Bản tin Biển Đông ngày 21/9/2018

BTV Tiếng Dân

Việt Nam ém tin về hợp tác khai thác chung với TQ ở Biển Đông

Như tin đã đưa, sau phiên họp lần thứ 11 của Ủy ban Hợp tác Song phương Việt Nam – Trung Quốc, Tân Hoa Xã đưa tin, trong cuộc họp, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đề nghị Việt Nam cùng hợp tác thăm dò chung như là “cách tích cực nhất để quản lý và kiểm soát tranh chấp trên biển“.

Trả lời vấn đề này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết, Việt Nam ủng hộ hợp tác trên biển “theo qui định và chế định của Công ước LHQ về luật biển 1982 phù hợp với quyền của Việt Nam cũng như tôn trọng lợi ích của các bên liên quan”.

Bà Hẳng nói rằng, trên thực tế Việt Nam đã có hợp tác song phương và đa phương với các quốc gia khác, trong đó có Trung Quốc, với nhiều hình thức khác nhau từ hoạt động kinh tế, cho đến nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường, phòng chống tội phạm trên biển.

Bà Hằng cho biết thêm: “Thông tin về kỳ họp họp lần thứ 11 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc đã được báo chí đăng tải đầy đủ. Hai bên đã nhất trí tuân thủ nhận thức chung quan trọng đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai đảng, hai nước và ‘Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biểnViệt Nam – Trung Quốc’; kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp tình hình, mở rộng tranh chấp, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông“.

Cũng cần lưu ý rằng, trước thời điểm bà Hằng lên tiếng, báo chí trong nước đã không đề cập đến lời đề xuất của phía Trung Quốc về hợp tác thăm dò chung ở Biển Đông. Thông tin này chỉ được tiết lộ bởi truyền thông Trung Quốc.

Cũng tin Biển Đông, tại buổi họp báo thường kỳ hôm qua 20/9, bà Hằng cũng đề cập đến quan điểm của Việt Nam về các sự kiện Anh tiến hành hoạt động tự do hải hành ở quần đảo Hoàng Sa, và Nhật diễn tập trên Biển Đông. Bà Hằng khẳng định lại chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa. Bà nói: “Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp luật pháp quốc tế”.

“Việt Nam tôn trọng các quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông của các quốc gia phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982, đồng thời đề nghị các quốc gia đóng góp thiết thực và có trách nhiệm vào việc duy trì trật tự, hòa bình và thượng tôn pháp luật ở Biển Đông”, bà Hằng nói.

Còn đối với sự kiện Nhật diễn tập trên Biển Đông, bà Hằng phát biểu: “Với tư cách là quốc gia thành viên của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 và là quốc gia ven Biển Đông, Việt Nam khẳng định lập trường nhất quán về quyền tự do hàng hải, hàng không được thực hiện phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982”.

Đọc thêm: Việt Nam hoan nghênh đề nghị của Trung Quốc cùng khai thác Biển Đông (VOA).

Trung Quốc tiếp tục chỉ trích Anh

Phát biểu tại London hôm thứ Tư vừa qua, Đại sứ Trung Quốc tại Anh, Liu Xiaoming nói rằng, sự can dự của các nước ngoài khu vực chỉ “tạo ra rắc rối”.

Không ngoài tiên đoán của các nhà phân tích, đại sứ Trung Quốc viện dẫn quá trình đàm phán COC giữa Trung Quốc và ASEAN để chứng tỏ các nước trong khu vực có đủ tự tin và năng lực để giải quyết tranh chấp, và nhờ vậy Biển Đông đang được ổn định và yên ắng. Đại sứ Trung Quốc nói rằng, chính các cường quốc ngoài khu vực đã không quý trọng hoà bình và sự yên tĩnh ở Biển Đông: “Họ đã gửi các tàu chiến và máy bay đến tận Biển Đông để gây rối”.

Ông Liu nói cho những hành động này là lạm dụng “tự do hải hành” và cần phải chấm dứt. “Nếu không Biển Đông sẽ không bao giờ được yên bình,” ông đe nạt.

Trong khi đó, theo báo The Times của Anh, nước Anh không có ý định tìm kiếm rắc rối ở Biển Đông. Tờ báo này dựa trên những nguồn tin từ chính phủ Anh, trước khi thực hiện tự do hải hành ở Biển Đông, Hải quân Hoàng gia Anh đã được lệnh là phải tránh không tới gần các thực thể mà Trung Quốc đang chiếm đóng để không gây ra ấn tượng hung hăng khi khẳng định quyền tự do cho tất cả các tàu đi qua một trong những tuyến đường biển bận rộn nhất thế giới này.

Đọc thêm: Trung Quốc cáo buộc tàu nước ngoài gây bất ổn Biển Đông (RFA). – Tàu ngầm Nhật đã tập trận ở Biển Đông suốt 15 năm qua (Oxii).

Hoa Kỳ và Philippines thảo luận về Biển Đông

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, bà Heather Nauert, cho biết: “Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Michael R. Pompeo đã tiếp đón Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana tới Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tại Washington D.C ngày 19/9. Hai Bộ trưởng tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ và Philippines về Hiệp ước Phòng thủ chung năm 1951. Bộ trưởng Pompeo và Bộ trưởng Lorenzana đã thảo luận về hợp tác giải quyết các thách thức an ninh khu vực, bao gồm cả việc quân sự hóa Biển Đông, các mối đe dọa khủng bố, cũng như nỗ lực để đạt được phi hạt nhân hoá ở Bắc Triều Tiên. Bộ trưởng Pompeo tái khẳng định Mỹ sẵn sàng tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ việc hiện đại hóa các lực lượng vũ trang của Philippines”.

Trước đó ngày 18/9, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines đã có cuộc gặp người đồng cấp Hoa Kỳ James Mattis nhằm “tái khẳng định mối quan hệ quốc phòng lâu dài giữa Hoa Kỳ và Philippines”. Tuy nhiên trong thông cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ không thấy nhắc đến trường hợp cụ thể là Biển Đông.

Những thông tin khác: Ký kết Quy chế phối hợp quản lý tàu cá hoạt động khai thác thủy sản trên biển (TNMT). – Doanh nghiệp đua nhau xin “nhận chìm vật chất” xuống biển (TBKTSG). – Úc muốn xây căn cứ ở Papua New Guinea để đối phó Trung Quốc (TN). – Trung Quốc bị tố cáo điều tàu do thám Nga tại tập trận Vostok-2018 (VNE).

Bình Luận từ Facebook