thể vừa củng cố và giảm thiểu lẫn nhau như thế nào.

Về phần Bourguignon, ông kể lại rằng giữa năm 1820 và 1990, tình trạng bất bình đẳng toàn cầu (được tính theo dân số) tăng lên đáng kể, đạt mức cao hơn tình trạng bất bình đẳng bất kỳ trong quốc gia nào. Nhưng kể từ năm 1990 và đặc biệt trong thiên niên kỷ mới, bất bình đẳng toàn cầu đã giảm. Kết quả thuần là tỷ lệ dân số thế giới sống trong tình trạng nghèo cùng cực đã giảm xuống còn 20%, từ 70% cách đây một thế kỷ trước.

Sự suy giảm bất bình đẳng ở cấp độ toàn cầu này chủ yếu là do sự hội tụ kinh tế nhanh chóng. Quá trình đó đã được củng cố bởi những gì mà Milanovic gọi là “các làn sóng Kuznets” trong các quốc gia-một hiện tượng bất bình đẳng tăng cao cùng với sự tăng trưởng theo hướng công nghệ, nhưng sau đó cuối cùng là lên tận đỉnh và giảm xuống (do đó ông dùng ẩn dụ là các làn sóng).

Tính đến năm 2018, sự hội tụ vẫn đang diễn ra mạnh mẽ, không chỉ ở Trung Quốc, mà còn nhiều ở nước Đông Á. Khi làn sóng Kuznets rút đi, sự bất bình đẳng ở trong các nước này sẽ tiếp tục giảm. Đồng thời, phân tích của Milanovic cho rằng bất bình đẳng toàn cầu sẽ ngày càng được mô tả là khoảng cách giữa các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển hơn là giữa thế giới đã phát triển và đang mới nổi/đang phát triển. Đặc biệt hơn, các nền kinh tế châu Á thành công sẽ tiếp tục vượt xa các nền kinh tế châu Phi.

Trong khi đó, nhà kinh tế học người Pháp Thomas Piketty đã cho thấy sự bất bình đẳng trong các nền kinh tế phát triển đã tiếp tục tăng lên, khi 0,1-1% số hộ gia đình tích lũy nhiều tài sản hơn. Do nền công nghệ thay thế lao động và ảnh hưởng ngày càng tăng của doanh nghiệp lớn, tiền lương của giới trung lưu đang bị khựng lại. Và điều đó lần lượt đang thúc đẩy một phản ứng chính trị chống lại toàn cầu hóa. Giữa cuộc trưng cầu dân ý Brexit của Vương quốc Anh và cuộc bầu cử của Trump, “Những giới bất mãn mới”, như Stiglitz gọi họ, đã có tác động lớn đến nền chính trị toàn cầu hơn là “Những giới bất mãn cũ” của thế giới đang phát triển.

Cuộc chạy đua vĩ đại

Mặc dù sự bất bình đẳng toàn cầu đã giảm do kết quả của sự hội tụ, nhưng từ năm 2000 một vài nước có thu nhập trung bình đã đạt được thu nhập cao. Kết quả là các nhà hoạch định chính sách ở nhiều nền kinh tế mới nổi/đang phát triển đã lo sợ cái bẫy được gọi là thu nhập trung bình. Trên thực tế, ý tưởng cho rằng các quốc gia có xu hướng gặp khó khăn ở một mức thu nhập cụ thể không được chứng minh qua các dữ liệu. Tuy nhiên, các chính phủ ở các nước có mức thu nhập trung bình hữu lý khi họ giả định rằng việc bắt kịp thế giới phát triển sẽ đòi hỏi cải cách sâu rộng đối với các thể chế kinh tế và chính trị. Vấn đề đặt ra là liệu việc thành tựu một sự biến đổi như vậy trở nên dễ dàng hay khó khăn hơn từ khi tác phẩm Discontents xuất bản lần đầu.

Có lý do chính đáng để nghĩ rằng nhiệm vụ bắt kịp theo các nền kinh tế phát triển có thu nhập cao trở nên khó khăn hơn. Hiện nay, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển phải hội tụ nhanh hơn trong quá khứ, do áp lực dân số và chính trị và các giới hạn công nghệ thay đổi nhanh chóng. Hơn nữa, các chính phủ chịu nhiều ràng buộc về môi trường và xã hội hơn so với trước đây. Nhiều người trong số này được nêu ra trong Chương trình Nghị sự 2030 của Liên Hiệp Quốc, bao gồm 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững và 169 mục tiêu cụ thể được đáp ứng trên con đường để đạt được chúng. Không ai thực sự ngồi xuống và xác định chi phí của Chương trình Nghị sự 2030 hoặc ảnh hưởng của nó đến sự tăng trưởng. Nhưng cộng đồng thế giới phải cùng nhau đảm bảo rằng đầu tư cần thiết không cản trở sự hội tụ hoặc dẫn đến mức nợ không kham nổi ở nhiều nước mới nổi và đang phát triển.

Điều đó nói rằng, việc bắt kịp với thế giới đã phát triển có thể trở nên dễ dàng hơn trong một khía cạnh quan trọng. Trong tác phẩm The Great Convergence, Richard Baldwin thuộc Viện Cao học Geneva, cho thấy hệ thống sản xuất toàn cầu đã chuyển từ thương mại hàng hóa và dịch vụ sang thương mại về thông tin, với các tập đoàn đa quốc gia đang cố gắng ngăn chặn rò rỉ tài sản trí tuệ cho đối thủ cạnh tranh.

Phân tích của Baldwin có ý nghĩa quan trọng đối với cả việc quản trị thương mại toàn cầu và hoạch định chính sách trong nước. Đối với các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi, tin vui là sự phân mảnh của các chuỗi giá trị đã giảm hoặc loại bỏ các rào cản truyền thống để nhập cảng. Một quốc gia không còn phải sản xuất toàn bộ một chiếc xe để trở thành một thành phần của ngành công nghiệp ô tô toàn cầu; họ chỉ cần trở thành một nhà sản xuất có hiệu năng của một mặt hàng duy nhất, chẳng hạn như cần gạt nước cho kính chắn gió hoặc hộp số,  như vậy cũng được gọi là đủ.

Mặc dù những nỗ lực tốt nhất của doanh nghiệp đa quốc là để bảo vệ công nghệ của họ và thông tin được tạo ra ở các giai đoạn khác nhau của tiến trình sản xuất, hiệu ứng lan toả là chuyện không thể tránh, và các nước mới nổi và đang phát triển đang cố để hưởng lợi thế trong hiệu ứng này là chuyện dễ hiểu. Không một quốc gia nào thành công hơn Trung Quốc khi khai thác những cơ hội này một cách có hệ thống; nhưng hầu như tất cả các nền kinh tế mới nổi đều hội nhập các phương thức mua sắm tác quyền trí tuệ vào các chính sách công nghiệp của họ.

Điều thú vị là công trình nghiên cứu gần đây về bằng phát minh sáng chế của Riccardo Crescenzi, nhà địa lý kinh tế, cho thấy rằng các công ty đa quốc hàng đầu ngăn chặn rò rỉ tác quyền trí tuệ tốt hơn nhiều hơn là các doanh nghiệp theo đuôi họ. Đối với các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi, họ có thu lợi rất nhiều được khi gây thu hút các doanh nghiệp hạng hai này.

