BTV Tiếng Dân
Mỹ và Trung Quốc – những dự báo tương lai
Stratfor mới đây đưa ra dự báo về xu hướng thế giới trong những tháng còn lại của năm 2018. Đề cập đến Sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc, Stratfor dự đoán, Bắc Kinh sẽ cố gắng để xoay chuyển tình thế, biến đổi sự kháng cự ngày càng tăng đối với các dự án trong Sáng kiến Vành đai và Con đường thành cơ hội để làm dịu đi những bất đồng với các nước láng giềng.
Bắc Kinh sẽ làm điều này bằng cách giảm đi sự chú ý đối với mình và kéo các nhà đầu tư bên thứ ba vào. Trong khi đó, Ấn Độ sẽ ưu tiên các thoả thuận song phương với những nước then chốt, từ chối bất kỳ liên minh khối nào chống lại Trung Quốc trong lúc đang cố gắng cân bằng với người hàng xóm mạnh hơn.
Về Hoa Kỳ, Stratfor dự báo nước này sẽ tiếp tục dần dần thay đổi dấu chân quân sự, tái phân bổ nguồn lực và chuyển trọng tâm chiến lược của mình để thích ứng với cuộc cạnh tranh quyền lực lớn đang nổi lên với Trung Quốc và Nga. Để đạt được điều này, Hoa Kỳ sẽ buộc phải ưu tiên các cam kết của mình ở châu Âu và khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Ở Thái Bình Dương, tuy Mỹ vẫn là cường quốc hải quân thống trị, nhưng Trung Quốc đang có những tham vọng đuổi kịp Mỹ về tiềm lực quân sự. Sự phát triển các kho vũ khí đạn đạo và tên lửa hành trình của Trung Quốc cùng với sự thiếu vắng căn cứ không quân của Hoa Kỳ đã làm phức tạp vị thế quân sự chiến lược của nước này trong cuộc cạnh tranh với Bắc Kinh. Bởi vậy Hoa Kỳ phải chú trọng đặc biệt vào mối quan hệ của mình với Nhật Bản và Singapore. Đồng thời, Lầu Năm Góc cũng đang tìm kiếm các căn cứ thay thế ở những nơi như miền bắc Australia, Philippines và Quần đảo Bắc Mariana. Hoa Kỳ đã duy trì một sự hiện diện quân sự đáng kể ở Hàn Quốc, nhưng các lực lượng này chủ yếu hướng đến một cuộc xung đột tiềm năng với Bắc Hàn và thậm chí có thể trở thành gánh nặng chiến lược cho Hoa Kỳ trong một sự kiện chiến tranh vì nằm trong phạm vi tấn công của lực lượng bộ binh Trung Quốc lớn hơn nhiều.
Ngoài các vấn đề quân sự, Washington cũng sẽ tăng cường mối quan hệ của mình với một số quốc gia châu Á-Thái Bình Dương không liên minh để tạo hàng rào chống lại sự lên ngôi của Trung Quốc. Ấn Độ, Việt Nam, Malaysia và Indonesia có lẽ sẽ được chứng kiến sự chú ý ngày càng tăng từ Hoa Kỳ đối với những quốc gia này trong những năm tới. Cùng nhau, các quốc gia này tạo thành một liên minh vững chắc trên vành phía nam của chuỗi đảo đầu tiên – một khu vực bao quanh các vùng biển Vàng, Biển Hoa Đông và Biển Đông – từ đó Hải quân Hoa Kỳ có thể ngăn chặn các tuyến giao thông biển của Trung Quốc tới châu Phi, Trung Đông và châu Âu. Đương nhiên, Trung Quốc dường như không còn thụ động ở mặt trận này, và sẽ đáp ứng bằng cách tích cực tăng cường mối quan hệ của mình với các nước Đông Nam Á.
