Khi Dân Chủ Nga Gục Chết

Wall Street Journal

Tác giả: David Satter

Dịch giả: Lê Minh Nguyên

20-9-2018

Vi phạm trắng trợn hiến pháp mà ông tuyên thệ bảo vệ, Tổng thống Boris Yeltsin đã ký một sắc lệnh bãi bỏ Quốc hội Nga có tên Liên Xô Tối Cao (Supreme Soviet) ngày 21/9/1993. Điều này là tiền đề cho cuộc nội chiến kéo dài hai ngày vào tháng 10, làm chết ít nhất 123 mạng nguời, và dẫn đến sự nổi lên của chế độ độc tài. Đến tháng 12, một hiến pháp mới được áp dụng với việc hình thành tổng thống siêu quyền lực và một Quốc hội bỏ túi có tên State Duma, không có năng lực cân bằng quyền hành pháp.

Yeltsin, với sự ủng hộ của Hoa Kỳ, bênh vực hành động của mình bằng cách cáo buộc Liên Xô Tối Cao phá hoại chuơng trình đổi mới kinh tế của ông. Nhưng nhiều người Nga thấy rằng nó thực sự là ​​một sự thu tóm quyền lực phi pháp, được tổ chức để đưa Nga trở về sự cai trị của một cá nhân.

21 tháng đầu tiên của Yeltsin (trước khi xảy ra sự việc này) được đánh dấu bằng sự gia tăng căng thẳng giữa hành pháp và lập pháp về “chấn động trị liệu” nền kinh tế (shock therapy). Vào tháng 1/1992 Yeltsin đột ngột thả nổi giá cả. Điều này dẫn đến siêu lạm phát, xóa sạch sổ tiết kiệm gia đình của hàng triệu người dân Nga. Ông hứa hẹn giá cả sẽ xuống thấp lại trong vòng một năm, nhưng đến cuối tháng 12 lạm phát đến 2,318%. Nhiều đại biểu quốc hội bày tỏ sự phản đối một số khía cạnh của cải cách. Tuy nhiên, Yeltsin đã không màng tới họ. Ông không giải thích các chính sách của ông hay vận động lobby các đại biểu. Hồi tháng 11/1991, ông được sự ủng hộ của 2/3 Quốc Hội, 6 tháng sau 2/3 QH chống đối ông.

Vào mùa hè năm 1993, Liên Xô Tối Cao tính toán lại ngân sách của Yeltsin, tăng hưu bổng và lương cho giáo viên, bác sĩ cùng những người khác được trả bằng nguồn tiền của ngân sách nhà nước. Ngân sách của lập pháp quy định thâm hụt 28,000 tỷ rúp, tương đương 25% tổng sản lượng quốc nội. Yeltsin tuyên bố sẽ phớt lờ nó với lý do là nó sẽ phá hỏng cuộc cải cách của ông.

Ngày 21/9, Yeltsin tuyên bố xóa bỏ Quốc hội. Các đại biểu bỏ phiếu buộc tội ông (impeach) và thay thế ông bằng Phó Tổng thống Alexander Rutskoi. Hàng trăm đại biểu từ chối rời khỏi tòa nhà Quốc hội, được gọi là Nhà Trắng. Yeltsin cắt điện, nhiệt, nước và bao vây tòa nhà QH với cảnh sát chống bạo động và dây thép gai.

Ngày 3/10, các thành viên của lực lượng dân quân phát xít đã xông vào tháp truyền hình Ostankino. Quân đội vũ trang đến tận răng ở bên trong nổ súng vào hàng ngàn người biểu tình ủng hộ Quốc hội tại quảng trường kế bên, giết chết 46 người và làm bị thương 124 người.

Yeltsin sau đó, ngày 4/10, ra lệnh cho các xe tăng nã pháo vào tòa nhà Quốc hội. Các pháo nổ tạo ra sóng chấn động mạnh đến độ làm nát bấy đầu các nạn nhân. Nhiều người trong tòa nhà – bao gồm cả các đại biểu, nhà báo và nhân viên – đã phải trốn trong hội trường của Hội đồng dân tộc (Council of Nationalities), được thiết kế như một nơi trú ẩn bom. Cuối cùng, khi sự kháng cự hoàn toàn chấm dứt, các thành viên của một đơn vị chống khủng bố đi vào tòa nhà và nhận sự đầu hàng của các đại biểu.