Kể từ năm 2002 một xu hướng rộng lớn khác là những thay đổi về mặt địa lý trong các mô hình định chế và sản xuất. Cấu trúc tài chính toàn cầu và thương mại hàng hóa và dịch vụ đã trở nên khu vực hóa hơn, như vậy các nước Nam Á hiện đang giao dịch nhiều với Trung Quốc hơn là với Mỹ và châu Âu. Các định chế phát triển khu vực cũng đã tăng tiến và làm thiệt hại cho Ngân hàng Thế giới; các mạng lưới an toàn khu vực như Sáng kiến Chiang Mai ở châu Á và khuôn khổ hậu khủng hoảng trong khu vực đồng Euro đã phần lớn làm mất ảnh hưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế; và các tổ chức phát triển quốc gia như Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Phát triển Brazil đã trở nên quan trọng hơn nhiều ra bên ngoài nước của họ.

Quản trị toàn diện

Làm thế nào để có thể cải thiện việc quản trị việc toàn cầu hóa của chúng ta? Về vấn đề này, tác phẩm The Globalization Paradox của Dani Rodrik, nhà kinh tế học Harvard, có lẽ là một những cuốn sách đang khích lệ cho sự tư duy nhiều nhất. Rodrik cung cấp một khung khái niệm hữu ích để nghiên cứu về tình trạng toàn cầu hóa trong hiện tại. Trọng điểm trong của suy nghĩ của ông là những gì ông gọi là “Ba tình trạng khó khăn của toàn cầu hóa”, trong đó ông đưa ra một việc kết hợp những vấn để chủ quyền quốc gia, hội nhập thị trường và dân chủ đích thực là một tình trạng không thể nắm bắt. Các quốc gia có thể có bất kỳ hai thứ, nhưng không bao giờ đạt được cả ba. Một quốc gia cởi mở hơn để hội nhập thị trường chắc chắn phải nhượng một số mức độ tự quyết dân chủ để tuân thủ các quy tắc và thể chế thương mại quốc tế, đó là chuyện khó tránh. Và các nước muốn tham gia các cơ chế đa phương dân chủ phải từ bỏ một số chủ quyền

Trước thời đại toàn cầu hóa hiện nay, hầu hết các quyết định về hoạch định chính sách đã được suy đoán là do các cơ chế đại biểu quốc gia,  họ chịu trách nhiệm giải trình trước đơn vị tranh cử trong nước. Nhưng với toàn cầu hóa các cấu trúc siêu quốc gia đã thành lập, bắt đầu với các tổ chức Bretton Woods sau Thế chiến II. Xét về các điều kiện theo ba thuật ngữ của Rodrik, Bretton Woods chấp nhận sự hội nhập thị trường, nhưng vẫn giữ vững quyết định trong tay của các chính phủ quốc gia. Kể từ đó, các tổ chức đa phương đã đạt được thẩm quyền chuyên quyết nhiều hơn, mặc dù cơ chế điều hành không được bầu theo thể thức dân chủ. Các cơ quan này được kiểm soát bởi các chính phủ được bầu theo dân chủ; nhưng trên thực tế, Hoa Kỳ đã luôn được hưởng quyền phủ quyết, và việc phân bổ quyền lực giữa các thành viên khác phần lớn phản ánh vị thế tương ứng của họ sau chiến tranh.

Trong nguyên tác Discontents, Stiglitz chỉ trích các tổ chức đa phương như Ngân hàng Thế giới và IMF vì những gì ông thấy là vai trò của họ trong việc làm suy yếu các nền kinh tế mới nổi và phát triển thông qua các chương trình “điều chỉnh cơ cấu”. Nhưng phê bình của ông không phải là một điểm chung chống lại khái niệm về chủ thuyết đa phương, như ngày nay người ta nghe rất thường xuyên. Trong thực tế, Stiglitz vẫn bày tỏ hy vọng lớn trong các tổ chức này.

Ngay sau khi cuốn sách của Stiglitz xuất bản, Kemal Derviş, Cựu Bộ trưởng Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ và Chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, đã xuất bản sách Better Globalization, cung cấp một phân tích sâu rộng và nhiều thông tin phản ánh kinh nghiệm chuyên môn đa dạng của tác giả. Trong số các đề xuất khác, Derviş kêu gọi thành lập Hội đồng An sinh Xã hội và Kinh tế của LHQ, và trình bày cách sắp xếp bỏ phiếu trong nội bộ có thể được cải thiện để đạt được tính chính danh hơn đối với các tổ chức đa phương.

