Nhân quyền ở Việt Nam
Sau khi bà Debbie Stothard, Tổng thư ký Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế bị câu lưu ở sân bay Nội bài hôm 9/9, khi bà trên đường tới Hà Nội để tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), thì ngày hôm sau, đến lượt ông Minar Pimple, Giám đốc cao cấp Ân xá Quốc tế bị từ chối visa vào Việt Nam để tham dự hội nghị này, RFA dẫn nguồn từ Tổ chức Ân xá Quốc tế, cho biết.
Ông Kumi Naidoo, Tổng thư ký Ân xá Quốc tế, tuyên bố: “Chúng tôi phản đối quyết định này bởi nó nhằm bóp nghẹt tiếng nói của một người có đóng góp thường xuyên đối với Diễn đàn Kinh tế Thế giới, người đã lên tiếng cho nhân quyền ở mức độ cao nhất trên toàn thế giới. Điều này xảy ra trong bối cảnh quyền tự do biểu đạt đang bị đe dọa nghiêm trọng tại Việt Nam. Hành động này của chính quyền đã phá hoại một sự kiện vốn dựa trên sự đa dạng về quan điểm, và họ đang phá hỏng thanh danh của ASEAN”.
Mời xem clip của VOA:
Cũng tin nhân quyền, Facebooker Khải Thành đưa tin, gia đình TNLT Trương Văn Kim bị an ninh huyện Di Linh – tỉnh Lâm Đồng, khủng bố, đánh ông Kim trọng thương ở đầu và gãy một cánh tay… hiện ông đang cấp cứu tại bệnh viện. Facebooker này còn chia sẻ hình ảnh cho thấy, những kẻ muốn hãm hại ông Kim đã lập bàn thờ, đốt nhang, rải tiền âm phủ xung quanh di ảnh ông, đe dọa tín mạng của ông.
An ninh Lâm Đồng nổi tiếng trong việc khủng bố các nhà hoạt động bất đồng chính kiến. Tháng 6/2018, cựu TNLT Nguyễn Thị Minh Hạnh cùng ba cô đã bị “khủng bố” bằng bom xăng ngay tại nhà. Năm 2015, cựu TNLT Trần Minh Nhật cũng liên tục bị côn đồ khủng bố và phá hoại kinh tế.
Về việc trang Tiếng Dân và các trang mạng khác liên tục bị tấn công trước đây, trang eQualitie có bài phân tích: Tấn công DDoS chống lại xã hội dân sự Việt Nam. Bài viết phân tích 10 cuộc tấn công DDoS khác nhau từ ngày 17/4/2018 đến ngày 15/6/2018. Mặc dù không nêu đích danh những kẻ chủ mưu là ai, nhưng người đọc cũng có thể đoán được, bởi vì các vụ tấn công này xảy ra trong bối cảnh không có tự do internet ở Việt Nam, và các cuộc tấn công mạng thường xuyên xảy ra, chống lại các nhà hoạt động và các trang tin độc lập như Tiếng Dân.
Mời đọc thêm: Báo cáo LHQ: VN trong số quốc gia ‘lờ’ quyền bảo mật thông tin riêng tư (VOA). – Việt Nam cấm đại diện 2 tổ chức nhân quyền quốc tế nhập cảnh (RFI). – VN cấm lãnh đạo nhân quyền quốc tế nhập cảnh (BBC). – Việt Nam cấm nhập cảnh Tổng Thư ký Liên Đoàn Quốc tế về Nhân Quyền — Theo dõi nhân quyền quốc tế: Nhật Bản phải nêu quan ngại nhân quyền với Việt Nam (RFA). – HRW: ‘Nên xét lại việc tổ chức các sự kiện quốc tế tại Hà nội’ (VOA). – Tù nhân lương tâm Trương Văn Kim bị sách nhiễu, đánh đập (FB Đỗ Thị Minh Hạnh). – Tính mạng con người chỉ có giá trị dưới chế độ nhân bản (TD).