Hoa Kỳ cũng đang cân nhắc những thay đổi lớn về cách thức triển khai lực lượng hải quân toàn cầu. Trong ba thập kỷ qua, lực lượng tàu sân bay đặc nhiệm của Hoa Kỳ đã duy trì hiện diện hầu như không đổi trong vùng biển xung quanh Trung Đông. Tuy nhiên, hiện tại nước này đang nỗ lực chuyển hướng, tập trung nhiều hơn ở châu Âu và khu vực Thái Bình Dương, thực hiện các chuyến tuần tra thường xuyên hơn và việc triển khai cũng khó dự đoán được hơn.
Đài Loan sẽ là vấn đề có khả năng lớn nhất đẩy Mỹ và Trung Quốc vào một cuộc xung đột công khai, theo Stratfor. Mỹ dường như ngày càng sẵn sàng kích động Trung Quốc chống lại hòn đảo này thông qua việc bán thiết bị quân sự nhạy cảm và tăng cường tham gia ngoại giao và quân sự với Đài Bắc, trong khi các lựa chọn quân sự của Trung Quốc đang mở rộng cùng với sự phát triển hải quân của nước này.
Một thách thức khác đến từ Trung Quốc mà tác động trực tiếp đến các nước Đông Nam Á trong vấn đề Biển Đông, đó là làn sóng khách du lịch Trung Quốc, theo TS Lê Hồng Hiệp viết trong một bài bình luận với tựa đề “Làn sóng du khách TQ gây ra thách thức mới cho VN. Theo bài viết, trong thời gian xảy ra cuộc đối đầu với Philippines tại bãi cạn Scaborough năm 2012 mà kết quả sau đó Bắc Kinh đã thành công giành được sự kiểm soát, Bắc Kinh đã chỉ đạo các công ty du lịch của mình dừng đưa du khách Trung Quốc tới Philippines để gây áp lực lên Manila. “Hoàn toàn có thể Trung Quốc sẽ làm tương tự với Việt Nam nếu căng thẳng song phương trên Biển Đông leo thang trong tương lai, khiến Hà Nội càng dễ bị tổn thương hơn trước ảnh hưởng kinh tế của Bắc Kinh,” bài bình luận dự báo.
Đọc thêm: Vành đai – Con đường: Tiền của TQ có thể dè bỉu, nhưng khó lòng từ chối? (MTG). – Khắp thế giới cấm cửa đầu tư Trung Quốc (NLĐ).
Thấy gì qua công trình nghiên cứu của Hội Luật Quốc Tế Trung Quốc?
Tháng 6/2018, Hội Luật quốc tế Trung Quốc công bố một công trình nghiên cứu dài hơn 500 trang của các học giả Trung Quốc tại một tạp chí có uy tín thuộc hệ thống tạp chí chuyên ngành của trường Đại học Oxford (Vương quốc Anh) chỉ trích Phán quyết của Toà trọng tài vụ kiện Biển Đông. Theo TS Nguyễn Thị Lan Anh trong một bài nghiên cứu phân tích công trình này, đa số các lập luận của các học giả Trung Quốc không có gì mới, “vẫn là những lập luận thiếu cơ sở pháp lý nhằm chỉ trích từng câu, chữ của Phán quyết Trọng tài. Tuy nhiên, công trình nghiên cứu này cũng cung cấp nhiều chi tiết, giúp quốc tế hiểu hơn về quan điểm và chính sách pháp lý của Trung Quốc về Biển Đông, từ đó dự báo được các bước đi của Trung Quốc trong thời gian tới”.
“Các lập luận trong Nghiên cứu cho thấy Trung Quốc thực sự có tham vọng hạn chế quyền tự do hàng hải của các quốc gia tại Biển Đông; đồng thời, biến tất cả Biển Đông thành khu vực Trung Quốc có quyền lịch sử và quyền tài phán. Thực hiện các hoạt động trên biển nhằm hiện thực hóa tham vọng này sẽ tạo ra hình ảnh về một cường quốc thiếu trách nhiệm, không tuân thủ luật quốc tế và tiếp tục làm cho tình hình Biển Đông phức tạp trong thời gian tới,” theo phân tích của nhà nghiên cứu đến từ Học viện Ngoại giao Việt Nam.