BTV Tiếng Dân
Con Đường Tơ Lụa trên Biển Thế Kỷ 21: Những Hệ Quả An Ninh cho Biển Đông và Khu vực Ấn Độ Dương
Một báo cáo chính sách được thực hiện và công bố bởi Viện Nghiên cứu Hoà bình Quốc tế Stockholm (Stockholm International Peace Research Institute) ở Thuỵ Điển và Viện Friedrich-Ebert-Stiftung của Đức.
Báo cáo trình bày một phân tích về các tác động an ninh của một trong hai thành phần cấu thành nên Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), đó là Con đường – dựa trên biển, hay còn gọi là Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21 (sau đây gọi tắt là Con đường). Báo cáo đánh giá các tác động an ninh trong hai không gian biển chiến lược mà Con đường đi qua: đó là Biển Đông và Vùng Ấn Độ Dương.
Báo cáo được chia thành ba chương:
Chương 1: Phân tích phạm vi và sự phát triển chiến lược của Con đường, cũng như các lý do kinh tế, chính trị và an ninh của Trung Quốc là nền tảng của chiến lược. Phạm vi địa lý của Con đường đã không ngừng mở rộng ra các vùng biển mới. Sự phát triển chiến lược của nó gần đây đã được đặc trưng bởi sự tập trung lớn hơn vào hợp tác về các vấn đề an ninh hàng hải chung và phát triển “xanh”. Đặc biệt khi được liên kết với Vành đai, Con đường được thiết kế để thu hẹp khoảng cách kết nối rộng lớn và không có sáng kiến nào tương tự có thể sánh ngang về quy mô, tốc độ và tính cam kết.
Mặc dù ý tưởng chiến lược này chắc chắn sẽ thu được những lợi ích phụ tích cực ở các khía cạnh phát triển, kết nối và hợp tác, một số quốc gia đã có những lo ngại về hậu quả an ninh tiềm ẩn của nó. Trong số những lo ngại này là việc thông qua Con đường, Trung Quốc sẽ có thể sở hữu một số cảng biển chiến lược cung cấp các phương tiện hậu cần cho việc mở rộng hải quân biển xanh.
Con đường tơ lụa trên biển nhằm phục vụ một loạt lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, bao gồm phát triển nền kinh tế xanh (blue economy – dựa trên sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên đại dương) hơn 1,2 ngàn tỷ đô la, cải thiện an ninh lương thực và năng lượng, đa dạng hóa và đảm bảo các tuyến đường giao thông biển (SLOC), bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và tăng cường sức mạnh diễn ngôn quốc tế.
Con đường có tiềm năng mở rộng không gian chiến lược hàng hải cho Trung Quốc vượt ra ngoài các vùng biển gần bờ và cho phép nước này và các quốc gia tham gia Con đường cùng định hình trật tự hàng hải toàn cầu. Trong cấu trúc này, Trung Quốc, giống như các cường quốc trước đây và hiện tại, tìm cách giảm tác động của các lực phá hoại đối với các chuỗi cung ứng chủ chốt.
Sáng kiến này sẽ cho phép Trung Quốc xây dựng khả năng phục hồi nếu bị cô lập về kinh tế hoặc ngoại giao có thể tác động tiêu cực đến nền kinh tế và kế tiếp là ổn định trong nước. Tuy nhiên, đồng thời với lợi ích tích cực, Trung Quốc cũng đang gánh chịu những rủi ro đáng kể khi đầu tư vào các quốc gia yếu ớt, và điều này có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế mà nước này đang cố gắng bảo vệ.
Trong chương 2, báo cáo trình bày chi tiết cách Con đường tương tác với các quốc gia và động lực an ninh ở Biển Đông và khu vực Ấn Độ Dương. Sự phục hưng của Trung Quốc trên biển, mà mũi nhọn là con đường tơ lụa, đã khiến vấn đề an ninh Biển Đông và Khu vực Ấn Độ Dương trở nên phức tạp hơn. Đây là những không gian an ninh đang xảy ra tranh chấp giữa các quốc gia trong và ngoài khu vực nhiều hơn so với những khu vực chiến lược của Vành đai.
Trên Biển Đông, sáng kiến con đường tơ lụa trên biển đã hấp dẫn hầu hết các nước ASEAN vốn đang có mối quan tâm mạnh mẽ về việc tăng cường kết nối, các cơ hội kinh tế và mối quan hệ tốt với Trung Quốc. Điều đó để nói rằng, sáng kiến Con đường đã bị ảnh hưởng bởi và cũng gây ảnh hưởng đối với các tranh chấp biển và quyền tài phán đã tồn tại trước đó. Điều này tác động đến khả năng tiếp nhận của các quốc gia Đông Nam Á có yêu sách ở Biển Đông, hai trong số đó, Việt Nam và Philippines, đã phần nào lo lắng về đầu tư của Trung Quốc.
Ngoài ra, đôi khi kế hoạch Con đường cũng làm nhóm lại những áp lực và căng thẳng đang tồn tại giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực. Đã luôn có dao động giữa sự tiết chế để cùng theo đuổi phát triển kinh tế hàng hải chung và tạm gác tranh chấp, với sự gia tăng các mối lo ngại giữa các nước trong khu vực về dấu ấn ngày càng tăng của Trung Quốc và chaỵ đua vũ trang trong khu vực.
Bối cảnh đó, cùng với chính sách không rõ ràng của Hoa Kỳ, cũng như việc thiếu vắng một kiến trúc an ninh khu vực hiệu quả và sự gắn kết của ASEAN, đã khiến một số nước bị bao vây bởi những lo ngại về tầm nhìn an ninh của Trung Quốc đối với khu vực và sự cạnh tranh giữa các cường quốc có thể ảnh hưởng tới an ninh quốc gia mình. Điều này khiến cho bức tranh về tương lai khu vực trở nên mơ hồ.
Đây là một báo cáo trước hết dành cho giới hoạch định chính sách châu Âu, bởi vậy, chương 3 của báo cáo đánh giá những triển vọng cũng như đưa ra các tư vấn chính sách cho châu Âu. Mặt khác những kết quả của nghiên cứu của nhóm tác giả cũng có thể là mối quan tâm của các những bên quan tâm khác ngoài châu Âu, trong đó có dư luận Việt Nam.
Thêm một số thông tin khác: TQ lần đầu tham gia tập trận hải quân lớn nhất của Australia (Zing). – Úc mời Trung Quốc tập trận chung, không cho bắn đạn thật (MTG). – Trung Quốc có thể đưa thủy phi cơ lớn nhất thế giới xuống Biển Đông? (DV).