Chuyện không may là kể từ đó, trong chương trình nghị sự về quản trị toàn cầu không có nhiều tiến bộ. Quyền bầu cử đã được điều chỉnh phần nào tại Ngân hàng Thế giới, nhưng Hoa Kỳ vẫn có quyền phủ quyết tất cả các quyết định, cũng như đặc quyền bổ nhiệm vị Chủ tịch cứ 5 năm một lần. Trong khi đó, cải cách quản trị tại IMF thậm chí còn chậm hơn, thúc đẩy các nền kinh tế mới nổi thành lập các tổ chức của riêng họ, chẳng hạn như Asian Infrastructure Investment Bank (AIIB) và New Develpoment Bank

Theo cách dè dặt của riêng của mình, AIIB hiện đang tạo ra các làn sóng trong lĩnh vực quản trị đa phương. Các thành phần có liên quan, trong đó phần chính là có Trung Quốc, đã quyết định bãi bỏ hội đồng quản trị thường trú, trao thêm quyền quyết định về quản lý cho ngân hàng đồng thời thúc đẩy nhiều liên hệ trực tiếp hơn với chính phủ có phần liên quan. Thông qua AIIB, thế giới mới nổi đã chứng minh rằng nó hoàn toàn có khả năng tung ra các tổ chức đa phương hiện đại của riêng mình.

Thay đổi sự quân bình

Tuy nhiên, cần nhiều nỗ lực hơn để tăng cường ảnh hưởng của các nền kinh tế đang nổi lên và đang phát triển đối với các vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến các nước này. Một vấn đề quan trọng là dòng vốn, thường xuất phát từ thế giới phát triển và gây tàn phá ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Các nhà đầu tư tìm kiếm doanh thu cao hơn rót vào các nền kinh tế đang nổi lên và đang phát triển, làm tăng giá tài sản, chỉ tháo chạy ồ ạt, dẫn đến sự sụp đổ các thị trường.

Nhiều quốc gia đã phát triển các công cụ để quản lý các luồng vốn chảy này, bị những lời chỉ trích từ OECD (đại diện cho hầu hết các nước giàu) và IMF. Để chắc chắn, IMF đã làm dịu thái độ của mình đối với việc kiểm soát vốn theo thời gian. Nhưng như Raghuram Rajan, cựu Thống đốc Ngân hàng Ấn Độ, đã lập luận, các thủ tục mới là cần thiết để đảm bảo rằng  phải quan tâm xem xét đến các chính phủ của các nền kinh tế đang trỗi dậy và đang phát triển.

Các sắp xếp mới thuộc về định chế cũng có thể cần thiết để giải quyết sự bất bình đẳng. Milanovic chỉ ra rằng hiện tại không có tổ chức quốc tế nào tập trung vào vấn đề này. Ngân hàng Thế giới có nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo và tạo ra sự thịnh vượng ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, nhưng sự ủy nhiệm này đó không minh thị bao gồm để giải quyết  tình trạng bất bình đẳng. Trong suốt thời đại toàn cầu hóa, tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo là những ưu tiên phát triển hàng đầu. Nhưng những biến cố gần đây ở các nền kinh tế phát triển đã đưa ra sự cấp bách mới cho vấn đề bất bình đẳng trong các nước, như vậy hiện nay, “tăng trưởng toàn diện”  là một khẩu hiệu hàng đầu trong các các chu kỳ phát triển.