Việt Nam dạy Lào cách siết chặt thông tin trên mạng xã hội
Báo Vietnamnet đưa tin: Việt Nam chia sẻ với Lào về kinh nghiệm quản lý mạng xã hội. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT chia sẻ với ông Bosengkham Vongdara, Bộ trưởng Bộ TT-VH-DL Lào: “Nếu chúng ta không quản lý được các mạng xã hội thì về lâu về dài có rất nhiều bất lợi. Mạng xã hội đang trở thành một quyền lực, về lâu dài còn lớn hơn cả báo chí. Đã đến lúc chúng ta dành nguồn lực, sự quan tâm để quản lý tốt mạng xã hội, nên coi mạng xã hội như một hình thức báo chí”.
Việt Nam bị RSF xếp hạng 175/180 về tự do báo chí năm 2018, kém Lào tới 5 bậc, nhưng lại đi dạy Lào cách quản lý thông tin mạng xã hội. Năm 2015, theo báo cáo của CPJ – Ủy ban Bảo vệ Nhà báo về 10 nước kiểm duyệt nhất thế giới, cái tên Việt Nam xuất hiện trong danh sách 10 nước vi phạm. Thậm chí, Việt Nam còn là một trong sáu nước giam giữ nhiều nhà báo nhất thế giới, theo một báo cáo khác của CPJ, được trang Luật Khoa đưa tin hồi đầu năm 2017.
Mời đọc thêm: Chuyên gia: Mạng xã hội chỉ dùng trong biên giới ‘chẳng có nghĩa gì’ (VOA). – Việt Nam cần thêm chế tài để quản lý Google, Facebook (VNN). – Chống “diễn biến hòa bình”: Ngăn ngừa hành vi lợi dụng internet, mạng xã hội để xuyên tạc về quyền con người (QĐND). – Người làm báo Đà Nẵng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (ĐCSVN).
Chống tham nhũng chỉ là trò khỉ!
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nói: ‘Một số cán bộ có tài sản rất lớn không giải trình được nguồn gốc’ nhưng chưa có cách xử lý, theo Zing. Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp QH cho biết, dự thảo luật phòng, chống tham nhũng đưa ra hai phương án xử lý tài sản bất minh: Phương án 1 là xem xét, giải quyết tại toà và phương án 2 là thu thuế thu nhập cá nhân.
Phó chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển ủng hộ phương án 2, tức là cho nộp thuế để hợp thức hóa tài sản tham nhũng. Ông Hiển nói: “Anh không chứng minh được thì chuyển sang cơ quan thuế, bắt nộp thuế và xử phạt, quy định từ thu thuế luỹ tiến từng phần, rồi mức phạt đều có rồi. Chúng ta làm nghiêm thì cứ luật thuế mà xử, cần gì chuyển sang toà, sang viện kiểm sát, thủ tục rất rườm rà“.
Nhà báo Trân Văn có bài: Khi chống tham nhũng chỉ là … trò khỉ. Tác giả cho rằng, chuyện Quốc hội họp bàn để sửa dự luật Phòng – Chống tham nhũng chỉ là trò khỉ, khi tài sản của các quan chức cao cấp không được công bố để dân chúng kiểm tra, giám sát. Các bản kê khai tài sản của các quan được giữ kín theo kiểu bảo vệ bí mật quốc gia, tiết lộ chúng là vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật Đảng, thì trò chống tham nhũng chỉ bày ra để gạt dân.
Mời đọc thêm: Minh bạch thu nhập, tài sản để phòng, chống tham nhũng (CAND). – Chủ nhiệm Ủy ban Tư Pháp: Muốn ổn định, không động đến ai mà chống được tham nhũng thì quá khó! (SGGP). – “Quan tâm nhất của người dân là thu hồi tài sản tham nhũng” (VnMedia). – Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong hiến kế ngăn chặn “nhóm lợi ích” (GDVN). – ‘Còn tồn tại nhà nước là còn tham nhũng’ (TTVN).
