Phạm Đình Trọng
22-9-2018
Đọc tin ông lớn Trần Đại Quang, Chủ tịch nước chết vì căn bệnh hiểm sáng 21.9.2018, tôi cứ nghĩ đến những cái chết tức tưởi, đau đớn của hàng trăm người Dân trên đường phố, trong trụ sở công an, trong trại tạm giam bởi những cú ra đòn tàn độc của công an thời ông Trần Đại Quang làm Bộ trưởng bộ Công an.
Vài dẫn chứng về những người Dân bị công an đánh chết thời ông Trần Đại Quang đang đứng đầu bộ Công an, đang đứng đầu trách nhiệm về những họa phúc do công an mang lại cho Dân cho nước: Ông Nguyễn Mậu Thuận, 56 tuổi, bị đánh chết trong trụ sở công an xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội. Anh Ngô Thanh Kiều, 30 tuổi, bị công an đánh chết trong nhà tạm giam ở thành phố Tuy Hòa, Phú Yên. Em Tu Ngọc Thạch, 14 tuổi, bị công an xã Vạn Long, Vạn Ninh, Khánh Hòa đánh chết ngay trên đường cái quan số 1.
Hàng trăm người Dân bị công an đánh chết vô cùng man rợ mà ông Bộ trưởng Công an vẫn dửng dưng rũ bỏ trách nhiệm, vẫn ham hố công danh, miệt mài leo lên tới chức Chủ tịch nước, tột đỉnh quyền lực. Hành xử đó là sự thách thức lương tâm con người của kẻ không còn liêm sỉ, không còn tính người. Đó là cái ác.
Trước cái chết của một con người, ai cũng ngậm ngùi, xót thương. Bảy Dân thường bị chết vì sốc ma túy trong đêm hội nhạc ở công viên nước Hồ Tây, Hà Nội đêm 16.9.2018 cũng làm tôi lặng đi trong bùi ngùi xúc động. Nhưng tôi không chút xúc động khi hay tin về cái chết của ông lớn Chủ tịch nước Trần Đại Quang, nguyên là Bộ trưởng Công an, người đã trốn tránh trách nhiệm trước cái chết của hàng trăm người Dân lương thiện bị công an, quân của ông Quang tước đoạt mạng sống. Dù người yếu lòng cũng không ai dành sự xót thương cho cái ác mà chỉ có sự căm giận. Dù cái ác vẫn còn nhưng bớt đi một cái ác, cuộc sống cũng nhẹ nhõm, an lành hơn.
Kế nhiệm ông Trần Đại Quang đứng đầu bộ Công an là ông Tô Lâm. Số người Dân bị công an đánh chết thời ông Bộ trưởng Tô Lâm còn dồn dập và man rợ hơn vì không có ai phải chịu trách nhiệm về cái ác của công cụ bạo lực nhà nước hoành hành mặc sức tước đoạt mạng sống của người Dân.
Sự vô cảm của người Dân, có người còn thở phào nhẹ nhõm trước cái chết khi còn khá trẻ của ông lớn nguyên Bộ trưởng bộ Công an Trần Đại Quang là sự nhìn nhận của lòng Dân, là sự phán xét của cuộc đời, là sự cảnh tỉnh cho những người đang và sẽ kế nhiệm quyền lực và trách nhiệm của ông lớn Trần Đại Quang ở bộ Công an.
Lòng Dân là ngôi đền thiêng với những người có công với Dân với nước nhưng cũng là pháp trường của cái ác, của những kẻ hại Dân, phản nước. Chết trong lòng Dân là cái chết đau đớn, nhục nhã nhất của một kiếp người.