Một thay đổi lớn về thể chế đã xảy ra là việc mở rộng vai trò của G20 sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trong cuộc chạy đua để đối ứng toàn bộ cho cuộc khủng hoảng, các chương trình nghị sự phát triển kinh tế  đã được tái ủy nhiệm cho một cơ chể mà nó trước đây không hoạt động, phản ánh các phong trào kiến tạo theo tuần tuần trong sức mạnh tương đối của một số nền kinh tế mới nổi và đang phát triển

Trong thập niên vừa qua, khả năng của tổ chức G-20 trong việc mở rộng quản lý cho các công việc được ủy thác đã trở thành chủ đề của nhiều cuộc tranh luận. Nhiệm vụ chính đối với G-20 chắc chắn dảnh nhiều ưu tiên trong chương trình cho các nền kinh tế đang nổi lên và đang phát triển. Nhưng những ảnh hưởng của những nước này đối với việc ra các quyết định đã bị giới hạn bởi khả năng cung cấp nhân sự đóng góp là bằng chứng. Trong khi các nước tiên tiến đến dự các cuộc họp G-20 với đoàn tùy tùng có hàng trăm người, các nước mới nổi thường đến với với một số ít chuyên viên. Việc cấp cho các nước này một vai trò lớn hơn trong các quyết định ảnh hưởng đến họ sẽ thúc đẩy sự quan tâm mạnh mẽ hơn trong việc xây dựng năng lực nhân sự này.

Mặc dù tất cả các canh tân về thể chế từ năm 2002, các cuộc tấn công của chính quyền Trump về trật tự quốc tế mà Mỹ từng làm rất nhiều để hỗ trợ có nghĩa là các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển phải lo lắng về tính bền vững của hệ thống đa phương. Trong khi hầu hết các nước đều yêu chuộng hơn một hệ thống quản trị toàn cầu dựa trên luật pháp, bản chất của các luật lệ này và cách soạn thảo rõ ràng là vấn đề. Không giống như trong thời kỳ hậu chiến, Hoa Kỳ không còn có thể đơn phương thiết lập các quy tắc và Hoa Kỳ có thể lựa chọn một thế giới mà quyền lực thô bạo là quan trọng.

Đường lối tận cùng

Cuối cùng, có ít ai nghi ngờ rằng, hiện nay các nền kinh tế đang phát triển và đang nổi tốt hơn so với khi Stiglitz đã viết nguyên tác Discontents. Tuy nhiên, trong khi toàn cầu hóa đã góp phần làm giảm sự bất bình đẳng về kết quả ở cấp độ toàn cầu, giới bình luận vẫn đang không chắc chằn rẳng liệu các nước đang trỗi dậy và đang phát triển có bắt kịp được các nền kinh tế phát triển không. Vai trò của toàn cầu hoá trong sự gia tăng tình trạng bất bình đẳng của cả hai việc các kết quả và các cơ hội trong các nền kinh tế phát triển đang còn gây tranh cải, nhưng hiện nay những khoảng cách ngày càng mở rộng đang làm suy yếu niềm tin trong các các định chế quốc gia và quốc tế-và cuối cùng cho chính toàn cầu hóa.

Điều rõ ràng là sự tin tưởng vào khả năng của cộng đồng quốc tế về khả năng đạt được các thỏa thuận đa phương toàn diện đang giảm sút. Vào thời kỳ mà Bretton Woods hoặc Hiệp định Plaza, khi các nhà lãnh đạo thế giới có thể ngồi xuống và tìm ra các giải pháp chung cho các vấn đề chung, có vẻ đi qua xa. Trong tác phẩm Grave New World tạo nhiều thư giản, Stephen D. King, một cố vấn kinh tế cấp cao của HSBC, chỉ ra một số lĩnh vực mà vẫn có thể còn hợp tác, nhưng nhìn chung, kết luận của ông là bi quan.

