GS Nguyễn Đăng Hưng
1-10-2018
Tôi đồng ý việc nhất thể hoá (hợp nhất 2 chức TBT đảng và Chủ Tịch nước) cần thiết cho sự minh bạch và gọn nhẹ trong việc lãnh đạo quốc gia. Người đứng đầu phải có chính danh rõ ràng, có thực quyền trong những quyết định liên quan đến sự chọn lựa chiến lược quan trọng.
Người đứng đầu (theo thể chế hiện hành), phải chịu trách nhiệm trước đảng và quốc hội về những thành bại của sự chọn lựa, tránh thói cũ ném đá giấu tay, vận động hành lang, đổ thừa cho cấp dưới khi có sai lầm. (Kiểu chính sách bao giờ cũng đúng còn thực hiện có sai vì chưa quán triệt hết nghị quyết, chưa thực thi lãnh đạo tập thể, còn cá nhân chủ nghĩa!).
Tuy vậy, tôi chưa xác định ủng hộ ai là người sẽ đảm nhiệm trọng trách. Cái này tùy thuộc tương quan lực lượng trong đảng. Dĩ nhiên người có vị trí thuận lợi rõ nhất hiện nay là ông Nguyễn Phú Trọng! Tuy nhiên lập trường của ông này trong tương quan Việt -Trung thì chưa rõ.
Tôi chưa bao giờ nghe ông tuyên bố lời nào phù hợp với quyền lợi chính đáng của dân tộc Viêt Nam trong quan hệ Việt – Trung. Ngược lại, ông phát biểu làm vừa lòng ông Tập Cận Bình thì ta thường thấy…
Tôi cũng chưa nghe ông nói câu nào tỏ rõ là nhà chính trị có viễn kiến đổi mới chính trị, kinh tế cho phù hợp với xu thế hội nhập! Ngược lại, ông có quan điểm chính thống cổ điển, chống thay đổi, diễn biến, kiên định sự lãnh đạo của đảng theo hướng bảo thủ. Cái này thì đã rất rõ!
Điều lạ là chính ông lại hoài nghi về con đường mà đảng ông hướng tới. Ông bảo, hết thế kỷ 21 chưa chắc các mục tiêu xã hội chủ nghĩa sẽ đạt được. Ông kiên định cái không có gì chắc chắn?
Mâu thuẫn này làm tôi nghĩ, có thể không nói ra, nhưng ông cũng có trăn trở cho tương lai của con đường mà ông đang thừa kế?
Trong thế chính trị tranh chấp toàn diện Mỹ – Trung hiện nay, tôi tự hỏi ông có thấy được những nước cờ thoát vây cho Việt Nam không? Nếu không thấy thì rất không may cho Việt Nam, lại một lần nữa mất đi một cơ hội ngàn năm vậy!…