BTV Tiếng Dân
Hợp tác chung liên quan tới Biển Đông
Trung Quốc – Philippines
Nội dung dưới đây là bản dịch bài báo từ Wall Street Journal, bổ sung thêm các bình luận từ GS Carl Thayer trước đó, và báo The Times của Anh.
Trung Quốc đang ở tư thế sẵn sàng giành chiến thắng chính yếu trong cuộc tranh chấp Biển Đông nhờ vào thoả thuận khai thác tài nguyên của Philippines.
Theo báo Wall Street Journal tường thuật, các quan chức Philippines cho biết, hai chính phủ đang làm việc để tạo ra một khuôn khổ pháp lý [về khai thác chung] nhằm chuẩn bị cho chuyến thăm dự kiến của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Philippines trong tháng 11 tới.
Còn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố qua fax, các nhà lãnh đạo của cả hai bên “đã đạt được một sự nhất trí quan trọng về việc xử lý vấn đề Biển Đông một cách đúng đắn, bao gồm cam kết hợp tác thực tế và khai thác chung“, tuyên bố cũng nói thêm là hợp tác như vậy sẽ không ảnh hưởng đến lập trường pháp lý của mỗi bên trong tranh chấp.
Bắc Kinh đã ngăn chặn Philippines hoạt động ở Bãi Cỏ Rong, cách bờ biển Philippines 85 hải lý, bằng tàu tuần tra và đe doạ chiến tranh. Manila thì đang rất muốn khai thác những nguồn tài nguyên dự trữ ở đây để giải quyết vấn nạn thiếu hụt năng lượng đang lù lù hiện ra.
Phán quyết năm 2016 cho rằng, Philippines có đặc quyền đối với Reed Bank nhưng Trung Quốc đã từ chối tuân thủ phán quyết này. Sau chuyến thăm Bắc Kinh cuối tháng 8 vừa rồi, Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano cho biết, hai bên sẽ “gác tranh chấp” để phá vỡ bế tắc này.
Những tranh luận về thoả thuận đang được đề xuất này đã cho thấy tình huống khó xử mà các nước nhỏ hơn trong khu vực phải đối mặt khi Trung Quốc khẳng định sức mạnh quân sự, ngoại giao và kinh tế của mình, cùng với sự suy yếu chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Các quan chức ở Manila cho biết, họ ít có lựa chọn nếu không làm việc cùng Trung Quốc.
“Chúng ta vẫn phải tạo ra điều tốt nhất từ hoàn cảnh tồi tệ bằng cách giao thiệp với Trung Quốc“, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết trong một cuộc phỏng vấn tháng Sáu vừa rồi. Về Phán quyết của Toà trọng tài, ông nói: “Chúng ta vung nó vào mặt Tập Cận Bình và nói, ‘Hãy tuân thủ nó?’ Đây là một gã khổng lồ không tôn trọng phán quyết. Vậy chúng ta có thể làm được gì?”
Ông Lorenzana cho biết, Trung Quốc có sức mạnh để trừng phạt Philippines bằng cách hạn chế thương mại và du lịch, phong toả ngư trường của người Philippines và quấy rối các tàu tiếp tế quân sự. Quân đội Philippines không được trang bị để ngăn chặn sự xâm lấn của Trung Quốc. “Bây giờ đã quá muộn. Họ đã ở đó rồi“, ông nói.
Dưới sự lãnh đạo của ông Tập, Trung Quốc đã xây những hòn đảo nhân tạo vững chắc gần Philippines. Năm nay, Trung Quốc đã triển khai trên những hòn đảo này hệ thống tên lửa hành trình chống hạm, tên lửa đất đối không và các thiết bị gây nhiễu sóng điện tử.
Đồng thời, Bắc Kinh đã cung cấp hàng tỷ đô la đầu tư cơ sở hạ tầng cho Philippines, ngăn chặn hiệu quả một trong những tiếng nói mạnh nhất chống lại lập trường quyết đoán của Trung Quốc. Ông Duterte đã làm giảm tầm quan trọng của các tranh chấp biển với Trung Quốc, trong khi xa dần Mỹ và chậm chạp trong việc thực thi hiệp ước quốc phòng năm 2014.
Các nhà lập pháp, các quan chức và các nhà phân tích ở Manila nói, Philippines không thể dựa vào Washington, đồng minh quân sự lâu năm của mình, khi phải đối mặt với áp lực của Trung Quốc. Họ nhắc tới việc Washington từ chối làm rõ liệu Hiệp ước Quốc phòng có áp dụng cho một cuộc tấn công vào quân đội hay tàu thuyền Philippines ở Biển Đông hay không.
Các quan chức Hoa Kỳ đã bày tỏ cam kết với đồng minh Philippines, nhưng đã không đưa ra những bảo đảm cụ thể. Ông Lorenzana nói rằng, sự quan tâm của Hoa Kỳ đối với Biển Đông dường như chỉ dừng ở duy trì tự do hải hành.
Philippines không còn thời gian. Một phần ba nguồn cung cấp điện cho hòn đảo chính Luzon đến từ mỏ khí Malampaya, sẽ cạn kiệt trong vòng một thập kỷ. Thăm dò sẽ cần phải bắt đầu ngay bây giờ, theo các chuyên gia.