Vụ bê bối đất đai ở Thủ Thiêm
Báo Giáo Dục VN có bài: Ông Lê Thanh Hải đã cho thu hồi đất Thủ Thiêm như thế nào? Các cơ quan lãnh đạo TPHCM đã vi phạm khi: “giao đất cho doanh nghiệp không đúng với giấy phép kinh doanh; không đúng thẩm quyền; không có quy hoạch chi tiết 1/2000 được duyệt; chưa ký hợp đồng thuê đất vẫn cho phép sử dụng; giao đất công không qua đấu giá…”
Facebooker Nguyễn Tuấn Anh viết: Thịt Thủ Thiêm có thơm không? Ông Tuấn nhận định, rõ ràng là lãnh đạo TPHCM đã cướp đất của dân: “Họ đã coi đất của dân như của riêng họ, tự tiện giao cho doanh nghiệp thân hữu đầu tư vô tội vạ để kiếm lời trên mồ hôi nước mắt của dân đen. Nó không khác gì các nghiệp đoàn tội phạm câu kết với chính quyền ở Hongkong. Điều này thể hiện sự tha hoá, tham lam và độc ác đến tận cùng“.
Vụ án Mobifone mua AVG
Báo VnExpress đưa tin: Thứ trưởng Thông tin Truyền thông Phạm Hồng Hải bị khiển trách. TT Nguyễn Xuân Phúc ban hành quyết định kỷ luật ông Phạm Hồng Hải về những sai phạm liên quan đến vụ MobiFone mua lại 95% cổ phần Công ty AVG. Bài báo cho biết, ông Hải vi phạm quy chế, thiếu trách nhiệm trong công việc, để Công ty AVG vi phạm quy chế, gây thiệt hại 7.000 tỉ đồng.
Trước đó, nhiều lãnh đạo bị kỷ luật liên quan đến đại án AVG, trong đó có ông Nguyễn Bắc Son, cựu Bộ trưởng Bộ TT&TT và đương kim Bộ trưởng Trương Minh Tuấn bị kỷ luật, thuyên chuyển về Ban Tuyên giáo Trung ương.
Mời đọc thêm: Vụ AVG: Thủ tướng kỷ luật khiển trách Thứ trưởng Bộ TTTT (MTG) – Kỷ luật Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Hồng Hải (NLĐ). – Sai phạm của Bộ TT&TT trong vụ AVG như thế nào? (TP). Mời đọc lại: Kết luận của Thanh tra Chính phủ vụ Mobifone mua AVG: Hàng loạt Bộ bị ‘điểm danh’ (VTC). – Khởi tố vụ án Mobifone mua 95% cổ phần AVG (VNN). – Khởi tố vụ án Mobifone mua AVG, bắt tạm giam ông Lê Nam Trà, ông Phạm Đình Trọng (DT).
Cựu quan chức công an lĩnh án 14 năm tù
Báo VnExpress đưa tin: Cựu cán bộ Công an TP HCM lĩnh 14 năm tù vì buôn lậu 54 ôtô sang. Ông Nguyễn Giang Lam, cựu cán bộ Phòng quản lý Xuất nhập cảnh Công an TP.HCM, cùng ông Nguyễn Quang Vinh bị tuyên 14 năm tù, Trần Phước Thạnh 12 năm tù, Trần Thái Nguyên 8 năm tù về tội buôn lậu. Riêng Bùi Khắc Hà, cựu cán bộ Cục quản lý XNC Công an TP.HCM, án 5 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”.
Cáo trạng cho biết, để nhập khẩu xe ôtô miễn thuế, theo chính sách của Chính phủ VN cho phép mỗi Việt kiều hồi hương được mang về một chiếc ôtô đang sử dụng. Lợi dụng việc này, Bùi Khắc Hà đóng dấu giả vào hộ chiếu của một số Việt kiều; sau đó Lam, Vinh cùng đồng bọn đã hợp thức hóa hồ sơ, bán lậu hàng chục xe ôtô, trục lợi hàng chục tỉ đồng.
Mời đọc thêm: Buôn lậu siêu xe, trốn cả trăm tỷ tiền thuế (TP). – Buôn lậu ‘xế hộp’ siêu sang, 2 cựu cảnh sát kêu oan (VNN). – Buôn lậu hơn 50 siêu xe núp bóng Việt kiều hồi hương gây thất thu thuế trăm tỷ (CA). – Buôn lậu nhiều siêu xe, cựu cán bộ công an lĩnh 14 năm tù (Zing).