Tuy nhiên, còn có những điểm sáng. Ví dụ như Hiệp định về Khí hậu tại Paris là một thành tích đáng chú ý và sáng tạo của hành động tập thể. Thay vì cố gắng áp đặt các giới hạn số lượng khí thải theo luật, hiệp định thực thi các mục tiêu cho quốc gia được thông qua việc giám sát song hành và áp lực nặng nề do xã hội dân sự và cộng đồng quốc tế. Đây là một phương sách đầy hứa hẹn để huy động hành động cho toàn cầu. Tuy nhiên, đ iều này nói rằng liệu cùng một mô hình sẽ áp dụng cho các khu vực khác được không là chuyện vẫn còn trông đợi

Việc tăng cường G20 như một cơ chế quản trị toàn cầu đã cho các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển có vai trò lớn hơn trong việc tìm ra các quyết định cho toàn cầu. Nhưng những cải cách đối với tiến  trình tạo lập quyết định đã không theo kịp với tốc độ tăng trưởng kinh tế đang phát triển của nền kinh tế mới nổi. Trong một trật tự toàn cầu ngày càng phân hoá, các nước như Trung Quốc có nhiều ảnh hưởng hơn bao giờ hết, đặc biệt là ở trong các khu vực của riêng họ. Nhưng trong phạm vi các tổ chức thực sự toàn cầu, tiến trình tiếp nhận các quyền lực mới đã chậm hơn.

Một dấu hiệu đầy hy vọng là vào năm ngoái trong nhiệm kỳ chủ trì G20 của Đức, một nhóm nhân sĩ nổi danh của Quản trị Tài chính Toàn cầu thuộc G20 được bổ nhiệm để kiểm tra các tổ chức tài chính quốc tế như là một hệ thống. Các nền kinh tế tiên tiến và mới nổi có số lượng thành viên ngang nhau và vị chủ tịch là Tharman Shanmugaratnam, Phó Thủ tướng Singapore, đến từ thế giới mới nổi. Nhóm này sẽ phúc trình trong cuộc họp thường niên của IMF /Ngân hàng Thế giới vào tháng 10.

Nhìn về tương lai, điều rõ ràng là các cải cách cấu trúc quản trị toàn cầu phải được kết hợp với những nỗ lực để thúc đẩy khả năng của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển trong việc định hình cho tương lai của chính họ. Chính phủ các nước này hữu lý khi lo rằng hành động đơn phương các siêu cường hướng tới việc phá hủy hệ thống đa phương khi họ dựa vào toàn cầu hóa. Nếu thế giới đang hướng tới một thực tế mới dựa trên quyền lực cứng rắn, các nước mới nổi và đang phát triển sẽ là phe thua cuộc nặng nề. Hiện nay, họ quan tâm cấp thiết việc xây dựng một chủ thuyết đa phương đa cực hơn và đoàn kết hơn-và để làm như vậy họ cần sức mạnh.

***

Erik Berglöf, Cựu Kinh tế gia trưởng Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu, Giáo sư Kinh tế và Giám đốc tại Học viện Các Vấn đề Toàn cầu, Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị Luân Đôn.

Nguyên tác: The Evolution of Globalization

_____

Sách tham khảo

Richard Baldwin, The Great Convergence: Information Technology and the New Globalization, Harvard University Press, 2016

François Bourguignon, The Globalization of Inequality, Princeton University Press, 2015

Kemal Derviş and Ceren ÖzerA Better Globalization: Legitimacy, Governance, and Reform, Center for Global Development, 2005

Stephen D. King, Grave New World: The End of Globalization, The Return of History, Yale University Press, 2017

Branko Milanovic, Global Inequality: A New Approach for the Age of Globalization, Harvard University Press, 2016

Dani Rodrik, The Globalization Paradox: Democracy and the Future of the World Economy, W. W. Norton & Company, 2011

Joseph E. Stiglitz, Globalization and its Discontents, W. W. Norton & Company, 2002

Joseph E. Stiglitz, Globalization and its Discontents Revisited: Anti-Globalization in the Era of Trump, W.W. Norton & Company, 2017

Bình Luận từ Facebook