Yeltsin nói cuộc tấn công vào tháp truyền hình Ostankino buộc ông phải oanh kích Nhà Trắng. Nhưng bằng chứng nhanh chóng xuất hiện cho thấy rằng Yeltsin đã chuẩn bị cho việc bạo lực này ngay cả trước khi ông ban hành sắc lịnh ngày 21/9, và các sự kiện tại Ostankino là kế hoạch tàn sát đã được chuẩn bị trước của phe tổng thống. Vào ngày 3/8, Yeltsin hứa hẹn một “mùa thu nóng” và bắt đầu đến thăm các căn cứ của những đơn vị quân đội quan trọng trong khu vực Moscow. Ông cũng cho tăng lương các sĩ quan từ hai đến ba lần. Ngày 22/9, một ngày sau khi sắc lịnh được ban hành, các bệnh viện ở Moscow được lệnh chuẩn bị thêm giường cho trường hợp có thêm các nạn nhân. Đến 29/9, đã có 2,500 cảnh sát chống bạo động hiện diện xung quanh Nhà Trắng, đánh đập những người biểu tình ủng hộ Quốc hội một cách bừa bãi.

Tuy nhiên, ngày 3/10, cảnh sát ở Moscow đã biến mất một cách bí ẩn. Các viên chức cảnh sát đã bỏ ngỏ từ trạm kiểm soát này đến trạm kiểm soát khác, để lại đằng sau các xe tải và xe buýt với chìa khoá trong ổ đề máy. Những người biểu tình lái xe hoặc đi bộ mà không bị cản trở đến Ostankino, họ hy vọng được tiếp cận nơi phát sóng vì nó đang bị phủ sóng bởi những tuyên truyền ủng hộ Yeltsin.

Tướng Albert Makashov, chỉ huy lực luợng bảo vệ nhân viên QH của Nhà Trắng, đến Ostankino với nhóm của ông, gồm 20 người có vũ khí tự động và một súng phóng lựu lấy từ cảnh sát chống bạo động. Bên trong tòa nhà có 500 cảnh sát và quân đội trang bị 320 vũ khí tự động đang đợi họ sau các công sự bê tông.

Một trong những người của Tướng Makashov đã bắn súng phóng lựu vào cửa. Một vụ nổ không liên quan ở tầng thứ nhất của tòa nhà đã giết chết Nikolai Sitnikov, nguời của lực lượng phòng thủ bên trong. Một màng lửa đạn được bắn ra từ bên trong tòa nhà, đốn ngã ngay lập tức những người biểu tình không vũ trang, những người hiếu kỳ và những nhà báo trong quảng trường, nó nhanh chóng trở thành bãi chiến trường với những người chết và bị thương. Terry Michael Duncan, một luật sư người Mỹ đã kéo ba người đến nơi an toàn, nhưng chính ông bị bắn vào đầu chết.

Những người ủng hộ Quốc hội không bắn trả. Dù vậy, truyền hình Nga thông báo rằng Ostankino đã bị một đám đông vũ trang chiếm giữ. Yeltsin kêu gọi “công dân Nga”, ông nói những gì đang diễn ra là “một cuộc chống đối vũ trang đã được lên kế hoạch từ trước.”

Cuộc điều tra của công tố viên toàn quốc (general prosecutor) về các sự kiện tháng 10 xác định rằng cái chết của Sitnikov và Sergei Krasilnikov, biên tập viên video ở Ostankino, không phải là trách nhiệm của các lực lượng ủng hộ Quốc hội. Sitnikov chết vì một vụ nổ bên trong tòa nhà. Viên đạn giết Krasilnikov được bắn ra từ một hành lang có đầy quân của Bộ Nội vụ.

Leonid Proshkin, người đứng đầu cuộc điều tra, nói “Những gì đã xảy ra ở Ostankino không thể nói gì khác hơn ngoài một vụ thảm sát. Tại sao họ lại không thể giải tán đám đông? Tại sao họ lại bắn vào những người chỉ hiếu kỳ? ”

“Chiến thắng” của Yeltsin được Ngoại trưởng Warren Christopher chào đón nhiệt tình, ông nói rằng Hoa Kỳ thường không ủng hộ việc giải tán QH “nhưng đây là những lúc bất thường.”

Sự hủy diệt phi pháp Liên Xô Tối Cao và việc tạo ra một tổng thống siêu quyền lực tiếp theo ngay sau đó đã phá hủy mọi khả năng của sự phân quyền thuần tuý. Một năm sau, Yeltsin phát động cuộc chiến tranh Chechen đầu tiên. Những người tự do Nga đã ủng hộ ông Yeltsin phát hiện ra rằng nếu không có một quốc hội thực sự, Yeltsin có thể đơn phương lôi kéo quân đội vào một cuộc chiến chống lại công dân Nga trên lãnh thổ Nga.

Vụ đánh bom căn hộ ở Nga năm 1999 đã đưa Vladimir Putin lên nắm quyền thuộc về những năm xa sau đó, cũng như việc ông Putin loại bỏ những tàn dư của nền dân chủ. Nhưng số phận của Nga đã được niêm phong vào tháng 10 năm 1993. Khi Yeltsin quyết định sử dụng vũ lực chống lại các đại biểu do dân bầu và Hoa Kỳ ủng hộ ông ta, thì sự xuất hiện của một chế độ độc tài mới ở Nga dành riêng cho xâm lăng và khủng bố chỉ là vấn đề thời gian.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây