BTV Tiếng Dân
Biển Đông trong quan hệ Việt – Trung
Báo Dân Trí đưa tin về cuộc hội đàm giữa ông Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng VN, với ông Hàn Chính, Ủy viên BCT, Phó Thủ tướng Quốc Vụ viện Trung Quốc, diễn ra hôm qua, tại Nam Ninh, Trung Quốc. Về vấn đề Biển Đông, ông Vương Đình Huệ đề nghị, hai bên hai bên nghiêm túc tuân thủ nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, nhất là “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển”.
Những điều phía Việt Nam đề nghị với TQ về Biển Đông trong lần gặp gỡ này cũng không có gì mới, vì nó đã được nói đi nói lại nhiều lần mỗi khi lãnh đạo hai nước gặp nhau như: “Kiểm soát tốt bất đồng trên biển, kiên trì giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực; thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC); cùng các nước ASEAN thúc đẩy đàm phán thực chất để xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả“.
Đọc thêm: Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ hội đàm với Phó Thủ tướng Quốc Vụ viện Trung Quốc (LĐ). Thêm thông tin về Biển Đông: Cục Xuất bản yêu cầu thu hồi cuốn sách “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” (Soha). – Trung Quốc thử nghiệm thủy phi cơ “khủng” cho tham vọng Biển Đông (GT). – Việt Nam – Indonesia: Khẳng định lập trường nhất quán trong vấn đề Biển Đông (CATP). – Chuyên gia: Mạnh miệng với Trung Quốc về Biển Đông, đừng tưởng ông Duterte đã “ngả” về Mỹ (Soha). – Liệu Philippines có “sập bẫy” gác tranh chấp, cùng khai thác của Trung Quốc? (GDVN).
Nguy cơ mất chủ quyền quốc gia từ Sáng kiến Vành đai Con đường: Zambia đang trở thành tài sản của Trung Quốc như thế nào?
Một bài viết trên trang The Africa Exponent đã tiết lộ cách mà những tài sản chiến lược của nền kinh tế Zambia đang rơi vào tay Trung Quốc. Dưới đây là bản dịch bài viết:
Bẫy nợ Trung Quốc đang đe doạ chủ quyền Zambia. Đã có báo cáo rằng các cuộc đàm phán đang được tiến hành để chuẩn bị cho một công ty Trung Quốc tiếp quản ZESCO – công ty điện lực quốc gia Zambia.
Nguy cơ từ bẫy nợ Trung Quốc, vốn bị một số nhà lãnh đạo châu Phi coi là ý tưởng ngu ngốc, đang đe dọa toàn bộ chủ quyền Zambia. Khi Zambia tiếp tục mặc định trả nợ các khoản vay của Trung Quốc, người Trung Quốc đang dần dần tiếp quản các công ty Zambia và nhiều lợi ích kinh tế khác.
Công ty điện quốc gia Zambia, ZESCO, sẽ được một công ty Trung Quốc tiếp quản. Ngày càng có nhiều lo ngại rằng Zambia sẽ buộc phải chấp nhận mất chủ quyền nếu chính phủ của họ mặc định phải trả nợ các khoản vay của Trung Quốc; vì người Trung Quốc sẽ chiếm đoạt các tài sản quốc gia của họ.
Những báo cáo này được tiết lộ bởi Africa Confidential và Africa Confidential thậm chí còn nói rằng ZNBC (đài truyền hình quốc gia) đã được điều hành bởi người Trung Quốc. Điều này đã được đưa ra ánh sáng trong một báo cáo có tựa đề “Trái phiếu, hóa đơn và những món nợ lớn chưa từng có” được đăng tải vào ngày 3 tháng 9. Africa Confidential cho biết, các cuộc đàm phán đang được tiến hành cho việc Trung Quốc tiếp quản ZESCO.
“Một lo lắng lớn của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Hoa Kỳ là chiến lược Vành đai Con đường của Trung Quốc, đầu tiên khuyến khích nợ nần, sau đó tiếp nhận tài sản chiến lược quốc gia khi những con nợ rơi vào tình trạng mặc nhiên phải trả nợ. Công ty điện lực nhà nước Zesco đã bắt đầu triển khai đàm phán cho việc tiếp quản bởi một công ty Trung Quốc, theo như Africa Confidential được biết. Kênh truyền hình và đài phát thanh quốc gia ZNBC đã thuộc sở hữu của Trung Quốc. Kết quả dài hạn có thể là quyền sở hữu thực tế của Trung Quốc đối với những vị trí đóng vai trò chỉ huy nền kinh tế và có khả năng mất chủ quyền quốc gia nhiều nhất kể từ khi độc lập”, báo cáo cho biết.
Những con số thật về việc Zambia đang ở trong tình thế hoàn toàn không được bảo vệ trước những khoản chịu nợ Trung Quốc sẽ khiến nhiều người Zambia lo sợ, Africa Confidential cảnh báo. Các dự án cơ sở hạ tầng “bị bội giá” với sự “hỗ trợ” của Trung Quốc đã khiến nhiều nước châu Phi gặp khó khăn về tài chính, và hiện tại Hoa Kỳ đang kêu gọi Quỹ Tiền tệ Quốc tế không bảo lãnh các nước như vậy.