Truy tố một cựu phóng viên vì tội tống tiền
Báo Pháp Luật TP.HCM có bài: Truy tố nữ phóng viên đòi tiền doanh nghiệp tội lừa đảo. Bà Lê Hoàng Uyển, cựu phóng viên tạp chí Hướng Nghiệp và Hòa Nhập cùng đồng phạm là Võ Hoàng Hà, cựu chủ tịch HĐQT Công ty CP Hóa chất khử trùng Châu Á, bị truy tố về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Sau khi viết loạt bài về sai phạm của Công ty BĐS Cao Thắng “Vẽ khu du lịch 1.000 tỉ bằng miệng”, Uyển được Võ Thành Long, Tổng GĐ công ty nhờ gỡ bài. Sau đó, Uyển liên hệ với T “trưởng ban một tờ báo khác” và được T ra giá 600 triệu đồng để gỡ bài, Uyển báo lại với ông Long giá 700 triệu, thêm 30 triệu chi phí đi đường. Để thực hiện êm xuôi, Uyển đã nhờ Võ Hoàng Hà tìm cách hợp thức hóa việc nhận tiền từ ông Long. Cả 2 bị bắt khi đang nhận tiền tại một quán cà phê.
Liên quan đến vụ án, báo Kiến Thức đặt câu hỏi: “Sếp” tờ báo liên quan đến “nhà báo tống tiền” bây giờ ở đâu? Theo cơ quan công an, bà T, Trưởng ban Kinh tế của một tờ báo khu vực phía nam, là người có liên quan đến vụ án, đã rời địa phương, xuất cảnh sang Mỹ.
Mời đọc lại: Bắt quả tang nữ phóng viên nhận 280 triệu đồng của doanh nghiệp — Nữ PV nhận 280 triệu bị bắt: Hai Tổng biên tập nói gì? (Soha).
Sơn La: Hiệu trưởng gạ tình cô giáo
Về vụ bê bối ở trường Phổ thông dân tộc nội trú Vân Hồ, tỉnh Sơn La, khi hiệu trưởng trường này gửi những tin nhắn tục tĩu, gạ tình cô M. không được, nên đã o ép, trù dập cô giáo này. Sau khi cô M. công bố tin nhắn, Hiệu trưởng Ngần Văn Thanh nói có nhắn tin, nhưng không gạ tình cô giáo, báo Giáo Dục VN đưa tin. Nội dung tin nhắn như sau:
Ông Thanh phủ nhận: “Không thể nói là tôi gạ tình cô M. bởi thời điểm tôi và cô M. nhắn tin qua mạng xã hội thì cô M. vẫn đang công tác ở một trường cấp 2 khác trên địa bàn huyện. Còn khi cô M. về trường tôi công tác, bản thân tôi là hiệu trưởng đã giữ đúng mực với cô M… Nội dung tin nhắn giữa tôi và cô M. là chỉ hai người biết, không có người thứ ba biết. Như vậy không thể nói điều đó gây ảnh hưởng đến uy tín, nhân phẩm, danh dự của cô M”.
Sách Công nghệ Giáo dục
Vụ tranh luận về bộ sách Tiếng Việt 1 Công nghệ Giáo dục vẫn chưa ngưng. Trang Zing có bài: PGS Nguyễn Lân Hiếu: Có lợi ích nhóm sau tranh luận về GS Hồ Ngọc Đại. Trang Giáo Dục Việt Nam đáp trả: Về lợi ích nhóm đằng sau tranh luận xung quanh Giáo sư Hồ Ngọc Đại.
Trang Tiếng Dân cũng đã đăng những bài viết với hai luồng dư luận khác nhau, đó là bài của nhà báo Lê Phú Khải: Giáo sư Hồ Ngọc Đại bị “ném đá” vì chúng ta sống ngoài nhân loại đã quá lâu rồi. Bài viết của nhà văn Dạ Ngân phản bác bộ sách này: Mấy lời gan ruột cùng với bài của GS Nguyễn Đăng Hưng: “Công nghệ Giáo dục”, nên hay không, làm sao xử lý?
Thêm tin giáo dục: Những “sáng kiến vặt tiền” mà phụ huynh đau cũng không kêu, không la — Công dân đề nghị Công an vào cuộc vụ bớt xén cả trăm triệu đồng tiền bán trú — Nhiều năm liền, giáo viên phải đi trực đêm – chuyện thật như đùa ở Tiền Giang — Nói thật, Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ là bù nhìn — Thầy Hiền, thầy Đại có lỗi không? (GDVN).