Từ lâu Bắc Kinh đã đề xuất khai thác chung. Năm 2011, một tàu khảo sát được thuê bởi Forum Energy PLC, một đơn vị sở hữu 70% của công ty Philippine PXP Energy Corp., đã bị các tàu giám sát biển của Trung Quốc rượt đuổi.
PXP Energy, sau đó được gọi là Philex Petroleum Corp., đã bắt đầu đàm phán với Công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc CNOOC nhưng các cuộc đàm phán nhanh chóng bị phá vỡ bởi một điều khoản cho Trung Quốc quyền đánh thuế liên doanh, một người hiểu biết về vấn đề này tiết lộ.
Những công ty dầu mỏ lớn phương Tây quan tâm đến Bãi Cỏ Rong đã dừng các cuộc thảo luận do tranh chấp, theo một nguồn tin. Ngày nay, rủi ro cho các công ty quốc tế lớn cao hơn.
“Làm thế nào để đi vào khu vực nơi đã xây dựng các trang thiết bị quốc phòng? Trung Quốc đã củng cố vị trí của mình rất mạnh mẽ“. Nguồn tin này nói.
Chính quyền Duterte đang phải lèo lái qua địa hình pháp lý và chính trị phức tạp. Thẩm phán Toà án Tối cao Antonio T. Carpio, một người ủng hộ chính sách cứng rắn với Trung Quốc, nói rằng một dự án khai thác chung cần phải tuân thủ hiến pháp, và sẽ tuân theo luật và thuế của Philippines.
Theo ông Carpio, giải pháp là một thỏa thuận mà Trung Quốc có thể được hưởng khoảng một nửa lượng khí hoặc tiền thu được từ khí đốt, nhưng không có quyền chủ quyền. Ông nói, thực tế Philippines sẽ ký hợp đồng với một công ty nhà nước Trung Quốc và phân chia sản lượng hoặc lợi nhuận.
Đạt được một thoả thuận chung với Philippines sẽ mở cánh cửa cho Trung Quốc thúc đẩy sự nhượng bộ từ các nước Đông Nam Á khác đã thách thức yêu sách bành trướng của nước này ở Biển Đông, và ngăn chặn sự tham gia của các công ty dầu mỏ của phương Tây như Exxon Mobil, ông nói.
Vì lý do này, theo GS Carl Thayer, Trung Quốc có thể sẵn sàng chấp nhận tỷ lệ 60 – 40 (Phi nắm 60%) phù hợp với hiến pháp Philippines.
Hoa Kỳ đã phản ứng sự bành trướng của Trung Quốc bằng các chiến dịch “tự do haỉ hành” nhằm khẳng định quyền tự do đi lại trong những vùng biển quốc tế. Và tuần trước, đến lượt Hải quân Hoàng gia Anh đã triển khai tàu HMS Alibion tới Biển Đông, dẫn tới những phản ứng tức giận từ Bắc Kinh, dù con tàu này đã không tới gần các hòn đảo tranh chấp.
Tuy nhiên những hành động này, hay các yêu cầu lặp đi lặp lại là Bắc Kinh cần phục tùng thẩm quyền của các Toà án quốc tế, rõ ràng là đã không kiềm chế được quyết tâm của Trung Quốc, tờ The Times của Anh bình luận.
Exxon Mobil – Trung Quốc
Trong một dòng sự kiện khác, báo Wall Street Journal ngày 11/9 tiết lộ, tập đoàn dầu khí Hoa Kỳ Exxon Mobil đã bắt đầu đàm phán với các quan chức Trung Quốc từ đầu năm ngoái về kế hoạch đầu tư cho một dự án tổ hợp hoá dầu trị giá 10 tỷ USD ở Quảng Đông.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã công khai bộc lộ “hơn cả chào đón” kế hoạch đầu tư của tập đoàn này trong một buổi gặp gỡ Giám đốc điều hành tập đoàn Darren Woods ngày 7/9, được phát sóng trên đài truyền hình Trung ương.
Trước đó, ngày 5/9, một thoả thuận khung đã được ký kết giữa Exxon Mobil và chính quyền tỉnh Quảng Đông để xây dựng một khu phức hợp hoá dầu trong một khu công nghiệp địa phương, theo AP.
Exxon Mobil cho biết, dự án này có thể được triển khai vào năm 2023 và đang được xem xét để đưa ra “một quyết định đầu tư cuối cùng”.
Ở Việt Nam, theo Facebook Điểm nóng Toàn cầu, Exxon hiện tham gia dự án hợp tác phát triển mỏ khí Cá voi Xanh thuộc lô 118 ở ngoài khơi miền trung. Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương ở Đà Nẵng hồi tháng 11/2017, Exxon đã được trông đợi sẽ công bố việc chính thức khởi động dự án 10 tỷ USD này. Tuy nhiên, tại Hội nghị Doanh nhân APEC 2017 diễn ra trong dịp này, Chủ tịch Exxon Mobile Development Liam Mallon thông báo quyết định đầu tư cuối cùng chỉ được đưa ra cuối năm 2019.
Những thông tin khác: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng thống Indonesia Joko Widodo — Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa — Lực đẩy cho chính sách hướng Đông của Nga (Tin Tức) – Nga và Trung Quốc sẽ xem xét sử dụng đồng Rúp và đồng Nhân dân tệ cho các giao dịch giữa hai nước, thay vì dùng đồng USD (VnEconomy).