Các hoạt động của Trung Quốc ở châu Phi đã được các chính trị gia Mỹ gọi là “săn mồi qua tài trợ cơ sở hạ tầng” và “ngoại giao bẫy nợ”. Zambia không chính thức được phân loại là có nguy cơ cao về áp lực nợ, nhưng điều này có thể là do phần lớn nợ của Zambia đối với Trung Quốc chưa được báo cáo đầy đủ. Quan điểm của chính phủ do Bộ trưởng Tài chính Margaret Mwanakatwe đưa ra là, tất cả các dự án của Trung Quốc hoàn thành dưới 80% sẽ bị dừng lại, nhưng Tổng thống Edgar Lungu đã bảo đảm với người Trung Quốc rằng tất cả các dự án sẽ vẫn được tiến hành theo kế hoạch.
Những lo ngại rằng Trung Quốc tiếp quản kinh tế ở châu Phi đang ngày càng dữ dội hơn. Cách chính phủ châu Phi ký thỏa thuận với Trung Quốc khiến họ không phải chịu nhiều trách nhiệm và giải trình minh bạch. Vô số khoản mà Trung Quốc cho Zambia vay trong năm năm qua hiện đang ám ảnh đất nước này, bởi vì Trung Quốc hầu như luôn nắm thế thượng phong trong việc đàm phán những thỏa thuận này.
Zambia dường như đang ở trong tình trạng hiểm nghèo nhất lúc này, nhưng nếu cách thức đàm phán giao dịch không thay đổi, toàn bộ mối quan hệ giữa châu Phi và Trung Quốc sẽ không còn là quan hệ đối tác nữa. Hoặc có thể là chưa bao giờ. Zambia sẽ làm thế nào để trả được một khoản nợ khổng lồ như vậy? Nhận nhiều hơn và vay nhiều hơn sẽ đẩy đất nước vào tình thế tự tử.
Chính phủ đã ký một số dự án PPP tại Zambia, mà đã chuyển cho chính phủ Trung Quốc, thông qua các công ty Trung Quốc, quyền kiểm soát các tài sản chiến lược của mình nhưng không được gì đổi lại trong thời gian không dưới 30 năm. Các dự án như Sân bay Lusaka, tất cả các trạm thu phí và East Park Mall chỉ là một vài ví dụ.
Zambia và lớn hơn là cả lục địa châu Phi, đang giẫm lên một con đường nguy hiểm. Trung Quốc đang nhận được đòn bẩy chính trị rất lớn từ các khoản nợ mà họ là chủ nợ. Nó mang lại cho họ cơ hội để khai thác các nguồn tài nguyên của châu Phi. Trong trường hợp này, chủ quyền của Zambia đang bị đe dọa.
Đọc thêm: Trung Quốc bành trướng ảnh hưởng tại sân sau của Mỹ (DT).
Hợp tác quốc phòng
Truyền thông trong nước đưa tin, sáng 11-9, khu trục hạm Hải quân Hàn Quốc ROKS Munmu The Great mang tên lửa hành trình đã cập cảng Tiên Sa, TP Đà Nẵng, bắt đầu chuyến thăm chính thức Đà Nẵng. Đây là lần thứ hai tàu hải quân Hàn Quốc cập cảng Tiên Sa.
Chuyến thăm lần này do đại tá Doh Jin Woo, Chỉ huy trưởng nhóm huấn luyện tuần tra trên biển Hàn Quốc, làm trưởng đoàn, cùng 302 sĩ quan và thủy thủ. Đoàn sẽ lưu lại Đà Nẵng 4 ngày. Trong 4 ngày ở Đà Nẵng, chỉ huy và sĩ quan tàu khu trục Roks Moon Mu The Great sẽ đến chào xã giao lãnh đạo thành phố và Bộ tư lệnh Vùng 3 Hải quân. Hai bên sẽ huấn luyện chung, chia sẻ kinh nghiệm bảo đảm an ninh, an toàn trên biển và hòa bình khu vực.
Zing dẫn lời ông Kim Do-hyun, đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, cho biết, chuyến thăm của tàu Hải quân Hàn Quốc cho thấy, hai nước sẵn sàng hợp tác với nhau trên biển để duy trì hòa bình, ổn định và tự do hàng hải trong khu vực. Trong thời gian tới, Hàn Quốc sẽ chuyển giao tàu tuần tra trên biển cho Việt Nam, thể hiện mối quan hệ quốc phòng giữa 2 nước trong tương lai.
Báo chí trong nước cho biết, tàu khu trục Roks Moon Mu The Great có chiều dài 150 m, rộng hơn 17 m, cao 9,5 m, trọng tải 4.400 tấn, tốc độ 30 hải lý/giờ. Tàu được trang bị hệ thống radar hàng hải hiện đại, cùng nhiều vũ khí như tên lửa, ngư lôi, pháo hạm. Nhiệm vụ của tàu là trinh sát, giám sát, tuần tra, chống ngầm, chống hạm, tấn công mục tiêu trên bộ.
Cùng ngày, Đại sứ quán Canada tại Việt Nam cho biết, tàu Hải quân Hoàng gia Canada (HMCS) Calgary và Tàu MV Asterix sẽ tới Đà Nẵng trong ngày 26-9 tới, nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Canada và Việt Nam, theo tin từ báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh.
Clip của báo Thanh Niên: Cận cảnh tàu chiến Hàn Quốc thăm hữu nghị Đà Nẵng.
Thông tin khác: Thủ tướng: ‘Chúng tôi muốn duy trì quan hệ tốt đẹp cả với Mỹ và Trung Quốc’ (VN Finance). – Clip Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời phỏng vấn (Bloomberg).